Totoro được mở công viên riêng
Chính quyền mới cấp phép mở công viên riêng về nhân vật biểu tượng của xưởng hoạt hình Studio Ghibli, dự kiến khai trương vào mùa hè 2020.
Xưởng Ghibli thông báo họ đã đạt được thỏa thuận với chính quyền tại Aichi, Nagoya để mở công viên dựa trên bộ phim hoạt hình nổi tiếng My Neighbor Totoro (1988) của đạo diễn Hayao Miyazaki.
Khuôn viên được xây dựng tại khu vực từng tổ chức Hội chợ Thương mại Expo 2005 của Nagoya, với diện tích lên tới 200 héc-ta. Theo kế hoạch, công viên Totoro sẽ mở cửa chào đón du khách đầu tiên vào mùa hè 2020, tức ngay trước thềm Thế vận hội Mùa hè Tokyo diễn ra.
Nhân vật Totoro sẽ có một công viên của riêng mình. Ảnh: Ghibli.
Tuy đưa ra thông báo, nhưng nhà sản xuất Toshio Suzuki của Studio Ghibli và đại diện chính quyền là ngài Hideaki Omura không tiết lộ khoản ngân sách xây dựng dành cho điểm đến văn hóa. Hiện Ghibli vẫn đang vận hành bảo tàng của riêng hãng tại vùng ngoại ô Mitaka, Tokyo.
Lần đầu xuất hiện trong My Neighbor Totoro, nhân vật Totoro nhận được sự yêu mến của khán giả trong suốt gần 30 năm qua. Sinh vật được sáng tạo dựa trên nhiều loài động vật khác nhau như mèo, cú, chồn…
Totoro hiện là linh vật của xưởng hoạt hình Studio Ghibli và có rất nhiều sản phẩm đồ chơi, vật dụng ăn theo, dù đến giờ vẫn chỉ góp mặt trong một tác phẩm hoạt hình dài duy nhất của hãng.
Khán giả quốc tế cũng rất yêu thích Totoro và bộ phim. Năm 2010, tạp chí điện ảnh Empire xếp My Neighbor Totoro ở vị trí thứ 41 trong danh sách 100 phim quốc tế hay nhất, và Totoro ở vị trí thứ 18 của top 50 nhân vật hoạt hình nổi tiếng nhất.
Theo Zing
'Con rùa đỏ': Tác phẩm hoạt hình đậm tính nghệ thuật
Được đánh giá cao sau khi ra mắt tại LHP Cannes, "The Red Turtle" của Michal Dudok de Wit tuy có sự tham gia của Studio Ghibli, nhưng lại không hề mang khí chất Nhật Bản.
Đạo diễn Michal Dudok de Wit người Hà Lan là hiện tượng đặc biệt của dòng phim hoạt hình thế giới. Sinh năm 1953, nhưng cho tới trước năm nay, nhà làm phim 63 tuổi mới chỉ cho ra đời vỏn vẹn đúng bốn tác phẩm hoạt hình ngắn có tổng thời lượng chỉ là... 21 phút.
Video đang HOT
Từ thành công của Cha và con gái
Song, một trong bốn bộ phim ấy là Father and Daughter - tác phẩm khiến nhiều người cảm thấy thán phục ra đời cách đây 16 năm, chinh phục hai giải thưởng cao quý là Oscar và BAFTA ở hạng mục Phim hoạt hình ngắn xuất sắc.
Có thể nói Father and Daughter mang đến cho khán giả những gì tinh túy nhất của Dudok de Wit: phần hình họa tối giản, gam màu trầm, nội dung tinh tế, xúc động dù không hề sử dụng lời thoại, và nhạc phim sâu lắng với những nốt nhạc đi vào lòng người của tuyệt khúc The Danube Waves.
Phim ngắn 'Father And Daughter' của Michal Dudok de Wit: Bộ phim hoạt hình ngắn nổi tiếng "Cha và con gái" của nhà làm phim người Hà Lan Michal Dudok de Wit.
Thông điệp mang tính phổ quát về tình phụ tử của Father and Daughterkhông chỉ chinh phục các giải thưởng điện ảnh, mà còn chiếm được tình cảm của khán giả quốc tế. Trong số đó, có một cái tên quen thuộc: đạo diễn huyền thoại Hayao Miyazaki.
Sau khi xem tác phẩm của đạo diễn người Hà Lan, Miyazaki bèn tuyên bố rằng nếu hãng hoạt hình Studio Ghibli của ông có sản xuất phim cho đạo diễn bên ngoài, người đó phải là Dudok de Wit. Từng bày tỏ rằng cá nhân không thực sự muốn làm phim hoạt hình dài, nhưng có lẽ tên tuổi của Miyazaki và Studio Ghibli là quá đủ để Dudok de Wit đổi ý.
