TP HCM: Sẽ tiêm vắcxin viêm não Nhật Bản đại trà từ tháng 8
Theo tin từ Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến bắt đầu từ tháng 8, thành phố sẽ tổ chức tiêm vắcxin viêm não Nhật Bản trên toàn thành phố cho trẻ em từ 1 đến 5 tuổi.
Ảnh minh họa.
Trong 5 tháng đầu năm 2014, số lượng trẻ mắc viêm não do virus tại Thành phố Hồ Chí Minh là 34 trẻ.
Số lượng các bệnh nhân mắc viêm não do virus ở các bệnh viện Nhi Đồng cao hơn chủ yếu là từ các tỉnh, thành khác chuyển tới. Bệnh viêm não virus chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và mới chỉ có viêm não Nhật Bản là có vắcxin phòng bệnh.
Vắcxin viêm não Nhật Bản đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1997, nhưng chỉ tổ chức tiêm ngừa ở những khu vực trọng điểm, những vùng có dịch bệnh viêm não Nhật Bản. Theo các bác sỹ, bệnh viêm não virus thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và nguy cơ tử vong cao. Biểu hiện chính của bệnh là sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương.
Video đang HOT
Bệnh do nhiều loại virus gây nên, trong đó có virus viêm não Nhật Bản, virus herpes, các virus đường ruột, virus sởi, quai bị…
Nhiều năm qua, các trạm y tế đều có tổ chức tiêm vắcxin viêm não Nhật Bản theo chỉ đạo của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc ở khu vực phía Nam. Trước tình hình bệnh viêm não do virus xuất hiện liên tục khi đang bắt đầu bước vào đỉnh dịch, trong đó có viêm não Nhật Bản, mới đây Bộ Y tế đã quyết cho tổ chức tiêm đại trà vắcxin viêm não Nhật Bản.
Dự kiến, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức tiêm vắcxin viêm não Nhật Bản cho tất cả 24 quận, huyện trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Chương trình này sẽ được thực hiện sau chiến dịch tiêm sởi và dự kiến thực hiện vào tháng Tám tới cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi.
Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh cũng khuyến cáo, nguồn lây của virus viêm não Nhật Bản là từ lợn, chim và véttơ truyền bệnh chủ yếu là muỗi.
Trong khi đó, hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh đang bước vào mùa mưa, thời điểm thuận lợi để phát sinh muỗi, nên nguy cơ xuất hiện nhiều hơn những bệnh liên quan đến véttơ muỗi, trong đó có viêm não Nhật Bản.
Do đó, tại những khu vực nuôi lợn tập trung, người nuôi cần giữ vệ sinh chuồng trại thật tốt, không để ổ bọ gậy xuất hiện. Tốt nhất, khu vực nuôi lợn phải ở xa khu dân để tránh nguy cơ lây bệnh, vì khuynh hướng của muỗi chỉ bay trong phạm vi 200m. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng cần đưa trẻ đi tiêm phòng vắcxin phòng viêm não Nhật Bản đúng liều và đúng thời gian quy định.
Theo Vnmedia
Cảnh báo viêm não vi rút ở trẻ trong tháng 7 và 8
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 325 trường hợp mắc viêm não vi rút tại 31 tỉnh, thành phố, có 5 trường hợp tử vong tại 4 tỉnh, thành phố.
Nhữn tỉnh, thành phố có trẻ tử vong là Gia Lai (2 trường hợp), Điện Biên (1), Bạc Liêu (1) và Hà Nội (1). So với cùng kỳ năm 2013 (379/11) số mắc năm 2014 giảm 14,2%, tử vong giảm 54,5%. Các trường hợp mắc có tính chất rải rác, không có ổ dịch tập trung.
Khu vực miền Bắc có số mắc cao nhất, chiếm 65,8%, miền Trung 12,3%, miền Nam 17,5% và Tây Nguyên 4,4%. Các tỉnh, thành phố có số mắc cao là thành phố Hồ Chí Minh (44 trường hợp), thành phố Hà Nội (37 trường hợp), Quảng Ngãi (37 trường hợp), Thái Bình (28 trường hợp), Sơn La (24 trường hợp), Bắc Giang (20 trường hợp), Điện Biên (18 trường hợp), Gia Lai (14 trường hợp) và Bạc Liêu (12 trường hợp).
Điều trị cho trẻ bị viêm não vi rút tại Bệnh viện Nhi Trung ương .
Riêng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, theo báo cáo của BV, đến ngày 30/6/2014 đã tiếp nhận điều trị 129 trường hợp viêm não vi rút (chiếm 40% số trường hợp bệnh nhân viêm não vi rút trên cả nước), 1 trường hợp tử vong. Trong đó có 46 trường hợp được chẩn đoán xác định là viêm não Nhật Bản từ 18 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc trong đó Hà Nội là 15 trường hợp (1 trường hợp tử vong), Hải Dương (5 trường hợp), các tỉnh khác ghi nhận từ 1-3 trường hợp. Kết quả điều tra cho thấy số trường hợp mắc chủ yếu ở nhóm trẻ dưới 15 tuổi chiếm 84,8% trong đó trẻ dưới 1 tuổi chiếm 15,2%.
Theo Cục Y tế dự phòng, viêm não vi rút là bệnh nguy hiểm do nhiều loại vi rút gây nên trong đó vi rút viêm não Nhật Bản là một trong những tác nhân gây bệnh này. Biểu hiện chính của bệnh là sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương. Trẻ em dưới 15 tuổi là những người có nguy cơ cao bị mắc bệnh. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng mùa dịch là vào các tháng mùa hè và đỉnh điểm là các tháng 6, 7, 8.
Các chuyên gia khuyến cáo, hiện nay, bệnh viêm não vi rút chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và mới chỉ có viêm não Nhật Bản là có vắc xin phòng bệnh. Vắc xin viêm não Nhật Bản đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1997. Đến năm 2013 đã triển khai tại 580 huyện của 60 tỉnh, thành phố và năm 2014 triển khai tại tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước. Hàng năm có khoảng 1 triệu trẻ dưới 5 tuổi được tiêm chủng.
Bộ Y tế cũng nhận định trong những tháng mùa hè tới là mùa cao điểm của bệnh viêm não vi rút trong đó có viêm não Nhật Bản, đặc biệt ở những địa phương có dịch lưu hành cao trong những năm trước đây. Do đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng chống bệnh viêm não vi rút, tập trung vào các hoạt động truyền thông về phòng chống dịch bệnh mùa hè , đẩy mạnh phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân, huy động sự tham gia tích cực của toàn thể cộng đồng trong việc triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà ở, vệ sinh khu chăn nuôi, thường xuyên diệt muỗi, bọ gậy/ lăng quăng.
Bộ Y tế cũng chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện tốt việc giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, kịp thời khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch; tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân để hạn chế di chứng và tử vong đồng thời chống lây chéo trong các cơ sở điều trị. Tổ chức tốt việc tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng để đạt tỷ lệ cao và đảm bảo an toàn tiêm chủng. Đảm bảo đầy đủ thuốc, vắc xin và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho công tác phòng chống dịch và điều trị bệnh nhân.
Theo Trí Thức Trẻ
Viêm não Nhật Bản nguy hiểm như thế nào? Bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm trùng cấp tính hệ thần kinh trung ương do vi rút gây ra. Đây là một bệnh nặng, nguy cơ tử vong cao, hay để lại di chứng. Vi rút viêm não Nhật Bản truyền sang người do muỗi đốt và truyền bệnh. Vật chủ chính mang vi rút là lợn và một số loài...