TP HCM mở 3 tuyến buýt điện
Xe buýt điện sử dụng loại 12 chỗ sẽ được TP HCM thí điểm ở khu vực trung tâm, đô thị Phú Mỹ Hưng và dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong vừa đồng ý cho thực hiện Đề án thí điểm vận hành 3 tuyến xe buýt không trợ giá, sử dụng ôtô chạy bằng điện hoạt động trong phạm vi hạn chế, theo đề xuất của Sở Giao thông Vận tải (GTVT).
Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng giao Sở GTVT phải tổ chức phân luồng giao thông hợp lý tại khu vực trước trụ sở UBND thành phố (giao lộ Nguyễn Huệ – Lê Thánh Tôn) và các tuyến đường lân cận, không để xảy ra kẹt xe vào giờ cao điểm.
Một tuyến xe điện hoạt động ở Hà Nội. Ảnh: H.H
Video đang HOT
Lộ trình cụ thể của ba tuyến xe buýt này gồm: tuyến xe buýt điện số 1 (hoạt động ở trung tâm TP HCM) có điểm xuất phát từ Công viên 23/9 đi qua các tuyến đường trung tâm như Phạm Ngũ Lão, Công trường Mê Linh, Hai Bà Trưng… và kết thúc ở Thảo cầm viên Sài Gòn; và ngược lại. Tuyến này có 11 xe.
Tuyến số 2 gồm 5 xe (hoạt động ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7) có 3 lộ trình xuất phát từ các đường Phạm Văn Nghị, Tân Phú và Hoàng Văn Thái đi qua nhiều tuyến đường ở Phú Mỹ Hưng và quay về các điểm xuất phát.
Tuyến số 3 (hoạt động trên đường Hoàng Sa, dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè) chỉ có 3 xe. Điểm bắt đầu là bến thuyền nội đô tại phường Đakao, quận 1 và điểm cuối là bến thuyền nội đô tại phường 7, quận 3.
Các xe sử dụng trên 3 tuyến buýt điện là loại 12 chỗ ngồi và có thời gian hoạt động từ 5h đến 22h mỗi ngày. 3 tuyến buýt này đều do các doanh nghiệp tư nhân vận hành và không trợ giá.
Hữu Công
Theo VNE
TP HCM lắp máy quạt giúp cá sống ở kênh Nhiêu Lộc
Phòng tình trạng cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, chính quyền TP HCM yêu cầu lắp vòi bơm phun nước, máy quạt bề mặt kênh nhằm tăng cường ôxy hòa tan.
Phó chủ tịch thường trực UBND TP HCM Lê Thanh Liêm vừa giao Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp với Sở Giao thông nghiên cứu lắp vòi bơm phun nước, máy quạt bề mặt... kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Việc này là để tăng cường ôxy hòa tan, phòng ngừa tình trạng cá chết và tạo cảnh quan ở khu vực kênh.
Theo Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP HCM), từ năm 2014 đến nay năm nào cũng xảy ra hiện tượng cá kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chết. Ít thì vài tấn, nhiều hàng chục tấn. Nguyên nhân là do ô nhiễm, môi trường nước bị thay đổi đột ngột trong những cơn mưa đầu mùa.
Cá chết trắng trên kênh Nhiêu Lộc sau vài cơn mưa đầu mùa. Ảnh: Quốc Thắng
Hồi cuối tháng 7, sau khi có đến 70 tấn cá chết ở đây, chính quyền TP HCM yêu cầu Sở Tài nguyên tăng tần suất, vị trí quan trắc sau các cơn mưa đầu mùa để theo dõi chặt chất lượng nước kênh; đồng thời khơi thông dòng chảy, nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm cục bộ môi trường nước trên kênh...
Việc thường xuyên theo dõi tình trạng thủy sản ở kênh, quan trắc trước mùa mưa là để có biện pháp xử lý nước kênh ở đoạn bị ô nhiễm; tăng cường tuần tra xử phạt vi phạm công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản... được giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Lãnh đạo UBND thành phố cũng yêu cầu Sở GTVT đẩy nhanh dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (giai đoạn 2), sớm đưa nhà máy vào hoạt động; Sở Khoa học và Công nghệ triển khai đề tài "Nghiên cứu khả năng thả cá dựa trên tính toán sức tải thủy vực của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè"; đề xuất biện pháp quản lý phù hợp giữa mật độ cá và cân bằng môi trường sinh thái trên kênh trong những năm tiếp theo.
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài 8,7 km chảy qua các quận 1, 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh và Tân Bình, bắt đầu tại cửa cống hộp ở đường Út Tịch (quận Tân Bình) rồi đổ ra sông Sài Gòn ở vị trí gần xưởng đóng tàu Ba Son (quận 1).
Hữu Nguyên
Theo VNE
Doanh nghiệp muốn xây hầm chui ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất Hầm dài gần một km, 2 làn xe, kinh phí 370 tỷ đồng được đề xuất xây để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại cửa ngõ sân bay ở TP HCM. Một doanh nghiệp vừa đề xuất chính quyền TP HCM cho phép triển khai dự án xây hầm chui tại nút giao Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi...