Top 10 dòng game trở lại chỉ để thất bại
Để tạo ra một pha comeback thành công sau thời gian dài vắng bóng là một điều không dễ dàng gì với những hãng làm game. Thế nhưng mà có fail thì cũng chừa đường để sửa, đằng này có những game fail đến nổi chẳng ai muốn chơi nữa luôn anh em ạ.
Thậm chí có những series game đã từng là tượng đài, thế mà khi trở lại sau vài năm thì “bay màu” trong tích tắc. Không dài dòng nữa, để anh em biết thêm về những tựa game gây thất vọng não nề này, sau đây sẽ là danh sách mà mình đã tổng hợp.
GOLDEN AXE: BEAST RIDER (2008)
Tuy không có nhiều phiên bản tiền nhiệm như những series nổi tiếng khác, nhưng tựa game mang phong cách “beat’ em up” với bối cảnh fantasy, Golden Axe, đã luôn khiến người chơi thích thú và trở lại. Thế nhưng ở phiên bản thứ 3 thì Golden Axe đã đánh mất vị thế của mình và im hơi lặng tiếng trong hơn một thập kỷ, cho đến khi Beast Rider xuất hiện, đánh dấu sự trở lại của Golden Axe. Đánh dấu trở lại là thế, nhưng đây là lại phiên bản đánh dấu luôn kết thúc của series game này. Tựa game được cho là có nhiều lỗi, đánh mất bản chất ở những phiên bản trước, nhà phát triển của Beast Rider cho rằng nguyên do là bởi đội ngũ còn thiếu nguồn lực, khả năng quản lý cũng như không hiểu được ý tưởng ban đầu của tựa game. Mặc dù không quá nổi tiếng, nhưng Golden Axe đã từng là một trong những tựa game beat’ em up hay nhất, thế nhưng kết cục thì lại khá đáng tiếc cho một huyền thoại.
THIEF (2014)
Làm trộm chưa vào giờ ngầu đến thế trong tựa game Thief, ở phiên bản Deadly Shadows, tựa game đã đem đến một gameplay cực kỳ ấn tượng, người chơi thay vì lao vào combat thì sẽ thực hiện những tình huống đánh lừa lính canh để đột nhập vào tòa nhà, cơ chế bẻ khóa, gây tiếng động, leo trèo khiến người chơi thật sự bị cuốn vào trò chơi. Thế nhưng sau phiên bản này thì Square Enix tiết lộ rằng vì doanh số không đạt như mong đợi nên chưa thể biết trước tương lai của phiên bản tiếp theo. Tuy vậy, vào năm 2014 thì phiên bản mới của tựa game đã được ra mắt, nhưng với sự gượng gạo trong cách thiết kế, NPC thì quá dễ bị đánh lừa, và nhân vật chính Garrett thì lại quá nhàm chán. Tất cả đã khiến Thief lùi vào dĩ vãng để nhường đường cho những dự án tiềm năng hơn.
CONTRA: ROGUE CORPS (2019)
Thương hiệu Contra đã từng là huyền thoại trong lòng rất nhiều anh em, tựa game này thật sự đã là một tượng đài của thế giới game nói chung và game bắn súng nói riêng. Đáng lẽ nó nên được giữ nguyên như thế, nhưng năm 2019 lại là năm đánh dấu sự trở lại của thương hiệu này và thật sự là quá fail anh em ạ. Rogue Corps của Konami mang đến một gameplay nhàm chán, chậm chạp, cũng như những nhân vật trong game thật sự là không phù hợp với triết lý ban đầu, dẫn đến việc người chơi cảm thấy thất vọng so với mong đợi. Thậm chí có một nhân vật là con gấu trúc luôn … Tuy là phiên bản này có thể được nhiều người biết đến, nhưng chắc chắn cũng đã ảnh hưởng đôi phần đến thương hiệu Contra lẫy lừng, quá đáng tiếc phải không anh em.
DUNGEON KEEPER (2014)
Tuy so với những tựa game khác ở những năm 90 thì Dungeon Keeper có phần kém cạnh, thế nhưng đây vẫn là một tựa game nhập vai, thủ trụ hay và xứng đáng có chỗ đứng trong lòng nhiều game thủ. Là một tựa game hay là thế, nhưng cuộc vui nào cũng có hồi kết anh em ạ, ấy vậy mà cái kết của Dungeon Keeper thì thật sự là quá chán. Đang yên đang lành thì EA quyết định tung ra phiên bản mới của Dungeon Keeper trên nền tảng… điện thoại. Như những tựa game mobile khác, anh em sẽ phải đợi từng giờ thậm chí ngày để mở hộp hay xây tường, nhưng với EA thì con số này còn lớn hơn, và nếu muốn nhanh thì anh em chỉ có cách trả tiền. Thương mại hóa một tựa game huyền thoại không phải là cách hay để giữ hình tượng cho một thương hiệu, nhưng anh em biết EA rồi đấy.
