Top địa điểm khó đến nhất ở Việt Nam khách Tây muốn tới
Dù Việt Nam không thật sự lớn nhưng có một số địa điểm khá heo hút rất khó đến cho dù phong cảnh rất đẹp và quyến rũ.
Tỉnh Cao Bằng
Những địa danh này bị cô lập bởi những con đường núi hiểm trở, hoặc không nằm trên các tuyến du lịch thông thường. Dưới đây là những điểm khó đến nhất ở Việt Nam.
Hãy bắt đầu từ phía Bắc, nơi những con đường len lỏi qua khu rừng rậm trên núi và đổ xuống thung lũng xanh tươi. Tại đây, bạn sẽ tìm thấy những cảnh đẹp ấn tượng như thác nước Bản Giốc và hồ núi Thang Hen, đồng thời cũng là nơi có hang Pắc Bó nổi tiếng.
Hồ Ba Bể
Đi về hướng Tây từ Cao Bằng là đến hồ Ba Bể, trung tâm của công viên quốc gia cùng tên. Ẩn mình giữa những tảng đá vôi, Ba Bể thực sự là 3 hồ nước riêng biệt được kết nối bởi những dòng kênh. Bởi vì hồ cao trên núi nên rất yên tĩnh và thanh bình, thường bị che khuất trong sương mù. Công viên có nhiều hang động, thác nước và con đường đi bộ ngắm cảnh.
Tỉnh Hà Giang
Hà Giang nằm ở phía bắc gần biên giới với Trung Quốc. Do địa hình đồi núi, đất đai khô cằn khó trồng trọt, đây là một trong những khu vực nghèo nhất nước. Vì vậy, các con đường thường khá khó đi khi bạn rời khỏi đường cao tốc chính. Nhưng đối với những người thích phiêu lưu trên những chuyến xe máy hoang dã thì đây là thiên đường trên trái đất.
Sa Pa
Sa Pa là một thị trấn nghỉ mát trên núi, nằm bên sườn đồi đối diện với núi Fansipan, nơi cao nhất ở Đông Dương. Để có được trải nghiệm thực sự, bạn hãy thuê một chiếc xe máy và đi xuống thung lũng Mường Hoa. Bên cạnh những khung cảnh tuyệt vời, không khí ở đây cũng rất trong lành, mát mẻ.
Video đang HOT
Vườn quốc gia Pù Mát
Được hình thành vào năm 2001, đây là một khu bảo tồn động thực vật rất phong phú, là nơi sinh sống của khoảng 2.461 loài thực vật (một số trong đó rất mới đối với khoa học cùng các động vật quý hiếm như hổ Đông Dương và dơi chân đỏ). Vẻ đẹp tự nhiên của công viên cùng với vị trí xa xôi của nó đã khiến nơi này trở nên rất thú vị để ghé thăm.
Vườn quốc gia Vũ Quang
Vườn quốc gia Vũ Quang nằm ở vùng duyên hải Bắc Trung Bộ, dọc biên giới với Lào. Công viên này là nơi sinh sống của một trong những loài thú hiếm nhất thế giới: sao la cũng như Giant muntjac, một loài hươu chỉ mới được phát hiện vào năm 1994.
Vũng Chùa – Đảo Yến
Đây là nơi an nghỉ cuối cùng của Tướng Võ Nguyên Giáp, nhà lãnh đạo nổi tiếng của Việt Nam. Hòn đảo này rất khó ghé thăm vì vậy nhiều khách du lịch nước ngoài thường hiếm khi đến khu vực này.
Hang Sơn Đoòng
Sơn Đoòng được coi là một trong những hang động lớn nhất thế giới. Hang rất đẹp và cũng rất khó vào do rất ít đoàn du khách được chính phủ cho phép và chỉ có một công ty duy nhất có giấy phép được đưa khách du lịch vào hang.
Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà
Khu bảo tồn thiên nhiên này tập trung quanh núi Bà Nà, nơi vẫn còn một số biệt thự của Pháp từ thời thuộc địa. Đường đến khu vực này nổi tiếng là xấu, vì vậy chỉ đi bằng xe máy nếu bạn là một tay lái tự tin. Vào những ngày nắng phong cảnh ở đây vô cùng ngoạn mục, và bạn thậm chí có thể nhìn thấy một số loài chim quý hiếm sống ở đây.
Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh
Ngọc Linh là ngọn núi được gọi là mái nhà của miền Nam Việt Nam. Khu bảo tồn này nằm ở cuối dãy Annamite, tạo thành biên giới giữa Lào và Việt Nam. Khu bảo tồn này là nơi hoàn hảo cho những người yêu thích thiên nhiên. Nhiều loài thực vật quý hiếm như chim và động vật sống ở đây.
Đảo Hòn Cau
Hòn đảo này là một phần của Quần đảo Côn Đảo, nằm ngoài khơi miền Nam Việt Nam. Trong khi không khó khăn lắm để đến đảo chính, bạn sẽ phải đi thuyền để đến Hòn Cau. Trên hòn đảo này có một số hoạt động lặn biển cũng như chiêm ngưỡng nhiều san hô và cá quý hiếm.
Hàn Ly
Theo baogiaothong.vn/theculturetrip
Du lịch cộng đồng khai phá viên ngọc xanh ở Quảng Bình
Mô hình du lịch cộng đồng như Homestay, Farmstay... ở Quảng Bình đang níu chân nhiều du khách phương xa.
Cảnh đẹp thiên nhiên ở tỉnh Quảng Bình còn hoang sơ, mộc mạc. Nhiều người ví Quảng Bình như viên kim cương xanh quý giá chưa qua mài dũa. Những năm gần đây, người dân địa phương ngoài việc trồng lúa, trồng khoai còn chăm chỉ đi học tiếng Anh để phục vụ khách du lịch. Mô hình du lịch cộng đồng như Homestay, Farmstay... đang níu chân nhiều du khách phương xa.
Ẩm thực địa phương níu chân du khách.
Trưa nắng, căn nhà gỗ 2 gian 3 chái bên cánh đồng lúa của anh Hoàng Nhật, ở xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình rộn ràng tiếng nói cười. Trước đây, anh Nhật từng vào rừng Phong Nha tìm gỗ huê, gỗ trầm. Từ khi Phong Nha thành địa chỉ du lịch nổi tiếng, anh Nhật chuyển sang làm thợ chụp ảnh dạo. Học bồi được dăm ba câu tiếng Anh, tiếng Pháp, anh Nhật bàn với vợ vay tiền làm Homestay.
Theo anh Nhật, du khách thường say đắm trước cảnh sắc thiên nhiên còn hoang sơ nơi quê mình: "Khách Tây về đây đa số đều thích ở với người dân, khách sạn, nhà nghỉ họ không thích vì ồn ào. Họ muốn hòa đồng với người dân, trải nghiệm cuộc sống dân dã nơi đây. Họ trải nghiệm việc làm nông, cày bừa hoặc chăn trâu, bò".
Các bạn nhỏ khám phá trải nghiệm công việc làm vườn của người nông dân.
Quảng Bình là tỉnh có tiềm năng rất lớn về du lịch. Nơi đây được thế giới biết đến với Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, hai lần được tổ chức UNESCO vinh danh là Di sản Thiên nhiên thế giới, hang Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới. Với hơn 400 hang động kỳ vĩ dưới lòng đất, Quảng Bình còn có nhiều điểm du lịch nổi tiếng như: chùa Non, núi Thần Đinh, vũng Chùa - đảo Yến, Khe Nước lạnh, hồ Bàu Sen, Bàu Tró...
Chị Lê Thị Bích, Giám đốc Công ty Le Mittchel ở xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch là một trong những người tiên phong làm du lịch cộng đồng. Từng đi nhiều nơi, chị Bích thấy không nơi đâu thiên nhiên bình dị như ở quê mình. Bình quân mỗi ngày, gia đình chị đón tiếp hàng trăm lượt khách nước ngoài đến tham quan, nghỉ dưỡng. Du khách trực tiếp ra đồng chăn vịt, gặt lúa, xay lúa với bà con. Sau buổi trải nghiệm, cả khách Tây lẫn ta nhảy ùm xuống sông quê tắm mát.
Chị Bích hướng dẫn cho nhiều bà con mở Homestay, cách đặt phòng nghỉ trên mạng và tặng bản đồ cho du khách. Theo chị, các phong tục tập quán, lễ hội dân gian của các dân tộc thiểu số như Bru - Vân Kiều, Sách, Mày, Rục và Arem...rất thích hợp để đưa vào phát triển mô hình du lịch cộng đồng.
