TP HCM loay hoay tìm giải pháp hạn chế xe cá nhân
Cấp quota mua ôtô, cấm ôtô vào nội đô, cho xe lưu thông theo ngày chẵn lẻ… là những giải pháp mà TP HCM nghiên cứu để hạn chế xe cá nhân. Nhưng sau nhiều năm giao thông thành phố vẫn là bài toán chưa có lời giải.
Giữa tháng 1, UBND TP HCM đã yêu cầu các sở ngành nghiên cứu “Đề tài quản lý phương tiện đăng ký mới thông qua Giấy chứng nhận quyền mua xe” (COE), còn gọi là “quota ôtô” để đề xuất Chính phủ cho thí điểm.
Theo các chuyên gia, việc áp dụng giải pháp “quota ôtô” khó có thể đạt được hiệu quả hạn chế xe cá nhân ở TP HCM vì TP HCM rất khác Singapore. Ảnh: H.C.
Giải pháp này được Singapore áp dụng khá thành công. Mỗi người dân muốn sở hữu xe phải có COE. Số lượng COE hằng năm được tính toán dựa trên sự tăng trưởng xe 1,5%/năm và số giấy chứng nhận hết hạn sẽ thu hồi trong năm. Khoảng hai tháng, Cục Quản lý Giao thông (LTA) sẽ đấu giá một lần với số lượng hạn chế, số xe được nhập vào cân đối với số xe thải ra và một số xe cần theo nhu cầu cấp thiết. Số tiền đấu giá sẽ bổ sung cho ngân sách, đưa vào xây cầu vượt, hầm chui, đường tránh… để giảm kẹt xe, đồng thời sửa đường cũ, làm đường mới.
Ngay sau khi thành phố yêu cầu nghiên cứu giải pháp này, nhiều chuyên gia đã cho là rất khó khả thi vì Singapore và TP HCM hoàn toàn khác nhau về địa lý, dân số và mức sống. Là một đảo quốc, mức sống cao nên một người dân Singapore có khả năng mua 2-3 ôtô để đi làm, đi chơi do đó Chính phủ áp dụng COE có hiệu quả để một người chỉ có một xe. Trong khi đó thu nhập của người dân TP HCM thấp hơn nhiều so với nước bạn nên mỗi người cũng chỉ mua một xe để đi lại.
Tiến sĩ Phạm Xuân Mai (nguyên giảng viên ĐH Bách khoa TP HCM) cho rằng, việc thực hiện COE không những gây tốn kém cho người dân mà còn khó thực hiện. Bài học của TP Hà Nội cho thấy không cho một số quận nội thành đăng ký xe thì người dân lại nhờ người thân ở các tỉnh đăng ký và đưa về Hà Nội sử dụng. Kết quả là Hà Nội phải bãi bỏ việc cấm đăng ký xe. Nếu TP HCM áp dụng COE chắc chắn người dân sẽ tìm cách đưa xe từ các tỉnh về như người Hà Nội.
Theo ông Bùi Xuân Cường, Phó giám đốc Sở Giao thông, sau chuyến đi Singapore, giải pháp trên đã được UBND giao Công an thành phố nghiên cứu từ khá lâu. Tuy nhiên, sau đó thành phố có chủ trương ngừng thực hiện đề tài này. Nhưng mới đây, trong “Kế hoạch khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn”, cũng chính UBND thành phố lại yêu cầu các sở ngành nghiên cứu giải pháp trên.
Video đang HOT
Một mô hình khác mà TP HCM đã nghiên cứu nhiều năm, nhưng đến nay vẫn còn trên giấy là việc tổ chức thu phí ôtô vào nội đô.
Theo đề án, Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong (ITD), đơn vị được UBND TP HCM giao nghiên cứu, sẽ xây dựng 35 cổng thu phí tự động xung quanh khu vực hạn chế trên các tuyến đường bao quanh quận 1, quận 3 và vùng giáp ranh với quận 5, 10. Tại các cổng này sẽ lắp đặt thiết bị tính phí và camera chuyên dụng để nhận dạng các loại xe. Từ đó, xe cá nhân sẽ giảm và hạn chế được tình trạng ùn tắc giao thông. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 1.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tại buổi báo cáo với UBND thành phố vào tháng 3/2012, đại diện Sở Tài chính lo ngại về tính khả thi của đề án vì không có hiệu quả kinh tế xã hội và làm tăng giá cả hàng hóa. Viện nghiên cứu phát triển thì cho rằng nếu thu phí nội đô thành phố sẽ tràn ngập xe máy. Ông Nguyễn Thành Tài, nguyên phó chủ tịch UBND TP HCM, cố vấn về vấn đề giao thông, cũng bày tỏ lo ngại mô hình này chỉ phù hợp với các thành phố có dân số trung bình và hệ thống giao thông cộng cộng phát triển, hệ thống hạ tầng thương mại, kinh tế hoàn chỉnh chứ không giống như tình hình hiện tại của thành phố.
Khu vực được Công ty ITD đề xuất lập trạm thu phí.
Trước những băn khoăn, Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín đề nghị Sở Giao thông và chủ đề án tiếp thu, nghiên cứu các ý kiến, sau đó Ủy ban Mặt trận tổ quốc thành phố sẽ lấy ý kiến dư luận về tính khả thi của đề án. Và đến thời điểm hiện nay đề án này vẫn mới dừng lại ở mức độ “tiếp tục nghiên cứu”.
Ngoài 2 biện pháp trên, nhằm giải quyết bài toán giao thông, thành phố đã có phương án điều chỉnh, tăng mức thu các loại phí liên quan đến đăng ký mới và lệ phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân (lệ phí trước bạ, lệ phí cấp giấy đăng ký và biển số phương tiện giao thông đường bộ…). Tháng 11/2012, TP HCM cũng đã dự định trình HĐND tờ trình cho phép tăng phí cấp mới giấy đăng ký và biển số ôtô dưới 10 chỗ không hoạt động kinh doanh vận tải từ 2 lên 20 triệu đồng để vừa hạn chế xe cá nhân, vừa giảm ùn tắc, nhưng sau đó cho rằng thời điểm này tăng phí chưa hợp lý nên đã không thực hiện.
Trước đó, tại kỳ họp lần thứ ba năm 2011, HĐND TP HCM đã thông qua tờ trình về việc tăng thuế trước bạ đối với ôtô lên 15% để vừa hạn chế xe cá nhân, giảm tình trạng kẹt xe lại vừa tăng nguồn thu cho ngân sách. Tại thời điểm đó, nhiều đại biểu đã không đồng tình với cách “tăng phí để giảm xe” mà UBND thành phố nêu ra. Lý do là người mua ôtô đa số khá giả. 5% thuế đối với họ chẳng là bao, họ sẵn sàng đóng thuế để mua xe, do đó mục tiêu hạn chế xe cá nhân khó thực hiện. Ngoài ra, doanh nghiệp sản xuất xe sẽ đưa mức tăng này vào chi phí, khấu hao nên không ảnh hưởng bao nhiêu. Trong khi đó với cá nhân đủ điều kiện thì mức tăng này cũng không đủ tác động đến quyết định mua ôtô của họ.
Ngoài những giải pháp trên, TP HCM đã chỉ đạo các sở ngành nghiên cứu xây dựng kế hoạch triển khai và thí điểm cấm một số loại xe lưu thông trong khoảng thời gian nhất định trên một số tuyến đường có mật độ giao thông cao (cấm xe taxi, xe cá nhân, xe trên 30 chỗ) lưu thông ngày chẳn lẻ… Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có biện pháp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nào được áp dụng, trong khi số lượng xe vẫn đang tăng lên từng ngày (mỗi ngày thành phố có thêm 100 ôtô và 1.000 xe máy mới).
Theo VNE
Loay hoay hạn chế xe cá nhân
Dự thảo đề án "Hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn" mới đây của Bộ GTVT đưa ra rất nhiều giải pháp, nhưng hầu hết quanh quẩn với những giải pháp "bình cũ, rượu cũ", vốn được đánh giá là không khả thi.
Cấm đoán hành chính
Dự thảo đề án tập trung vào việc hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại 5 đô thị lớn trên cả nước, gồm: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ. Một trong những nội dung chính được đề cập là đến năm 2016, một số biện pháp cấp thiết sẽ được đưa ra áp dụng tại các TP lớn: tăng phí trông giữ xe, tăng chế tài xử phạt, quy hoạch giao thông tĩnh, cấm dừng đỗ xe trên một số tuyến đường cấm một số loại xe con, xe khách, xe tải trên một số trục chính, đường hướng tâm trong thành phố... nhằm mục tiêu hạn chế xe cá nhân, chống ùn tắc.
