Top 10 hãng ô tô đáng tin cậy nhất năm 2019, đứng đầu vẫn là 2 thương hiệu “thiện lành” Lexus và Toyota
Đây là lần thứ 6 liên tiếp hai thương hiệu Nhật Bản là Lexus và Toyota được tạp chí Consumer Reports xếp hạng cao nhất về độ đáng tin cậy tại thị trường Mỹ.
Lý do căn bản khiến người tiêu dùng mua một chiếc ô tô mới khá đơn giản, đó là mong muốn sở hữu xe đáng tin cậy hơn chiếc xế cũ đồng thời được tận hưởng những công nghệ và tính năng an toàn tân tiến nhất. Tuy nhiên, điều này có thể không đúng nếu người tiêu dùng chọn sai thương hiệu ô tô.
Để giúp người tiêu dùng không phạm sai lầm, tạp chí Consumer Reports (CR) đã tung ra kết quả của bài khảo sát mới nhất, cho thấy đâu là thương hiệu ô tô đáng tin cậy nhất năm 2019 tại thị trường Mỹ. Khi thực hiện bài khảo sát mới, CR đã thu thập dữ liệu từ hơn 500.000 chiếc ô tô của các thành viên. Qua dữ liệu thu được, CR sẽ cho người tiêu dùng biết mẫu xe nào thường xuyên gặp trục trặc với động cơ tăng áp, hệ thống thông tin giải trí hay hộp số.
Sau đây là xếp hạng các thương hiệu ô tô theo độ đáng tin cậy năm 2019 của CR:
Xếp hạng độ đáng tin cậy của các thương hiệu ô tô châu Á
1. Lexus
Lexus và Toyota lần thứ 6 liên tiếp dẫn đầu kết quả xếp hạng độ đáng tin cậy của CR. Năm nay, các mẫu xe Lexus mà CR có đủ dữ liệu, trừ LS, đều được đánh giá trên mức trung bình.
SUV hạng sang GX là mẫu xe đáng tin cậy nhất của Lexus tại Mỹ
2. Toyota
Khác với năm ngoái, trong bảng xếp hạng năm nay của CR, Toyota đã nhường vị trí số 1 cho thương hiệu cùng tập đoàn là Lexus. Theo đánh giá của CR, mẫu xe bán tải Toyota Tacoma tiếp tục có vấn đề với hệ thống truyền động và hộp số. Trong khi đó, Toyota Camry 2018 bị giảm điểm số đáng tin cậy nhưng vẫn ở trên mức trung bình.
Các thành viên của CR cho biết họ gặp một số vấn đề với hệ thống thông tin giải trí Entune của Toyota Camry và hộp số tự động 8 cấp sang số không mượt mà. Điều này cho thấy ngay cả thương hiệu “thiện lành” như Toyota cũng vẫn phải sửa lỗi sau khi tung ra phiên bản tái thiết kế của một mẫu xe.
3. Mazda
Có vẻ như hãng Mazda đã giải quyết được những vấn đề của hai mẫu xe crossover 3 hàng ghế CX-9 và mui trần MX-5. Trong khi đó, độ đáng tin cậy của Mazda CX-3 lại bị đánh giá ở mức dưới trung bình vì những vấn đề liên quan đến hệ thống điều hòa.
4. Subaru
Năm ngoái, mẫu xe cỡ nhỏ Subaru Impreza thế hệ mới đã bị người dùng phàn nàn về một số vấn đề. Năm nay, Subaru Impreza đã bật trở lại với độ đáng tin cậy trên trung bình. Mẫu SUV tái thiết kế Subaru Crosstrek cũng có độ đáng tin cậy trong năm đầu tiên trên mức trung bình. Trong khi đó, WRX là mẫu xe Subaru duy nhất bị đánh giá ở mức dưới trung bình vì các vấn đề của hộp số.
5. Kia
Kia Sportage là mẫu xe chia sẻ nhiều bộ phận với Hyundai Tucson nhưng lại đáng tin cậy hơn nhiều. Tương tự như vậy, Kia Niro là mẫu xe hybrid về cơ bản là giống Hyundai Ioniq nhưng có độ tin cậy dự đoán trên mức trung bình. Trong khi đó, mẫu xe thể thao Kia Stinger mới có độ tin cậy ở mức trung bình.
