Toyota bị Trung Quốc phạt 87,6 triệu NDT vì ‘áp giá’ cho Lexus
Tập đoàn ôtô Nhật Bản – Toyota Motor đã bị các nhà chức trách Trung Quốc ra lệnh phạt 87,6 triệu nhân dân tệ (tương đương khoảng 12,5 triệu USD) vì hành vi áp đặt giá cho các mẫu xe Lexus tại thị trường này.
Đây là mức phạt mà nhà chức trách đưa ra đối với các đại lý tại tỉnh Giang Tô, chứ không phải toàn bộ thị trường Trung Quốc
Theo Cục Quản lý thị trường Trung Quốc, trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến 2018, Toyota đã áp đặt giá bán tối thiểu cùng các mức chiết khấu giảm giá cho các đại lý tại Giang Tô, làm họ mất quyền tự chủ định giá và trong chừng mực nào đó khiến khách hàng chịu thiệt hại.
Ngoài ra, Lexus cũng bị cho là đã yêu cầu các đại lý giảm giá cho khách hàng mua xe và kèm theo đó là việc bắt các đại lý phải mua các phụ kiện với giá định bán được ấn định sẵn.
Đại diện Toyota Motor đã xác nhận hình phạt và tôn trọng quyết định này mà không có bình luận gì thêm.
Hiện tại, doanh số của Lexus tại Trung Quốc vẫn đang tiếp tục tăng, với 180.200 xe bán ra kể từ đầu năm 2019, tăng 21% so với cùng kỳ 2018, bất chấp doanh số toàn thị trường đang có dấu hiệu chững lại.
Trước đó, hồi tháng 6/2019, Cục Quản lý thị trường Trung Quốc cũng đã phạt liên doanh giữa Ford Motor và Changan Automobile 162,8 triệu nhân dân tệ (khoảng 23,3 triệu USD) vì vi phạm luật chống độc quyền.
Theo Dân trí
Toyota đã tạo nên chiếc xe Lexus tốt nhất theo cách: Biến điều không thể thành có thể!
2019 đánh dấu cột mốc tròn 30 năm thương hiệu xe sang Lexus chào đời. Cho đến nay, thành công của Lexus vẫn được coi là một kỳ tích.
Vào năm 1989, thương hiệu Lexus chính thức xuất hiện trên bản đồ ngành công nghiệp ô tô thế giới. Cũng trong năm ấy, model đầu tay của Lexus đã được giới thiệu với tên gọi LS 400. Đây là thành quả của một dự án tuyệt mật mang tên Circle F hay còn có tên gọi khác là F1. Dự án này được khởi xướng bởi chủ tịch của Toyota khi ấy là Eiji Toyoda.
Ông Eiji Toyota và Lexus LS400 thế hệ đầu tiên
Vào năm 1983, vị này đã đặt ra một mục tiêu có thể coi là không tưởng với đội ngũ nhân viên của mình, đó là tạo nên chiếc xe tốt nhất thế giới. Và tất nhiên, chiếc xe này được định vị ở phân khúc hạng sang. Đã có rất nhiều hoài nghi xuất hiện ngay bên trong nội bộ công ty khi nhiều người cho rằng đó là một điệp vụ bất khả thi. Bởi Toyota lúc đó không hề có bất cứ kinh nghiệm nào trên thị trường xe sang toàn cầu chứ đừng nói đến việc vượt mặt các tên tuổi lớn với nhiều thâm niên để trở thành chiếc xe tốt nhất Thế giới.
Video đang HOT
Nhưng sự ra đời của LS 400 đã đập tan mọi nghi ngờ trước đó. Vì lịch sử đã ghi nhận LS 400 là một chiếc xe cách mạng, tái định nghĩa phân khúc hạng sang. Vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem Toyota đã làm những gì để biến điều không thể thành có thể.
Thiết lập mục tiêu
Circle F là một dự án đặc biệt, không chỉ bởi tính bí mật mà còn ở cách mà nó được thực hiện. Theo công bố từ nhà sản xuất, có tới hơn 4000 con người đã tham gia vào dự án này. Không những vậy, đích đến của Circle F - chiếc LS cũng được phác thảo với những thông số phi thường: vận tốc tối đa 250km/h, mức tiêu thụ nhiên liệu 10,5 lít/100km, hệ số lực cản tối đa là 0,29 và độ ồn bên trong cabin khi xe di chuyển ở tốc độ 100km/h không vượt quá 58 dB.
Tổng hòa của những phác thảo nêu trên là một chiếc xe nhanh, yên tĩnh, hiệu năng khí động học và hiệu suất tiêu thụ nhiên liệu đều vượt trội so với mọi sản phẩm của người Đức. Chính vì yêu cầu được đặt ra là phải đảm bảo đồng thời các tiêu chí vừa nêu, thế nên dự án Circle F mới bị coi là một điều bất khả thi.