Việc thu phí chỉ là một trong những giải pháp hạn chế xe cá nhân, quan trọng hơn là phát triển xe công cộng để thu hút người tham gia giao thông
TS Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm nghiên cứu kinh tế miền Nam
Về vấn đề quản lý sở hữu phương tiện, một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo là quy định người không có hộ khẩu tại các TP lớn phải có thời gian sinh sống ít nhất 5 năm trở lên mới được đăng ký phương tiện cá nhân. Tại khu vực nội ô của các TP lớn, muốn sở hữu ô tô con phải chứng minh được có chỗ đỗ xe. Đồng thời, hạn chế số lượng xe bằng cách cấp hạn ngạch (quota) cho số phương tiện được phép đăng ký mới theo năm đối với từng TP, trên cơ sở tính toán phù hợp với sự phát triển kết cấu hạ tầng của TP đó.
TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học và quản lý TP.HCM (HASCON), nhận xét các giải pháp này nặng về tính cấm đoán hành chính và khó khả thi trong điều kiện quản lý hiện nay. Bởi, việc đề ra quota đăng ký mới xe đối với 5 TP lớn thì sẽ chẳng đem lại hiệu quả về hạn chế xe cá nhân, bởi người dân có nhu cầu sẽ "lách" bằng cách đăng ký xe ở các địa phương lân cận và đem vào hoạt động ở các TP lớn. Tương tự, việc yêu cầu người không có hộ khẩu phải sinh sống ít nhất 5 năm ở các TP lớn mới được đăng ký phương tiện cũng sẽ khiến các đô thị này phải đối mặt với làn sóng xe ngoại tỉnh tràn vào. Khi đó, vấn đề kiểm soát phương tiện còn phức tạp hơn hiện nay rất nhiều.
Về quy định muốn sở hữu ô tô phải chứng minh có chỗ đậu xe, ông Phúc cho rằng khó kiểm soát trên thực tế, hơn nữa có thể phát sinh tiêu cực. Bởi, với tình trạng khan hiếm chỗ đậu xe như hiện nay, nếu quy định được thông qua thì sẽ xảy ra một cuộc đổ xô đi tìm chỗ đậu xe ở các TP lớn, trong đó khó tránh khỏi tình trạng mua bán những chỗ đậu xe ảo mà các cơ quan chức năng cũng chẳng thể nào kiểm soát.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Việt Nam, cũng cho rằng nên bỏ quy định chứng minh được chỗ đỗ mới được đăng ký ô tô con, vì dễ biến thành hợp đồng ảo, vừa không hiệu quả, vừa gây phiền hà cho người dân. Đặc biệt, theo ông Hùng, quy định những người không có hộ khẩu tại 5 thành phố lớn phải sinh sống 5 năm trở lên mới được đăng ký xe sẽ "vi hiến", vi phạm quyền sở hữu tài sản của công dân.
Nặng nề thuế, phí
Đề án của Bộ GTVT tiếp tục nhắm đến việc tăng cường các loại thuế, phí, phí hạn chế phương tiện cá nhân, phí lưu thông giờ cao điểm... nhằm tác động vào kinh tế của người sử dụng phương tiện.
TS Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm nghiên cứu kinh tế miền Nam (SVEC), cho rằng thực tế vấn đề gia tăng phương tiện cá nhân ở VN hiện nay hoàn toàn không phải do các loại thuế, phí còn thấp. Mà ngược lại, muốn sở hữu một chiếc ô tô, người dân đã phải gánh quá nhiều loại thuế, phí (thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường, phí trước bạ, phí xăng dầu, lệ phí đăng kiểm, phí bảo hiểm, phí bến bãi, phí đường bộ và sắp tới đây là phí bảo trì đường bộ, phí hạn chế xe cá nhân, phí lưu thông giờ cao điểm). Điều này khiến một chiếc xe ở VN đắt đỏ gấp 2 - 3 lần các nước và người dân vẫn cắn răng mua vì nhu cầu lưu thông. Do đó, nếu tăng thuế, phí thì chỉ đạt được mục đích tăng thu chứ không khả thi ở khía cạnh hạn chế xe cá nhân.
