TP HCM nêu 5 nguyên nhân ngập sau trận mưa lịch sử
Mưa lớn bất thường, hệ thống thoát nước bị nghẽn rác, nhiều dự án đang thi công đã ngăn dòng chảy… là nguyên nhân TP HCM ngập nặng sau trận mưa chiều 26/9.
Trận mưa lớn kéo dài 2 giờ chiều hai hôm trước đã gây ngập nặng 59 tuyến đường của TP HCM khiến giao thông rối loạn, hàng loạt nhà dân và cửa hàng bị nước tràn vào, nhiều bãi đỗ trong sân bay Tân Sơn Nhất bị ngập làm hàng chục chuyến bay phải chuyển hướng… gây xáo trộn cuộc sống hàng triệu người ở đô thị lớn nhất nước.
Lý giải tình trạng TP HCM bị ngập nặng sau một cơn mưa lịch sử, Trung tâm điều hành chống ngập thành phố chỉ ra 5 nguyên nhân:
Mưa quá lớn – cống quá nhỏ
Vũ lượng quá lớn, vượt xa tần suất thiết kế hệ thống thoát nước hiện nay nên đã gây ngập trên diện rộng. Thậm chí, một số tuyến đường đã được đầu tư, nâng cấp hệ thống thoát nước vẫn bị ngập như: Phan Xích Long, Trường Sơn, Song hành quốc lộ 22, Phan Văn Hớn, Nguyễn Ảnh Thủ, Tô Ngọc Vân…
Theo Quyết định 752 của Thủ tướng về Phê duyệt Quy hoạch tổng thế hệ thống thoát nước TP HCM đến năm 2020 đối với tuyến cống cấp 2, lượng mưa đạt trong 1 giờ 30 phút ứng với chu kỳ 100 năm chỉ là hơn 137 mm. Còn tần suất thiết kế cống hiện nay, tuyến cống cấp 3 là mưa gần 76 mm trong 3 giờ; tuyến cống cấp 2 là mưa hơn 85 mm; kênh, rạch chính cấp 1 là mưa gần 96 mm trong 3 giờ; đỉnh triều thiết kế là 1,32 m.
TP HCM bị ngập nặng sau trận mưa chiều 26/9. Ảnh: Duy Trần
Trong khi đó, những năm gần đây, tình trạng biến đổi khí hậu khiến lượng mưa ngày càng lớn và đỉnh triều trên sông ngày càng cao. Cụ thể, các cơn mưa có vũ lượng trên 100 mm xuất hiện ngày càng nhiều (mỗi năm 3 lần) và triều cường năm sau luôn cao hơn năm trước, hiện là 1,68 m so với 10 năm trước đây chỉ là 1,5 m.
Trận mưa hai hôm trước kéo dài 2 giờ với vũ lượng hơn 179 mm (đo tại quận 1) và các quận, huyện khác đều trên hoặc xấp xỉ 100 mm được Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ đánh giá là cơn mưa lớn nhất xảy ra tại Sài Gòn trong 40 năm qua.
Xả rác bừa bãi, kênh rạch bị lấn chiếm
Video đang HOT
Tình trạng người dân xả rác xuống hệ thống thoát nước (miệng thu hầm ga, kênh rạch) còn phổ biến. Nên khi mưa lớn, áp lực nước cao sẽ cuốn rác vào lưới chắn, cản trở dòng chảy. “Trước khi xuất hiện mưa, chúng tôi đã triển khai vớt rác trước miệng thu nước và bố trí người trực những nơi có khả năng gây ngập nhưng cũng chỉ hạn chế được một phần”, đại diện Trung tâm chống ngập cho biết.
Nghị định 179 năm 2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã quy định hành vi “Đổ rác, chất thải hoặc bất cứ vật gì khác vào hố ga, hệ thống thoát nước công cộng, trên vỉa hè, lòng đường” sẽ bị phạt 1-2 triệu đồng. Tuy nhiên, hầu như rất ít người bị phạt do khó bắt được quả tang.
Tình trạng lấn chiếm hệ thống thoát nước, cửa xả, kênh rạch còn phổ biến nhưng việc xử lý còn quá chậm dù chính quyền thành phố đã chỉ đạo xử lý nhiều lần, gần nhất là Văn bản hôm 19/8.
