TP HCM bỏ ý tưởng thị trưởng chính quyền đô thị
Đề án thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị TP HCM một lần nữa được HĐND TP bàn thảo, tiếp thu ý kiến đóng góp, trong đó đã bỏ tên gọi thị trưởng đối với người đứng đầu 4 thành phố Đông, Tây, Nam, Bắc.
Lãnh đạo TP HCM kỳ vọng “Mô hình chính quyền đô thị” sẽ như chiếc áo mới, rộng hơn giúp thành phố có điều kiện để phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn. Ảnh: Hữu Công.
Tại hội nghị HĐND TP góp ý Đề án thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị TP HCM ngày 26/8, ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM – Đại diện tổ soạn thảo Đề án cho biết, cốt lõi của mô hình chính quyền đô thị là nâng cao quyền tự chủ; phát huy tính năng động, sáng tạo của thành phố thông qua các thiết kế về bộ máy tổ chức; tái bố trí địa giới hành chính; thay đổi phương thức phân cấp nhằm cũng cố các cơ sở cần thiết cho một chính quyền thật sự của dân; đồng thời thay đổi tư duy, phương thức điều hành của cán bộ, công chức.
Theo ông Lắm, quá trình thực hiện chính quyền đô thị sẽ tác động đến nhiều mặt của xã hội nên cần được xem xét trong dài hạn. Các trở ngại trong ngắn hạn và các đối tượng chịu ảnh hưởng cũng cần được nhận diện nhằm hướng đến chiến lược chuẩn bị phù hợp. Trong đó bao gồm các xáo trộn do tổ chức lại bộ máy quản lý, sắp xếp nhân sự, điều chỉnh địa giới hành chính; hiện tượng tiêu cực xuất hiện do việc đón đầu các ảnh hưởng; sự bất tiện ban đầu của người dân, phải thích nghi với các thiết kế mới về bộ máy tổ chức quản lý, về địa giới hành chính và những quy định về chính sách.
Ngoài ra, nếu một số đề xuất về các khoản thu và điều tiết đặc thù đối với đô thị lớn như TP HCM được chấp nhận, khả năng người dân sinh sống trên địa bàn TP sẽ phải tăng các khoản đóng góp hợp lý (phí, lệ phí, một số sắc thuế liên quan đến bất động sản), nhưng ngược lại người dân sẽ được hưởng dịch vụ công ích của đô thị tốt hơn.
“Bản chất của chính quyền địa phương là phục vụ người dân. Mô hình chính quyền đô thị lấy người dân làm trung tâm để đưa ra những thiết kế mới nhằm mục đích phục vụ dân tốt hơn theo hướng tăng cường quyền làm chủ của người dân, tăng sự hài lòng của người dân”, ông Lắm khẳng định.
Cũng theo ông Lắm, sau khi tiếp thu các ý kiến, lần này đề án đã bỏ tên gọi thị trưởng đối với người đứng đầu 4 thành phố Đông, Tây, Nam, Bắc trực thuộc chính quyền TP HCM. Nếu cấp chính quyền nào có tổ chức HĐND thì người đứng đầu chính quyền được gọi là Chủ tịch UBND; cấp chính quyền không có tổ chức HĐND thì người đứng đầu được gọi là Chủ tịch Ủy ban hành chính.
Video đang HOT
Đại biểu HĐND TP Lâm Thiếu Quân đề nghị nên chia thành phố lớn TP HCM thành 7 thành phố nhỏ và 3 huyện để dễ quản lý. Ảnh: Hữu Công.
Trong khi đó, đóng góp ý kiến tại hội nghị, đại biểu Lâm Thiếu Quân cho rằng nếu đã xác định mô hình chính quyền đô thị là tốt và cần thiết để phát triển, thành phố nên “mạnh dạn triển khai mô hình này ở ngay các quận trung tâm”. Nghĩa là , ngoài việc thành lập 4 thành phố mới là Đông, Tây, Nam, Bắc gồm các địa bàn đang đô thị hóa (quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân và 2 huyện Hóc Môn và Nhà Bè), chúng ta nên chia 13 quận nội thành cũ thành 3 thành phố trung tâm là Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định.