Mọi thứ càng trở nên khó khăn hơn khi xe sang là một thứ không mấy quen thuộc với Toyota. Nhà sản xuất này vốn chỉ mạnh ở những dòng xe bình dân sản xuất số lượng cực lớn. Nhưng cũng may mắn là tham vọng Toyota đã được chắp cánh bởi những nhân vật kiệt xuất và dám dấn thân. Cũng từ đây, phương châm 'Theo đuổi không ngừng sự hoàn hảo' đã ra đời - thứ định hình thương hiệu Lexus sau này.
Giám đốc kỹ thuật Ichiro Suzuki: "Không đánh đổi"!
Ichiro Suzuki là một trong những người dẫn dắt dự án phát triển LS 400. Ông được đánh giá là người không chùn bước, không chấp nhận đánh đổi kể cả khi các thành viên trong đội ngũ kỹ thuật khẳng định những gì ông muốn là không thể thực hiện.
Ý tưởng của Suzuki về LS 400 đã khiến cho nhiều nhân vật tầm cỡ tại Toyota khi đó phải ái ngại, trong đó có Akira Takahashi. Vì vậy, ông Takahashi ban đầu đã từ chối tham gia vào dự án mà Suzuki đang ấp ủ. Bởi ông cho rằng, dù Toyota có sở hữu những trang thiết bị sản xuất tốt nhất đi chăng nữa thì vẫn chưa đủ để tạo nên chiếc xe như Suzuki phác thảo. Ngoài ra, không có chiếc xe nào của Toyota khi đó ngoại trừ Supra có thể vượt qua mốc 175km/h.
Suzuki từng nói rằng: "Tôi không thể đánh đổi. Bởi nếu như vậy, đó sẽ chỉ là một chiếc xe bình thường."
Nguồn gốc của triết lý 'Yet'
Takahashi có niềm tin mạnh mẽ rằng hiệu năng và tính tiện nghi có thể cùng tồn tại trên một chiếc xe. Nó không chỉ êm dịu mà còn tạo cảm giác hứng khởi sau vô-lăng. Khả năng hòa quyện đồng thời các phẩm chất tưởng chừng như mâu thuẫn nhưng mang lại hiệu quả vượt trội chính là giá trị cốt lõi của triết lý Yet (nhưng). Điều này đã được thể hiện rõ trên LS 400:
Khả năng xử lý vượt trội ở tốc độ cao nhưng mang đến cảm giác thoải máiNhanh nhưng tiết kiệm nhiên liệuYên tĩnh nhưng có trọng lượng nhẹKiểu dáng thanh lịch nhưng tối ưu khí động họcNội thất lôi cuốn nhưng nhiều chức năng
Takahashi nhận thức được rằng hiện thực hóa một chiếc xe như LS cần tới một sự chuyển dịch hoàn toàn về khái niệm liên quan đến các chuẩn mực tại Toyota. Vì thế, ông đã trực tiếp chỉ đạo đội ngũ của mình tiến hành đánh giá lại mọi khía cạnh có thể ảnh hưởng đến hiệu năng của chiếc xe bằng việc quay trở lại phần gốc rễ. Quy trình này có tên gọi genryu-shugi trong tiếng Nhật.
Mọi yếu tố đều được xem xét cẩn trọng dựa theo quy trình này. Điển hình là việc tìm hiểu căn nguyên gây ra tiếng ồn ở hệ thống truyền động. Khi đó, nguyên nhân được xác định nằm ở sự bất thường trong hình dạng của trục truyền động, gây rung lắc và gia tăng độ ồn khi tốc độ quay của trục tăng lên. Thay vì áp dụng các biện pháp thứ cấp để giải quyết vấn đề, đội ngũ của Takahashi đã tạo nên một trục truyền động mới bằng loại thép khác.
Tìm hiểu khái niệm của sang trọng
Khi dự án Circle F được khởi động, Toyota thực chất đã có trong tay một mẫu xe sang mang tên Century nhưng là dành cho thị trường nội địa. Hãng này cũng nhận ra rằng đó không phải là chiếc xe có thể cạnh tranh ở nước ngoài. Nhóm phát triển buộc phải tìm hiểu về cách mà người tiêu dùng quốc tế nhìn nhận về xe sang: họ trông đợi gì từ một chiếc xe như vậy và nó gắn kết như thế nào với phong cách sống của họ.