Sau thời gian dài sản xuất, thành quả của mối lương duyên giữa đạo diễn người Hà Lan, hãng phim Nhật Bản, và hàng loạt tên tuổi của dòng phim nghệ thuật Pháp như hãng Wild Bunch và Why Not Production, đã trình làng tại Liên hoan phim Cannes 2016.
Dài đúng 80 phút, The Red Turtle là bộ phim hoạt hình dài đầu tiên mà Michal Dudok de Wit làm đạo diễn kiêm biên kịch.
Câu chuyện kỳ lạ về con rùa đỏ
The Red Turtle mở đầu bằng cảnh một người đàn ông vô danh bị bão đánh dạt lên hoang đảo, với duy nhất một bộ quần áo trên người và niềm tin tìm về với đất liền trong tâm trí. Có lẽ bối cảnh ấy sẽ khiến nhiều khán giả nghĩ ngay tới tác phẩm của Robert Zemeckis có Tom Hanks thủ vai chính: Cast Away.
Cũng ra mắt công chúng năm 2000 như Father and Daughter, Cast Awaylà câu chuyện sinh tồn của Chuck Noland (Tom Hanks) và người "bạn" của anh - quả bóng Wilson.
Nửa đầu của The Red Turtle gần như đi theo đúng mô-típ của Cast Away, khi bộ phim tập trung mô tả sự tuyệt vọng của người đàn ông vô danh trên hòn đảo hoang vắng chỉ có thiên nhiên, cua cá, hải cẩu, và sự yên tĩnh trống trải đến lặng người.
Với chút sức lực có được nhờ quả dại và nước ngọt trên đảo, người đàn ông quyết vượt biển khơi bao la bằng cách dựng bè từ những thân tre nhặt được trong cánh rừng bên bờ biển. Theo gió ra khơi mang theo niềm hy vọng trở về, nhưng những chiếc bè của người đàn ông vô danh nhanh chóng vỡ vụn giữa biển cả bởi một thế lực bí ẩn nào đó dưới nước.
Gắng sức bơi trở lại đảo, đóng những tấm bè mới, lớn hơn, vững chắc hơn, để rồi lại bị đánh chìm khi chưa đi được bao xa, người đàn ông dồn mọi nghi ngờ vào con rùa đỏ to lớn, trầm mặc, luôn có mặt trong các chuyến ra khơi thất bại. Uất ức đến cùng cực, người đàn ông đánh đập, rồi lật ngửa con rùa với hy vọng nó sẽ không thể phá hoại hành trình của mình thêm một lần nào nữa.
Nửa đầu của The Red Turtle khiến người ta liên tưởng tới Cast Away. Song, chuyện phim xảy ra bước ngoặt quan trọng khi con rùa đỏ bỗng hóa thân thành một người phụ nữ xinh đẹp.
Nhưng sợi dây trói chặt ông với hòn đảo hoang không vì thế mà nới lỏng, bởi con rùa định mệnh bỗng nhiên hóa thành một người phụ nữ xinh đẹp, làm đảo lộn mọi quyết tâm và dự định của người đàn ông vô danh.
Với khán giả từng phải lòng phong cách nghệ thuật duyên dáng của Father and Daughter, The Red Turtle chắc chắn không làm họ thất vọng bởi Dudok de Wit trong tác phẩm dài đầu tay vẫn trung thành với sự tối giản đầy tính biểu tượng, thông qua những khung hình sử dụng ít màu sắc, nhưng vẫn đầy đủ chi tiết, nét vẽ mô tả thiên nhiên và nhân vật.
Rất hiếm khi sử dụng những góc quay cận, Dudok de Wit luôn khiến con người trong các phim của ông hiện ra nhỏ bé, mỏng manh như chính số phận của họ. Bởi vậy, thiên nhiên với sự vĩnh hằng vốn có cũng trở thành một "nhân vật" quan trọng trong The Red Turtle.
Từ biển xanh sâu thẳm đầy bí ẩn, rừng tre xào xạc hiền hoà, cho tới những cơn sóng thần phẫn nộ và huỷ diệt, thiên nhiên trong The Red Turtle mang nhiều góc cạnh, "tính cách", tạo ra sự tương phản với cái ngắn ngủi, cô độc và phù du của mỗi kiếp người.
Thiên nhiên trong The Red Turtle hiện ra tuyệt đẹp thông qua những nét vẽ giản đơn nhưng sắc sảo.
Được cộng hưởng bởi phần nhạc phim sâu lắng của Laurent Perez del Mar, sự tương phản giữa thiên nhiên và con người trong The Red Turtlechắc chắn sẽ còn để lại dư âm lâu dài trong lòng nhiều khán giả.
Đây có lẽ là nét mới mẻ nhất trong tác phẩm dài đầu tay của Dudok de Wit khi so sánh với các phim ngắn trước đây của ông, bởi chỉ có thời lượng và kinh phí thoả đáng của một tác phẩm điện ảnh dài mới là sân chơi sáng tạo đủ lớn để vị đạo diễn người Hà Lan bộc lộ hết tài năng.
