TP HCM thí điểm xây hồ điều tiết ngầm chống ngập
Chính quyền TP HCM đồng ý để công ty Nhật Bản tự bỏ kinh phí xây thí điểm một hồ điều tiết ngầm dung tích 100 m3 để giải quyết ngập.
UBND TP HCM vừa chấp thuận cho Trung tâm chống ngập cùng các bên liên quan làm việc với một công ty của Nhật Bản để lựa chọn vị trí xây thí điểm hồ điều tiết dung tích 100 m3, bằng vật liệu “Cross – Wave”, để giải quyết ngập trên địa bàn.
Đây là vật liệu chế tạo từ Polypropylene, được cho là có độ bền cao, dễ thi công tháo lắp, có thể áp dụng tại các khu vực mặt bằng nhỏ hẹp, không gian trữ nước lên tới 90% và thân thiện môi trường.
Với khả năng chịu tải thẳng đứng 25 tấn, sau khi xây dựng xong hồ điều tiết ngầm, mặt bằng sẽ được hoàn trả cho các công trình như công viên, bãi đỗ xe, sân vận động… Vì vậy, việc ứng dụng vật liệu này để xây hồ điều tiết được cho là rất thích hợp với những đô thị lớn, năng động và quỹ đất không còn nhiều như TP HCM.
Dù TP HCM đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng chống ngập nhưng hiệu quả chưa như mong muốn. Ảnh: Phạm Duy.
Xây hồ điều tiết là một trong những giải pháp chống ngập mà TP HCM đang triển khai trong giai đoạn 2016-2020. Thành phố cũng đang chuẩn bị các bước để xây 3 hồ điều tiết với tổng kinh phí gần 1.000 tỷ nhằm giải quyết tình trạng ngập ở khu trung tâm.
Video đang HOT
Trong đó, lớn nhất là hồ Gò Dưa (quận Thủ Đức) với diện tích 95 ha, vốn đầu tư 600 tỷ đồng; hồ Khánh Hội (quận 4) rộng 4,8 ha 300 tỷ đồng và hồ Bàu Cát (quận Tân Bình) rộng 0,4 ha với kinh phí 50 tỷ đồng. Ngoài ra, một số hồ cảnh quan trong công viên sẽ được mở rộng, gia cố thành hồ điều tiết nước.
Theo các chuyên gia quy hoạch, nếu triển khai đồng bộ việc xây các hồ điều tiết thì lượng nước mưa tích trữ sẽ lên đến hàng chục triệu m3, giúp giảm được 30% tình trạng ngập úng cho thành phố.
Tuy nhiên, theo Trung tâm chống ngập, khó khăn lớn nhất trong việc xây hồ điều tiết vẫn là quỹ đất trống quá hạn hẹp, chưa kể để chọn được vị trí thấp để nước mưa từ mặt đường, cống đổ về hồ được cũng không hề đơn giản. Ngoài ra, Việt Nam hiện vẫn chưa có các quy chuẩn kỹ thuật về xây hồ điều tiết đô thị nên trung tâm phải vừa đề xuất xây dựng một hồ thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên chưa biết khi nào thành phố mới có hồ điều tiết đầu tiên.
Hữu Nguyên
Theo VNE
Lãnh đạo TP HCM 'chạy vòng vòng' 3 giờ trong trận mưa lịch sử để về nhà
Chánh văn phòng UBND thành phố Võ Văn Hoan kể, trong trận mưa lớn chiều tối 4 hôm trước, ông phải chạy vòng vòng ngoài đường suốt 3 giờ để tìm đường về nhà về do ngập nước, kẹt xe.
Chia sẻ trong cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội hôm qua, Chánh văn phòng UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết, chiều 26/9 lãnh đạo thành gồm: Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND thành Nguyễn Thành Phong cùng các ban ngành có buổi làm việc với Phó thủ tướng Trương Hòa Bình về công tác cải cách hành chính.
"Họp xong đến 6h tối, Phó thủ tướng thấy mưa quá lớn thốt lên 'chết rồi, kiểu này làm sao về Hà Nội được'. Tôi cũng không ngờ nữa. Mọi người kêu trời nói rằng 'kiểu này thế nào trụ sở UBND thành phố cũng sẽ ngập'. Nhưng thật ra vị trí này người Pháp đã chọn rất tài, mưa cỡ đó mà chỉ dâng lên chút xíu rồi rút sạch, còn chỗ khác thì ngập nặng. Cái đó cũng là cái dở của mình so với những người trước", ông Hoan nói.
