TP. Hà Nội chỉ đạo “giải cứu” gần 1000 cư dân dùng nước nhiễm độc
Sau khi báo Dân trí phản ánh việc gần 1000 người dân khu tái định cư Cầu Diễn phải đón Tết bằng nguồn nước nhiễm độc, UBND TP. Hà Nội đã gửi văn bản yêu cầu Sở Xây dựng và Công ty nước sạch nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thành phố.
Như thông tin đã đưa, ngày 11/12/2012, UBND Thành phố Hà Nội có văn bản số 9871/UBND-QHXDGT về việc cấp nước sinh hoạt phục vụ nhân dân khu tái định cư B3, B4, B5 tổ 22 thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm. Trong đó giao Sở Xây dựng chỉ đạo, đôn đốc Công ty nước sạch Hà Nội phối hợp với UBND huyện Từ Liêm, Ban Quản lý khu nhà ở Cầu Diễn, các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ và triển khai thực hiện việc thi công lắp đặt đảm bảo cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt của nhân dân, hoàn thành trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013.
Người dân khu tái định cư Cầu Diễn vẫn phải “sống chung” với nguồn nước bẩn
Tuy nhiên, đến thời điểm này ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo TP. Hà Nội vẫn bị cấp dưới “bỏ quên”, gần 1000 cư dân nhà B3, B4, B5 khu tái định cư thị trấn Cầu Diễn phải đón Tết Quý Tỵ bằng nguồn nước nhiễm độc và chưa biết bao giờ mới được dùng nước sạch khi các đơn vị liên quan không thực hiện cam kết.
Để đảm bảo sức khỏe cho người dân, TP. Hà Nội tiếp tục ban hành văn bản số 512/VPUB – QHXDGT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi yêu cầu Sở Xây dựng, Công ty nước sạch Hà Nội kiểm tra thực tế, có phương án đảm bảo việc cấp nước cho các hộ dân khu tái định cư Cầu Diễn theo đúng chỉ đạo của UBND Thành phố (tại văn bản số 9871/UBND-QHXDGT ngày 11/12/2012).
Khu nhà chung cư B3, B4, B5, thuộc Tổ 22 thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm được TP. Hà Nội cho xây dựng phục vụ tái định cư cho hơn 100 hộ dân thuộc 7 nhà gỗ tại phường Chương Dương. Thực hiện Quyết định số 5257/QĐ-UBND ngày 24/11/2006, hơn 100 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu đã nghiêm chỉnh di dời, bàn giao nhà, mặt bằng đúng thời hạn theo yêu cầu của Thành phố. Nhưng chỉ ít ngày sau khi dọn về nơi ở mới, các hộ dân mới phát hiện khu nhà tái định cư từng được hứa hẹn có đầy đủ điều kiện sống lý tưởng bị ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là nguồn nước sinh hoạt.
Video đang HOT
Lời kêu cứu của gần 1000 cư dân khu tái định cư Cầu Diễn vẫn bị “bỏ quên”
Theo phiếu xét nghiệm do cư dân khu tái định cư cung cấp, các trung tâm kiểm định đều kết luận nguồn nước sinh hoạt Công ty cổ phần tư vấn đầu tư & Phát triển nhà Hà Nội lấy từ giếng khoan cung cấp đến nhà B3, B4, B5 những năm qua có hàm lượng chất Asen vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép, vi khuẩn Ecoli vượt xa mức giới hạn cho phép. Hàm lượng chất nitrat là 191,6 trong khi mức cho phép chỉ là 50.
Sau loạt bài viết của báo Dân trí cuối tháng 9/2012, UBND TP. Hà Nội đã ký văn bản số 4286 ngày 29/10/2012 yêu cầu Sở Xây dựng, UBND huyện Từ Liêm, Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội kiểm tra nguồn nước sinh hoạt do Công ty cổ phần tư vấn đầu tư & Phát triển nhà Hà Nội đang cung cấp cho các hộ dân khu nhà tái định cư B3, B4, B5 thị trấn Cầu Diễn.
Ngày 11/12/2012, ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội có công văn chỉ đạo số 9871/UBND-QHXDGT gửi Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên môi trường, huyện Từ Liêm, Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội, giao Sở Xây dựng chủ trì cũng các sở, ngành liên quan thi công, lắp đặt, đảm bảo cung cấp nước sạch cho các hộ dân tái định cư B3, B4, B5 Tổ 22, thị trấn Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội trước Tết Nguyên Đán Quý Tỵ 2013.
Lõi thiết bị lọc của các hộ dân chuyển mầu đen chỉ sau một đêm
Ngày 10/1/2013, ông Nguyễn Kim Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm tổ chức họp liên ngành gồm: Đại diện Sở Xây dựng, Công ty Kinh doanh nước sạch, Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Cầu Giấy, Công ty Quản lý và Phát triển nhà, Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và phát triển đô thị Hà Nội (HACID), UBND thị trấn Cầu Diễn. Đại diện các cơ quan chức năng đều thống nhất sẽ cấp nước sạch cho cư dân nhà B3, B4, B4 thuộc khu tái định cư thị trấn Cầu Diễn trước Tết Quý Tỵ 2013.
Nhưng đến cuộc họp diễn ra ngày 17/1/2013, ông Trần Ngọc Quang, Phó Giám đốc Kỹ thuật và bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Cầu Giấy lại công bố với đại diện nhà B3, B4, B5 việc không thể cấp nước sạch trước Tết Nguyên đán.
