TP HCM đề nghị khởi tố vụ án chìm tàu chở 30 người
UBND TP HCM vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng về kết quả giải quyết và khắc phục vụ chìm tàu chở 30 người ở Cần Giờ, đồng thời kiến nghị người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an khởi tố vụ án để làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.
Đánh giá đây là vụ có tính chất đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản, UBND TP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an khởi tố vụ án, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn nghiêm trọng này để phòng ngừa các sự việc tương tự.
Bên cạnh đó, UBND TP HCM cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Cục Hàng hải tổ chức khảo sát cắm biển báo và các thông tin cảnh báo tại những khu vực nguy hiểm trên biển để hạn chế tai nạn; đề nghị Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III khi nhận được tin các trường hợp tàu bị nạn phải kịp thời thông tin nhanh chóng, chính xác đến các đơn vị chức năng liên quan.
Đánh giá vụ tai nạn là nghiêm trọng, UBND TP HCM đề nghị khởi tố vụ án để làm rõ nguyên nhân. Ảnh: Duy Công.
Trước đó, UBND TP đã xin ý kiến Bộ Công an về việc giao cho Công an TP HCM thẩm quyền thụ lý, khởi tố, điều tra vụ án vì vụ việc tuy có liên quan đến nhiều đơn vị, địa phương nhưng địa bàn xảy ra tai nạn là ở vùng biển TP HCM nên giao cho Công an TP thụ lý là phù hợp.
Video đang HOT
Báo cáo của UBND TP HCM ghi rõ vào lúc 21h38 ngày 2/8 tại cửa biển khu vực Cồn Ngựa, vùng biển xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TP HCM (cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 20 km và cách bờ biển Cần Giờ khoảng 10 km) đã xảy ra vụ chìm canô. Nhận được tin báo, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Cần Giờ phối hợp với Bộ đội biên phòng và Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III tổ chức tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tại khu vực chìm canô.
Theo thông tin ban đầu, canô H29 chở 30 người của Công ty cổ phần sản xuất ống thép dầu khí VN (địa chỉ KCN dầu khí Soài Rạp – Hiệp Phước, thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) thuê tàu của Công ty Việt – Czech Technology J.S (đường 30/4, phường 11, TP Vũng Tàu) do tài công Phạm Duy Phúc và thợ máy Nguyễn Văn Dương điều khiển, chở công nhân đi nghỉ mát tại Vũng Tàu. Trên đường từ Gò Công Đông, Tiền Giang về Vũng Tàu khi đến khu vực Cồn Ngựa, vùng biển xã Long Hòa, huyện Cần Giờ thì bị chìm do sóng to, lốc xoáy. Đã cứu sống được 21 người và chết 9 người.
Các tình tiết liên quan đến vụ tai nạn như thời gian tàu chìm, thời gian những người trên tàu phát đi kêu cứu cũng như thời điểm nhận được thông tin, ai là người biết thông tin đầu tiên và tại sao phải mất 6 giờ lực lượng tìm kiếm cứu nạn mới tìm thấy nơi con tàu chìm hiện vẫn chưa thống nhất. Các cơ quan chức năng cho biết vẫn tiếp tục điều tra và làm rõ.
Theo VNE
Nghi vấn 2 ca nô bỏ mặc tàu chìm ở Cần Giờ
Nhiều người trên 2 chiếc canô đi phía sau tàu HP 29 cho biết họ có nhìn thấy con tàu này gặp nạn nhưng do thời tiết xấu nên không thể tiếp cận để cứu hộ.
Là một trong số những người sống sót sau 6 giờ vật lộn trên biển, anh Nguyễn Văn Cương cho biết, ngoài chiếc tàu H29 chở anh và đồng nghiệp, khi xuất bến ở Tiền Giang còn có 2 chiếc khác chở nhân viên về Vũng Tàu.
Khoảng 19h, khi tàu của anh Cương đến vùng biển Cồn Ngựa (xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, TP HCM) đã bị một cơn sóng to đánh lật úp. Ngoài một phụ nữ bị kẹt trong khoang tàu, 29 người khác rơi xuống biển nhưng sau đó bơi ngược lại bám quanh xác con tàu. Cách đó khoảng 500 m có hai tàu khác đi ngang qua mà theo anh Cương có thể là những tàu đi cùng đoàn đi phía sau. "Mọi người kêu cứu rất to, thấy có dấu hiệu các tàu này dừng lại, mọi người rất mừng. Nhưng sau đó không hiểu sao họ đi tiếp về phía Vũng Tàu mà bỏ mặc chúng tôi", anh Cương nói.
Chiếc tàu 29H được tìm thấy tại vùng biển Cần Giờ. Ảnh: Duy Công.