Trụ sở UBND TP HCM (quận 1) nằm trong khu vực có vũ lượng lớn nhất trong cơn mưa lịch sử chiều tối 26/9. Ảnh: Trung Sơn
"Tôi chạy ra thấy nước ngập, kẹt xe nên thầm nghĩ 'về đường này chắc chết' và chạy vòng qua đường Lê Lợi nhưng cũng kẹt cứng. Vừa qua Lê Lợi đến Lê Thị Riêng, định rẽ vào đường Cách Mạng Tháng Tám nhưng... cũng chết", ông Hoan chia sẻ.
Để về nhà, Chánh Văn phòng phải chạy vòng vào đường Trần Hưng Đạo, đi thẳng về hướng Chợ Lớn nhưng cũng không thoát được cảnh ngập nước, kẹt xe. Ông Hoan sau đó phải quay vòng vòng mới về tới được khu vực Bình Hưng Hòa, lúc này nước ngập khắp nơi. "Đến 21h tôi mới về tới nhà vì phải chạy vòng nhiều con đường", ông kể.
Trước đó, trao đổi với báo chí về trận mưa lịch sử, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết rất chia sẻ với người dân phải gánh chịu tình trạng ngập nặng như vậy. Chiều hôm đó họp xong, ông bước ra đường là thấy mưa quá lớn là biết "thể nào ngày mai cũng có nhiều hình ảnh ngập trên các báo".
Ông Phong nói rằng, thành phố đang rất nỗ lực tìm những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để giải quyết ngập. Các dự án chống ngập đã và đang triển khai "nhưng thực tế có những việc không thể giải quyết nhanh". Qua khảo sát cho thấy thành phố bị ngập nặng là do nhiều nguyên nhân, trong đó có mưa, có triều cường, cũng có nguyên nhân do quản lý.
Đường Lê Thánh Tôn trước trụ sở UBND TP HCM bị ùn tắc sau cơn mưa lịch sử. Ảnh: Trung Sơn
Người phát ngôn của UBND TP HCM cũng nhìn nhận tình hình dự báo của thành phố còn kém. Ở nước ngoài họ báo hàng ngày, hàng giờ, hàng phút, liên tục thông tin cháy rừng, mưa hạn... rất chính xác. "Chúng ta đang hướng đến thành phố thông minh nên chắc chắn sẽ phải làm như vậy. Sự cố mưa và ngập lịch sử vừa rồi cho một lời cảnh tỉnh phải làm chủ nó. Chúng ta nói sống chung với lũ, với ngập thì phải làm chủ nó mới sống được, còn không coi chừng mưa ngập, lũ tràn là mình chết", ông Hoan nói.
Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố, đầu mối được giao cho Trung tâm chống ngập và Cơ quan dự báo khí tượng thủy văn xây dựng kịch bản, đưa ra thông tin dự báo rồi phối hợp với sở Thông tin - Truyền thông công bố cho người dân. "Không phải chỉ thông tin năm thì mười họa bởi thành phố vào mùa nắng vẫn bị ngập vì triều cường. Phải xác định việc thông tin là thường xuyên", ông Hoan nói.
Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng đề nghị Trung tâm chống ngập làm ngay giải pháp thông báo cho người dân tình hình ngập, giống hình thức thông tin kẹt xe qua radio (kênh VOV giao thông) và nhất là tin nhắn điện thoại để giảm bớt sự phiền hà cho người dân.
Trận mưa lớn kéo dài 2 giờ hôm 26/9 đã gây ngập nặng 59 tuyến đường của TP HCM khiến giao thông rối loạn, hàng loạt nhà dân và cửa hàng bị nước tràn vào, nhiều bãi đỗ trong sân bay Tân Sơn Nhất bị ngập làm hàng chục chuyến bay phải chuyển hướng... cuộc sống hàng triệu người ở đô thị lớn nhất nước bị xáo trộn.
Trung Sơn
Theo VNE
Nước ngập, những người nhét rác vào cống có vô can? "Người ta xem miệng các hầm ga thu nước là thùng rác, nên mọi thứ rác rưởi họ đều nhét vào đó. Khi bị hôi thối, phát sinh bệnh tật, ngập nước... họ chối không biết ai xả rác". Rác để bít miệng cống trước một ngôi nhà trên đường Trần Quang Diệu, P.13, Q.3 - Ảnh: Q.KHẢI Một công nhân thoát nước...