Trong chuyến khảo sát các tuyến kênh thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất mới đây của Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, đoàn đã ghi nhận hàng loạt công trình nhà dân xây lấn chiếm bờ kênh. Dưới lòng kênh cũng có lượng lớn rác thải và vật liệu xây dựng nằm ngổn ngang, chắn ngang dòng chảy, bít kín cửa thoát nước khiến nước tù đọng, bốc mùi khó chịu.
Dự án chống ngập ‘rùa bò’
Nhiều dự án đãđược triển khai để xóa các điểm ngập còn lại (giai đoạn 2016-2020) nhưng tiến độ chậm do vướng thủ tục, như: Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, Cải tạo rạch Ông Búp, Kênh tiêu Liên Xã… Hoặc thi công chậm như: Xa lộ Hà Nội (chân cầu Rạch Chiếc), Nguyễn Văn Quá (quận 12)…
Gần một ngày sau trận mưa lịch sử, nhiều nơi ở TP HCM vẫn còn ngập nặng. Ảnh:Mạnh Tùng
Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm với tổng số vốn hơn 5.100 tỷ đồng nhằm giúp thoát nước, giảm ngập úng cho 700 ha tại nhiều khu vực ở các quận Bình Thạnh, Gò Vấp được giao cho một công ty tư nhân đầu tư từ năm 2015 hiện giậm chân tại chỗ. Mới đây, báo cáo UBND thành phố, các sở ngành cho biết vẫn chưa có động tĩnh gì từ phía nhà đầu tư chốt lại thời điểm khởi động, hoàn thành dự án cải tạo tuyến rạch huyết mạch vùng nội thành thành phố này.
Chưa thực hiện các dự án hỗ trợ thoát nước
Dù đã được quy hoạch từ lâu, song các dư an hỗ trợ thoát nước trong điều kiện ảnh hưởng biến đổi khí hậu, diễn biến thủy văn phức tạp tại thành phố đã được Thủ tướng phê duyệt 8 năm trước chưa thể triển khai thi công. Hiện, chỉ mới xây dựng được một trong 10 cống kiểm soát triều (Nhiêu Lộc – Thị Nghè) và hơn 40% hệ thống đê bao (60 km đê bao trong tổng số 149 km).
“Chậm trễ là do thiếu vốn. Để triển khai các quy hoạch chống ngập cần số tiền lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng nhưng thực tế thành phố mới đầu tư được 25.000 tỷ, nên khối lượng công việc còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, việc giải phóng mặt bằng quá chậm cũng ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án chống ngập”, báo cáo của UBND TP HCM cho biết.
Dự án thoát nước đang triển khai ngăn dòng chảy
Một số công trình thoát nước đang thi công cũng được cho là một trong những nguyên nhân làm anh hương đến khả năng thoát nước của tuyến cống hiện hữu. Ngoài ra, theo Trung tâm chống ngập, có những tuyến đường đã xử lý ngập bằng giải pháp tạm (đấu nối mở thêm hướng thoát nước mới, cải tạo miệng thu…) trong khi chờ các dự án lớn triển khai đã xuất hiện ngập khi mưa to.
Hữu Công
Theo VNE
Sài Gòn, Nha Trang ngập nặng do mưa lớn
Chiều tối 2.11, mưa lớn kéo dài hơn 2 giờ khiến nhiều đường trong khu Bàu Cát (Q.Tân Bình) như Nguyễn Hồng Đào, Phạm Phú Thứ, Võ Thành Trang... nước ngập sâu 30 - 40 cm, nhiều xe chết máy phải dắt bộ. Hàng chục hộ dân sống trong vùng cũng bị ảnh hưởng do nước tràn vào nhà, đảo lộn mọi sinh hoạt.
