TP HCM xem lại việc thực hiện lệch ca, lệch giờ
Theo yêu cầu của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín đề nghị Sở Lao động Thương binh và Xã hội báo cáo lại quá trình nghiên cứu và thực hiện lệch ca, lệch giờ.
Ngày 6/4, tại cuộc họp giao ban về an toàn giao thông, Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín cho biết, thành phố sẽ thực hiện đổi giờ học, giờ làm việc cho phù hợp với thực tiễn, chứ không áp đặt cách làm ở những nơi khác.
“Đề nghị Sở LĐTB&XH thành phố trong tháng 4 phải có sơ kết báo cáo UBND quá trình nghiên cứu và thực hiên lệch ca, lệch giờ trong mấy năm qua xem cái gì đã làm được, cái gì chưa làm được để xem xét tiếp tục duy trì hay sẽ có cải tiến, đề xuất những cách làm mới”, ông Tín đề nghị.
Ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó chủ tịch UBND thành phố cho rằng, việc này thành phố đã nghiên cứu thực hiện từ nhiều năm nay. Lệch ca, lệch giờ chúng ta đang áp dụng là phù hợp với điều kiện đặc thù. Việc bố trí giờ học, giờ làm việc lâu nay đã đi vào ổn định.
Ùn tắc trước cổng trường mầm non. Ảnh: Tá Lâm.
Trước đó, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban an toàn giao thông thành phố cho biết, quý I TP HCM đã xảy ra 155 vụ tai nạn giao thông, làm chết 132 người và bị thương 71 người. So với cùng kỳ năm 2011, đã giảm được gần 40% số vụ tai nạn và người chết, giảm gần 57% số người bị thương. Về ùn tắc, trên địa bàn chỉ xảy ra một vụ ùn tắc trên 30 phút (giảm 13 vụ so với cùng kỳ).
Theo Phó ban an toàn giao thông, có 21/24 quận huyện giảm được số người chết do tai nạn giao thông, trong đó 5 địa phương đã giảm được cả 3 mặt trên 50% so với cùng kỳ năm ngoái là quận 3, quận 11, huyện Bình Chánh, Củ Chi và Cần Giờ. Riêng quận Phú Nhuận và quận 6 tăng số người chết do tai nạn giao thông.
Video đang HOT
Để giảm tai nạn trong quý II, Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín yêu cầu Ban an toàn giao thông, công an thành phố và 24 quận huyện đẩy mạnh tuyên truyền, nhanh chóng lắp đặt dải phân cách trên quốc lộ 1A, phân luồng lại giao thông cho hợp lý, kiên quyết xử lý xe dù, xe liên tỉnh, xe du lịch không có hợp đồng… vào trung tâm thành phố.
Trước đó ngày 15/3, trong buổi làm việc với TP HCM, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu thành phố nghiên cứu lại việc đổi giờ học, giờ làm việc để tránh kẹt xe. Theo Phó thủ tướng, TP HCM chưa nghiên cứu tổng thể để điều chỉnh giờ học tập và làm việc trên địa bàn.
Theo VNExpress
Hiệu trưởng sẽ quyết định phương án lệch giờ tại TPHCM?
"Thực tế, các trường trên địa bàn TP.HCM đã áp dụng lệch giờ và đã đạt được hiệu quả trong việc giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao hơn, Thành phố cần giao cho hiệu trưởng các trường trên địa bàn TP quản lý".
Đấy là nhận định của ông Lê Toàn - Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, khi trao đổi trực tiếp với chúng tôi về kế hoạch thực hiện phương án lệch giờ cho ngành giao dục trên địa bàn TPHCM năm 2012.
Lệch giờ giữa các cụm trường và các khối
Theo ghi nhận của chúng tôi trên đường Nguyễn Tất Thành (Q.4), có nhiều trường đóng gần nhau, trong đó có cả trường ĐH Luật TP, trường cao đẳng Nguyễn Tất Thành, THPT Nguyễn Trãi... trong khi đó, đối diện là các cụm cảng Sài Gòn, Khánh Hội... Do vậy, vào giờ cao điểm sáng, chiều thường xuyên xảy ra ùn ứ dọc tuyến đường, gây mất trật tự và khó khăn trong việc lưu thông và rất lộn xộn.
Có mặt tại trường tiểu học Trần Hưng Đạo, quận 1 vào 16h30 chiều 10/2, chúng tôi phải rất vất vả mới chen lấn vào được trước cổng trường, bởi có rất đông phụ huynh đang chen nhau đậu xe máy chật kín vỉa hè lẫn lòng đường, để đón con, trong khi, đây được xem là giờ tan tầm, người tham gia giao thông đông đúc, vì thế việc lưu thông qua đoạn đường này rất khó khăn.
Kẹt xe nghiêm trọng trước cổng trường THPT Nguyễn An Ninh, quận 10
Anh Nguyễn Thành Bảo, phụ huynh có con học tại trường, cho biết, hầu như buổi sáng và chiều đều kẹt xe do thực tế vỉa hè và cổng trường quá hẹp nên đa số phụ huynh đến đón con em đều đứng xuống cả lòng đường. Dù biết là nguy hiểm nhưng cũng không còn cách nào khác...
Ông Huỳnh Công Hùng - Trưởng Ban văn hóa xã hội HĐND TPHCM, cho rằng, hiện nay, trên nhiều tuyến đường TP vẫn đang còn nhiều cụm trường đóng dọc suốt tuyến đường với nhau. Do vậy, mỗi khi tan học, hầu như xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng. Đấy là chưa kể lượng phụ huynh đứng chờ đón con. Trong khi vỉa hè lại hẹp, cổng trường nhỏ. Do vậy, cần xem xét điều chỉnh việc lệch giờ giữa các trường với nhau trong cùng một cụm.
Trong khi đó, bà Trần Thị Kim Thanh - Phó Giám đốc Sở GDĐT TP, nêu rõ, ngoài phương án di dời các trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP ra ngoại thành trong thời gian tới mà UBND TP và Bộ GDĐT đã thông qua. Hiện nay, Sở còn chỉ đạo cho các trường thuộc khối TH, THCS và THPT, thực hiện lệch giờ giữa các khối với nhau trong cùng một trường, với thời gian lệch khoảng 15 đến 30 phút, nhằm giảm tải số lượng học sinh và phụ huynh trong việc đưa đón con, đảm bảo giao thông thông suốt.
Hiệu trưởng sẽ chịu trách nhiệm
Ông Lê Toàn - Phó Giám đốc Sở GTVT TP, cho hay, thực tế ngành giáo dục đã thực hiện phương án lệch giờ học năm 2007 và đã phát huy được hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, để phát huy được hiệu quả hơn nữa, cần phải ngồi lại phân tích, đánh giá cụ thể. Những việc chưa làm được cần khắc phục để phát huy hiệu quả hơn nữa. Đặc biệt, cần giao cho hiệu trưởng các trường quản lý trong việc thực hiện lệch giờ, do đặc điểm mỗi trường khác nhau và như thế việc thực hiện sẽ chủ động và đạt kết quả cao hơn.
Bên cạnh đó, Sở GDĐT TP cần hỗ trợ các trường thực hiện điều này. Mặt khác, hiệu trưởng các trường, nhất là khối cấp 1 và 2, cần đẩy mạnh phối hợp thường xuyên và quyết liệt với chính quyền địa phương, khi đó hiệu quả đạt được khoảng 70 đến 80% kế hoạch đề ra, ông Toàn khẳng định.
Vào giờ cao điểm hình ảnh này đã trở nên quá quen thuộc trên các tuyến đường nội thành TPHCM.
Đồng tình quan điểm trên, ông Lâm Thiếu Quân - đại biểu HĐND TP, nhấn mạnh, trên địa bàn TP hiện có khoảng 1,5 triệu học sinh. Do vậy, cần phải giao chỉ tiêu cụ thể và có sự cam kết giữa các trường, nếu không thực hiện được sẽ hạ mức thi đua. Ngoài ra, cần lập ban chỉ đạo riêng để quản lý chặt chẽ và hiệu quả hơn, chứ hiện nay việc giao cho các Sở, Ngành quản lý sẽ không xuể và chưa đưa lại hiệu quả cao nhất.
Cần đẩy mạnh phong trào năm an toàn giao thông 2012 vào những dịp, như: tháng thanh niên (tháng 3), dịp nghỉ hè và tháng 9 - tháng an toàn giao thông. TP sẽ không thực hiện phương án lệch giờ như Hà Nội và việc tổ chức phương án cần quy định cho học sinh vào học không được sớm hơn 6h45 sáng và không muộn hơn 17h30 chiều. Bởi nếu khác đi sẽ trái với đồng hồ sinh học và không mang lại hiệu quả trong học tập của các em.
Đáng lưu ý, hiện nay cần phải in cẩm nang và đưa tận tay đến các em học sinh lẫn phụ huynh về việc chấp hành luật lệ an toàn giao thông, đại diện Ban an toàn giao thông TP kiến nghị.
GIANG UYÊN
Theo Infonet