Không thể hạn chế xe cá nhân bằng giải pháp cấm đoán và thu phí - Ảnh: D.Đ.Minh
"Các cơ quan chức năng cần đánh giá một cách bài bản thực trạng giao thông và nguyên nhân kẹt xe hiện nay. Bao nhiêu phần trăm kẹt xe là do xe cá nhân, giảm phương tiện cá nhân đến mức nào thì sẽ giảm ùn tắc... Trên cơ sở đó mới đề ra các giải pháp đi kèm. Cần lưu ý, việc thu phí chỉ là một trong những giải pháp hạn chế xe cá nhân, quan trọng hơn là phát triển xe công cộng để thu hút người tham gia giao thông", tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên nói.
Theo lộ trình của đề án, ngoài các giải pháp về hạ tầng và vận tải hành khách công cộng, Hà Nội và TP.HCM sẽ phải sớm triển khai đề án thu "phí vào trung tâm thành phố" và "phí vào trung tâm thành phố giờ cao điểm". Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, với mục tiêu hạn chế ùn tắc, chỉ cần phí vào trung tâm thành phố giờ cao điểm là đủ, không nên hạn chế quyền đi lại của người dân vào trung tâm thành phố. Mặt khác, việc thu phí giờ cao điểm cũng rất phức tạp, phải giải quyết nhiều vấn đề như thu phí thế nào, người dân có nhà trong trung tâm có phải nộp phí không...? Việc thu phí sẽ phải dựa trên các trạm thu phí thông minh, nhưng vốn đầu tư rất lớn, trong khi khả năng thu tiền không được nhiều (vì đúng mục tiêu là không khuyến khích người dân vào trung tâm giờ cao điểm), nên nhà nước sẽ phải dùng tiền ngân sách để bù.
Hà Nội kiến nghị bỏ hàng loạt quy định về hạn chế xe cá nhân Sở GTVT Hà Nội vừa kiến nghị Bộ GTVT bỏ hàng loạt quy định được nêu trong dự thảo đề án "Hạn chế phương tiện xe cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn". Cụ thể, bỏ quy định người không có hộ khẩu tại các TP lớn phải có thời gian sinh sống ít nhất 5 năm trở lên mới được đăng ký xe phải chứng minh được có chỗ đỗ xe mới đủ điều kiện để sở hữu ô tô con thực hiện việc đăng kiểm để loại bỏ những xe máy cũ không đạt chuẩn. Sở GTVT Hà Nội cho rằng đây là những quy định rất khó thực hiện, đã làm nhưng không thành công hoặc dễ gây ảnh hưởng không nhỏ đến an sinh xã hội. Ngoài ra, việc thu phí vào trung tâm thành phố và phí vào trung tâm trung tâm thành phố trong giờ cao điểm cũng cần được xem xét kỹ lưỡng vì đây là hai loại phí không được nêu trong Pháp lệnh Phí và lệ phí. Trên thực tế, UBND TP.Hà Nội từng quy định người dân phải chứng minh có nơi đỗ xe khi đăng ký xe ô tô. Sau khi áp dụng, nhiều người dân đã phải khổ sở "chạy" giấy chứng nhận điểm đỗ xe, ký "hợp đồng giả" với các điểm trông giữ xe, nảy sinh hàng loạt tiêu cực. Bởi vậy, quy định này đã bị bãi bỏ. Việc đề án tiếp tục đề xuất lặp lại quy định này khiến nhiều người lo ngại những tiêu cực xung quanh chuyện "chạy" giấy chứng nhận rất có thể tái xuất. Theo TN
Vành đai 2 TP HCM 'chưa biết bao giờ được khép kín' Mục tiêu khép kín đường vành đai 2 TP HCM trong năm 2012 bị phá sản khiến Sở Giao thông phải "cầu cứu" UBND TP có biện pháp hỗ trợ để hoàn thành công trình trọng điểm này trong tình hình thiếu vốn như hiện nay. Đường vành đai 2 (đoạn từ cầu Phú Mỹ đến Gò Dưa) bị đứt quãng trên bản...