Một tác phẩm thuần châu Âu
Tại thời điểm The Red Turtle mới công chiếu tại Liên hoan phim Cannes, báo chí đã đề cập rất nhiều tới mối liên hệ giữa tác phẩm với hãng phim Studio Ghibli, một phần vì danh tiếng của Ghibli với tư cách là ngọn cờ đầu của ngành công nghiệp hoạt hình Nhật Bản, một phần vì sự tương đồng giữa tính nhân văn trong các tác phẩm của Ghibli và thông điệp ý nhị về đời người trong loạt phim ngắn của Dudok de Wit.
Cố vấn nghệ thuật của The Red Turtle là Isao Takahata, đạo diễn đồng sáng lập Studio Ghibli với Hayao Miyazaki, và là người mới cho ra đời The Tale of the Princess Kaguya (2013). Tuy nhiên sẽ là không công bằng cho cả Studio Ghibli và Michal Dudok de Wit nếu các bài bình phim luôn tập trung nhấn mạnh vào "chất Ghibli" của The Red Turtle.
Trên thực tế, người xem khó lòng có thể tìm thấy khí chất Nhật Bản từ một bộ phim được thực hiện chủ yếu tại Pháp và Bỉ, của một đạo diễn người Hà Lan. Bởi các bộ phim của Studio Ghibli, bất kể là do Miyazaki hay Takahata thực hiện, luôn được xây dựng dựa trên khung kịch bản rõ ràng, với cốt truyện và tuyến nhân vật thống nhất, giúp khán giả dễ hiểu, dễ cảm nhận.
Có sự tham gia của Studio Ghibli, nhưng The Red Turtle hoàn toàn không mang đến cho người xem chút cảm giác nào về khí chất hoạt hình Nhật Bản.
Trái ngược với sự nghiêm cẩn Á Đông ấy, The Red Turtle sở hữu phần kịch bản trừu tượng với hai câu chuyện tương đối tách biệt về sự sinh tồn giữa thiên nhiên và tầm quan trọng của gia đình, của tình yêu đối với số phận mỗi con người.
Có cảm giác với hai nửa truyện phim riêng rẽ của The Red Turtle được ngăn cách bởi sự kiện người phụ nữ hoá thân từ con rùa đỏ kỳ lạ, Dudok de Wit đã mời gọi khán giả cùng ông suy ngẫm: liệu có nên tiếp tục đương đầu với sóng gió để tìm lấy những mảnh đất mới, những khúc quanh mới cho số phận, hay chỉ cần bằng lòng với hạnh phúc giản đơn vốn có như chú rùa đỏ tận hưởng sự yên bình của biển xanh?
Nếu như chiếc mai rùa vỡ khiến người đàn ông vô danh cảm thấy bối rối, thì bản thân bộ phim The Red Turtle cũng gây ra cảm giác tương tự cho người xem khi nó thiếu vắng sự kết nối giữa nửa đầu và nửa sau.
Khán giả có thể cảm thấy hụt hẫng đôi chút sau khi họ đã dành rất nhiều tình cảm, suy nghĩ, và lo lắng cho số phận người đàn ông ở nửa đầu, để rồi được chứng kiến những bối cảnh mới, không hề có chút liên hệ nhân quả nào với cuộc đấu tranh sinh tồn trước đó.
Một số nhà phê bình quốc tế cho rằng The Red Turtle là "quá dài" bởi những suy nghĩ trừu tượng và hiện sinh của Dudok de Wit thích hợp hơn với khuôn khổ ngắn, gọn của các tác phẩm hoạt hình ngắn. Tuy nhiên, nhận xét ấy chưa hoàn toàn thoả đáng, bởi trải qua suốt 80 phút, nhà làm phim người Hà Lan đã chứng tỏ được tài năng thông qua phần hình ảnh, tạo hình của bộ phim.
Có lẽ điều tốt nhất khán giả có thể mong đợi lúc này ở Dudok de Wit là thời gian, và cảm hứng. Bởi với một kịch bản tốt, vị đạo diễn người Hà Lan chắc chắn sẽ không khiến khán giả thất vọng trong tương lai, dù là ở thể loại phim dài hay phim ngắn.
Theo Zing
10 nhân vật hoạt hình được yêu thích nhất mọi thời đại Chuột Mickey, chàng cao bồi đồ chơi Woody, hay "người hàng xóm" Totoro... là những nhân vật hoạt hình luôn được mến mộ qua nhiều năm tháng. Một nhân vật hoạt hình thực sự đi vào lòng người là khi họ khiến chúng ta tin rằng họ thực sự tồn tại, chứ không đơn thuần là những nét chì hay một dãy số...