Minivan Sedona là mẫu xe đáng tin cậy nhất năm 2019 tại Mỹ của Kia
Đáng tiếc cho Kia khi mẫu xe Cadenza hay K7 có độ tin cậy thấp hơn nhiều so với mức trung bình. Nhiều chủ xe Kia Cadenza đã phản ánh việc mẫu xe này bị lỗi cảm biến bộ ổn nhiệt, có vấn đề với hệ thống điều hòa và làm mát động cơ.
6. Infiniti
Năm nay, Infiniti đã tăng thứ hạng của mình trong bảng xếp hạng của CR nhờ mẫu sedan Q50 và SUV QX60 cải thiện độ đáng tin cậy lên mức trung bình.
7. Hyundai
Theo CR, động cơ xăng 4 xi-lanh, tăng áp, dung tích 1,6 lít và hộp số tự động ly hợp kép 7 cấp là nguồn cơn dẫn đến rắc rối của Hyundai Tucson. Trong đó, hộp số bị lỗi máy tính, trượt và sang số không mượt mà. Tương tự Tucson, mẫu xe hybrid Hyundai Ioniq có độ tin cậy dưới mức trung bình vì hộp số 6 cấp sang số kém mượt và gặp vấn đề về động cơ.
8. Genesis
Mẫu sedan cỡ trung Genesis G80 có độ đáng tin cậy trên mức trung bình trong khi G90 lại dưới mức trung bình vì gặp vấn đề ở phần cứng thân vỏ và trang bị điện.
Video đang HOT
9. Acura
Trong những năm qua, Acura – thương hiệu hạng sang của Honda – đã bổ sung hộp số tự động và hệ thống thông tin giải trí mới cho các sản phẩm, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến độ tin cậy của xe. Phần lớn các mẫu xe của Acura đều đã được sửa lỗi, trừ MDX có độ tin cậy ở mức dưới trung bình vì hộp số tự động và hệ thống thông tin giải trí.
10. Nissan
Hai mẫu xe Nissan Leaf thế hệ mới và sedan Maxima có độ đáng tin cậy trên mức trung bình. Trong khi đó, 2 mẫu xe Nissan khác là xe bán tải Titan và Versa Note lại có độ tin cậy dưới mức trung bình vì những vấn đề liên quan đến động cơ.
11. Honda
Độ tin cậy của thương hiệu Honda năm nay bị giảm mạnh vì những mẫu xe mới hoặc tái thiết kế. Trong đó, minivan gia đình Honda Odyssey có độ đáng tin cậy thấp hơn nhiều so với mức trung bình vì những vấn đề của hệ thống thông tin giải trí, khóa và mở cửa. Tương tự Odyssey, mẫu xe dùng nhiên liệu thay thế Honda Clarity mới có độ đáng tin cậy dưới mức trung bình vì nhiều vấn đề, ví dụ như trục trặc ở các thiết bị điện tử.
Hai mẫu xe bán chạy của Honda là CR-V và Accord mới có độ đáng tin cậy giảm xuống mức trung bình vì các vấn đề liên quan đến hệ thống thông tin giải trí cũng như tiếng lạch cạch của nội thất.
Xếp hạng độ đáng tin cậy của các thương hiệu ô tô Mỹ
1. Ford
Ford là thương hiệu tốt nhất trong số những hãng xe nội địa Mỹ năm nay, theo đánh giá của CR. Taurus – mẫu xe “già cỗi” nhất trong gia đình Ford hiện nay – có độ đáng tin cậy cao hơn nhiều so với mức trung bình. Trái lại, Ford Fusion trước đây vốn có tiếng là đáng tin cậy lại bị giảm điểm số xuống mức dưới trung bình, chủ yếu là do màn hình thường xuyên bị “đơ” của hệ thống thông tin giải trí SYNC 3.
Cũng giống như Fusion, cặp đôi Ford Mustang và Explorer bị đánh giá độ đáng tin cậy thấp hơn mức trung bình. Cả hai mẫu xe này đều gặp rắc rối với hệ thống điều hòa và phần cứng thân vỏ.
Ford Explorer không phải là mẫu xe được CR đánh giá là đáng tin cậy tại Mỹ
2. Buick
Mẫu SUV tái thiết kế Buick Enclave có điểm số đáng tin cậy thấp hơn nhiều so với mức trung bình vì những vấn đề liên quan đến hộp số tự động 9 cấp. Theo phản ánh của người dùng, hộp số này sang số không mượt, bị lỗi máy tính và bộ chuyển đổi mô-men xoắn. Trong khi đó, các mẫu xe khác của Buick như LaCrosse, Encore và Envision có độ đáng tin cậy trên mức trung bình.
