TP HCM hứa lập lại trật tự nếu được tự xử lý người nghiện
Nếu cho phép đưa người nghiện vào trường giáo dưỡng, từ nay đến cuối năm thành phố sẽ đảm bảo lập lại trật tự, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Hứa Ngọc Thuận nói.
Tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM với UBND thành phố chiều 16/10, Phó chủ tịch Hứa Ngọc Thuận cho biết, hiện cơ quan chức năng không làm gì được người nghiện bởi khi phát hiện phải giáo dục tại gia đình, tại địa phương. Theo quy định, khi không có kết quả mới lập hồ sơ gửi lên tòa án quyết định đưa đi cai nghiện bắt buộc.
“Như vậy phải mất một năm, trong khi quy trình, thủ tục thực hiện thì các bộ ngành vẫn đang nghiên cứu”, ông Thuận nói.
Nhóm thanh niên chích ma túy công khai tại công viên 23/9. Ảnh: Duy Trần.
Phó Chủ tịch phụ trách khối văn – xã cũng khẳng định, thành phố có trách nhiệm quản lý và tổ chức cai nghiện trong thời gian hoàn thiện thủ tục nhưng công đoạn này hiện thành phố làm không được. Do đó, trong khi chờ đợi các bộ ngành ban hành thủ tục hướng dẫn, khi phát hiện người nghiện ở địa bàn dân cư hoặc gia đình có nguyện vọng, nên cho phép thành phố lập những tổ liên ngành xác nhận tình trạng và đưa vào trường giáo dưỡng ngay.
“Nếu cho phép thành phố làm như đề nghị, tôi đảm bảo từ nay đến cuối năm sẽ lập lại trật tự. Tôi hứa như vậy, chứ như bây giờ thì chịu. Sắp đến tết rồi, nếu chúng ta không làm được điều này, dân không ổn”, ông Thuận nói.
Trung Sơn
Video đang HOT
Theo VNE
Ma túy hoành hành, con nghiện nhởn nhơ, người dân bất an
Tình trạng con nghiện nhởn nhơ ngoài đường bởi không thể tập trung cai nghiện bắt buộc đang gây ra nhiều bất an, lo lắng cho cộng đồng xã hội.
Đầu tháng 6.2014, hết tiền mua ma túy để thỏa mãn cơn nghiện, Lê Thanh Tâm (27 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức) liều lĩnh xông vào trụ sở UBND P.Linh Tây (Q.Thủ Đức) đập vỡ thùng quyên góp "Ủng hộ đóng góp Hoàng Sa - Trường Sa" cướp tiền bỏ chạy, nhưng bị lực lượng bảo vệ dân phố bắt giữ.
Vụ dùng súng giả cướp tiệm vàng Kim Nguyệt trên đường Kha Vạn Cân, P.An Bình, TX.Dĩ An - giáp ranh với TP.HCM vào đêm 24.6 vừa qua cũng do 2 con nghiện Nguyễn Thanh Sang (tự Bé "gãy", 29 tuổi) và Vương Quốc Thành (27 tuổi) gây ra.
Tô Minh Nhật Hải (33 tuổi, ngụ Q.10) nghiện ma túy nặng, gia đình khuyên đi cai nghiện tập trung nhưng Hải cự tuyệt. Không còn cách nào khác, gia đình nhốt Hải trong phòng cai nghiện tại gia. Đầu tháng 4.2014, bà H. (63 tuổi, mẹ ruột Hải), mở cửa phòng cho Hải ra ngoài chơi thì y đã đi thẳng xuống bếp lấy dao đâm chết mẹ mình.
Đó chỉ là số ít trường hợp điển hình, thực tế hàng loạt vụ trộm, cướp khác xảy ra từ đầu năm đến nay trên địa bàn TP.HCM do con nghiện gây ra khiến người dân hoang mang.
Nạn nhân của con nghiện "hàng đá" - Ảnh: Nam Anh
Bắt rồi... cho về
Tiếp xúc với PV, một cán bộ Công an Q.Tân Bình cho biết công an quận vừa mới triệt phá đường dây mua bán lẻ heroin và bắt giữ tại hiện trường hơn 10 con nghiện nhưng cũng chỉ giao cho công an phường lập biên bản xử lý, rồi cho về. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, công an quận này bắt giữ hàng chục con nghiện "chơi hàng đá" tại khách sạn cũng chỉ xử phạt hành chính.
Hầu hết các con nghiện khi bị bắt đều biết hiện nay cơ quan chức năng không thể đưa họ đi cai nghiện tập trung bắt buộc được nên không hề sợ, thoải mái chích hút và số này đang có chiều hướng gia tăng. Thậm chí, có trường hợp gia đình đến cơ quan công an yêu cầu đưa con họ đi cai nghiện bắt buộc vì "ở nhà quậy phá không chịu nổi" nhưng do vướng thủ tục nên không thể đưa đi được.
Một trưởng công an phường ở Q.Gò Vấp than phiền: "Từ đầu năm đến nay chúng tôi không đưa được con nghiện nào đi cai nghiện tập trung vì theo quy định mới thì tòa án mới có thẩm quyền ra quyết định đưa đi".
Tại kỳ họp HĐND TP.HCM khóa 8 (đang diễn ra), nhiều đại biểu bày tỏ sự lo lắng trước thực trạng tỷ lệ con nghiện gây án đang gia tăng. Sự bất an càng tăng khi ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cho biết: "Người nghiện trong cộng đồng dân cư đang rất lớn và có chiều hướng tăng thêm nữa...".