“Khi đó, thành phố lớn TP HCM sẽ có 3 thành phố nhỏ ở trung tâm đã đô thị hóa, 4 thành phố nhỏ ở vòng ngoài đang đô thị hóa cùng với 3 huyện ngoại thành. Mô hình này có ưu điểm là tương thích với hệ thống hiện hữu, không phải sửa luật nhiều và cũng tương thích với hệ thống chính quyền hiện hữu”, đại biểu Quân nói và cho biết với hệ thống này thành phố lớn sẽ giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế, quy hoạch giao thông, môi trường và phân bổ ngân sách. Cấp quận – huyện sẽ chịu trách nhiệm về hành chính công và dịch vụ công như văn hóa, giáo dục. Còn chính quyền cấp phường, xã chỉ tập trung giải quyết thủ tục hành chính công.
Cũng theo ông Quân, đề án không nên bỏ HĐND cấp quận huyện vì chính quyền cấp này có vai trò quyết định các vấn đề lớn và giám sát việc tuân thủ pháp luật ở địa phương, nếu bỏ sẽ làm “gãy” chức năng giám sát tại quận. Thay vào đó, chúng ta nên bỏ HĐND cấp phường, xã vì cấp này thường không phải quyết các vấn đề lớn và cũng phù hợp với xu thế của thế giới là không có HĐND cấp phường.
Tại hội nghị, trước ý kiến lo lắng của các đại biểu HĐND vì thấy TP HCM đang phải “tự bơi” với đề án xây dựng mô hình chính quyền đô thị, Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân cho biết sẽ xin Trung ương và các Bộ, ngành giúp đỡ. “Thành phố đề xuất mô hình chính quyền đô thị xuất phát từ thực tiễn đặc thù, từ nhu cầu phát triển của thành phố. Nếu có mô hình, cơ chế phù hợp để phát triển mạnh hơn nữa thì thành phố cũng sẽ đóng góp cho ngân sách cả nước nhiều hơn nữa, cùng cả nước đi lên”, ông Quân khẳng định.
Sắp tới, chính quyền TP HCM sẽ tiếp tục lấy ý kiến và hoàn thiện đề án “Xây dựng mô hình chính quyền đô thị TP HCM” trước khi trình cấp Trung ương phê duyệt.
Theo đề án Xây dựng chính quyền đô thị, TP HCM sẽ phát triển theo mô hình “Chùm đô thị” – Thành phố trong thành phố. Ngoài 13 quận nội thành cũ (gồm các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú) và 3 huyện ngoại thành. TP HCM sẽ lập 4 thành phố mới là TP Đông gồm quận 2, 9 và Thủ Đức, có trung tâm là khu đô thị mới Thủ Thiêm và giáp với tỉnh Bình Dương, Đồng Nai (đường vành đai 2). Thành phố này sẽ có chức năng chính là phát triển các ngành dịch vụ cao cấp và công nghiệp kỹ thuật cao. TP Nam gồm toàn bộ quận 7, huyện Nhà Bè và điều chỉnh một phần diện tích của quận 8 (phần phía nam Kênh Tẻ) và huyện Bình Chánh với diện tích 194 km2. Khu vực này sẽ phát triển dựa trên sông Nhà Bè và Xoài Rạp. Nòng cốt để phát triển là khu đô thị Nam Sài Gòn, thị trấn Nhà Bè và khu đô thị Cảng Hiệp Phước. Cơ sở kinh tế để phát triển là dịch vụ cảng, gắn liền với các thương mại khác. TP Bắc sẽ gồm quận 12 và phần lớn huyện Hóc Môn. Chức năng kinh tế của khu đô thị này là phát triển dịch vụ, sinh thái gắn với nông nghiệp kỹ thuật cao (cây cảnh, hoa, cá cảnh…), phát triển các khu dân cư phục vụ cho việc giãn dân, chỉnh trang đô thị khu vực Gò Vấp, Tân Bình. TP Tây gồm quận Bình Tân hiện nay, một phần quận 8 và một phần huyện Bình Chánh. Theo quy hoạch đây sẽ là đầu mối giao lưu kinh tế với đồng bằng sông Cửu Long, chủ yếu phát triển các ngành dịch vụ, khu công nghiệp và phát triển khu dân cư nhằm tái bố trí dân cư từ các quận 11, 6, Tân Bình.
Hữu Công
Theo VNE
Chính quyền đô thị: Dân và thành phố được gì?
"Kết quả cuối cùng là phải trả lời được câu hỏi: Xây dựng chính quyền đô thị thì được những gì? Dân được gì, chính quyền được gì, thành phố được gì?", đó là quan điểm của GS.TS Mai Hồng Quỳ - Hiệu trưởng ĐH Luật TP.HCM - tại buổi nghe các vị nguyên thường trực HĐND và các chuyên gia góp ý về mô hình chính quyền đô thị, do HĐND TP.HCM tổ chức ngày 22/8.