3. Lincoln
Điểm sáng duy nhất của Lincoln là mẫu sedan hạng sang Continental với độ đáng tin cậy cao hơn mức trung bình. Trong khi đó, 2 mẫu xe Lincoln MKC và MKX vẫn có điểm số đáng tin cậy dưới mức trung bình như trước. Riêng mẫu xe sedan Lincoln MKZ bị giảm độ đáng tin cậy xuống dưới mức trung bình.
4. Dodge
Trong các thương hiệu của Fiat-Chrysler, Dodge là hãng đáng tin cậy nhất. Độ đáng tin cậy của Dodge Charger đã được cải thiện trên mức trung bình trong khi Grand Caravan ở mức trung bình. Mẫu coupe Dodge Challenger gặp trục trặc với hộp số còn Durango và Journey có vấn đề ở nhiều mảng. Cả ba đều có độ đáng tin cậy dưới trung bình.
5. Jeep
Các mẫu xe của thương hiệu Jeep có điểm số đáng tin cậy trái ngược với nhau. Nếu như Jeep Grand Cherokee và Renegade đều tăng điểm số lên mức trung bình thì Cherokee và Compass lại bị đánh giá ở mức dưới trung bình.
6. Chevrolet
Mẫu SUV tái thiết kế Chevrolet Traverse có độ đáng tin cậy thấp hơn nhiều so với mức trung bình và gặp vấn đề về hộp số tương tự Buick Enclave. Trong khi đó, màn hình hệ thống thông tin giải trí của Chevrolet Traverse thường xuyên bị “đơ” hoặc trống không.
Cũng được thiết kế lại như Traverse nhưng Chevrolet Equinox 2018 có độ đáng tin cậy ở mức trung bình. Trong khi đó, Chevrolet Suburban và Tahoe đã cải thiện độ đáng tin cậy lên mức trung bình hoặc hơn. Riêng mẫu xe điện Chevrolet Bolt vẫn giữ ở mức trung bình như trước.
7. Chrysler
Trong khi độ đáng tin cậy của Chrysler 300 được cải thiện lên mức trung bình thì Pacifica lại đi xuống. Những vấn đề mà người dùng Chrysler Pacifica hay phản ánh bao gồm màn hình thông tin giải trí bị “đơ” hoặc trống không, hệ thống định vị và radio trục trặc. Ngoài ra, Chrysler Pacifica còn gặp vấn đề về máy tính của hộp số.
8. GMC
Có 3 mẫu xe GMC sở hữu độ đáng tin cậy ở mức trung bình hoặc hơn là Terrain, Yukon và Yukon XL. Trong khi đó, GMC Acadia lại có điểm số dưới trung bình nhiều vì vấn đề của hệ thống thông tin giải trí và hệ thống điện.
9. Ram
Hai mẫu xe Ram 1500 và 2500 thế hệ cũ đều có điểm số đáng tin cậy ở mức trung bình. Trong khi đó, Ram 3500 bị đánh giá ở mức dưới trung bình.
10. Tesla
Năm nay, mẫu xe điện Tesla Model S bị giảm độ đáng tin cậy xuống mức dưới trung bình vì những vấn đề của hệ thống treo và tay nắm cửa. Mẫu sedan Tesla Model 3 mới được đánh giá ở mức trung bình trong khi Model X tiếp tục có độ đáng tin cậy thấp hơn nhiều so với mức trung bình. Các vấn đề của Tesla Model X nằm ở hệ thống cửa cánh chim và màn hình hiển thị trung tâm.
Tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng Tesla Model 3 lại có độ đáng tin cậy cao hơn Model S và Model X
11. Cadillac
Thương hiệu xe sang của GM tiếp tục gặp rắc rối khi chỉ có mẫu sedan XTS có độ đáng tin cậy trên trung bình. Các mẫu xe khác đều dưới trung bình vì những vấn đề như sang số không mượt trên Cadillac CT6 và Escalade hay hệ thống điện tử ở những sản phẩm còn lại.
Xếp hạng độ đáng tin cậy của các thương hiệu ô tô châu Âu
1. Audi
Toàn bộ các mẫu xe của Audi đều có đủ dữ liệu về độ đáng tin cậy và được xếp hạng từ trung bình trở lên dù điểm số không cao như những năm trước. Các mẫu xe Audi có độ đáng tin cậy từ trung bình trở lên bao gồm Q5 2018, A5 Coupe và A5 Convertible.
