TP HCM: Đã phân bổ hơn 640 tỉ đồng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19
TP HCM tiếp tục bố trí 850 tỉ đồng vào việc hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng do đại dịch COVID-19; tập trung giải quyết hồ sơ đề nghị hỗ trợ của những nhóm đối tượng khác trước ngày 20-5-2020.
Ngày 13-5, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Tấn Dũng đã có buổi làm việc với Sở LĐ-TB-XH TP HCM để kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 trên địa bàn TP.
Tiếp tục bố trí 850 tỉ đồng hỗ trợ
Theo ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng phòng, Phòng Lao động- Tiền lương- BHXH (Sở LĐ-TB-XH TP), TP HCM là địa phương triển khai sớm nhất chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19. Ngay khi nhận chỉ đạo, TP gấp rút phân bổ khoảng hơn 640 tỉ đồng tiền hỗ trợ xuống cơ sở, tiến hành rà soát hồ sơ và trao tiền hỗ trợ tận tay người thụ hưởng. Hiện đa số đối tượng thuộc nhóm yếu thế trong diện cần hỗ trợ (người có công, người hưởng chính sách trợ cấp xã hội, hộ nghèo và cận nghèo) đã nhận tiền (đạt tỉ lệ trên 90%).
Đối với trường hợp giáo viên, người lao động không đóng BHXH, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc, Sở LĐ-TB-XH TP cho biết TP có hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người. “Dù chưa đủ điều kiện thụ hưởng tiền hỗ trợ theo tiêu chí trung ương đề ra nhưng người lao động không có lỗi. Đây là sai sót từ phía sử dụng lao động. Vì vậy, TP HCM quyết định vẫn chia sẻ khó khăn với những trường hợp trên” – ông Lê Minh Tấn giải thích.
Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP khẳng định sắp tới, TP HCM tiếp tục bố trí 850 tỉ đồng vào việc hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng do đại dịch COVID-19; tập trung giải quyết hồ sơ đề nghị hỗ trợ của những nhóm đối tượng khác trước ngày 20-5-2020.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Tấn Dũng (ảnh) làm việc tại Sở LĐ-TB-XH TP HCM sáng nay
Bên cạnh đó, ông Lê Minh Tấn cũng cho biết người dân, doanh nghiệp trên địa bàn TP HCM còn gặp nhiều khó khăn với quy định về điều kiện nhận tiền hỗ trợ. Ông Lê Minh Tấn dẫn chứng tình hình hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động. Tính đến ngày 12-5, cơ quan chức năng mới chỉ tiếp nhận và đang thẩm định hồ sơ đề nghị của 1 doanh nghiệp (có 39 lao động). Không ít doanh nghiệp thực sự khó khăn nhưng không mặn mà với gói hỗ trợ vì điều kiện để được vay tiền rất khắt khe. Cụ thể, doanh nghiệp muốn vay tiền phải đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động. Cùng đó, doanh nghiệp không được có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nhà nước tại thời điểm ngày 31-12-2019. Ông Lê Minh Tấn băn khoăn:”Liệu có bao nhiêu doanh nghiệp có đủ tất cả tiêu chí như trên?”.
Ghi nhận ý kiến từ Sở LĐ-TB-XH TP HCM, thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Tấn Dũng cho rằng TP HCM là một những tỉnh, thành triển khai công tác hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 một cách nhanh chóng, công khai, minh bạch. Trong khi nhiều địa phương còn loay hoay ở bước xác định đối tượng nhận tiền hỗ trợ thì TP đã cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ, chỉ tiêu trung ương giao phó. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH lưu ý lãnh đạo, đơn vị có nhiệm vụ thực hiện công tác trên không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách, thiếu trách nhiệm gây ra hậu quả tiêu cực.
Video đang HOT
Không khó khăn cũng xin hưởng trợ cấp
Cùng ngày, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cũng có buổi làm việc với UBND phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức, TP HCM) về tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, cho biết khảo sát ban đầu cho thấy địa bàn có khoảng 4.000 người bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 đến cơ quan chức năng đăng ký kê khai thông tin. UBND phường Hiệp Bình Chánh đã hoàn tất 632 hồ sơ, gửi về Phòng LĐ-TB-XH quận Thủ Đức xem xét. Ngoài ra, còn có doanh nghiệp, giáo viên… xin trợ cấp do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Phường Hiệp Bình Chánh thực hiện trợ cấp cho các diện bảo trợ xã hội là 598/695 người (tỉ lệ 84,6%) với số tiền là 897 triệu đồng; trợ cấp diện chính sách là 224/224 người với số tiền 336 triệu đồng; trợ cấp diện hộ nghèo, hộ cận nghèo là 176/176 hộ với 659 nhân khẩu với số tiền hơn 494 triệu đồng; thực hiện chi trả cho 168 người bán vé số với số tiền 126 triệu đồng. Hiện còn 97 trường hợp chưa lên nhận, trong đó có 46 trường hợp cho thuê hoặc bán nhà đi nơi khác, 51 trường hợp về quê chưa lên lại TP. Ngoài ra, phường còn vận động chăm lo người dân địa phương số tiền 206 triệu đồng; 6 tấn gạo; hỗ trợ 1.565 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, giáo viên, công nhân… với số tiền 2.4 tỉ đồng.