Ngập nặng tại khu Bàu Cát, Q.Tân Bình (TP.HCM) vào chiều tối 2.11 - Ảnh: An Huy
Trong khi đó, các tuyến đường tại Q.Tân Phú như: Âu Cơ, Tân Thành, Thoại Ngọc Hầu... nước ngập 20 - 30 cm. Đặc biệt, mưa lớn biến đường Nguyễn Văn Quá (Q.12) ngập sâu hơn nửa mét, kéo dài như sông, nhiều người phải dắt xe gắn máy bì bõm dưới nước do xe chết máy. Nước ngập cục bộ trên đường Phan Huy Ích, Phạm Văn Bạch (Q.Gò Vấp) 10 - 20 cm.
Trên các đường chính hướng vào trung tâm như Trường Chinh, Cộng Hòa (Q.Tân Bình), Cách Mạng Tháng Tám (Q.10) kẹt xe nghiêm trọng, hàng nghìn phương tiện nối đuôi nhích từng chút trên đường.
Cũng trong ngày 2.11, mưa lớn khiến nước tràn vào nhà hàng chục hộ dân sống dọc đường Phong Châu (TP.Nha Trang). Nước ngập cao ngang đầu gối khiến các hộ dân phải kê đồ đạc lên cao, dùng máy bơm hút nước từ trong nhà ra ngoài đường. Nhiều hộ phải gửi con nhỏ ở nhờ người quen.
Nước ngập tại nhiều nhà dân mỗi khi có mưa - Ảnh: Nguyễn Chung
Theo ông Ngô Khắc Thinh, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Nha Trang, nguyên nhân gây ngập là khu vực này có nhiều dự án đang thi công như khu đô thị, dự án đường Phong Châu... nên hệ thống thoát nước chưa khớp nối, đồng bộ với hệ thống thoát nước của thành phố; cao trình hiện trạng nhiều nhà dân thấp hơn nền các dự án 1 - 1,5 m.
Cũng trong ngày 2.11, UBND TP.Nha Trang đã có cuộc họp với các đơn vị liên quan, chủ đầu tư các dự án, đưa ra giải pháp trước mắt là thi công hệ thống cống thoát nước; nạo vét các mương hở, để thoát nước mưa ra sông Tắc.
Mưa lớn đã khiến tường nhà của gia đình ông Nguyễn Trà (56 tuổi, trú xã Vĩnh Trung, TP.Nha Trang) lún, nứt toác từng mảng lớn, có nguy cơ đổ sập. Nhà ông Trà nằm trong khu tái định cư thuộc dự án đường Nha Trang - Diên Khánh. Khu tái định cư này hiện có 70 nhà dân, xây dựng trên nền đất yếu nên xảy ra hiện tượng lún, rạn nứt và mùa mưa rất nguy hiểm.
Trương Thị Rồi, 67 tuổi, ngụ P. Phước Hải, TP.Nha Trang, đứng trong căn nhà ngập nước sau mưa - Ảnh: Nguyễn Chung
* Chiều qua 2.11, nhiều chuyến bay của các hãng hàng không trong và ngoài nước đã không thể hạ cánh cũng như cất cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất do ảnh hưởng của trận mưa giông lớn ở TP.HCM kéo dài từ 16 - 17 giờ 10.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại sân bay Tuy Hòa (Phú Yên). Vietnam Airlines (VNA) tối qua cho biết đã có tổng số 22 chuyến bay của hãng này bị ảnh hưởng trực tiếp và ảnh hưởng dây chuyền đến nhiều chuyến bay khác.
Trong số 22 chuyến, có 10 chuyến hạ cánh muộn do phải bay chờ từ 30 - 50 phút, 10 chuyến cất cánh muộn từ 15 - 20 phút và 2 chuyến từ Melbourne (Úc) VN780 và Thanh Hóa VN1271 đến Tân Sơn Nhất phải chuyển hướng hạ cánh tại Nha Trang.
Theo Thanhnien
Người Sài Gòn nửa đêm lội nước về nhà Tối 22.10, cơn mưa lớn kéo dài khoảng 1 giờ đã làm một số tuyến đường ở TP.HCM ngập nặng, người dân rất vất vả lội nước về nhà lúc nửa đêm. Nhiều người đi xe máy rất khổ sở khi đi qua đường Nguyễn Hữu Cảnh Nhiều taxi sợ chết máy giữa dòng nên cố gắng rồ ga, chạy nhanh qua điểm...