STAR FOX ZERO (2016)
Có những tựa game chỉ hay khi còn sở hữu đồ họa cũ, còn khi đem đồ họa hiện đại đập vào game mà vẫn giữ nguyên gameplay thì nó sẽ có rủi ro. Star Fox Zero là ví dụ điển hình của điều này, khi tựa game đã từng rất phổ biến trên các hệ máy Nintendo cũ, nhưng khi quay trở lại vào năm 2016 với đồ họa cải tiến và góc quay cinematic, thì tựa game lại trở nên khó chơi hơn và trải nghiệm không được mượt mà cho lắm. Và kết quả cũng như những tựa game khác trong danh sách này, Star Fox Zero không đem lại trải nghiệm như những người tiền nhiệm của mình, điều đó đã khiến tựa game thất bại và có lẽ là sẽ không trở lại trong thời gian dài.
WARCRAFT III: REFORGED (2020)
Warcraft là một tượng đài của thể loại RTS và cũng đã làm nên tên tuổi của Blizzard trong nhiều năm. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những thất bại lớn nhất của hãng game này trong năm 2020. Trước khi ra mắt thì Blizzard hứa hẹn đủ điều với game thủ, nào là đồ họa mới, nhân vật được thiết kế lại, cutscene cũng mới luôn. Vậy mà khi chơi thì cá nhân mình cảm thấy như đang chơi bản cũ nhưng phải trả tiền vậy anh em ạ. Nó tệ đến mức mà Blizzard bắt đầu đưa ra chính sách trả lại tiền cho những ai đã mua game nếu họ yêu cầu. Mặc dù chơi thì vẫn hay đấy anh em vì game này nó là huyền thoại mà, nhưng so với những gì Blizzard hứa hẹn thì chắc chắn không thể tránh khỏi cảm giác thất vọng.
ALONE IN THE DARK: ILLUMINATION (2015)
Sau bản reboot năm 2008 thì người ta tưởng rằng series game này coi như “vỡ trận” rồi, thế mà năm 2015 lại có thêm một phiên bản mới được ra mắt, và nó cũng thảm họa không kém. Là một tựa game bắn quái vật trong bóng đêm, mục tiêu là để khiến tựa game trở nên đáng sợ. Thế nhưng thiết kế cũng như bối cảnh của mà Atari mang lại thật sự là đáng thất vọng. Quái thì nhiều, nhìn rất chán, âm thanh không ăn nhập, nói chung là trải nghiệm tồi. Các nhà phê bình cũng không ngần ngại đưa ra những nhận xét gay gắt, một thất bại múi mặt và chồng chất với series game Alone In The Dark.
SHENMUE III (2019)
Mặc dù ở hai phiên bản trước thì Shenmue cũng không thật sự gây ấn tượng với người chơi, nhưng vì những fan trung thành của tựa game này lại rất muốn có một phiên bản mới để có được một cái kết xứng đáng hơn cho cốt truyện. Ước nguyện này được thực hiện vào năm 2019 khi Shenmue được ra mắt, và chắc hẳn cũng đã khiến rất nhiều fan phải hối hận. Gameplay cũ kỹ, lỗi thời của những phiên bản trước, không có gì nổi bật so với những tựa game cùng thể loại khác và cái kết của Shenmue III lại tiếp tục là kết mở. Coi như là cũng chiều lòng fan, nhưng lại quá hời hợt và tham lam nên Shenmue III đã thất bại thảm hại và chắc cũng mất đi khá nhiều fan hâm mộ.
TONY HAWK’S PRO SKATER 5 (2015)
Từ khi Activision kết hợp với Tony Hawk, cái tên Tony Hawk’s Pro Skater chính là thương hiệu đi đầu trong làng game trượt ván. Thế nhưng những phiên bản kế nhiệm lại khiến người chơi thất vọng với nhân vật trong game thì nhìn chả có gì giống Tony Hawk, cử động cũng sai kỹ thuật trượt ván và không đem lại cảm giác thực tế. Kết quả là sau 5 phiên bản được ra mắt, series này đã phải đóng cửa server và ngưng phát triển vào năm 2017. Mặc dù cũng theo dõi anh chàng Tony Hawk từ lâu nhưng mình cũng phải công nhận những nhận định từ cộng đồng là chính xác, có lẽ Activision nên đầu tư một cách kỹ lưỡng và tận dụng đại diện của mình một cách triệt để hơn thì mới đem đến thành công cho series này.
