Top 10 trò chơi đã ‘lừa tình’ anh em game thủ một cách… trắng trợn
Hằng năm, có hàng đống tựa game đình đám được ra mắt, lớn bé đủ cả.
Và cũng đã có không ít trò sử dụng chiêu tốt nước sơn hơn là tốt gỗ, khoác lên mình một vẻ ngoài hào nhoáng nhưng thực tế lại vô cùng í ẹ. Tất nhiên, vẫn có những tựa game nhìn chung vẫn rất đáng để chơi thử chứ không phải là dở tệ gì cả, chỉ là nó có những bất cập mà phải đến khi cầm trên tay rồi mới biết được, chứ trước đó hãng game không hề lưu ý gì với người chơi hết. Sau đây là danh sách 10 tựa game đã trắng trợn lừa tình game thủ.
SimCity (2013)
SimCity (2013) hứa hẹn sẽ là một bản nâng cấp đáng kể so với 5 phần trước đó. Game hứa hẹn sẽ có đồ họa 3D, các khu vực được phân vùng, và có cả chế độ chơi mạng online, tất cả là nhờ engine GlassBox mới cáu. Trước khi ra mắt thì rất nhiều người đã tung hô vì có cơ chế gameplay quá hấp dẫn. Tuy nhiên, khi ra mắt thì game thủ mới nhận ra một điều rằng họ vướng phải một con kỳ đà cản mũi – DRM, tức là nó buộc bạn phải kết nối với máy chủ mới vào game chơi được, ngay cả khi bạn chỉ muốn vào mục chơi đơn để một mình khám phá game này. Và điều tồi tệ hơn nữa là EA không thể xử lý hết lượng kết nối đến máy chủ vì số lượng game thủ là quá đông.
Dù đón nhận làn sóng phản ánh dữ dội, EA vẫn nhất quyết không gỡ bỏ DRM này ra khỏi game. Nhà phát triển Maxis cho biết gỡ DRM là một điều bất khả thi, phải chỉnh sửa phần lớn game thì mới tháo nó ra được. Nhưng đây lại là một cú lừa anh em ạ, bởi vì một cựu nhân viên Maxis đã vạch trần sự giả dối này, và sau đó đã có một hacker tìm được cách “vượt rào”, cho phép game thủ vào chơi mà không cần kết nối mạng.
Prince Of Persia: Revelations (2005) và Rival Swords (2007)
Dòng game Prince of Persia đã có một chặng đường phát triển khá là thành công vào giai đoạn đầu cho đến giữa những năm 2000. Cả 2 phiên bản Prince of Persia: Warrior Within và The Two Thrones đều được khen ngợi rất nhiều và cũng đã giúp doanh thu của Ubisoft tăng vọt trước khi Assassin’s Creed ra mắt vào năm 2007 (và “diệt” luôn series Prince of Persia). Sau đó series này được tiếp tục với 2 phần Revelations và Rival Swords ra mắt trên nền tảng PSP. Cứ ngỡ đây sẽ là chương tiếp theo trong hành trình của chàng Hoàng tử Ba Tư, nào ngờ Ubisoft lại cho game thủ ăn một quả lừa to tướng.
Khi cầm game trên tay rồi mọi người mới vỡ lẽ ra là 2 phần này thực chất chỉ là phiên bản được chuyển hệ (port) lên PSP, trong đó Revelations là phiên bản PSP của Warrior Within, còn Rival Swords là của The Two Thrones. Đồng ý là nó có bổ sung một vài nội dung mới, nhưng việc đặt tên khác đã khiến không ít người chơi nghĩ đằng đây là một phần mới mới hoàn toàn chứ không phải là phiên bản được chuyển hệ. Có thể đoán được rằng Ubisoft làm vậy là để bòn rút thêm tiền từ những game thủ “ngơ ngác”, không biết đây thực chất chỉ là một bản port.
Pokémon: Sword (2019) và Shield (2019)
Vẫn là với hãng GameFreak trứ danh, fan Pokémon đã rất ngóng trông khi họ công bố thế hệ game Pokémon thứ 8 với 2 phiên bản là Sword và Shield. Tuy nhiên, tin xấu cũng dần xuất hiện. GameFreak tuyên bố Pokédex trong 2 bản này sẽ bị cắt giảm, làm “bay màu” hết phân nửa số lượng Pokémon. Lý do là vì đội ngũ phát triển game sẽ dành thời gian tập trung cho việc tạo ra những animation mới và làm lại tất cả model của những con Pokémon.