2. BMW
Trong gia đình BMW, X3 là mẫu xe có độ đáng tin cậy dưới trung bình vì những vấn đề của hệ thống điều hòa như rò rỉ nước làm mát hay hệ thống điều khiển ghế. Trong khi đó, BMW X1 bị giảm điểm số xuống dưới mức trung bình vì các vấn đề của hệ thống treo, phanh nhanh mòn và vô lăng rung bất thường.
3. Mini
Thương hiệu của tập đoàn BMW có mẫu xe Cooper với độ đáng tin cậy được cải thiện lên mức trung bình trong khi Countryman sở hữu điểm số trên trung bình.
4. Porsche
Thương hiệu xe thể thao hạng sang của Đức chứng kiến điểm số đáng tin cậy khá đa dạng, trong đó 911 đứng đầu và Cayenne xếp cuối cùng.
5. Volkswagen
Mẫu SUV mới Volkswagen Atlas có độ đáng tin cậy thấp hơn nhiều so với mức trung bình. Vấn đề nổi cộm nhất của mẫu SUV này là hệ thống điều hòa. Trong khi đó, Volkswagen Golf và Tiguan tái thiết kế vẫn giữ điểm số ở mức trung bình. Riêng Volkswagen GTI có điểm số dưới trung bình như cũ.
6. Mercedes-Benz
Mercedes-Benz C-Class Coupe và Sedan đều cải thiện điểm số đáng tin cậy lên mức trung bình, trái ngược với GLC hay E-Class. Các thành viên của CR phản ánh việc Mercedes-Benz E-Class bị trục trặc ở các trang bị điện tử trong xe và động cơ.
Mercedes-Benz E-Class bị người dùng Mỹ phàn nàn về hệ thống điện tử trong xe và động cơ
7. Volvo
Theo các thành viên của CR, mẫu SUV hạng sang Volvo XC60 bị “đơ” màn hình, trục trặc điều hòa và nội thất phát ra tiếng kêu lạch cạch. Tương tự như vậy, cũng có nhiều lời phàn nàn về hệ thống thông tin giải trí, chủ yếu là màn hình “đơ” và trống không, của Volvo XC90. Mẫu sedan Volvo S90 cũng gặp vấn đề tương tự, ngoài việc động cơ phát ra tiếng gõ.
Những thương hiệu khác
CR có đủ dữ liệu về một mẫu xe của Alfa Romeo là Giulia với độ đáng tin cậy thấp hơn nhiều so với mức trung bình. Những vấn đề của mẫu xe này nằm ở mở cửa không cần chìa khóa và hệ thống điều khiển ghế.
Ngoài ra, mẫu xe Jaguar duy nhất mà CR có đủ dữ liệu là F-Pace với điểm số đáng tin cậy dưới mức trung bình. Các vấn đề mà Jaguar F-Pace gặp phải bao gồm hệ thống điện tử trong xe như màn hình bị “đơ” hay trống không và bị rò rỉ dầu vi sai.
Hàn Quang
Theo tin xe
7 chi tiết đặc trưng tạo thành bản sắc của những hãng xe danh tiếng
Các hãng xe quốc tế luôn luôn mong muốn một điều kể từ khi ô tô trở thành phương tiện di chuyển chủ chốt trên toàn cầu: bản sắc riêng tạo nên sự khác biệt chỉ một mình mình có.
Để tạo nên sự khác biệt, các hãng xe luôn cố gắng duy trì một điểm đặc biệt chung trên các dòng xe của mình. Từ thế hệ này qua thế hệ khác chúng có thể thay đổi đôi chút nhưng không làm mất đi bản sắc nguyên thủy và có thể là bất cứ thứ gì: thiết kế, chi tiết kỹ thuật hay chất liệu chế tạo. Dưới đây là 7 chi tiết đặc biệt nhất gắn liền với 10 hãng xe danh tiếng trên toàn cầu theo thứ tự alphabet.
Audi - Virtual Cockpit
Công nghệ khoang lái ảo lần đầu xuất hiện trên Audi TT thế hệ thứ 3 (2014) thay thế cụm đồng hồ số truyền thống bằng màn hình độ phân giải cao mà người lái có thể tùy biến thông qua dàn nút bấm trên vô lăng. Kể từ đó tới nay đây đã là công nghệ chủ đạo trong nội thất của toàn bộ các dòng xe Audi mới và cho tới năm 2018 đội hình của hãng xe Đức đã 100% sử dụng khoang lái ảo, từ mẫu entry-level A1 cho tới đỉnh điểm là siêu xe R8.