DUKE NUKEM FOREVER (2011)
Là một trong những series game FPS hay nhất vào những năm 90, Duke Nukem thật sự đang đứng trên đỉnh của thế giới game lúc bấy giờ. Mặc dù có rất nhiều phiên bản Spin-off được ra mắt, nhưng mãi đến năm 2011 thì chúng ta mới lại được trải nghiệm một bản Duke Nukem mới mẻ. Mặc dù tốn đến 15 năm để phát triển, thế nhưng Duke Nukem Forever lại được đánh giá là một trong những tựa game tệ nhất từng được tạo ra, cũng khá tiệm cận với tệ nhất. Gameplay cũ kỹ, thiết kế nhàm chán, và tệ nhất là những câu đùa quái gở khiến người chơi cũng phải ngượng giùm. Duke rất ngầu anh em nhé, bắn quái giải cứu thế giới trong khi nhai kẹo cao su, thế mà sau mỗi lúc ngầu lòi như thế lại thốt ra những câu nói thật sự lố bịch.
Vừa rồi là 10 tựa game quay lại để thất bại, khiến cả thế giới game cũng phải muối mặt. Tất nhiên vẫn còn rất nhiều những tựa game khác cũng khá “flop” mà mình vẫn chưa thể liệt kê trong một danh sách, vậy nên anh em hãy bình luận bên dưới tựa game mà anh em nghĩ là thất bại còn thảm hại hơn những tựa game này để anh em biết còn né nhé.
Theo gearvn
Top 10 tựa game với tham vọng thay đổi cả làng game nhưng lại thất bại thảm hại
Không riêng gì game, ngay cả những loại hình nghệ thuật khác như phim ảnh, âm nhạc nếu bám theo công thức sẵn có thì thường sẽ đạt được thành công, còn nếu làm tốt hơn thế nữa thì sẽ tạo được tiếng vang trong cộng đồng.
Tuy nhiên, để thực sự trở thành một hiện tượng thì chúng cần phải là những thứ có một không hai, chưa từng xuất hiện trên thị trường.
Đối với mảng gaming thì điều này đặc biệt đúng, bởi vì công nghệ ngày nay tiến bộ như vũ bão anh em ạ. Tất nhiên, để làm một game độc nhất vô nhị thì không hề dễ chút nào. Làm game hay đã khó, làm game khác biệt với thế giới còn khó hơi bội phần.
Sau đây là danh sách 10 game với tham vọng thay đổi cả ngành công nghiệp gaming nhưng lại thất bại thảm hại.
DayZ
Đã có rất nhiều game thủ kì vọng vào tựa game bắn zombie này. Ban đầu nó chỉ là bản mod của ARMA 2, nhưng sau đó nó phát triển thành một tựa game bắn súng sinh tồn với chế độ chơi mạng rất độc đáo, kết hợp với việc quăng một mớ người chơi vào một thế giới mở đầy rẫy lũ zombie càng khiến game trở nên hứa hẹn hơn bao giờ hết.
Trong game, người chơi sẽ nhặt vũ khí và tiêu diệt những đối thủ khác để sinh tồn. Chính yếu tố này đã giúp game càng trở nên căng thẳng tột độ, và fan cũng rất ngóng trông ngày DayZ chính thức ra mắt.
Nhưng đó cũng là nơi rắc rối bắt đầu. Lúc còn là bản thử nghiệm thì những lỗi trong game, kể cả những lỗi to như bánh xe bò đều có thể bỏ qua được. Còn khi game thủ đã bỏ tiền ra mua rồi thì họ sẽ kì vọng rằng game đã được hoàn chỉnh, nhưng sự thật thì không được như vậy.
Dù là phiên bản chính thức nhưng nó không khác gì một bản beta, và đến khi game được sửa lại xong xuôi thì những trò mới như H1Z1 và PUBG đã chiếm hết diễn đàn luôn rồi. Kể từ đó chúng ta không còn nghe gì đến cái tên DayZ nữa.
The Quiet Man
The Quiet Man xoay quanh câu chuyện về một người bị điếc, và để game thủ nhập tâm hơn thì phần lớn hội thoại trong game đều bị nghe ù ù và không có phụ đề, buộc người chơi phải "nhìn hình đoán chữ".
Ý tưởng này nghe thì không tồi chút nào, nếu không muốn nói là nó rất độc đáo. Tuy nhiên, Square Enix lại đặt quá nhiều tham vọng vào cốt truyện, kết hợp với cơ chế gameplay rối rắm và những phân đoạn live-action nhìn rất nghiệp dư, The Quiet Man cuối cùng đã bị banh xác.
Cũng như Quantum Break, The Quiet Man chứng tỏ được một điều rằng live-action và game không đi chung với nhau được, và game thủ cũng chưa đủ sẵn sàng để hiểu hết được những gì mà cốt truyện trong game muốn truyền tải.