Kể từ sau Tết Nguyên đán 2013 đến nay, cư dân khu tái định cư thị trấn Cầu Diễn, trong đó có rất nhiều trẻ em và trẻ sơ sinh vẫn phải dùng nguồn nước nhiễm độc tồn tại từ nhiều năm qua. Trong đơn trình bày gửi đến báo Dân trí, đại diện các hộ dân đề nghị TP. Hà Nội chỉ các cơ quan chức năng sớm hoàn thành việc đấu nối hệ thống nước sạch, đảm bảo sức khỏe cho người dân đúng theo ý kiến chỉ đạo tại công văn số 9871/UBND-QHXDGT của Phó Chủ tịch TP. Hà Nội, ông Nguyễn Văn Khôi.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Theo Dantri
Golden Westlake chặn hầm xe vì cư dân không đóng đủ phí
Phí đỗ xe tăng lên 2,5 triệu đồng một tháng, nhiều cư dân tại tòa nhà Golden Westlake không chấp thuận nên đã bị chủ đầu tư chặn đường vào tầng hầm tối 24/1.
Hơn 21h, hàng xe vẫn xếp hàng tại cổng tòa nhà Golden Westlake trên đường Thụy Khuê (Hà Nội). Ảnh: Anh Quân
Đầu tuần này, sau khi được chấp thuận áp phí đỗ ôtô 2,5 triệu đồng một tháng thay vì mức cũ 1 triệu đồng, chủ đầu tư chung cư cao cấp Golden Westlake (151 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) là Công ty TNHH Hà Việt Tung Shing đã có thông báo tới toàn bộ cư dân tại tòa nhà. Tuy nhiên, một số hộ dân vẫn không chấp thuận và chỉ đóng theo mức phí cũ là một triệu đồng.
Đến chiều 24/1, chủ đầu tư đã cho lực lượng bảo vệ chặn ôtô của những cư dân chưa đóng đầy đủ phí vào trong tầng hầm. Ôtô của những cư dân này cũng không được phép đỗ tại khu vực công cộng ở phía trước tòa nhà. Nếu muốn lái xe qua cổng, họ phải mua vé vào như khách.
Do bức xúc với chủ đầu tư nên nhiều cư dân đỗ xe kín khu vực cổng vào chung cư, gây tắc một đoạn đường. Tại cổng tòa nhà trên đường Thụy Khuê, 20h30 tối vẫn có 3 chiếc xe ôtô 7 chỗ chắn bên ngoài do bảo vệ tại đây không mở cổng. Theo một nhân viên bảo vệ, những xe này chưa đóng tiền gửi xe tháng một nên không được phép vào. Người này cho biết không chỉ có 3 xe mà còn nhiều hơn nữa, tuy nhiên số lượng chính xác thì không nắm rõ.
Một số chủ xe đã phản đối bằng cách bỏ mặc xe đấy để lên nhà. Việc ra vào tòa nhà được thực hiện qua hai lối đi riêng, nhưng lúc này chỉ một lối (vốn là cửa ra) hoạt động. "Xe nào đã đóng phí thì được vào bãi bằng cửa bên", bảo vệ cho biết. Phía ngoài cổng cũng có một nhân viên bảo vệ đứng hướng dẫn lái xe.
Khoảng 21h, thêm hai xe nữa bị chặn ngoài cửa bảo vệ, nhưng lái xe sau đó đã chủ động đưa phương tiện đi nơi khác để gửi.
Đại diện chủ đầu tư cho biết, theo thông báo trước đó tới cư dân, mức phí 2,5 triệu đồng một tháng bắt đầu tính từ tháng 11/2012. Theo đó, toàn bộ cư dân trong tòa nhà phải đóng thêm phí của tháng 11, 12/2012 và 1/2013. "Tuy nhiên, một số hộ không chịu đóng nốt tiền thì sẽ không tiếp tục được gửi xe trong tầng hầm của tòa nhà. Chúng tôi chỉ đang làm đúng như những quy định đã đề ra", đại diện Hà Việt Tung Shing khẳng định.
Một cư dân tại đây cho biết chỉ mong muốn chủ đầu tư đưa ra một mức phí hợp tình, hợp lý và có sự đồng thuận của đại đa số những người sống trong tòa nhà. "Chủ đầu tư không thể dựa vào cơ quan chức năng để đơn phương đưa ra một mức phí và ép buộc chúng tôi phải theo được", anh cho hay.
Trước đó, từ cuối năm 2011, nhiều vụ tranh chấp đã xảy ra tại tòa nhà này sau khi chủ đầu tư ấn định mức phí trông ôtô tăng gấp đôi so với ban đầu. Hà Việt Tung Shing sau đó đã phải giữ nguyên mức phí cũ cho tới khi có hướng dẫn của Sở Tài chính.
Gần đây, Công ty TNHH Hà Việt Tung Shing cho biết Sở Tài chính TP Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản khẳng định mức phí đỗ xe 9 chỗ ngồi trở xuống là 2,5 triệu đồng một tháng. Do đó, chủ đầu tư này cho biết mức phí đỗ xe mới được ban hành là hoàn toàn đúng theo quy định của Ủy ban Nhân dân thành phố và có thông báo tới toàn bộ cư dân trong tòa nhà.
Theo VNE
Kỳ bí "giếng thần" ở ấp sinh đôi Trở lại "Ấp sinh đôi" tỉnh Đồng Nai sau hơn một thập kỷ ấp được tình cờ phát hiện, chúng tôi vẫn nghe được lời chỉ đường nhiệt tình kèm theo câu hỏi: Đi xin nước à? Ấp Hưng Hiệp thuộc xã Hưng Lộc, ở huyện Thống Nhất, cũng như hàng trăm ấp khác ở Đồng Nai, người dân sinh sống bằng nghề...