BMW - Tản nhiệt hình quả thận
BMW 303 khởi đầu xu hướng thiết kế tản nhiệt hình quả thận của thương hiệu Đức kéo dài tới tận ngày nay. Chỉ có một số rất ít các dòng xe BMW không sử dụng thiết kế này như Isetta.
Citroen - Vô lăng đơn chấu
Có thể nói vô lăng đơn chấu đã là điểm đặc trưng của Citroen trong hàng thập kỷ qua kể từ khi chiếc DS xuất hiện vào năm 1955. Thiết kế này giúp người lái dễ quan sát cụm đồng hồ trước mặt hơn so với loại đa chấu thường thấy. Tuy nhiên việc không tích hợp được túi khí vô lăng vào thiết kế buộc Citroen phải từ bỏ bản sắc của mình từ 1994.
Lamborghini - Cửa cắt kéo
Cửa xe dạng cắt kéo (hay còn gọi cửa cánh chim) luôn xuất hiện trên các dòng xe trang bị động cơ V12 của Lamborghini. Khởi đầu với Countach, cửa cắt kéo sau đó xuất hiện trên Diablo và giờ là Aventador.
MINII - Đồng hồ đo tốc độ trung tâm
Trong quá khứ MINI đặt đồng hồ đo tốc độ ở trung tâm táp lô để đơn giản hóa thiết kế nội thất cũng như công đoạn sản xuất linh kiện cho xe tay lái thuận và nghịch. Khi thương hiệu Anh Quốc được BMW mua lại, 2 thế hệ MINI đầu tiên cũng sử dụng thiết kế này cho tới khi thế hệ thứ 3 buộc phải trả đồng hồ về vị trí trước người lái truyền thống để dành chỗ cho màn hình thông tin giải trí trung tâm.
Porsche - Ổ khóa/nút bấm khởi động bên trái vô lăng
Porsche gần như luôn luôn đặt vị trí ổ khóa hoặc nút bấm khởi động xe bên trái vô lăng. Nguyên nhân của cách bài trí không thường thấy này là do giải đua Le Mans 24 Giờ - nơi tay đua phải đứng bên ngoài và chạy tới mẫu xe của mình càng nhanh càng tốt. Thao tác này yêu cầu người lái phải khởi động xe nhanh nhất có thể và thế là ổ khóa được đặt ở bên trái vô lăng, sát cửa để tiện thao tác (một tay vặn khóa/bấm nút, một tay chỉnh cần số).
Le Mans đã bỏ quy định đua khá lạ thường nay từ năm 1970 vì lý do an toàn nhưng Porsche vẫn giữ cách bài trí này lại tới tận ngày nay.
Subaru - Hệ dẫn động 2 cầu
Subaru trình làng dòng xe 2 cầu đầu tiên là Leone tại Nhật vào năm 1972 và ngay sau đó là tại Mỹ. Chính hệ dẫn động toàn diện này là nguyên nhân họ thu hút được một số lượng không nhỏ khách hàng trung thành tại cả Mỹ và Nhật, nhất là khi trải nghiệm lái khi đó của Leone giống xe du lịch hơn là xe tải sử dụng dẫn động 2 cầu.
Thành công tới với Subaru khiến họ đưa ra quyết định "tiêu chuẩn hóa" hệ dẫn động 2 cầu lên mọi dòng xe của mình bất kể giá xe hay phân khúc ra sao với ngoại lệ duy nhất là dòng thể thao BRZ được trang bị hệ dẫn động cầu sau theo yêu cầu của khách hàng.
Tham khảo: Autocar
Quang Phong
Theo Trí Thức Trẻ
Thương hiệu ô tô nào giá trị nhất thế giới trong năm 2018? Hãng xe Nhật Bản - Toyota tiếp tục dẫn đầu lĩnh vực ô tô, với giá trị thương hiệu ước tính khoảng 53,404 tỉ USD, tăng 6% so với năm ngoái. Trong lĩnh vực ôtô, Toyota vẫn là thương hiệu giữ vị trí đứng đầu trong bảng xếp hạng Best Global Brands 2018 (Các Thương Hiệu Toàn Cầu) của Interbrand bình chọn. Tổng...