TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiêm vaccine cho đối tượng bảo trợ xã hội, người lang thang
Trong hai ngày 2 – 3/9, Tiểu ban tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Phước cho biết phát hiện có thêm 36 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới tại các cơ sở bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh sau khi thực hiện test nhanh.
Các y bác sỹ lực lượng tăng cường của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người khuyết tật tại Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè.
Trong đó, tại Trung tâm bảo trợ xã hội Tân Hiệp, trên địa bàn huyện Hớn Quản (Bình Phước) phát hiện 15 ca F0; tại Trung tâm bảo trợ xã hội Bình Đức, trên địa bàn huyện Bù Gia Mập phát hiện 21 ca F0.
Để khắc phục tình trạng này, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội tăng cường thực hiện giãn cách; phải đảm bảo giãn cách giữa học viên với học viên; giãn cách giữa phòng, khu, khoa, trạm với phòng, khu, khoa, trạm và đơn vị với đơn vị. Ngoài ra, các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội tạm dừng tất cả hoạt động dạy văn hóa, dạy nghề, lao động trị liệu; các hình thức tư vấn, giáo dục chuyển sang trực tuyến nhằm đảm bảo giãn cách triệt để.
Video đang HOT
Cùng với các hình thức giãn cách, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố cũng tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 6.400 người già neo đơn, người khuyết tật, người lang thang, mồ côi… tại các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội do ngành quản lý; đồng thời tiến hành tiêm vaccine phòng COVID-19 cho toàn bộ 14.000 học viên đang được chăm sóc ở 12 cơ sở cai nghiện ma túy thuộc Sở.
Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, đội hình tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng này gồm y bác sỹ của các cơ sở, lực lượng chuyên ngành tăng cường của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng với sự hỗ trợ chuyên môn của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh.
Tất cả học viên có mặt tại các cơ sở cai nghiện ma túy đều được tiêm chủng, ngoại trừ các trường hợp dưới 18 tuổi, hoặc sức khỏe không đảm bảo. Riêng toàn bộ gần 1.000 cán bộ, nhân viên tại các cơ sở cai nghiện ma túy và gần 1.800 nhân viên ở các cơ sở bảo trợ xã hội đến nay cũng đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 ít nhất một mũi.
Từ ngày 23/8 đến nay, Thành phố đã tổ chức tiếp nhận 852 đối tượng cơ nhỡ, lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội; tiếp nhận 128 đối tượng cai nghiện ma túy vào Cơ sở xã hội Thanh Thiếu niên 2, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy Bình Triệu.
Đề xuất tiêm 'vét' mũi thứ nhất cho công nhân các khu công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 29/8, Hiệp hội các doanh nghiệp các Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nhiều công nhân thực hiện phương án sản xuất "3 tại chỗ" không có trong danh sách tiêm vaccine phòng COVID-19 tại địa phương.
Công nhân cần được đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine để duy trì sản xuất cho doanh nghiệp trong mùa dịch. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Do đó, Hiệp hội các doanh nghiệp đề xuất Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh giao cơ quan quản lý lập danh sách tiêm vaccine phòng COVID-19 "vét" mũi thứ nhất cho nhóm công nhân lao động này. Doanh nghiệp sẵn sàng chi trả các khoản phí để đảm bảo an toàn phòng dịch, nhằm hạn chế đứt gãy trong chuỗi sản xuất kinh doanh.
Hiệp hội các doanh nghiệp các Khu công nghiệp thành phố cũng cho biết, có hàng nghìn công nhân làm việc ở TP Hồ Chí Minh nhưng trọ ở tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai... nên không thể đi lại giữa hai địa phương để tiêm vaccine. Do đó, thành phố cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp phối hợp cơ sở y tế, các lực lượng chức năng tổ chức điểm tiêm lưu động cho công nhân, nhất là ở các khu vực giáp ranh giữa các tỉnh và thành phố.
Theo ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh, trong số công nhân hiện chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 có 60.000 người lao động thực hiện phương án sản xuất "3 tại chỗ", 190.000 lao động tạm nghỉ việc ở nhà hoặc đã về quê. Trên 250.000 công nhân làm việc ở 17 Khu công nghiệp, Khu chế xuất và Khu công nghệ cao thành phố đã tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi thứ nhất được 8 tuần, nên kiến nghị thành phố tiếp tục quan tâm tiêm mũi thứ 2 cho công nhân theo phương án tiêm cho từng nhóm đã được nêu cụ thể trong văn bản gửi Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố.
"Nếu được tiêm mũi thứ 2, lực lượng công nhân nói chung và công nhân đang thực hiện sản xuất theo phương án "3 tại chỗ" nói riêng sẽ an toàn hơn. Mũi tiêm thứ 2 cũng là tuyến phòng ngự vững chắc, góp phần tiếp cận miễn dịch cộng đồng để sớm đưa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường", ông Bé chia sẻ.
Hiện Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp thành phố đang lập danh sách khoảng 20.000 lao động đã tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi thứ nhất nhưng đã về quê và thông báo cho các tỉnh, thành để cơ quan y tế địa phương thực hiện tiêm mũi thứ hai.
TP Hồ Chí Minh có khoảng 1,2 triệu công nhân, lao động đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp; trong đó có trên 320.000 người làm việc tại 17 Khu chế xuất, Khu công nghiệp và Khu công nghệ cao thành phố.
Thống kê từ Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, đến thời điểm hiện tại đã có trên 497.000 lao động tại trên 3.400 doanh nghiệp, đơn vị được tiêm vaccine phòng COVID-19.
TP Hồ Chí Minh: Đưa người lang thang vào khu tập trung để chăm sóc và tiêm vaccine Trong ngày đầu tiên TP Hồ Chí Minh thực hiện siết chặt giãn cách xã hội với nguyên tắc "ai ở đâu ở yên đó", hàng chục người vô gia cư, lang thang cơ nhỡ, ăn xin trên địa bàn Quận 4 đã được lực lượng chức năng đưa về khu tập trung để nuôi ăn ở, chăm sóc y tế và tiêm...