Các du khách nhí trồng rau với người dân địa phương.
"Chúng tôi xây dựng du lịch cộng đồng với mục đích để khách du lịch tới đây không phải nhàm chán, khách được trải nghiệm, chia sẻ và khám phá để quảng bá đến các nước bạn. Ở Phong Nha rất đơn sơ, mộc mạc, cảnh sống của người dân vẫn bình thường, người đi chăn trâu, đi gặt lúa. Cảnh đẹp tự nhiên chưa bị phá vỡ bởi hệ thống du lịch hiện đại. Với ước nguyện của chúng tôi là xây dựng du lịch bền vững trong tương lai và giữ gìn môi trường"- Chị Hường cho biết.
Du lịch cộng đồng không chỉ nở rộ ở các xã Hưng Trạch, Sơn Trạch, Cự Nẫm... gần trung tâm Phong Nha, trái tim du lịch của Quảng Bình mà còn lan rộng ra ở xã miền núi Tân Hoá, huyện Minh Hoá, làng biển Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch. Được sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, bà con đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư Homestay. Mỗi giường ngủ, phòng nghỉ đảm bảo sạch sẽ, an toàn, phục vụ ăn uống tại chỗ cho du khách tham quan.
Du khách đẹp xe thưởng ngoạn cảnh quê.
Ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, chính nét văn hoá của người dân từng vùng miền đã tạo nên sức hút, đặc trưng của mô hình Homestay ở Quảng Bình. Theo ông Hồng, các làng nghề truyền thống như làng nghề chằm nón, đan lưới, làng bánh tráng, làng rượu ngô được phục hồi, thể hiện bản sắc văn hoá riêng biệt.
"Sau khi có chính sách phát triển du lịch của tỉnh bà con đã thay đổi được nhận thức, từ đó bà con chuyển đổi sang hoạt động phục vụ du lịch. Từ đó bà con có thu nhập ổn định, bà con rất phấn khởi. Huyện chỉ đạo các ngành liên quan tăng cường tuyên truyền về cách ứng xử, văn hóa. Đặc biệt Phong Nha là du lịch trong lòng nông thôn nên vấn đề về môi trường được huyện đặc biệt quan tâm"- Ông Hồng nói.
Ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho biết, du lịch cộng đồng giúp bạn bè quốc tế khám phá, hiểu biết thêm về mảnh đất và con người Quảng Bình kiên cường trong chiến tranh, thân thiện trong thời bình. Ngoài thế mạnh là du lịch hang động, du lịch cộng đồng ở Quảng Bình đang thu hút lượng lớn du khách về lưu trú. Chính quyền địa phương hỗ trợ các gia đình làm Homestay, Farmstay mỗi hộ từ 25 - 30 triệu đồng. Vào cao điểm mùa du lịch, trung bình mỗi hộ kinh doanh loại hình du lịch này, thu nhập từ 20-30 triệu đồng/ tháng.
Du khách đẹp xe thưởng ngoạn cảnh quê.
Theo ông Đặng Đông Hà, đây là ngành công nghiệp không khói nên tỉnh chủ trương phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn: "Nâng cao nhận thức của xã hội về vấn đề du lịch. Chúng tôi làm thường xuyên bằng nhiều cách tuyên truyền, vừa quảng bá hình ảnh, tự hào về địa phương, cách đối xử, ứng xử mến khách, lịch sự. Cố gắng một người dân trở thành một hướng dẫn viên thân thiện với du khách. Phát huy các giá trị về văn hoá, lịch sử, làng nghề truyền thống, để gắn du lịch gần với người dân"./.
Theo vov.vn
Công viên mới tại Quảng Bình: Cảnh chất thế này cần gì tới Bali Thêm một địa điểm mới cho các tín đồ yêu thích du lịch, ngay tại Quảng Bình bạn cũng có thể thích thú với khung cảnh tuyệt đẹp và các trải nghiệm thú vị chẳng kém gì Bali. Quảng Bình từ lâu đã nổi tiếng với các địa điểm du lịch như Phong Nha Kẻ Bàng, Động Thiên Đường, Bãi Đá Nhảy, Đảo...