Tuy nhiên, khi game được phát hành thì mọi chuyện không giống như những gì mà fan mong đợi. Có nhiều animation và model được tái sử dụng từ những phiên bản trước; hashtag #GameFreakLied cũng bùng nổ trên Twitter khi những “vọc sĩ” tìm thấy nhiều model cũ được giấu trong mã game. Nói đi cũng phải nói lại, đội ngũ GameFreak lúc bấy giờ bị hạn chế về mặt nguồn lực, đã vậy còn phải chạy đua về mặt thời gian nên áp lực đè lên vai mỗi người là cực kì lớn. Tuy nhiên, GameFreak đã có thể “né” được vấn đề này nếu họ chịu dời lịch ra mắt Sword và Shield, rồi dùng thời gian đó để chăm chút cho đứa con tinh thần của mình.
Metal Gear Solid 2: Sons of Liberty (2001)
Hideo Kojima rất biết cách làm trailer game. Sau khi Metal Gear Solid thành công vang dội, thì phần 2 sớm muộn gì cũng phải lòi ra thôi. Tại sự kiện E3 2000, game thủ đã được tận mắt xem trailer dài 9 phút, theo chân Snake đột nhập vào Big Shell để đối đầu với Sons of Liberty. Hình bìa đĩa game cũng in Solid Snake bự chà bá lên trên đó, không quên kèm câu tagline tung hô là Snake sẽ chặn đứng âm mưu của bọn khủng bố. Đến khi mở game lên chơi thì đúng là anh em sẽ được vào vai Snake… nhưng chỉ trong 10 phút đầu mà thôi.
Bởi vì sau đó, anh em sẽ được du hành đến tương lai 2 năm sau đó và sẽ được điều khiển một nhân vật mới tên là Raiden… cho đến cuối game. Đây có thể nói là một trong những cú lừa ngoạn mục nhất trong ngành gaming. Mặc dù MGS 2 vẫn được khen ngợi khá nhiều, nhưng riêng vụ đánh tráo nhân vật chính kiểu này thì fan không tức mới lạ. Pha ảo thuật hoán đổi này chắc cũng phải ngang tầm David Copperfield chứ chẳng đùa.
Final Fantasy VII Remake (2020)
Trước năm 2015, đã có rất nhiều fan mong muốn Square Enix sẽ remake tựa game huyền thoại Final Fantasy VII. Và thế là Square Enix đã đáp trả, và fan đã ngóng trông đợi chờ trong suốt 5 năm qua để được quay trở về tuổi thơ một lần nữa với đồ họa 4K nét căng đét. Nhìn chung thì bản remake này nhận được rất nhiều phản hồi tích cực nhờ có những pha combat kịch tính hơn và Midgar nhìn cũng hoành tráng hơn. Tuy nhiên, nhịp độ của phần này lại khá là nặng nề.
Một số phân đoạn ngắn trong bản gốc được đem sang phần này và “kéo dãn” ra để có thời lượng dài hơn, nhân vật nhỏ lẻ cũng được chăm chút và có những câu chuyện phía sau hẳn hoi. Thực ra mà nói thì nguyên cái đĩa đầu tiên của bản FF VII gốc chính là thứ mà bản remake này tập trung vào. Vậy tại sao gọi đây là bản remake? Tetsuya Nomura có nói rõ bản remake này không phải là để thay thế cho nguyên bản game gốc, và cú twist trong phần kết thúc của FF VII Remake dường như đã xác nhận điều này. Nó cho thấy những sự kiện tiếp theo có thể sẽ không còn giống như trong bản gốc, đồng nghĩa với việc phần tiếp theo có thể không phải là bản sao của FF VII mà nó có cốt truyện riêng hẳn hoi.
Battlefield 3 (2011)
Tại sự kiện E3 2011, Sony hé lộ rằng game thủ khi mua Battlefield 3 trên nền tảng Playstation thì bên trong đĩa sẽ có thêm Battlefield 1943 miễn phí cho anh em. CEO của Sony lúc bấy giờ cho biết tất cả là nhờ dung lượng lớn của đĩa Blu-Ray, và fan ai nấy cũng đều rất vui mừng. Tuy nhiên, khi nhận được đĩa game thì bên trong chẳng thấy Battlefield 1943 đâu. EA phản hồi rằng để bù đắp cho việc này, tất cả game thủ PS3 sẽ được nhận các bản mở rộng của Battlefield 3 sớm hơn các nền tảng khác. Tuy nhiên, nhiều người đã chỉ ra rằng vụ nhận DLC sớm này đã được công bố 2 tháng trước khi game ra mắt rồi. Tin vui là cuối cùng EA cũng tặng Battlefield 1943 (sau khi bị một nhóm game thủ PS3 đe dọa là sẽ đâm đơn kiện).