Tường trình với cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Hà Ngọc Phước, Giám đốc Nhà máy sản xuất ống thép dầu khí - PV PIPE cho biết ông có mặt trên một trong ba chiếc canô chở người đi dự đám cưới và có nhận được tin ca nô bị nạn. Theo ông Phước,khoảng 17h40 ngày 2/8, H29 xuất phát trước, hai canô còn lại đi sau khoảng một tiếng. Trên đường đi, đến khoảng 20h10, ông Phước có nhận một cuộc điện thoại từ số máy của anh Cương nhưng không nghe rõ, ông Phước liên lạc lại thì nhận được tin tàu bị nạn.
Ngay sau khi biết tin tai nạn, ông Phước đã báo tin cho những người có trách nhiệm của Công ty cổ phần công nghệ Việt - Séc, đồng thời liên lạc với ông Đinh Văn Quyết và ông Sơn (đều thuộc Công ty cổ phần bến tàu du lịch Vũng Tàu Marina) báo tin tai nạn để họ gọi cứu hộ. Hai người này xác nhận với ông Phước tàu cứu hộ đã rời Vũng Tàu và ông Sơn đi cùng tàu. Đến 21h34, ông Phước lại nhận được tin nhắn của anh Cương với nội dung "có chiếc ca nô thấy tụi em mà nó không ghé". Ông Phước có nhắn lại "tụi em thử coi đúng không", "tàu anh đi đang gặp nguy, tài công nói quay lại là sẽ bị chìm luôn, trấn an anh em bình tĩnh, tàu cứu hộ đang ra". Sau đó, anh Cương nhắn trả lời "OK".
Ngoài ra, tường trình của vị giám đốc này cũng cho nêu, "ngay khi biết được ca nô bị nạn lúc hơn 20h và nhận tin nhắn trên, ông Phước có yêu cầu lái tàu của mình quay đầu lại để cứu người nhưng người này không đồng ý". Sau đó, ca nô của ông Phước về đến Khu công nghiệp Đông Xuyên vào lúc hơn 23h cùng ngày.
Trên chiếc ca nô của ông Phước còn có ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc công ty Cổ phần Việt Sec - đơn vị đóng và bảo trì các con tàu trên.
Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress, ông Đảo cho rằng "không nhìn thấy tàu bị nạn". Vị giám đốc này cho hay, buổi tối 2/8, ông chỉ "tình cờ đi kiểm tra tàu và nghe được thông báo tàu bị nạn từ ông Phước". Lúc xảy ra vụ việc thời tiết trên biển rất xấu. "Mưa gió bão bùng, trời tối om, trong lòng tôi cảm thấy rất lo lắng và bất an khi các tàu đi trong thời tiết thế này. Một lúc sau, tôi nhận được tin báo là con tàu rời Tiền Giang đầu tiên đã gặp nạn", ông Đảo nói.
Ông Đảo ngồi trên con tàu thứ 3 và cũng là con tàu đi cuối cùng nên "khi nhận được thông tin đã lập tức báo cho lãnh đạo biên phòng cấp cứu khẩn cấp". Ông này cũng cho rằng đã tiếp tục báo vào bờ, nhờ mọi người liên hệ với Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, đồng thời báo một số bạn bè thuê tàu, chuẩn bị phao bơi để ứng cứu.
"Vì là con tàu đi cuối cùng nên tôi đề nghị tất cả mọi người ở 2 con tàu đi sau chú ý tìm kiếm xung quanh xem có thấy tàu bị nạn không để ứng cứu, song không thấy. Đến 22h30 tàu của chúng tôi cập bến", ông Đảo nói và cho biết người lái con tàu bị nạn là một thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm. "Có đầy đủ bằng cấp, nhưng có thể do thời tiết quá xấu nên đã không làm chủ được tình huống và có thể lạc đường", ông Đảo thông tin.
Người cầm lái con tàu đi thứ hai- anh Lê Văn Hiếu cho biết, nhận được tin nhắn báo tàu H29 gặp nạn từ ông Đảo nên đã chạy vài vòng tìm kiếm ca nô bị nạn và bảo mọi người cùng quan sát xung quanh. "Một lúc sau thì tôi thấy ca nô H29 nhưng do sóng to gió lớn, trời mưa và tối nên tôi không nhìn rõ ca nô này bị chìm hay chưa. Tôi đã cố tiếp cận nhưng không được. Do lúc này sóng gió lớn, rất nguy hiểm nên tôi phải vượt để cứu nguy cho tàu và mọi người... Khi vào tới bờ, tôi nghe nói mọi người đã gọi được cứu hộ nên yên tâm", anh Hiếu trả lời báo Thanh Niên.
Cảng vụ TP HCM, đơn vị trực tiếp điều vụ tai nạn này cho biết sẽ điều tra, triệu tập những người có liên quan để làm rõ.
Theo VNE
Hội thảo xây dựng gia đình CBCS Công an hạnh phúc Sáng 24-7, thực hiện chương trình công tác năm 2013, chỉ đạo của Đoàn chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam về triển khai các hoạt động nhân Tháng hành động vì trẻ em và Ngày gia đình Việt Nam, Hội phụ nữ Bộ Công an tổ chức hội thảo "Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp...