TP Hồ Chí Minh: Huy động vốn và cho vay có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại
Mặc dù hoạt động của các tổ chức tín dụng vẫn duy trì trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16, nhưng việc hạn chế đi lại cùng với những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 lên các lĩnh vực kinh tế đã khiến huy động vốn và cho vay trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại.
Khách hàng giao dịch tại Hội sở Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 7/2021, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt hơn 3,02 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 4% so với cuối năm trước.
Trong đó, vốn huy động bằng VNĐ chiếm tỷ trọng 88,6%, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 5,38% so với cuối năm; còn lại vốn huy động bằng ngoại tệ chiếm tỷ trọng 11,4%, tăng 1,3% so với tháng trước và giảm 5,58% so với cuối năm.
Dù huy động vốn có xu hướng tăng trưởng chậm lại, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19 thì việc huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn vẫn duy trì tăng trưởng dương là tín hiệu khá tích cực. Mặt khác, nếu so với cùng kỳ năm trước, huy động vốn trên địa bàn trong 7 tháng 2021 có tốc độ tăng trưởng cao hơn và tăng tới 14% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, bộ phận tiền gửi thanh toán duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định so với cuối năm 2020, với mức tăng 4,71% trong 7 tháng đầu năm 2021, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng huy động vốn trên địa bàn (54%). Trong khi đó, bộ phận tiền gửi tiết kiệm duy trì tăng trưởng nhẹ (ước tăng 0,86%), chiếm tỷ trọng khoảng 37,2%. Phát hành giấy tờ có giá chiếm tỷ trọng khoảng 8,8%.
Video đang HOT
Hoạt động tín dụng cũng cho thấy sự chậm lại khi chỉ tăng khoảng 0,56% so với tháng trước (trong khi các tháng trước đó bình quân tăng trên 1%), ước đạt 2,69 triệu tỷ đồng, tăng 6,2% so với cuối năm 2020.
Trong đó, tín dụng bằng VND tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng tín dụng toàn địa bàn, chiếm gần 93%. Tín dụng ngoại tệ chiếm tỷ trọng thấp, chỉ khoảng 7%. Cả 2 bộ phận tín dụng đều duy trì tốc độ tăng trưởng so với cuối năm trước, ước tăng 5,57% đối với tín dụng VND và tăng 14,9% đối với tín dụng ngoại tệ.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, dù phải thực hiện các biện pháp giãn cách để phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ và UBND TP Hồ Chí Minh, ngành ngân hàng tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng. Đồng thời, đảm bảo cung ứng đầy đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế, thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả theo đúng chủ trương và quy định của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh bị tác động bởi dịch COVID-19.
Trong tháng 7/2021, tình hình dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp, phát sinh nhiều trường hợp các tổ chức tín dụng phải đóng cửa phòng giao dịch, tạm ngưng hoạt động do liên quan đến các ca nghi nhiễm. Trước tình hình này, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng phối hợp chặt chẽ và tuân thủ nghiêm hướng dẫn và quy định của chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và ngành y tế. Đồng thời, thực hiện công tác thông tin truyền thông, hướng dẫn khách hàng, đảm bảo cung ứng dịch vụ ngân hàng thông suốt, liên tục theo đúng quy định của pháp luật.
Hiện nay, nhiều tổ chức tín dụng trên địa bàn đã triển khai phương án “3 tại chỗ”, dù ngân hàng không phải là đối tượng bắt buộc phải thực hiện quy định này như các doanh nghiệp sản xuất nhằm đảm bảo cho hoạt động ngân hàng được an toàn, liên tục và thông suốt trong mọi tình huống.
Cao Bằng, Bắc Kạn hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch COVID-19
Ngày 5/8, Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Cao Bằng tổ chức lễ xuất quân "Cao Bằng chung tay cùng Thành phố Hồ Chí Minh đẩy lùi dịch COVID-19".
Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng tặng quà cho đoàn cán bộ, y bác sĩ lên đường hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch COVID-19. Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN
Tại lễ xuất quân, tỉnh Cao Bằng đã cử đoàn nhân lực gồm 32 cán bộ y tế, trong đó có 13 bác sĩ, 15 điều dưỡng, 1 dược sĩ, 2 kỹ thuật viên xét nghiệm, 1 cử nhân y tế công cộng hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch. Tất cả các thành viên tham gia đều đã được tiêm vaccine phòng COVID-19, có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, đảm bảo điều kiện về năng lực chuyên môn, sức khỏe đáp ứng yêu cầu tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch; được tập huấn kỹ năng thực hành lấy mẫu xét nghiệm và cách sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân trong lấy mẫu, điều trị và chăm sóc người bệnh COVID-19...
Phát biểu tại lễ xuất quân, ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao tinh thần xung kích tình nguyện, cống hiến của cán bộ, nhân viên ngành Y tế tham gia đoàn; nhấn mạnh, việc cử đoàn nhân lực hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc ta; là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng chung sức, đồng lòng chung tay hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng chia tay đoàn cán bộ, y bác sĩ đi hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch COVID-19. Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng yêu cầu đoàn công tác phát huy cao nhất trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, phẩm chất "lương y như từ mẫu "của cán bộ y tế, hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh với tinh thần đoàn kết, chia sẻ, tự nguyện; thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch cho mỗi cá nhân khi thực hiện các nhiệm vụ chống dịch; phát huy tính chủ động, sáng tạo, trí tuệ, phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau theo sự phân công của tổ chức. Đồng thời, mỗi cán bộ, nhân viên y tế cần nghiêm túc, cầu thị, học hỏi kiến thức chuyên môn, khoa học kỹ thuật, trau dồi kinh nghiệm trong thu dung, điều trị, thiết lập bệnh nhân COVID-19 để quay trở lại chia sẻ, vận dụng trong công tác tham mưu thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại tỉnh...
Dịp này, các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm tỉnh Cao Bằng đã ủng hộ Thành phố Hồ Chí Minh 10 tấn nông sản là các đặc sản tỉnh Cao Bằng hỗ trợ người dân Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch.
* Chiều 5/8, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn, Sở Y tế tỉnh đã tổ chức lễ ra quân, gặp mặt và giao nhiệm vụ cho đoàn gồm 16 viên chức nghành y tế chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh phòng, chống dịch COVID-19. Đây là lần thứ 2 tỉnh Bắc Kạn chi viện nhân lực cho các địa phương khác để phòng, chống dịch COVID-19; dự kiến thời gian chi viện là 30 ngày.
Dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp ở nhiều tỉnh trong nước với biến chủng mới, có mức độ lây nhiễm cao, lây lan nhanh trong cộng đồng, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh đang có số ca mắc nhiều nhất trong đợt dịch này, dẫn đến sự thiếu hụt nhân lực y tế cho các khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 của thành phố.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn tặng quà động viên các thành viên đoàn công tác. Ảnh: Hoàng Giang/TTXVN
Ngày 2/8/2021, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành quyết định số 1379/QĐ-UBND về việc thành lập đoàn công tác hỗ trợ thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh gồm 16 người là những cán bộ y tế (gồm các bác sĩ chuyên nghành Hồi sức cấp cứu, nội khoa, đa khoa và điều dưỡng, kỹ thuật y) từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm y tế huyện, thành phố.
Giao nhiệm vụ cho đoàn công tác, ông Hoàng Duy Trinh - Bí thư tỉnh ủy Bắc Kạn nhấn mạnh các thành viên đoàn công tác phải xác định rõ mục đích, ý nghĩa của chuyến công tác và khẳng định đây là nhiệm vụ vinh quang của mỗi người khi đã được lựa chọn. Đoàn công tác cần tranh thủ trao đổi học hỏi mọi mặt về công tác phòng, chống dịch, đúc rút kiến thức, kinh nghiệm để tham mưu cho nghành y tế tỉnh nhà triển khai công tác phòng chống dịch COVID-19 khi có yêu cầu...
Dịp này, các nhà tài trợ là các đơn vị, doanh nghiệp, hiệp hội trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã trao tặng nhiều phần quà có ý nghĩa tới đoàn công tác như vật tư nghành y, khẩu trang, thiết bị bảo hộ... với mong đoàn công tác hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần khống chế, đẩy lùi dịch COVID-19 trong cộng đồng.
Giải pháp miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 Ngày 5/8, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản hỏa tốc số 209/TB-VPCP thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về một số giải pháp miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của lịch COVID-19. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận...