TP HCM vắng lặng khi Covid-19 bùng phát
Các con đường thưa thớt xe; điểm tham quan vắng vẻ; sân bay, bến xe ở TP HCM thưa thớt khách sau khi bùng phát 100 ca nhiễm trong ba ngày.
Sau khi ghi nhận hàng loạt ca Covid-19, UBND TP HCM đề nghị người dân hạn chế khỏi nhà nếu không cần thiết, hàng quán không được bán tại chỗ, những dịch vụ thiết yếu như massage, karaoke, quán bar, hớt tóc… phải tạm ngừng hoạt động.
Vì vậy, những ngày này đường phố khu trung tâm thành phố khá vắng vẻ. Sáng 29/5, tại đại lộ Võ Văn Kiệt, con đường huyết mạch nối khu đông và tây thành phố nhiều thời điểm thưa thớt xe cộ qua lại.
Ngã sáu Phù Đổng (quận 1), nơi giao nhau của các đường Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Thị Nghĩa, Lê Thị Riêng, Nguyễn Trãi, Phạm Hồng Thái và Lý Tự Trọng không còn đông đúc như thường ngày.
Điểm du lịch nổi tiếng Hồ Con Rùa (quận 3) không còn cảnh người hóng mát và hàng quán ăn vặt nhộn nhịp. Những quán ăn, quán cà phê quanh đây đóng cửa. Giao thông qua vòng xoay này cũng thông thoáng hơn thường ngày.
Từ 27/5, sau khi có nhiều ca nhiễm liên quan đến ổ dịch Hội thánh Truyền giáo Phục hưng, UBND TP có văn bản yêu cầu các địa điểm du lịch, tham quan, di tích, bảo tàng, thư viện; các hoạt động tại phố đi bộ, chợ đêm, công viên công cộng… tạm ngưng hoạt động.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) thưa vắng sáng 29/5, các hoạt động giải trí, hàng quán ở đây tạm dừng. Phía dưới, dây được chăng ở các ghế đá và lối vào phố để hạn chế tụ tập đông người.
Video đang HOT
Đường sách Nguyễn Văn Bình cũng đóng cửa từ ngày 27/5, các lối vào đều được kê bàn ghế, bồn hoa, giăng dây rào chắn. Phía trong những cửa hàng sách phủ bạt, đóng cửa kín mít chờ ngày được hoạt động trở lại.
Cách đó 600 m, khu vực quanh Nhà hát Thành phố cũng khá thưa thớt, dù là thời điểm cuối tuần.
Công viên Gia Định giăng nhiều lớp ruy băng, các máy tập thể dục cũng quấn dây chặt khi có chỉ thị ngưng hoạt động. Nhiều công viên khác trong thành phố như Tao Đàn, Lê Văn Tám, Hoàng Văn Thụ… cũng vắng cả ngày.
Tại ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất không còn cảnh xe cộ tấp nập ra vào đón khách.
Bên trong sân bay lượng khách đi máy bay cũng giảm. Các quầy thủ tục, kiểm tra an ninh thưa thớt du khách, khác hẳn cảnh đông đúc cách đây một tháng.
Bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh) thời điểm cuối tuần vắng khách, các hãng xe ít người mua vé. Nhiều tỉnh lân cận như Bà Rịa – Vũng Tàu, Lâm Đồng, Bình Thuận… đã dừng xe khách đến TP HCM để ngăn Covid-19 xâm nhập sau khi thành phố lớn này xuất hiện nhiều ca nhiễm.
Một trung tâm thương mại trên đường Đồng Khởi (quận 1) vẫn hoạt động bình thường. Trong ngày cuối tuần, các gian hàng, nhà hàng… ở các tầng tại đây lác đác khách.
Trước đó, UBND TP đã yêu cầu tổ chức giãn cách mật độ mua sắm, không tập trung đông người tại các trung tâm thương mại, chợ đêm, chợ truyền thống, chợ đầu mối…
Quán cơm trên đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) treo bảng bán mang đi, thực hiện đúng yêu cầu của chính quyền.
Ba ngày qua, thành phố đã phát hiện hai ổ dịch, tổng cộng 100 ca nhiễm. Trong đó chuỗi lây nhiễm liên quan đến Hội thánh Truyền giáo Phục hưng là chuỗi lớn nhất với 93 ca nhiễm. Chuỗi lây nhiễm liên quan đến hai vợ chồng ở quận Tân Phú đến nay ghi nhận 7 ca. Hai chuỗi lây này đều cùng nhiễm biến chủng Ấn Độ.
Tất cả quán ăn, cà phê ở TP HCM dừng bán tại chỗ
Quán ăn đường phố, trà đá, cà phê vỉa hè không được bán tại chỗ, dịch vụ làm đẹp, hớt tóc, gội đầu phải dừng để phòng dịch, theo yêu cầu của UBND TP HCM.
Quyết định trên được Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đưa ra tại cuộc họp Ban chỉ đạo chống Covid-19 thành phố trưa 27/5. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh 12 giờ qua thành phố ghi nhận 25 ca nghi nhiễm liên quan ổ dịch tại điểm sinh hoạt của Hội thánh truyền giáo phục hưng ở đường Nguyễn Văn Công, quận Gò Vấp.
Quán ăn trên đường D5, quận Bình Thạnh, ngày 22/5. Ảnh: Hà An.
Các nhà hàng trong khách sạn chỉ được phục vụ khách lưu trú tại đây. N ghi lễ tôn giáo và các sinh hoạt từ 10 người trở lên tại các cơ sở thờ tự phải dừng. "Địa phương nào để dịch lây mà liên quan dịch vụ thành phố đã yêu cầu dừng thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm", ông Phong nói.
Động thái lần này của người đứng đầu chính quyền thành phố cứng rắn hơn cách đây 5 hôm khi chỉ yêu cầu quán ăn nhỏ "dưới 10 lao động" không được phục vụ tại chỗ. Các quán ăn có trên 10 lao động, nhà hàng trong khách sạn vẫn được phục vụ khách với điều kiện không quá 20 người cùng lúc. Các lễ hội, hội nghị, hội thảo, nghi lễ dưới 30 người vẫn được hoạt động.
Về vấn đề giãn cách xã hội , lần này người đứng đầu chính quyền thành phố giao Sở Y tế tham mưu quyết định phạm vi và thời gian thực hiện ở những khu vực có nguy cơ cao như nơi ở, nơi làm việc của các ca F0.
Theo ông Phong, khả năng đợt dịch này kéo dài hơn các đợt trước. Không loại trừ F0 còn ở cộng đồng vì chuỗi lây nhiễm ở hẻm 257 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 và ở điểm sinh hoạt của Hội thánh truyền giáo Phục hưng vẫn chưa tìm được nguồn lây. "Ngành y tế thành phố cố gắng sớm tìm ra nguồn lây của điểm sinh hoạt tôn giáo này", ông Phong nói.
Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng yêu cầu các quận huyện, đơn vị thực hiện nghiêm chế độ trực 24/24 tại đơn vị, bảo đảm thông tin thông suốt giữa các cấp theo phương châm 5 tại chỗ.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp trưa 27/5. Ảnh: Trung tâm Báo chí TP HCM.
"Trung tâm chỉ huy chống dịch Covid-19 phải hoạt động 24/24. Các cơ quan đơn vị mỗi ngày lập danh sách cụ thể người đã đến trụ sở để phục vụ cho việc truy vết", ông nói.
Ông Phong cũng yêu cầu tổ chức giãn cách mật độ mua sắm tại các trung tâm thương mại, chợ đêm, chợ truyền thống, chợ đầu mối... theo hướng mua theo từng nhóm và có khoảng cách hạn chế đến mức độ cao nhất tập trung đông người. Các cơ quan đơn vị đẩy mạnh công tác hậu kiểm, trong công tác phòng chống dịch ở các điểm nguy cơ mà ngành y tế xác định như: chợ truyền thống, chung cư, nhà trọ, nhà ga, bến xe, trước cổng bệnh viện...
Trước đó, Bí thư Thành uỷ thành phố Nguyễn Văn Nên nói rằng điểm sinh hoạt của Hội thánh truyền giáo phục hưng là ổ dịch lớn, bùng phát nhanh, lây lan rộng ra cộng đồng nên cần có biện pháp mạnh tương xứng để phòng chống dịch.
"Phương án trước đây chúng ta phát hiện tới đâu giãn cách tới đó và phong toả ở mức độ hẹp. Đến giờ này chưa nắm chắc được nguồn lây và mức độ lây lan tới đâu nên cần tính toán trừ hao phạm vi rộng hơn rồi thu hẹp dần. Cần hạn chế tối đa thiệt hại, ảnh hưởng người dân khi không thật sự cần thiết", ông Nên nói.
Người đứng đầu Thành uỷ thành phố cũng yêu cầu ngành y tế tổ chức xét nghiệm rộng theo tinh thần "chạnh đầu trước" vì có những nơi có dịch mà cơ quan chức năn chưa nắm do các ca F1, F2 nhiều.
"Người dân cần bình tĩnh, cảnh giác cao độ nhưng không hoảng hốt, hợp tác với cơ chức năng trong việc truy vết, khoanh vùng, cách ly phòng dịch", ông Nên nói, đồng thời yêu cầu toàn hệ thống chính trị của thành phố phải đặt nhiệm vụ chống dịch lên trên hết vào thời điểm này, nhất là người đứng đầu các cấp.
Số ca Covid-19 liên quan hội truyền giáo lên 96, lan 3 tỉnh thành Cụm dịch liên quan Hội thánh Truyền giáo Phục hưng, đến tối 29/5 ghi nhận tổng cộng 96 ca nhiễm, lan 3 tỉnh, thành. Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC), chuỗi lây nhiễm liên quan Hội thánh Truyền giáo Phục hưng là cụm dịch lớn nhất thành phố, ghi nhận 93 ca trong ba ngày qua. Trong đó, 8...