TP HCM kỷ niệm 87 năm Quốc khánh Thái Lan
Dịp này, Tổng lãnh sự quán Thái Lan tại TP HCM tặng 60 suất học bổng, trị giá 60 triệu đồng cho học sinh nghèo, khuyết tật ở quận 4 và huyện Cần Giờ.
Sáng nay (9/12), tại TP HCM, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị và Hội hữu nghị Việt- Thái thành phố tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 87 sinh nhật Quốc vương và Quốc khánh Thái Lan (9/12/1927).
Buổi lễ cũng là dịp nhìn lại những bước tiến tích cực trong mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Thái Lan trong thời gian qua. Tính đến hết quý 3 năm 2014, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 7,6 tỷ USD, hai nước phấn đấu đạt 15 tỷ USD vào năm 2020.
Tổng lãnh sự quán Thái Lan trao tặng 60 suất học bổng cho học sinh nghèo, khuyết tật tại TP HCM
Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của Thái Lan trong khu vực và Thái Lan đứng thứ 9 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 315 dự án, tổng số vốn khoảng 6,4 tỷ USD. Riêng tại TP HCM đến nay có 135 dự án của Thái Lan đầu tư với số vốn hơn 221 triệu USD, tập trung các lĩnh vực: dịch vụ, thương mại, sản xuất và kinh doanh.
Dịp này, Tổng lãnh sự quán Thái Lan tại TP HCM đã trao tặng số tiền hơn 100 triệu đồng để hỗ trợ các hoạt động xã hội của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố; đồng thời tặng 60 suất học bổng, trị giá 60 triệu đồng cho học sinh nghèo, khuyết tật ở quận 4 và huyện Cần Giờ.
Video đang HOT
Phát biểu tại buổi lễ, bà Panpimon Suwannaponge, Tổng lãnh sự Thái Lan tại TP HCM cho rằng, các hoạt động này thể hiện mối quan hệ gắn bó trên tất cả cấp độ và phương diện, đặc biệt là giữa nhân dân hai nước Thái Lan và Việt Nam.
Bà Panpimon Suwannaponge cũng cho rằng, năm 2014 có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ song phương giữa hai nước. Vào 2 tuần trước, Đại tướng Prayuth Chan-ocha, Thủ tướng Thái Lan đã sang thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên. Hai bên đã ký kết chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược. Thỏa thuận này xác định phương hướng mở rộng quan hệ hợp tác giữa Thái Lan và Việt Nam vì lợi ích chung của nhân dân hai nước và mang lại lợi ích tổng thể cho khu vực ASEAN./.
Ngọc Xuân
Theo_VOV
Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ: "Quên" vật chứng vụ án, sẽ có oan sai
"Một áo phao cứu sinh đã qua sử dụng" là vật chứng quan trọng để cơ quan tố tụng truy tố bị can tội sử dụng phương tiện không đảm bảo an toàn.
Tiếp loạt bài viết về vụ án chìm ca nô ở huyện Cần Giờ, TP HCM vào ngày 2/8/2013, khiến 9 người tử nạn, trong cáo trạng số 474/CT-VKS-P1A, cơ quan tố tụng của TP HCM xác định: Đối với ông Đinh Văn Phúc - người trực tiếp điều khiển tàu BP 12-04-02 gây tai nạn - hành vi của ông này đã cấu thành tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy" quy định tại điều 212, Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, sau tai nạn Phúc đã tử nạn, nên cơ quan cảnh sát điều tra không khởi tố, điều tra về hành vi này.
Đối với hai ông Vũ Văn Đảo - Giám đốc Công ty Việt Séc, đơn vị sản xuất ca nô BP 12-04-02 và ông Đinh Văn Quyết - Giám đốc Công ty Cổ phần Vũng Tàu Marina, Viện kiểm sát Nhân dân TP HCM đã truy tố về tội "Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn" theo điều 214, Bộ luật hình sự.
Chiếc ca nô BP12-04-02 được trục vớt lên sau vụ tai nạn
Theo nội dung của vụ án, phương tiện bị nạn dẫn đến 9 người tử nạn ở khu vực biển thuộc địa phận xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TP HCM được xác định là ca nô BP12-04-02.
Như vậy, chiếc ca nô này là chứng cứ quan trọng để chứng minh hành vi phạm tội của các bị can theo điều 214, Bộ luật Hình sự.
Điều 64, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, chứng cứ được xác định bằng: Vật chứng; lời khai của người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; kết luận giám định; Biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật liên quan.
Chứng cứ cũng được Bộ luật Tố tụng hình sự xác định rõ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án dùng làm căn cứ để xác định có hay không hành vi phạm tội. Người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.
Trong bản cáo trạng truy tố, vật chứng của vụ án chỉ được cơ quan tố tụng ghi một dòng ngắn gọn: "Một áo phao cứu sinh đã qua sử dụng".
Vấn đề này, Thạc sĩ Mai Thanh Hiếu - Phó trưởng Khoa luật Hình sự - Đại học Luật Hà Nội phân tích: Dấu hiệu bắt buộc quy định tại điều 214 Bộ luật hình sự là "phương tiện không đảm bảo an toàn", do vậy, chiếc ca nô BP12-04-02 là vật chứng vô cùng quan trọng có giá trị buộc tội.
Vật chứng của vụ án chỉ đưa ra được chiếc áo phao, không liên quan đến hành vi bị truy tố của hai bị can về tội sử dụng phương tiện không đảm bảo
Tuy nhiên với "Một áo phao cứu sinh đã qua sử dụng" mà cơ quan tố tụng còn "quên" ghi rõ được thu thập ở đâu, thời điểm nào trong vụ án rõ ràng thiếu cơ sở để chứng minh hành vi phạm tội đối với bị can.
Ngoài ra, để khẳng định việc hai ông Đảo và Quyết đưa vào sử dụng phương tiện không đảm bảo an toàn thì cần phải có kết luận giám định đối với phương tiện đó, mà cụ thể ở đây là chiếc ca nô BP12-04-02.
Trong bản cáo trạng số 474/CT-VKS-P1A không có vật chứng là ca nô BP12-04-02 bị nạn; không có kết luận giám định để khẳng định phương tiện bị lỗi kỹ thuật hay không đảm bảo chất lượng.
Và với đồ vật liên quan đến vụ án là "Một áo phao cứu sinh đã qua sử dụng" được dùng làm vật chứng, TP HCM sẽ có một bản án oan sai./.
Theo_VOV
Vụ chìm ca nô ở Cần Giờ, TP HCM: Bị can kêu oan Trong vụ chìm ca nô, bị truy tố về tội sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn, nhà sản xuất ca nô kêu oan. Ngày 10/11, ông Vũ Văn Đảo (SN 1968, trú tại TP Bà Rịa Vũng Tàu, tỉnh Vũng Tàu) - người được cơ quan tố tụng TP HCM xác định là bị can trong...