TP HCM sẽ thu hơn 300 tỷ đồng phí đường bộ xe máy
Với hơn 6 triệu xe máy đăng ký trên địa bàn, số tiền phí sử dụng đường bộ TP HCM dự kiến thu được khoảng 307 tỷ đồng. Chi phí cho việc thu là gần 36 tỷ đồng.
Ngày 4/6, tại hội nghị tập huấn cho 24 quận huyện về việc thu phí đường bộ đối với xe máy trên địa bàn, Sở Giao thông vận tải TP HCM cho biết sẽ thu được khoảng 307 tỷ đồng phí sử dụng đường bộ đối với xe máy.
Trong đó, 144 tỷ đồng sẽ cấp cho 24 quận huyện để duy tu, bảo dưỡng đường; 126 tỷ nộp về quỹ bảo trì đường bộ của thành phố. Riêng phần kinh phí chi cho các xã, phường để tổ chức việc thu phí là gần 36 tỷ đồng.
TP HCM có hơn 6 triệu xe máy. Ảnh: H.C.
Video đang HOT
Theo ông Nguyễn Ngọc Thảo, Trưởng phòng đầu tư Sở Tài chính TP HCM, thành phố quy định CSGT không được phép xử phạt người chưa đóng phí đường bộ đối với xe máy mà chỉ nhắc nhở. “Thẩm quyền kiểm tra xử phạt hành vi này được giao cho Sở Tài chính. Theo quy định người không nộp phí sẽ bị phạt tiền từ một đến ba lần so với số phí không nộp”, đại diện Sở Tài chính cho biết.
Trước đó, theo quyết định của Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín về việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy trên địa bàn thành phố, mức thu đối với xe có dung tích xylanh đến 100 cm3 là 50.000 đồng một năm, loại từ trên 100 cm3 đến 175 cm3 là 100.000 đồng và trên 175 cm3 là 150.000 đồng. Môtô của lực lượng công an, quốc phòng; các hộ nghèo theo quy định về hộ nghèo tại TP HCM được miễn thu phí.
UBND thành phố giao các quận huyện, phường xã tổ chức việc thu phí. Theo đó, các cơ quan sẽ phát phiếu kê khai môtô, xe máy nộp phí theo mẫu để lập danh sách quản lý việc thu phí trên địa bàn theo từng năm.
Về cách thu, người có xe máy phải đến UBND xã, phường, thị trấn hoặc các điểm thu phí tại khu phố để nộp phí. Hoặc chính quyền địa phương cũng có thể cử cán bộ liên hệ thu và cấp biên lai thu phí cho người nộp.
Hữu Nguyên
Theo VNE
Thủ tướng chỉ đạo rà soát tình trạng "trạm thu phí mọc như nấm"
Trước kiến nghị cần điều chỉnh giảm việc thu phí bảo trì đường bộ vì hiện các trạm thu phí đã mọc lên như nấm của nhiều Hiệp hội vận tải, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên trấn an, việc thu phí không dùng để bảo trì các tuyến đường BOT.
Nhiều ý kiến cho rằng có trạm thu phí vẫn thu phí bảo trì đường bộ là áp lực 2 lần đối với phương tiện.
Chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 diễn ra chiều tối ngày 25/4, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên nhận được phản ánh về tình trạng trạm thu phí trên nhiều tuyến đường "mọc lên như nấm" do các dự án đường bộ được xây dựng theo hình thức BOT ngày càng nhiều. Một số hiệp hội (Hiệp hội Vận tải Hàng hoá TP.HCM, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam) cho rằng cần điều chỉnh lại việc thu phí bảo trì đường bộ cho phù hợp với thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Nói về quan điểm chỉ đạo của Chính phủ đối với vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, việc thu phí để tạo nguồn vốn bảo trì hệ thống đường bộ là rất cần thiết và đang được thực hiện theo Nghị định số 18 năm 2011 của Chính phủ. Nguồn thu này không sử dụng để bảo trì các dự án giao thông đường bộ BOT. Hiện nay, các phương tiện giao thông đường bộ ngoài việc chịu khoản phí bảo trì đường bộ qua đầu phương tiện, khi tham gia giao thông qua các tuyến đường bộ BOT thì vẫn phải chịu phí do được hưởng các dịch vụ giao thông tốt hơn.
Việc thu phí hoàn vốn dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông theo hình thức BOT tại các Trạm thu phí của Nhà đầu tư dự án được thực hiện theo Nghị định số 10 năm 2013 quy định việc quản lý sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Hiện nay trên toàn quốc có 40 trạm thu phí sử dụng đường bộ trên các tuyến Quốc lộ.
Về mức thu phí và khoảng cách giữa các trạm thu phí được thực hiện theo Thông tư số 159/2013/TT-BTC. Riêng đối với các dự án đường cao tốc có mức thu phí riêng theo phương án hoàn vốn của từng dự án BOT.
Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Tài chính rà soát các trạm thu phí dự án BOT trên các tuyến quốc lộ, bảo đảm thực hiện đúng các quy định hiện hành và khẩn trương chỉ đạo nghiên cứu lập quy hoạch tổng thể các trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ trên phạm vi toàn quốc, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Cũng liên quan đến lĩnh vực giao thông, một vấn đề khác được báo chí quan tâm, chất vấn là việc xã hội hoá, kêu gọi nguồn vốn đầu tư ngoài Nhà nước đối với hạ tầng xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông (cảng, hàng không, đường sắt...). Câu hỏi dành cho Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ là kế hoạch tới đây của các Bộ, ngành để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về vấn đề này? Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, việc xã hội hoá trong bối cảnh nguồn lực nhà nước còn hạn chế là hết sức cần thiết. Trong thời gian qua các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước về xã hội hoá đầu tư phát triển các dự án kết cấu hạ tầng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng công trình, chất lượng dịch vụ, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Trong quá trình triển khai, đã chú trọng bảo đảm vai trò quản lý của Nhà nước, nhất là đối với các lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến an ninh quốc phòng, dân sinh; kiểm soát độc quyền, công khai, minh bạch; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng; không làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước. Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 13 của Trung ương về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, Thủ tướng đã chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, vừa bảo đảm vai trò quản lý của Nhà nước, vừa tạo thuận lợi cho việc triển khai thực hiện và huy động tối đa các nguồn lực nhất là nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo quy hoạch.
P.Thảo
Theo dantri
TPHCM thu phí sử dụng đường bộ xe mô tô từ 1/5 Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín vừa ký quyết định về việc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện với xe mô tô (bao gồm xe mô tô 2 bánh, xe gắn máy) trên địa bàn thành phố. Quyết định có hiệu lực từ 1/5 tới đây. TPHCM tổ chức thu phí đường bộ theo đầu phương tiện...