Đề án quá mới hay nhiều luật lỗi thời?
Không vòng vo, GS Mai Hồng Quỳ cho rằng việc xây dựng chính quyền đô thị (CQĐT) của TP.HCM chắc chắn sẽ phải "đối mặt" với sự phản biện từ phía các cơ quan, ban ngành, đặc biệt là các bộ.
"Mô hình này nếu được chấp nhận thì thẩm quyền của thành phố tăng lên, nhưng thẩm quyền của một số bộ, ban ngành sẽ bị thu hẹp. Như vậy sẽ có xung đột về lợi ích, chúng ta phải nhìn rõ điều đấy", GS Hồng Quỳ nói.
Đặc biệt, GS Hồng Quỳ lưu ý Đề án CQĐT đụng chạm đến rất nhiều văn bản pháp lý, mà trong đề án cũng đã nêu ra xung đột 102 văn bản luật hiện hành. Kể cả Hiến pháp hiện hành và dự thảo Hiến pháp đang sửa đổi thì đề án của TP vẫn đụng.
Bản đồ TP.HCM khi áp dụng mô hình chính quyền đô thị với chính quyền thành phố trung tâm và 4 thành phố vệ tinh có chức năng kinh tế khác nhau. Ảnh: Dân Việt
"TP.HCM cần có một tờ trình lý giải tại sao đề án lại vênh như vậy với các văn bản pháp luật này, tức là phải đánh giá cái được cái chưa được, cái lỗi thời của các văn bản cũ. Không phải nói để bào chữa, nhưng phải thấy rằng, trong số 102 văn bản xung đột, có nhiều văn bản bị lỗi thời. Vấn đề là ta phải chứng minh được điều đó. Phải lý giải được có độ "vênh" vì các văn bản này cũ, lạc hậu hay do đề án chúng ta quá mới. Nếu không làm được điều đó sẽ tạo nên sự nghi vấn của các nhà phản biện và người ta sẽ thấy không yên tâm về đề án CQĐT mà thành phố đưa ra", GS Hồng Quỳ chia sẻ.
Mắc mớ "thành phố trong thành phố"
Đề án CQĐT của thành phố dự kiến thành lập 4 thành phố vệ tinh, tuy nhiên theo GS Hồng Quỳ, mô hình này nhập lại những quận mà trước đây đã tách ra. Các quận 2, 9 và Thủ Đức ngày nay nguyên là huyện Thủ Đức trước đây, bây giờ lại nhập vào thành TP Đông thì khi trình ra chắc hẳn sẽ có một loạt phản biện: Tại sao ngày xưa tách ra, tách ra thì đã đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội chưa, tại sao bây giờ chúng ta nhập lại...? "Do đó, TP cần có một phụ lục đánh giá việc tách nhập này", GS Hồng Quỳ nói.
Theo GS Mai Hồng Quỳ: Hiến pháp 1992 thì không hề có khái niệm "thành phố trong thành phố"
Bên cạnh đó, theo GS Hồng Quỳ, trong đề án, vấn đề "thành phố trong thành phố" cũng cần phải cân nhắc về mặt pháp lý, vì theo Điều 118 Hiến pháp 1992 thì không hề có khái niệm này. Do vậy, nếu sử dụng cụm từ này thì khó có thể thuyết phục và được Trung ương chấp nhận. Nên chăng sử dụng thuật ngữ "thị xã" vì hiện nay ở Hà Nội có thị xã Sơn Tây trong thành phố.
Ngoài ra, GS Hồng Quỳ cho rằng, để đề án CQĐT thuyết phục hơn, thành phố cần có phần phụ lục kinh nghiệm rút ra từ các mô hình của các thành phố mà trong đề án nêu là đã đi tham quan, khảo sát. "Ví dụ mô hình của Busan, Thượng Hải, Lyon, Marseille... ra sao, ưu điểm là gì, nhược điểm thế nào...", GS Hồng Quỳ nói.
Theo Hoài Sa (Khampha.vn)
Chủ tịch thành phố thả cá, người dân thi nhau... thả câu Hàng chục nghìn con cá các loại được Chủ tịch thành phố Lê Hoàng Quân cùng các ban ngành thả xuống những dòng kênh mới hồi sinh để cải tạo môi trường sinh thái. Nhưng đàn cá chưa kịp "tung tăng" đã bị nhiều người giăng lưới, thả câu bắt lại. Như thông tin Dân trí đã đưa, cuối tháng 5/2013, UNBD thành...