Để làm được điều đó, Toyota đã thực hiện hàng loạt nghiên cứu. Và kết quả thu được đã khiến tất cả phải bất ngờ, xen lẫn sự chán nản. Theo đó, người tiêu dùng Mỹ coi trọng nhất yếu tố uy tín trong khi hiệu năng chỉ đứng ở vị trí thứ 4 về tầm quan trọng. Ngay lập tức, một tâm lý hoang mang bắt đầu xuất hiện bởi như đã nêu ở trên, Toyota chưa gây dựng được chút tiếng vang nào ở phân khúc xe cao cấp đối với người tiêu dùng thế giới. Nhưng khó khăn này không khiến cho đội ngũ nhân lực của Circle F chùn bước.
Nghệ thuật của sự cân bằng
LS được phát triển với một nền tảng và động cơ hoàn toàn mới. Trái tim của chiếc xe là cỗ máy V8 4,0 lít bằng nhôm, cho công suất 241 mã lực. Giống như mọi khía cạnh khác, động cơ cũng là nơi được nhóm phát triển dành nhiều nguồn lực để nó được hoàn thiện ở mức cao nhất. 973 nguyên mẫu đã được tạo ra.
Sau tất cả, các yêu cầu kỹ thuật mà Suzuki đề ra cho cỗ máy này đều được đáp ứng. Thậm chí, Toyota còn tiến hành một thử nghiệm đặc biệt, đó là bố trí một kim tự tháp được cấu thành từ các ly rượu đặt ngay phía trên động cơ của LS và cho tăng tốc lên 240km/h. Kết quả là không có một chiếc ly nào bị dịch chuyển, đồng thời rượu ở bên trong cũng không bị sánh ra ngoài.
Đơn giản, gọn gàng và thông minh
Thẩm mỹ là thứ được cảm nhận một cách chủ quan. Tuy nhiên, LS vẫn cần sở hữu một thiết kế đủ ấn tượng để chinh phục người tiêu dùng nơi phương trời xa xôi. Vì lẽ đó, một quyết định quan trọng đã được đưa ra: kết hợp phong cách vuông vức quen thuộc của các dòng xe sang thời kỳ đó với thiết kế trơn láng, mềm mại và tối ưu khí động học.
Hàng chục cuộc thử nghiệm trong hầm gió cũng đã được tiến hành, mỗi chiếc xe lại được tích hợp micro trong cabin để ghi lại tiếng ồn. Và cuối cùng, bản thiết kế chính thức cũng được thông qua vào tháng 5/1987.
Nội thất được chăm chút tới từng chi tiết
Những loại da và gỗ xuất hiện bên trong cabin của LS đều được lựa chọn một cách vô cùng cẩn thận và kỹ càng. Nhưng để đáp ứng tốt hơn những kỳ vọng của khách hàng về một sản phẩm cao cấp, Toyota cũng mang đến nhiều đột phá cho LS. Một trong số đó là quyết định đi ngược lại xu thế số hóa táp-lô và vẫn giữ nguyên bảng đồng hồ analogue nhưng được làm mới bằng các kim huỳnh quang - tái hiện hình ảnh của những thanh gươm ánh sáng.
4,4 triệu km chạy thử
Thử nghiệm là một trong những công đoạn quan trọng cuối cùng trước khi LS ra mắt chính thức. 450 nguyên mẫu đã cùng nhau cày xới tổng cộng 4,4 triệu km tại đường thử Shibetsu của Toyota. Đường thử này có chiều dài 26km, bao gồm đủ mọi loại bề mặt mà chiếc xe có thể sẽ phải đương đầu ở thế giới bên ngoài.
Khi điều không thể biến thành có thể
Sau bao nhiêu nỗ lực, chiếc xe mà toàn thể những con người tại Toyota mong đợi cũng trình làng ở triển lãm NAIAS 1989. Đã có một cuộc bàn bạc kỹ càng về việc LS sẽ không mang thương hiệu Toyota mà khoác lên mình cái tên Lexus. Ngay lập tức, chiếc xe này đã trở thành tâm điểm của sự chú ý và nhận được rất nhiều phản hồi tích cực. Để rồi, LS 400 trở thành mẫu xe sang ngoại nhập phổ biến nhất trên đất Mỹ, đặt nền móng cho sự phát triển vượt bậc của thương hiệu Lexus về sau này.
Chiếc coupe SC 400 được ra đời dựa trên những thành công thu được sau LS 400
Theo Nghe nhìn Việt Nam
Không để đại lý Lexus Trung Quốc giảm giá, Toyota bị phạt 12 triệu USD Toyota Motor đã phải nhận mức phạt lên tới 12,5 triệu USD vì gây áp lực cho các đại lý để hạn chế giảm giá dòng xe hơi hạng sang Lexus. Theo Nikkei, hãng ôtô đến từ Nhật Bản đã phải nhận hình phạt vì vi phạm luật chống độc quyền từ năm 2015 đến 2018 do Cơ quan quản lý thị trường...