TP HCM dự kiến mức đóng học phí theo hai nhóm
Ngoài những chủ đề nóng như quy hoạch “treo”, đền bù giải tỏa, cướp giật… và bỏ phiếu tín nhiệm 16 chức danh, kỳ họp lần thứ 10 của HĐND TP HCM còn xem xét tờ trình về việc tăng mức học phí năm học 2013-2014 từ 3-4 so với hiện nay.
Sáng 10/7, đánh giá kinh tế thành phố đã có dấu hiệu phục hồi, lạm phát được kiềm chế trong buổi khai mạc kỳ họp thứ 10 HĐND TP HCM khóa VIII, song Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế còn chậm, doanh nghiệp đối mặt nhiều thử thách, một bộ phận người dân có thu nhập bấp bênh. Vì vậy tại kỳ họp lần này, các đại biểu cần phân tích, đánh giá đúng tình hình, quyết tâm trong chỉ đạo điều hành mới có thể hoàn thành các mục tiêu kinh tế – xã hội của năm 2013.
Cũng theo Chủ tịch HĐND TP, kỳ họp này là lần đầu tiên HĐND TP tổ chức lấy phiếu tín nhiệm 16 chức danh do HĐND TP bầu chọn. “Đây là đổi mới quan trọng trong đời sống chính trị, đề cao quyền làm chủ của người dân thông qua sự giám sát của đại biểu HĐND nhằm xây dựng bộ máy chính quyền thành phố trong sạch vững mạnh. Quá trình lấy phiếu sẽ được tổ chức công khai, khách quan, minh bạch và công tâm”, bà Tâm cho biết.
Kỳ họp thứ 10 HĐND TP HCM khóa VIII được khai mạc sáng 10/7 và sẽ kéo dài đến ngày 13/7. Ảnh: An Nhơn
Thay mặt UBND TP HCM, Phó chủ tịch Hứa Ngọc Thuận cho biết, dù tình hình kinh tế thế giới còn khó khăn tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước nhưng trong 6 tháng đầu năm kinh tế thành phố vẫn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định, chỉ số giá giảm thấp, ổn định dần thị trường tài chính, tín dụng góp phần kiềm chế lạm phát trên địa bàn.
Theo đó, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của thành phố trong 6 tháng đạt hơn 340.650 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ (không đạt so với chỉ tiêu là 8,1%), kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 13.700 tỷ đồng (tăng 6,2%, vượt chỉ tiêu)
Về lĩnh vực xã hội, ông Thuận cho biết ngành giáo dục thành phố đã hoàn thành nhiệm vụ năm học 2012 – 2013 ở các ngành học, bậc học, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt gần 99%. Đến nay thành phố đã hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đạt 100%.
Trong 6 tháng, ngành y tế thành phố đã khám và điều trị cho gần 16 triệu lượt người, tăng 14,8% so với cùng kỳ và tiếp tục triển khai đề án giảm tải bệnh viện. Cũng trong thời gian này, hơn 143.500 lao động trên địa bàn thành phố (vượt chỉ tiêu), đã được giải quyết việc làm đạt hơn 54% kế hoạch, trong đó hơn 56.700 lao động có chỗ làm mới (vượt chỉ tiêu) và gần 50.000 người lao động đăng ký thất nghiệp, giảm 22,5% so với cùng kỳ.
Video đang HOT
Phó chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận báo cáo tình hình kinh tế – xã hội của thành phố trong 6 tháng đầu năm 2013. Ảnh: An Nhơn.
Tham dự tại phiên khai mạc, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị kỳ họp này, HĐND TP HCM cần thảo luận và nhấn mạnh việc tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng nhiệm vụ thu ngân sách của TPHCM cuối năm rất nặng nề, do đó TP cần tăng cường các biện pháp quản lý thu chi ngân sách; quản lý tốt nguồn thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế; điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đề ra trong năm 2013. Dẫn lại lời lời Chủ tịch UBND TP “mỗi ngày thành phố phải thu hơn 1.000 tỷ, mỗi tháng phải thu hơn 20.000 tỷ”, bà Ngân cho biết đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề, cả thành phố cần phải nổ lực rất lớn mới có thể thực hiện được.
“Việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm là công việc rất quan trọng, đòi hỏi mỗi đại biểu phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, thật sự vì sự nghiệp chung” – Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: An Nhơn
Tại kỳ họp sáng nay, UBND TP cũng đã trình HĐND xem xét 12 tờ trình gồm các nội dung: Tăng mức hỗ trợ đối với cán bộ có bằng đại học và cao đẳng đang công tác tại các HTX nông nghiệp trên địa bàn thành phố; Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất của thành phố trong giai đoạn 2011 – 2015; Quy định một số mức chi cụ thể cho công tác tiếp dân; Quy định mức chi cho việc giải quyết thủ tục hành chính; Ban hành chính sách khuyến khích hỏa táng nhằm tiết kiệm đất đai và chi phí, bảo vệ môi trường; Tổ chức thu phí tại khu vực cầu Bình Triệu 1; Ban hành quy định mức phí qua đò bến khách ngang sông…
Đặc biệt, kỳ này UBND TP đã có tờ trình về thực hiện quy định của Chính phủ về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2013 – 2014 đến năm học 2014 – 2015 ở TP HCM.
Theo UBND TP, hiện nay mức thu học phí tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống quốc dân không còn phù hợp do giá cả tăng cao, chưa tạo động lực để các trường nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, nhanh chóng vươn lên đạt trình độ tiên tiến của khu vực… Vì vậy, UBND TP đề xuất mức học phí từ năm học 2013 – 2014 tăng từ 3 – 4 lần so với hiện nay.
Do thực tế thu nhập của người dân ở các khu vực khác nhau nên thành phố dự kiến mức đóng học phí được chia làm hai nhóm: Nhóm 1 là học sinh sống ở các quận nội thành (1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức và Bình Tân); Nhóm 2 gồm học sinh sống ở các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ và Nhà Bè.
Cụ thể, nhà trẻ ở nội thành đề xuất thu 150.000 đồng/tháng (mức thu hiện tại 50.000 đồng), mẫu giáo nội thành 120.000 đồng/tháng (mức hiện tại 40.000 đồng)… Mức thu ở các huyện ngoại thành thấp hơn mức thu ở nội thành. Đồng thời từ năm học 2014-2015 đề xuất tiếp tục tăng học phí so với năm học vừa nêu.
Chiều nay, kỳ họp sẽ được tiếp tục với phiên thảo luận tổ. Việc lấy phiếu tín nhiệm 16 chức danh do HĐND TP bầu chọn sẽ được tổ chức vào ngày mai (11/7).
Theo VNE
Khám bảo hiểm y tế: Mất cả ngày
Để giải quyết phiền hà trong khám chữa bệnh BHYT, tới đây, lộ trình cấp thẻ khám chữa bệnh BHYT tại TP HCM sẽ giảm dần số lượng ở tuyến trên để phân bổ về tuyến phường, xã.
Gọi là BHYT toàn dân nhưng mua thì không bán. Đi khám bệnh thì phải chờ "mút chỉ", đến lượt thì bác sĩ khám qua loa. Mỗi lần khám bệnh BHYT phải bỏ cả ngày... Đó là những bức xúc được người dân nêu ra tại chương trình Lắng nghe và trao đổi với chủ đề "Khám chữa bệnh BHYT-Tiếng nói người trong cuộc" do HĐND TP HCM và Đài Truyền hình TP tổ chức ngày 7/7.
Năng lực tuyến dưới còn hạn chế
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP HCM, nêu vấn đề: BHYT là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng, là cơ chế tài chính vững chắc giúp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chính sách này cần được triển khai sâu rộng, thiết thực và hiệu quả. Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều thách thức đang đặt ra khi thực hiện mục tiêu tiến tới BHYT toàn dân. Đến nay, TP HCM có hơn 4,8 triệu người tham gia BHYT, đạt 63,4% dân số. Tuy nhiên, trong công tác khám chữa bệnh BHYT vẫn còn một số bất cập gây bức xúc cho người dân.
PGS-BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, lo ngại do chưa bao quát đối tượng nông - lâm - ngư nghiệp nên BHYT ở thành phố chủ yếu là diện tự nguyện hoặc có bệnh mới mua dẫn đến nguy cơ hụt quỹ BHYT. BHYT tự nguyện mới đạt 28% nên khó tiến đến BHYT toàn dân.
Thời gian chờ khám chữa bệnh BHYT quá lâu là một trong những bức xúc của người dân hiện nay
Nhiều đại biểu, cử tri đã nêu ý kiến về việc khám bệnh theo BHYT rất "trần ai", mất thời gian từ chờ khám đến cấp phát thuốc; còn biểu hiện phân biệt đối xử giữa khám bảo hiểm và khám dịch vụ; trình độ bác sĩ cùng chất lượng nhưng trang thiết bị y tế tuyến xã, phường chưa cao nên người bệnh thường dồn về tuyến trên dẫn đến quá tải...
