TP HCM xuất hiện ổ tiêu chảy cấp khiến một trẻ tử vong
Một người lớn và ít nhất 6 trẻ sống chung khu dân cư ở huyện Bình Chánh đã phát chứng tiêu chảy cùng thời điểm, trong đó một bé 10 tháng tuổi không qua khỏi.
Ngày 23/7, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho biết, ổ bệnh ở ấp 1, xã Lê Minh Xuân, Bình Chánh được phát hiện sau khi một bé ở xóm này tử vong vì tiêu chảy cấp.
Bệnh nhi được bố mẹ đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 cuối tuần qua trong tình trạng đi ngoài phân lỏng liên tục hơn hai ngày nhưng uống thuốc không khỏi. Tại khoa Cấp cứu, bé được chẩn đoán nhiễm trùng đường tiêu hóa dẫn đến sốc nhiễm trùng, suy hô hấp.
Theo bác sĩ Đinh Tấn Phương, phó khoa Cấp cứu, sức khỏe của bé khi đến bệnh viện đã rất nguy kịch. Sau khi hỗ trợ hô hấp và bù mất nước, cháu được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực chống độc để điều trị nhưng không tiến triển tốt. Bệnh nhi qua đời sau hơn một ngày nhập viện.
Tại TP HCM, một số huyện vùng ven vẫn còn tình trạng dựng nhà vệ sinh trên ao hồ. Ảnh: Thiên Chương.
“Đây là trường hợp đầu tiên trong năm đến cấp cứu trong tình trạng nguy kịch sau đó tử vong do tiêu chảy cấp. Ca bệnh đã được thông báo đến Sở Y tế”, bác sĩ Phương nói.
Khảo sát tại khu vực bệnh nhi sinh sống, Sở Y tế TP HCM xác định thêm 5 trẻ khác và một người lớn đang bị tiêu chảy, tất cả có cùng triệu chứng đau bụng dữ dội, đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày. Tính luôn trường hợp tử vong, đến sáng 23/7 đã có 3 trường hợp trong nhóm này phải nhập viện cấp cứu.
“Chúng tôi tạm xác định nguyên nhân khiến nhiều ca mắc tiêu chảy ở khu vực này là do nếp sinh hoạt kém vệ sinh. Hầu hết các gia đình dựng nhà vệ sinh trên ao cá, nguồn nước tù đọng khiến người dân dễ nhiễm các bệnh do vi khuẩn gây nên”, Giám đốc Y tế dự phòng thành phố cho biết.
Cũng theo bác sĩ Dũng, ngay sau khi khảo sát thực tế, Sở Y tế đã yêu cầu xã Lê Minh Xuân, Bình Chánh tiến hành khử khuẩn làm sạch môi trường, tiếp tục giám sát và báo cáo nếu phát hiện thêm ca bệnh; nhắc nhở người dân về ý thức giữ gìn vệ sinh, ăn chín uống sôi và thường xuyên rửa tay. Các quận huyện khác dù chưa có ổ bệnh vẫn phải chủ động khảo sát và nhắc nhở người dân.
Video đang HOT
Tiêu chảy cấp do một số vi khuẩn gây nên, với triệu chứng đau bụng dữ dội, một số trường hợp có thể nguy kịch dẫn tới tử vong. Bệnh chủ yếu lây qua người qua ăn uống hoặc tay dính vi khuẩn rồi tiếp xúc vào miệng. Do cơ chế lây lan từ người này sang người khác đơn giản nên dễ tạo thành ổ bệnh.
Năm 2008, TP HCM từng xuất hiện dịch tiêu chảy cấp đồng loạt ở nhiều quận huyện, tập trung chủ yếu tại những nơi ao tù nước đọng hoặc điều kiện kém vệ sinh.
Thiên Chương
Theo VNE
Liều vắc xin miễn phí hiệu quả cho sức khỏe
Gần đây, sự bùng phát của những dịch bệnh truyền nhiễm đã gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nhất là trẻ em như bệnh cúm, nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, bệnh tay chân miệng, tiêu chảy cấp do vi rút Rô ta...
Theo khuyến cáo của ThS, BS Đinh Thạc, Bệnh viện Nhi đồng 1, một trong những biện pháp hiệu quả và khá đơn giản trong việc phòng ngừa dịch bệnh cho con người là rửa tay sạch sẽ.
Nên tập thói quen "rửa tay thường xuyên, sạch sẽ"
ThS, BS Đinh Thạc cho biết, rửa tay là một thói quen rất đời thường ai cũng am hiểu, tuy nhiên để hiểu rõ tầm quan trọng của việc rửa tay thường xuyên, sạch sẽ hàng ngày đã mang lại nhiều lợi ích to lớn đối với sức khỏe con người là một con số khá khiêm tốn. Theo Tại Việt Nam chỉ có 12% người dân có thói quen rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn, và chỉ có 16% rửa tay bằng xà phòng sau khi đi nhà vệ sinh. Đây chính là nguyên nhân khiến người dân, đặc biệt là trẻ em dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn qua đường hô hấp và tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, tiêu chảy do Rô ta vi rút, nhiễm giun sán, nhiễm cúm, bệnh tay chân miệng, nhiễm sởi...là những căn bệnh nguy hiểm mà con người có thể phòng ngừa một cách dễ dàng thông qua ý thức giữ vệ sinh cho đôi bàn tay.