Theo ông Dũng, luật Xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực từ 1.7.2013), các Nghị định 111 (ban hành ngày 30.9.2013 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn); Nghị định 221 (ban hành ngày 30.12.2013 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc) đã có, nhưng do chậm trễ trong việc hướng dẫn thực hiện khiến việc xử lý đối tượng hút chích ma túy bị lúng túng. "Sở mới nhận được biểu mẫu hướng dẫn thủ tục, quy trình xử lý người nghiện từ hôm qua thôi", ông Dũng than phiền.
Bộ Công an kiến nghị TAND tối cao
Đại tá Trần Thế Quân, Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ Công an) xác nhận trước đây thẩm quyền quyết định áp dụng đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục thuộc về UBND các cấp, nhưng từ khi luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thì đã chuyển quyền sang TAND các cấp. Theo ông Quân, Chính phủ đã có hướng dẫn cụ thể ở giai đoạn đề nghị và thi hành, riêng quyết định việc có đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục hay không còn phải chờ hướng dẫn của ngành tòa án. Bộ Công an đã có văn bản kiến nghị TAND tối cao sớm có hướng dẫn cụ thể để thực hiện các vấn đề này, tránh tình trạng nhiều đối tượng nghiện ngập ở các địa phương gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự nhưng không thể đưa đi cai nghiện tập trung được.
Theo dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 02/2014 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng, thi hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc vừa được Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến, việc chuyển hồ sơ đề nghị TAND áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc phải kèm theo văn bản đề nghị của trưởng công an cấp huyện. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định của TAND, trưởng công an cấp huyện có trách nhiệm tổ chức đưa người phải chấp hành quyết định vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc.
TAND tối cao "đang nghiên cứu"
Theo ông Nguyễn Sơn, Phó chánh án TAND tối cao, cơ quan này đang nghiên cứu ban hành nghị quyết hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh 09/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình tự, thủ tục, xem xét, quyết định, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND (có hiệu lực từ ngày 20.1.2014). Trong tháng 6 vừa qua, TAND tối cao đã có công văn yêu cầu TAND các cấp thụ lý, giải quyết các đề nghị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc.
Tuy nhiên, trao đổi với nhiều tòa án quận huyện trên địa bàn TP.HCM, được biết vấn đề này vẫn "án binh bất động". "Nguyên nhân phải chờ tập huấn thủ tục, quy trình làm như thế nào và trách nhiệm ra sao. Bởi hướng dẫn chi tiết vẫn còn chưa có, đâu cán bộ nào dám làm, lỡ có sai sót gì làm sao gánh nổi", một lãnh đạo tòa án quận nói. Được biết, giữa tháng 7 tới đây, TAND TP.HCM mới triển khai tập huấn cho các tòa án quận, huyện. "Dự kiến, đầu tháng 8 kế hoạch này mới thực hiện", một thẩm phán cho biết.
Trong khi đó, thực tế nhiều năm qua cho thấy đối tượng nghiện ma túy thường đi kèm với phạm pháp hình sự, tệ nạn xã hội... Vấn nạn này đang gây bất an và là một mối nguy lớn đối với cuộc sống yên bình của người dân. Cần gấp rút lấp những khoảng trống trong các quy định của pháp luật để xử lý kiên quyết tình trạng con nghiện tự do nhởn nhơ ngoài phố.
Phá đường dây ma túy lớn, thu giữ 13 bánh heroin
Ngày 10.7, thượng tá Dương Ngọc Danh, Phó công an Q.Bình Thạnh (TP.HCM), cho biết Đội CSĐT tội phạm về ma túy quận vừa triệt phá đường dây mua bán ma túy quy mô lớn; bắt giữ 6 "đầu nậu", thu giữ 13 bánh heroin, 1.800 viên thuốc lắc cùng nhiều tang vật liên quan.
Từ tháng 1.2014, qua công tác quản lý địa bàn, trinh sát Đội CSĐT tội phạm về ma túy phát hiện đường dây mua bán ma túy do Vũ Hồng Sơn (tức Sơn "liệu", 37 tuổi, ngụ Nam Định) và Đỗ Duy Khanh (38 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) cầm đầu, hoạt động khép kín. Khoảng 11 giờ 30 ngày 29.6, tại giao lộ Nguyên Hồng - Phan Văn Trị (P.11, Q.Bình Thạnh), trinh sát bắt quả tang Khanh điều khiển xe gắn máy đang vận chuyển 3 bánh heroin. Trinh sát đã thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp căn biệt thự của Khanh ở đường 17, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức. Từ đầu mối này, chiều cùng ngày, một tổ trinh sát khác đã tiến hành bắt khẩn cấp Sơn ở khách sạn T.B trên đường Lữ Gia, P.15, Q.11 và thu giữ 6 bánh heroin, 1 khẩu súng cùng 6 viên đạn. Qua khai thác nhanh, từ ngày 29.6 - 1.7, trinh sát đã bắt giữ thêm Trần Thị Lương (44 tuổi, ngụ Nam Định), Lê Thị Kim Ánh (32 tuổi, ngụ Q.4), Nguyễn Thụy Bích Trâm (29 tuổi, ngụ Q.8), Nguyễn Huỳnh Minh Châu (35 tuổi, ngụ Q.5); thu giữ thêm 4 bánh heroin, 1.800 viên thuốc lắc...
Tại trụ sở công an, bước đầu các nghi phạm khai nhận từ tháng 12.2013 đến ngày bị bắt, chúng đã tiêu thụ ít nhất 28 bánh heroin trên địa bàn quận 8, Bình Thạnh, H.Bình Chánh.
Theo Thanh Niên
Vụ vây đánh CSGT ở Kon Tum: Xử lý thế nào? Những hành vi như trên cần được lên án và xử lý nghiêm để lập lại trật tự kỷ cương, đảm bảo tính mạng, sức khỏe cho người thi hành công vụ và duy trì trật tự, an toàn xã hội", Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội đánh giá Vụ việc CSGT tỉnh...