Bà Nguyễn Thị Huyền (ngụ quận Phú Nhuận) cho biết mỗi lần khám bệnh BHYT là mất cả ngày. "Đến bệnh viện từ 7 giờ nhưng đến 9-10 giờ vẫn chưa được khám. Khám xong, mãi tới 14 giờ mới được cấp thuốc" - bà Huyền bức xúc. Bà Nguyễn Thị Kim Anh (ngụ huyện Bình Chánh) cho rằng khám BHYT phải chờ "mút chỉ cà tha" nhưng khi đến lượt thì bác sĩ chỉ khám qua loa.
Có ý kiến đề xuất tăng mức đóng BHYT tự nguyện lên gấp 2-3 lần so với hiện nay nhưng người dân có quyền lựa chọn nơi điều trị tốt nhất và thủ tục không còn rườm rà như hiện nay.
Bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc BHXH TP HCM, cho rằng việc tham gia BHYT tại TP còn quá khiêm tốn so với cả nước. Bà cũng thừa nhận còn tồn tại một số vấn đề trong BHYT như lãng phí kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở y tế, trình độ chuyên môn tuyến dưới hạn chế nên người bệnh đổ dồn lên tuyến trên.
Phiền hà do ngành y tế
Tại buổi đối thoại, một số giải pháp đã được những người trong cuộc đề ra, trong đó đáng chú ý là cần nâng cao năng lực chuyên môn tuyến phường, xã; trang bị hệ thống công nghệ thông tin; tăng số phòng khám, cải cách thủ tục hành chính trong khâu tiếp nhận bệnh, cấp thuốc; làm thẻ BHYT có mã vạch...
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết 3 giải pháp ngành y tế sẽ tập trung thực hiện là giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, giảm phiền hà; nâng chất lượng khám chữa bệnh; người bệnh được hưởng dịch vụ y tế kỹ thuật cao. Ngoài ra, theo lộ trình, khám chữa bệnh BHYT sẽ giảm dần số bệnh nhân ở bệnh viện tuyến trên, về lâu dài sẽ chuyển về tuyến phường, xã. Các bệnh viện trung tâm lúc đó chỉ tập trung điều trị nội trú. Để thực hiện mục tiêu này, Sở Y tế sẽ giám sát năng lực khám chữa bệnh tuyến phường, xã. Theo bà Lưu Thị Thanh Huyền, BHXH đang có phương án giảm tải, trong đó trang bị hệ thống công nghệ thông tin trong tiếp nhận bệnh nhân BHYT. Làm sao để người đăng ký BHYT có một mã số suốt đời. Tuy nhiên, bà Huyền cho rằng muốn được vậy còn phải chờ sự đồng bộ của Bộ Y tế.
Phó Chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận cho rằng ngân sách TP dành cho lĩnh vực y tế, giáo dục là rất lớn. Đầu tư máy móc không khó nhưng lại thiếu con người. Những phiền hà không phải từ người dân mà do ngành y tế. Theo ông Hứa Ngọc Thuận, sắp tới TP sẽ phân bổ thẻ BHYT theo năng lực phường, xã; thực hiện công bằng cho tất cả người bệnh chứ không riêng BHYT; chấm dứt tình trạng trục lợi ở ngành y tế. Ngoài ra, việc đấu thầu thuốc, thiết bị y tế..., TP sẽ tập trung tránh bất cập. "Người dân giám sát, xem chúng ta triển khai BHYT theo kiểu nào mới đặt niềm tin, quyết định nên mua BHYT hay không"- Phó Chủ tịch Hứa Ngọc Thuận nhấn mạnh.
Đẩy mạnh đào tạo nhân lực y tế Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM Hứa Ngọc Thuận, TP đã đề nghị Chính phủ được đẩy mạnh đào tạo nhân lực ngành y tế nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển hiện nay. Theo đó, năm 2015, TP HCM sẽ tuyển chọn, đào tạo 800-1.200 cán bộ y tế, cao gấp nhiều lần số đang đào tạo hiện nay.
Theo Khampha
TP HCM sẽ lấy phiếu tín nhiệm 16 chức danh Tại kỳ họp HĐND TP HCM sắp tới, 16 chức danh do HNĐN bầu sẽ được lấy phiếu tín nhiệm công khai, khách quan với 3 mức là tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. TP HCM sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 16 chức danh do HĐND bầu tại kỳ họp thứ X (HĐND TP khóa VIII)...