Top 5 quán ăn làm nên thương hiệu ẩm thực Hà Thành
Hà Nội từ xa xưa đã là một địa danh khiến biết bao con tim xao xuyến, thổn thức bởi vẻ cổ kính nhưng lại đầy sự tinh tế, vẻ đẹp dịu dàng của cả cảnh và người.
Ngày nay, dạo một vòng quanh Hà Nội, qua các quán xá, chúng ta sẽ tận hưởng được hương vị Hà Nội xưa cũ qua từng món ăn, như trở về cái thời bao cấp cách đây hàng vài chục năm.
Quán Ăn Ngon 18 Phan Bội Châu
Quán được thiết kế theo khung cảnh như một phiên chợ quê, tất cả đều mang những chi tiết nhỏ nhất của Hà Nội xưa cũ. Từ những ngôi nhà bằng mái ngói đỏ rêu xanh, những món ăn được đặt trên những chiếc mẹt nhỏ, nằm gọn trong chiếc rổ lạt đan, đến những nhân viên khoác trên mình bộ trang phục áo bà ba màu xưa cũ giản dị. Quán Ăn Ngon như đang tái hiện lại một góc chợ quê Hà Nội với những gánh hàng rong bán quà, bán bánh.
Những món ngon của quán đều dân dã, bình dị và quá quen thuộc với mọi người, nhưng nó chính là cái hồn của Hà Nội, làm cho người ta ăn mãi không chán, lúc nào cũng nhớ tới hương vị Hà Nội xưa từ món phở truyền thống đến bún thang, bún chả, bún ốc, bún đậu…
Ngoài những món ăn chính, Quán Ăn Ngon cũng phục vụ nhiều món ăn nhẹ, món khai vị, đều bắt nguồn từ bữa ăn của người Hà Nội xưa như: Tào phớ, cháo trai hay cháo sườn ăn cùng quẩy. Cả một hương vị Hà Nội như gói gọn trong một quán ăn nhỏ. Mỗi món ăn của Quán Ăn Ngon là một màu sắc hương vị đặc trưng khác nhau tạo nên một Hà Nội độc đáo riêng biệt.
Phở 10 Lý Quốc Sư
Từ xưa Phở đã được xem như là tinh hoa của Hà Nội. Người ta có câu: “Đến Việt Nam thì phải ăn phở Hà Nội”. Ngày nay, những quán phở mọc lên rất nhiều nhưng để tìm một nơi có thể chế biến ra một bát phở có nước dùng đậm đà, làm hài lòng mọi thực khách thì không nhiều hàng quán làm được như Phở 10 Lý Quốc Sư.
Video đang HOT
Phở 10 Lý Quốc Sư nổi tiếng bởi nước phở vừa đậm vừa thơm; giản dị nhưng rất đặc biệt. Ngoài phở bò truyền thống, quán cũng phục vụ các món phở tái, phở bắp trần… Quý khách có thể thoải mái lựa chọn hương vị phù hợp để cảm nhận những nét tinh túy của ẩm thực Hà Nội.
Để phục vụ nhu cầu của những người yêu và luôn muốn tìm về hương vị xưa của đất Kinh kỳ, phở 10 Lý Quốc Sư hiện nay đã mở thêm nhiều cơ sở. Nhưng cơ sở tại số 10 Lý Quốc Sư vừa là cơ sở đầu tiên cũng là cơ sở được đánh giá chuẩn vị phở nhất trong tất cả. Trung bình, một bát phở ở đây khoảng 50.000 – 80.000 đồng.
Bún thang Tư Lùn số 22 Hàng Trống
Bún thang Tư Lùn là quán ăn quen thuộc với nhiều người Hà Nội nằm ngay mặt phố Hàng Trống. Bún ở đây nổi tiếng có nước dùng trong đúng vị, ngọt đậm đà nhưng vẫn thanh nhẹ đặc trưng.
Một món bún thang thông thường có đầy đủ các thành phần thịt ba chỉ, giò, trứng, nấm, rau răm, hành mùi đã rất phong phú. Nhưng nếu thực khách đến tại số 22 Hàng Trống sẽ còn ngạc nhiên hơn vì ngoài các nguyên liệu chính kể trên, bún thang ở đây còn có thêm thành phần giò lụa và củ cải khô, ăn giòn sần sật và lạ miệng vô cùng.
Một điểm cộng cho quán này là nhân viên phục vụ nhanh nhẹn, rất hiểu lòng khách. Bún thang ở quán Tư Lùn có 3 mức giá là 25.000 đồng – 30.000 đồng – 35.000 đồng. Với một bát bún đầy đủ như thế, và mức giá dưới 50.000 đồng thì đây là một địa chỉ xứng đáng để thử món bún thang nức tiếng khu phố cổ Hà Nội này.
Bún chả Đắc Kim – Hàng Mành
Bún chả Đắc Kim số 1 phố Hàng Mành cũng là một địa chỉ bỏ túi của không ít người yêu ẩm thực Hà Nội. Nhắc đến các món ngon đất Hà thành thì không thể thiếu bún chả. Và nhiều người cũng cho rằng nếu đã lựa chọn ăn bún chả thì nên đến quán Đắc Kim – số 1 Hàng Mành. Đắc Kim có công thức chế biến bún chả khá cầu kỳ.
Thịt nướng tại đây khá thơm và đậm vị, được nướng vừa chín tới, vàng ruộm không bị khô nhưng cũng không quá nhiều mỡ béo ngậy. Nước chấm cũng góp phần khiến món ăn thêm hấp dẫn bởi sự kết hợp của 4 hương vị chua – cay – mặn – ngọt hài hòa. Món bún chả ăn kèm rau sống đủ loại vừa tươi ngon và sạch sẽ nơi đây được lòng thực khách gần xa.
Bún đậu Trung Hương, ngõ Phất Lộc
Quán bún đậu Trung Hương nức tiếng ít ai biết lại khởi đầu từ một gánh hàng rong ế ẩm, trải qua 40 năm đã tạo nên được “ thương hiệu” riêng. Bún đậu ở đây đều do một tay bà chủ quán chế biến. Đặc biệt, mắm tôm được bà chủ pha theo cách riêng của mình.
Bún đậu quán Trung Hương được thực khách nhớ đến với những lát đậu rán giòn bên trong vẫn còn mềm, nóng hổi có vị bùi bùi, ngọt ngọt, thơm thơm. Mắm tôm được pha vừa ăn, không còn mùi nồng đặc trưng của mắm. Lòng dồi ăn kèm đều được rán giòn thơm, chả cốm không bị ngấy. Một suất bún đậu mắm tôm đầy đủ chắc chắn sẽ làm hài lòng thực khách gần xa ghé quán. Đừng quên ghi ngay địa chỉ 49 Phất Lộc, puận Hoàn Kiếm vào danh mục ẩm thực yêu thích tại đất Hà Thành của bạn.
Không nổi danh bởi nét cao sang, quý phái, nhưng những hàng quán ẩm thực nhỏ và xưa cũ góp phần lưu giữ lại những tinh túy ẩm thực Thủ đô, tạo nên một Hà Nội nhẹ nhàng ấm áp, đậm chất kinh kỳ.
Theo HNM
Bún thang Hoa ngũ sắc của ẩm thực Hà Thành
Bún thang đã góp mặt trong văn hóa ẩm thực của người Hà Nội từ rất sớm. Sự ra đời của nó bắt nguồn từ món canh thượng thang của người Thủ đô xưa, tận dụng các nguyên liệu truyền thống của ngày Tết như tôm khô, thịt gà, xương gà, giò lụa, trứng....
Bún thang như một hình ảnh tượng trưng cho một món quà thanh nhã, tinh tế bậc nhất của ẩm thực Hà thành.
Thang theo tiếng Hán có nghĩa là canh. Bún thang có thể hiểu là "bún được chan bởi canh". Đơn giản vậy thôi nhưng lại không kém phần thú vị. Bởi lẽ, chỉ với cái tên đã cho thực khách thấy được phần cốt lõi, linh hồn của món bún cổ truyền chính là nước dùng. Nguyên liệu chính của nước dùng là từ xương gà hoặc xương lợn và tôm he được ninh nhừ.Trong quá trình chế biến, người nấu phải hớt bọt liên tục và đều tay để nước dùng không bị vẩn đục. Một nồi nước dùng đạt chuẩn phải vừa trong, vừa ngọt thanh lại thoang thoảng mùi hương của tôm he, của nấm khô.
Làm bún thang còn cầu kì ở chỗ lựa chọn nguyên liệu, chế biến và trình bày tác phẩm. Bún được chọn là bún rối, gỡ thành sợi nhỏ, trắng như bông mỡ. Thịt gà phải là loại gà ta, thịt mềm, xé nhỏ nhưng vẫn còn dính lại chút da óng ánh như lá vàng quỳ. Kế đến giò lụa cũng phải lựa chọn kỹ lưỡng, các khoanh giò được thái mỏng, ở giữa phải có màu hồng nhạt mới là giò ngon. Ruốc tôm phải ngọt mà không tanh, được làm bông lên. Củ cải khô xé sợi được dầm chua ngọt màu nâu vàng trông thật ngon mắt.
Ảnh minh họa
Cầu kì hơn nữa là khâu đánh trứng. Trứng muốn tráng thật mỏng nên cho thêm vào một chút rượu trắng rồi đánh kỹ. Sau đó, lấy que bông chấm vào bát mỡ quẹt đều quanh lòng chảo, khi cho trứng vào phải quay chảo thật nhanh và đều tay. Trứng rán xong được cắt ra thành từng dải, mỏng mà vẫn láng đều, mềm mại, mịn màng. Ngoài ra, nguyên liệu không thể thiếu là nấm hương, hành hoa và rau răm thái nhỏ.Tất cả những nguyên liệu được bày biện khéo léo trên bát bún giống như một bông hoa ngũ sắc với nhụy hoa là khoanh trứng màu vàng sẫm.
Sẽ là thiếu sót lớn nếu không nhắc đến thứ gia vị được coi là nét duyên ngầm của bún thang. Đó là mắm tôm. Bún thang mà thiếu mắm tôm cũng giống như ăn phở không có nước dùng. Và cũng không thể không nhắc đến tinh dầu cà cuống như là nét tinh tế, đặc sắc nhất của món bún này. Chỉ cần một chút đầu tăm điểm nhẹ, mùi hương quế sẽ quyện vào bát bún tạo thành một hương vị thơm ngon khó tả. Ngày nay, cùng với sự biến mất dần của con cà cuống thì cái hương vị đó đã dần dần chỉ còn trong ký ức của người Hà thành khiến bao thực khách phải tiếc nuối.
Ảnh minh họa
Bún thang xưa chỉ được thưởng thức vào các dịp đặc biệt như ngày lễ hóa vàng mùng 4 Tết. Ngày nay, người ta thưởng thức bún thang trong cuộc sống hàng ngày và cũng không còn giữ được đủ các nguyên liệu truyền thống như xưa. Tuy nhiên, với những nguyên liệu cơ bản như hiện nay, món ăn này vẫn khiến những người đã từng một lần thưởng thức phải nhớ mãi.
Theo Mtv.vn
Người giữ hồn ẩm thực Hà Nội xưa Chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Thị Lâm, một trong những điểm tham quan nổi tiếng tại làng cổ Bát Tràng. Hà Nội đầu xuân, nắng đủ đẹp, gió đủ mát và lòng đủ xốn xang khi bước vào một không gian yên ả và dịu nhẹ đến lạ kỳ. Nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Thị Lâm hào hứng...