Bàn tay không sạch sẽ là nguy cơ của các ổ bệnh dịch, cụ thể cứ mỗi 1cm2 trên bàn tay "không sạch" có thể chứa hàng triệu vi khuẩn và rất nhiều tác nhân gây bệnh khác. Một thực tế đáng báo động là có tới 74% bà mẹ có con dưới 5 tuổi không rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi cho trẻ ăn hoặc cho trẻ bú.
Tầm quan trọng của việc rửa tay thường xuyên đúng cách
Nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc giữ sạch đôi tay của trẻ là điều thiết thực nhất vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho trẻ trong tương lai, trong đó bàn tay của người giữ trẻ cũng cần đảm bảo sạch sẽ để nâng cao hiệu quả phòng bệnh cho trẻ vì trên thực tế chỉ có khoảng 5% những người chăm sóc trẻ rửa tay với xà phòng trước khi cho trẻ ăn và có tới 60% người mẹ cho rằng rửa tay với xà phòng là không cần thiết, đây là những suy nghĩ chưa tích cực của các bậc phụ huynh trong cơn bão "dịch bệnh" đang đe dọa và tàn phá sức khỏe của những thiên thần bé nhỏ ngày càng thêm nghiêm trọng.
Rửa tay bằng xà phòng là một hành động nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn trong phòng chống dịch bệnh. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng là một trong những cách tốt nhất để tránh bị bệnh và lây lan bệnh tật cho cơ thể. Các nghiên cứu cho thấy, bàn tay của một người có thể mang tới 4,6 triệu mầm bệnh (tập trung số lượng lớn ở kẽ tay và kẽ móng tay). Trong quá trình hoạt động hàng ngày, mỗi người sẽ thường xuyên va chạm vào mọi người hoặc các bề mặt, phát sinh việc tích lũy nhiều vi khuẩn trên tay. Sau đó, họ có thể lây nhiễm bệnh tật cho chính bản thân bằng các hành động vô tình như đưa vi khuẩn chạm vào mắt, mũi hay miệng. Mặc dù, chúng ta không thể giữ tay vô trùng, nhưng việc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng có thể giúp mỗi người hạn chế chuyển giao và lây lan các vi khuẩn, vi rút sang người khác và ngược lại.
Kết quả nghiên cứu cho thấy với một thói quen "rất đời thường" là rửa tay thường xuyên sạch sẽ đã làm giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy, chính là nguyên nhân gây tử vong cho hàng triệu người mỗi năm trên toàn thế giới. Việc rửa tay cũng có thể làm giảm rủi ro nhiễm khuẩn tiêu chảy tới 47%, giảm đáng kể tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp từ 19% - 45% và phòng ngừa rất hiệu quả căn bệnh tay chân miệng ở trẻ em.
5 thời điểm quan trọng cần rửa tay sạch sẽ
- Sau khi sử dụng nhà vệ sinh.
- Sau khi sinh hoạt hoặc chơi đùa ngoài trời.
- Sau khi tiếp xúc hoặc chăm sóc người bệnh như thay quần áo, tã lót, chăm sóc vệ sinh ...
- Sau khi ho, hắt hơi hoặc sổ mũi làm dính các chất dịch tiết trên đôi bàn tay.
- Trước khi vào bữa ăn, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn cho gia đình.
Quy trình rửa tay sạch sẽ đúng cách do Bộ Y tế khuyến cáo gồm 6 bước:
- Bước 1: Làm ướt 2 lòng bàn tay bằng nước. Lấy xà phòng và chà 2 lòng bàn tay vào nhau.
- Bước 2: Chà lòng bàn tay này lên mu và kẽ ngoài các ngón tay của bàn tay kia và ngược lại.
- Bước 3: Chà 2 lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các kẽ trong ngón tay.
- Bước 4: Chà mặt ngoài các ngón tay của bàn tay này vào lòng bàn tay kia.
- Bước 5: Dùng bàn tay này xoay ngón cái của bàn tay kia và ngược lại.
- Bước 6: Xoay các đầu ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa sạch tay dưới vòi nước chảy đến cổ tay và làm khô tay.
* Chú ý: Mỗi bước "chà" 5 lần. Thời gian rửa tay tối thiểu 30 giây
Theo Vnmedia
Mùa hè - đề phòng trẻ bị tiêu chảy cấp Tiêu chảy là một trong những bệnh về đường tiêu hóa thường gặp nhất ở trẻ em, nhất là vào mùa hè. Nếu chuyển sang giai đoạn tiêu chảy cấp, bệnh rất dễ lây lan , có nguy cơ gây suy dinh dưỡng và tử vong ở trẻ nếu không được chăm sóc và điều trị đúng. Hệ tiêu hóa tốt sẽ giúp...