Nghe báo cáo trên, một số thành viên trong tổ công tác Bộ LĐ-TB-XH đặt ra nhiều câu hỏi như: Tại sao số trường hợp chưa được nhận tiền trợ cấp còn nhiều? Sao không tách ra từng trường hợp cụ thể hộ nghèo, hộ cận nghèo… để minh bạch? Có cán bộ, người nhà cán bộ nào không đủ điều kiện nhưng vẫn kê khai hồ sơ để nhận trợ cấp không? Những trường hợp chỉ thông báo bằng miệng nhường phần mình cho người khác phường có thống kê không?
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu tại buổi làm việc
Giải trình trước đoàn công tác, ông Nguyễn Ngọc Tuấn thẳng thắn cho biết có nhiều trường hợp thu nhập 4,5 triệu đồng/tháng hoặc không khó khăn nhưng vẫn làm hồ sơ xin hưởng trợ cấp. Tuy nhiên, cơ quan chức năng đều từ chối những hồ sơ như vậy. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 kịp tiến độ, phường đã chỉ đạo các đoàn thể làm việc cật lực xuyên suốt cả tuần không ngừng nghỉ. Tuy nhiên, trong khi thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn do Hiệp Bình Chánh là địa bàn có diện tích rộng, dân nhập cư đông nên công tác khảo sát, thẩm định hồ sơ chưa đảm bảo. Ví dụ như có người được hưởng trợ cấp nhưng lại thường trú 1 nơi, tạm trú 1 nơi, rất khó khăn để làm lập hồ sơ. Ngoài ra, số lượng nhận hỗ trợ đông trong khi thời gian thực hiện ngắn, thủ tục chuyển phát tiền từ trung ương về TP thông qua kho bạc bị nghẽn cũng gây khó khăn cho địa phương trợ cấp cho người dân.
Năm 2020 không còn hộ nghèo là người có công
Thực hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân không ngừng đẩy mạnh chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công (NCC).
Nhiều chính sách ưu đãi NCC đã được ban hành. Số liệu thống kê cho thấy đến cuối năm 2018, cả nước vẫn còn hơn 16 nghìn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách NCC, chiếm khoảng 1,2% so với tổng số hộ nghèo trong cả nước. Để đạt mục tiêu đến cuối năm 2020 không còn hộ nghèo có thành viên là NCC, các cấp, ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp thực hiện.
Nâng mức trợ cấp, hỗ trợ toàn diện đối với NCC
Cả nước hiện có 9,2 triệu NCC với cách mạng, trong đó có hơn 1,2 triệu liệt sĩ, 127 nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 800 nghìn thương binh, 110 nghìn người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; gần 320 nghìn người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận... Với chủ trương của Đảng và Nhà nước là không để gia đình NCC với cách mạng sống dưới mức trung bình của cả nước, hệ thống chính sách, pháp luật về ưu đãi NCC đã không ngừng hoàn thiện và được thực hiện để đảm bảo NCC có một cuộc sống tốt và không bỏ sót NCC. Trong đó, đối tượng NCC ngày một mở rộng, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự đảm bảo công bằng và sự đồng thuận của toàn xã hội.
Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở.
Tính đến năm 2018, mức chuẩn để xác định trợ cấp ưu đãi NCC là 1.515.000 đồng. Tổng kinh phí thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi NCC hàng năm khoảng 31.000 tỷ đồng (gồm trợ cấp 1 lần, trợ cấp hàng tháng, BHYT, công tác mộ, nghĩa trang liệt sĩ, đền ơn đáp nghĩa...). Giai đoạn 2012 - 2018, cả nước đã chi 10.726 tỷ đồng để hỗ trợ cho 85.412 gia đình NCC làm mới 44.652 căn nhà và sửa chữa 40.760 nhà tình nghĩa; tặng 63.523 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách, với tổng số tiền gần 290 tỷ đồng... đã góp phần động viên NCC và thân nhân NCC ổn định cuộc sống. Riêng dịp 27/7, mỗi năm Nhà nước dành khoảng hơn 300 tỷ đồng trích từ ngân sách nhà nước để tặng quà đối tượng NCC.
Tuy nhiên, thống kê về giảm nghèo của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, đến cuối năm 2018, cả nước vẫn còn hơn 16 nghìn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách NCC. Con số này chiếm khoảng 1,2% so với tổng số hộ nghèo trong cả nước. Cụ thể, 2 tỉnh có hơn 1.000 hộ là Nghệ An và Quảng Bình. Từ hơn 500 đến dưới 1.000 hộ có 8 tỉnh. Từ hơn 300 đến dưới 500 hộ có 10 tỉnh. Từ 100 đến dưới 300 hộ có 21 tỉnh, dưới 100 hộ có 13 tỉnh. Ngoài ra, 10 tỉnh đã không còn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách NCC là: Gia Lai, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Cà Mau, Hà Nội, Đồng Nai, Tây Ninh, TP Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương.
Ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng quốc gia giảm nghèo cho biết, do đặc thù của từng vùng, địa phương, nguyên nhân dẫn đến hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách NCC có nhiều, cả chủ quan (như hộ nghèo vẫn trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, lười lao động, không muốn đi làm ăn xa... và khách quan (do ốm đau, bệnh tật, ảnh hưởng của chất độc hóa học).
Huy động các nguồn lực giúp NCC thoát nghèo
Để thực hiện mục tiêu "phấn đấu đến cuối năm 2020, 100% gia đình NCC với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú", năm 2019 Chính phủ đã ban hành Nghị định 58/2019/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với NCC với cách mạng. Theo đó, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp theo quy định tại Nghị định 58 là 1.624.000 đồng (quy định tại Nghị định 99/2018/NĐ-CP là 1.515.000 đồng). Nghị định 58 quy định mức trợ cấp, phụ cấp hàng tháng như sau: Mức trợ cấp đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945: Diện thoát ly là 1.815.000 đồng; diện không thoát ly 3.081.000 đồng.
Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách ưu đãi NCC đặt ra những vấn đề mới, yêu cầu mới... cần nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện. Các bộ, ngành, cơ quan chức năng đã xây dựng dự thảo sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng (năm 2012), nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập và bổ sung những quy định mới cho phù hợp, vừa bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của NCC cùng thân nhân, gia đình của họ, đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội đối với NCC, gia đình NCC.
Từ các nguồn hỗ trợ, nhiều tấm gương người có công với cách mạng vươn lên làm giàu.
Dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng sửa đổi đang được nghiên cứu hoàn thiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, ngoài việc xác định rõ các đối tượng chính sách, đảm bảo không để NCC chịu thiệt thòi, không được hưởng chính sách của Nhà nước, quy định mới cũng hướng đến việc tăng ngân sách nhà nước để chăm lo cho NCC, gắn với đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác này; gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi NCC.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh một số chế độ trợ cấp ưu đãi, trong đó có trợ cấp ưu đãi một lần cũng đang được nghiên cứu đề xuất. Theo đó sẽ hỗ trợ ưu tiên cho hộ nghèo thuộc diện chính sách NCC thông qua các chương trình giảm nghèo của Nhà nước, cụ thể như chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ưu tiên trong vay vốn; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh của NCC vay vốn đầu tư sản xuất.
Đề xuất giải pháp giảm nghèo cho hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách NCC, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đề nghị, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố cần tìm ra thực trạng, nguyên nhân nghèo, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp với tình hình đặc điểm thực tế của các hộ nhằm đảm bảo đời sống của NCC từng bước được nâng lên, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, không để NCC nào sống dưới mức sống trung bình của cả nước.
Để góp phần giảm nghèo cho các hộ có thành viên là NCC, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết, Bộ luôn yêu cầu các địa phương cần bảo đảm kịp thời chính sách, không để chậm trễ với NCC. Song song với đó cần quan tâm giúp NCC và thân nhân của họ tiếp cận việc làm, giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường, khởi nghiệp, học nghề... nâng dần ưu tiên cho các đối tượng NCC nằm trong hộ nghèo. Để tạo đột phá trong chính sách giảm nghèo cho NCC rất cần sự quyết liệt, sáng tạo hơn nữa.
Trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, cần ưu tiên cho đối tượng hộ nghèo thuộc diện chính sách NCC. Đối với hộ nghèo thuộc chính sách NCC mà các thành viên trong hộ không có khả năng lao động, ngoài thực hiện các chính sách giảm nghèo chung, cần quan tâm hỗ trợ cho những hộ này từ các nguồn tài trợ, huy động của các tổ chức, cá nhân và nguồn lực tại cộng đồng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn cho từng gia đình vươn lên thoát nghèo, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch xóa nghèo đối với gia đình có công với cách mạng gắn với phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và NCC với cách mạng".
NGUYỄN SÍU
Theo Dansinh
Khen thưởng nhóm học sinh trả lại hơn 21 triệu đồng cho người bị mất Ủy ban nhân dân quận Thủ Đức và phường Hiệp Bình Chánh đã trao tặng giấy khen cho nhóm học sinh trả lại hơn 21 triệu đồng cho người bị mất. Ngày 6/1/2020, Trường trung học cơ sở Ngô Chí Quốc, quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Mnh đã tổ chức lễ tuyên dương người tốt, việc tốt năm học 2019 -...