Aliens: Colonial Marines (2013)
Aliens: Colonial Marines là một trong những game có màn chào sân đầy tai tiếng nhất lịch sử gaming. Câu chuyện bắt đầu khi SEGA mua lại quyền phát hành game Alien. Họ đã cho Gearbox phát triển một tựa game Alien, nhưng nào ngờ chính Gearbox lại outsource (thuê ngoài) phần lớn dự án này để dành thời gian cho Borderlands và Duke Nukem Forever. Một quyết định vô cùng tai hại.
5 năm sau đó, tại sự kiện E3 2011, một bản demo gameplay của Colonial Marines được trình chiếu với mức thiết lập cấu hình cao nhất; nhưng khi game thủ bỏ đĩa vô máy Xbox 360 hoặc PlayStation 3 rồi mới thấy chất lượng thực sự mà họ nhận được là rất tệ. Đồ họa thì bị giảm cấp (downgrade) trầm trọng, cốt truyện thì lủng củng, cồng kềnh, còn AI thì thôi tốt nhất không nên nhắc đến làm chi. Thế là SEGA phải bồi thường 1,25 triệu USD vì tội quảng cáo sai sự thật.
Tuy nhiên, sự việc chưa kết thúc tại đây. Vào năm 2018, một modder đã tìm ra lỗi chính tả trong mã game, và cũng chính lỗi này đã khiến AI của Alien trở nên vô cùng ngu xuẩn. Sau khi xóa lỗi này đi thì AI mới thực sự thông minh lên hẳn. Không biết liệu đây có phải là một tính năng hay không nữa.
Anthem (2019)
Cùng với Aliens: Colonial Marines, Watch Dogs, The Division, Anthem cũng là một trong những tựa game có trailer cực kì hoành tráng nhưng đồ họa thực tế thì lại một trời một vực. Trong trailer anh em sẽ thấy môi trường trong game vô cùng tráng lệ với animation chuyển động rất mượt mà. Người chơi thì bay trên cao, dưới đất thì có muôn vàn sinh vật đang chống chọi với kẻ địch chui lên từ lòng đất. Nói chung là cực kì hớp hồn anh em ạ.
Tuy nhiên, khi game ra mắt, những điều này lại không thấy hiện hữu trong game. Những sự kiện trong game không được kịch tính và “bốp chát” như trong trailer, còn những chuyển động animation thì mất tiêu luôn. Đại diện BioWare có cho biết trong lúc phát triển họ đã vấp phải những vấn đề không mong muốn nên sự sai lệch kia là điều không thể tránh khỏi, nhưng nhiều game thủ cho biết trong 2 mùa E3 họ liên tục tung ra trailer hoành tráng, nên lý lẽ kia khó thể nào mà chấp nhận được. Thậm chí, trailer được tung ra 5 tháng trước khi Anthem ra mắt vẫn có chất lượng đồ họa rất đẹp và hứa hẹn rất nhiều thứ. Ai nào ngờ BioWare hứa thật nhiều, để rồi thất hứa cũng thật nhiều.
Godus (2013)
Nhiều anh em chắc hẳn đã nghe qua cái tên Peter Molyneux – nổi tiếng với series Fable và cũng nổi tiếng về vụ hứa thì nhiều nhưng lại chẳng làm được bao nhiêu. Vào năm 2012, ông đã sáng lập 22Cans và bắt tay vào dự án Godus – một tựa game mô phỏng được thực hiện dưới dạng gây quỹ cộng đồng (Kickstarter). Khi ông ta đạt được mục tiêu của mình thì 9 tháng sau, phiên bản beta đã cập bến Steam.
Nhưng mọi thứ dần đi chệch quỹ đạo của nó. Molyneux cho biết DeNA sẽ phát hành Godus trên nền tảng mobile, mặc dù trước đó đã khẳng định là Godus sẽ không có nhà phát hành và phiên bản mobile không phải là ưu tiên hàng đầu của họ. Ngoài ra thì cơ chế bán vật phẩm (microtransaction) cũng xuất hiện trong phiên bản mobile, trái ngược hoàn toàn so với lời nói trước đó của Molyneux là phiên bản iOS lẫn Android sẽ đều là game free-to-play.
Gần 2 năm sau khi ra mắt bản beta thì trang Rock Paper Shotgun đã phỏng vấn Molyneux rằng liệu ông có phải là một người nói dối hay không. Ông tuyên bố từ nay sẽ không nói chuyện với giới báo chí nữa và cho biết Kickstarter chẳng hế giúp ích gì trong chuyện gây quỹ, mặc dù nó đã thu về vượt mục tiêu đến 100.000. Cho đến giờ Godus vẫn là một tựa game Early Access trên Steam, mặc dù 22Cans vẫn quả quyết rằng họ đang tích cực hoàn thiện game dựa trên phản hồi từ người chơi. Nhiều người góp tiền cho dự án này trên Kickstarter cho biết họ chưa nhận lại được bất cứ thứ gì, và 22Cans cũng im hơi lặng tiếng về dự án này luôn.
Fallout 76 (2018)
Tại E3 2018, Bethesda đã giới thiệu loạt game bom tấn Elder Scrolls VI, Starfield, và Fallout 76. Được hứa hẹn là sẽ rộng hơn gấp 4 lần so với Fallout 4 và chi tiết hơn gấp 16 lần, game thủ ai nấy cũng đều rất thèm thuồng, mong ngóng ngày game này ra mắt. Tuy nhiên, khi vào chơi game thì máy chủ bị sập liên tục, còn nội dung thì bị dính đầy rẫy lỗi lớn nhỏ. Thậm chí có một YouTuber còn tạo ra một video dài 3 tiếng để chỉ ra 1001 lỗi mà họ đã gặp phải.
Ngoài ra, game thủ còn bị lừa dối về vụ túi vải tặng kèm khi mua phiên bản Power Amour Edition. Thay vì là túi canvas như đã hứa hẹn thì game thủ lại nhận được túi nylon, và Bethesda phản hồi là họ chẳng có ý định gì về việc bồi thường cả. Tệ hơn nữa là người chơi biết được rằng Bethesda đã tặng túi canvas (mặc dù đây không phải là phiên bản giống như đã quảng bá) cho những người có sức ảnh hưởng (influencer) trong giới gaming. Thậm chí, Bethesda còn từ chối hoàn tiền cho người chơi nữa cơ. May mắn thay, 6 tháng sau này ra mắt, Bethesda đã trao tặng cho game thủ túi vải canvas như đã hứa hẹn.
Những lý do khiến cho Ubisoft sẽ không bao giờ cho ra mắt thêm một phần game nào nữa về Prince of Persia
Prince of Persia đã từng là một thương hiệu, nhưng giờ đây thì...
Bằng một cách nào đó, Ubisoft ngày nay không khác là mấy so với chính họ vào những năm 2000. Công ty này vẫn đang dựa vào các thuộc tính Tom Clancy khác nhau để giữ lại phần nào lượng fan của mình với những game bắn súng đang ngày càng bão hòa. Những cái tên quen thuộc như Assasin Creed và Far Cry cũng là yếu tố giữ cho Ubisoft ổn định.
Nhưng trò chơi đã từng được Ubisoft quảng bá rất rầm rộ vào những năm 2000 có tên Price of Persia thì đang dần bị quên lãng. Từ khi trò chơi được ra mắt phiên bản làm lại cho IOS vào năm 2013, thì cho đến nay chúng ta ko nhận được thêm bất cứ một sản phẩm nào gắn mác prince of Persia từ Ubisoft.
Vậy tại sao Ubisoft lại bỏ rơi một trong những nhượng quyền thương mại nổi tiếng nhất của mình, tại sao chúng ta có thêm những trò chơi như Hungry Shark World nhưng chúng ta lại không có thêm một trò chơi Prince of Persia nào, chúng ta hãy cùng tìm hiểu điều này đểcó một cái nhìn tổng quan nhất về số phận của Prince of Persia.
Doanh số thấp
Có một quy tắc thường đúng không chỉ với các video game, mà là với bất cứ loại hình kinh doanh nào. Đó là nếu một sản phẩm cụ thể không được bán tốt, bạn có thể không bao giờ nhìn thấy nó xuất hiện nữa. Đó là lý do vì sao chúng ta không còn thấy Ouya2, vậy đây có phải lý do mà chúng ta không được thấy một trò Price of Persia nào nữa hay không.
Phần gần đây nhất có tên Prince of Persia: The Forgaken Sands thực sự đã gây nên nhiều thất vọng trong khâu bán hàng. Lý do được nhiều người đồng tình là bởi nó được phát hành cùng ngày với Red Dead Redemption, trò chơi mà theo The Guardian báo cáo đã bán được 1,51 triệu bản tại Mỹ vào tháng 5 năm 2010. Nhưng thực sự, ngay cả khi không phải chịu sự cạnh tranh từ RDD thì Forgget Sands cũng không được đánh giá là một trò chơi hấp dẫn. Cho đến ngày nay, điểm số Metacritic của nó vẫn được coi là ở mức hết sức tầm thường. Và tất cả những điều này làm cho Forgget Sands không thể vượt qua con số 200.000 bản trong tháng đầu tiên. Và chắc chắn điều này đã làm cho Ubisoft cảm thấy vô cùng thất vọng.
Ảnh hưởng xấu bởi thất bại khi được chuyển thể thành phim
Nếu suy nghĩ một chút, chúng ta có thể thấy gần như mọi bộ phim được chuyển thể từ trò chơi điện tử đều không thu được nhiều thành công. Và điều này vô hình chung đã khiến khán giả luôn coi những bộ phim được chuyển thể từ video game là không hấp dẫn.
Prince of Persia: The Sandy of Time có đủ sức hút từ những ngôi sao điện ảnh để có thể là một bom tấn. Nhưng cuối cùng nó cũng không đạt được thành công như mong đợi.
Trang web Rotten Tomatoes đã tập hợp một loạt những trích dẫn từ các nhà phê bình phim nổi tiếng, và gần như không ai dành cho bộ phim này một lời khen nào. Chẳng hạn, JR Jones của Chicago Reader gọi nó là "bộ phim giải trí gia đình dùng một lần". AO Scott từ At the Movies cho biết: "Đây là một bộ phim ngu ngốc." Và Steven Rea của Philadelphia Inquirer thậm chí còn khuyên các nhà sản xuất không nên cho ra phần tiếp theo của bộ phim.
Sau thất bại này của Prince of Persia: The Sandy of Time, nhiều người đã cho rằng nó đã làm tổn thương nghiêm trọng đến thương hiệu Prince of Persia, đến mức không thể khắc phục được. Đó có thể được xem là một trong những lý do khiến Prince of Persia bị lãng quên.
Nó quá giống với Assassin Creed
Những năm gần đây chứng kiến sự trở lại và phát triển mạnh mẽ của Assassin Creed. Sau sự ra mắt tương đối thành công của Assassin Creed: Origins vào năm 2017, thì Assassin Creed: Odyssey của năm 2018 đã củng cố thêm sức hút cho nhượng quyền này, khiến nó trở chuỗi game đầy hứa hẹn trong tương lai.
Assassin Creed đang ngày một hoàn thiện để trở thành một game nhập vai hành động thế giới mở hấp dẫn. Trò chơi giữ lại được các yếu tố Parkour của các tựa game trong quá khứ, nhưng đã chú trọng hơn vào chiến đấu. Không chỉ vậy, cả Origins và Odyssey đều chứng minh rằng Assassin Creed có tính đa dạng và linh hoạt rất cao. Những điều này đã khiến cho Prince of Persia không còn nhiều chỗ đứng.
Prince of Persia trong bối cảnh ngày nay sẽ giống như Assassin Creed nhưng kém hấp dẫn đi rất nhiều. AC có vẻ như là một sự tiến hóa của loạt Prince, và vì nó đã đạt được rất nhiều thành công, chúng ta gần như không cần phải có thêm bất kỳ trò chơi Prince of Persia nào khác nữa
Theo GameK
Tổng hợp trò chơi mô phỏng hay nhất năm 2019 (phần 2) Mô phỏng là thể loại game vô cùng độc đáo, nó cho phép người chơi làm nhiều điều điên rồ và thú vị mà ở ngoài đời thực không làm được Wargroove Wargroove là tựa game chiến thuật chơi theo lượt giữa hai phe, dùng địa hình xung quanh để đạt được những lợi thế nhất định. So với những tựa game chiến...