Watch Dogs
Trước khi ra mắt, Ubisoft đã hứa hẹn rằng Watch Dogs sẽ có chất lượng đồ họa đỉnh cao và cơ chế hacking có một không hai, dùng điện thoại điều khiển mọi loại thiết bị điện tử trong game.
Tuy nhiên, khi game ra mắt thì nó lại hoàn toàn trái ngược với những điều trên. Không những thế, chất lượng đồ họa còn bị giảm xuống, khiến rất nhiều game thủ bất bình. Nhưng cái mà khiến game thủ phẫn nộ nhiều nhất chính là cơ chế hacking kia. Nó không hề xịn sò và bá đạo như những gì đã được quảng bá trong trailer.
Mặc dù Watch Dogs là một tựa game bắn súng góc nhìn thứ ba nhưng thứ khiến game thủ hào hứng nhất là cơ chế hack trong game. Thay vì sử dụng súng để giải quyết vấn đề, bạn sẽ cần phải tập trung vào việc sử dụng công nghệ để đánh lừa kẻ địch, phá hủy những vật dụng khác, và tạo ra thời cơ bằng cách cúp điện toàn thành phố. Nghe rất là hứa hẹn, và nó có thể thay đổi cả cái cách mà game thủ tương tác với môi trường trong game.
Nhưng đến khi ra mắt thì cơ chế này đã bị "nerf" thậm tệ và không có tí gì gọi là đột phá cả.
Alone In The Dark
Đây là một tựa game rất quái dị, đến nỗi gần như chả ai nhớ là game này đã từng tồn tại. Nhưng trước đó cả nhà phát triển lẫn nhà phát hành đều đặt "ngôi sao hi vọng" cho Alone In The Dark, nghĩ rằng nó sẽ thành công rực rỡ trong năm 2008.
Thay vì có các màn chơi, game được chia ra thành nhiều tập như phim truyền hình nên bạn có thể chơi bất cứ tập nào mà bạn muốn, không cần phải theo thứ tự. Thậm chí bạn nhào vô chơi tập cuối luôn cũng được, và game sẽ tua lại một chút cho bạn hiểu những diễn biến đã xảy ra trước đó.
Nhiêu đây nghe đủ thấy mới lạ rồi. Không những thế, những câu đố và cơ chế gameplay đều được xoay quanh hiệu ứng lửa cháy nhìn rất chân thực, và yếu tố này đã xuất hiện trong trailer khiến game thủ rất hào hứng.
Nhưng vấn đề ở chỗ nhà phát triển đã quá tập trung tạo ra hiệu ứng lửa chân thực mà quên mất vẫn còn những yếu tố khác cần được chăm chút. Kết quả là tựa game đã thất bại, và series game này cũng mất tích sau bản reboot này luôn.
Crackdown 3
Crackdown 3, và những phần trước đó, không hẳn là một game tệ, nhưng nó bị đánh giá thấp là bởi vì Microsoft đã hứa hẹn đủ điều về tựa game này.
Ban đầu thì Crackdown 3 sẽ là một tựa game giúp phô diễn sức mạnh của nền tảng công nghệ đám mây (cloud) của Microsoft, cho phép game thủ phá thành phố thoải mái bằng vô số cách khác nhau. Trong những trailer đầu tiên thì Microsoft cho game thủ thấy cảnh nhân vật chính san bằng cả thành phố, điều mà những tựa game trước đây chưa làm được vì không đủ sức để xử lý.
Tuy nhiên, sau nhiều lần bị dời ngày phát hành và không thấy tăm hơi của công nghệ đám mây kia đâu thì game thủ đã dần ngộ ra được rằng "giấc mộng" Crackdown 3 của Microsoft khá là hão huyền. Thật vậy, khi game ra mắt, yếu tố phá hủy kia đã bị gói gọn lại trong một chế độ chơi mạng, và kích thước thành phố cũng bị thu nhỏ lại.
Không những thế, cơ chế gameplay thế giới mở cũng sử dụng lại công thức đã cũ mèm, càng khiến Crackdown 3 tẻ nhạt và không có gì đột phá.
Shenmue
Hai phần đầu của series Shenmue "flop" sấp mặt, và nó "flop" là bởi vì yếu tố mô phỏng trong game. Mặc dù trên giấy tờ thì Shenmue xoay quanh câu chuyện báo thù với những pha đấu võ hoành tráng, phần lớn thời gian trong game là bạn sẽ sống trong một thế giới vô cùng tươi đẹp, và cũng rất thực tế nữa.
Bạn sẽ phải lái xe nâng hàng, phải chờ đến khi cửa hàng mở cửa mới được tiếp tục cốt truyện, thậm chí thời tiết cũng được thiết kế giống y hệt như dự báo ngoài thực tế. Đơn giản mà nói thì đây không phải là game, mà nó là đời thực luôn rồi.
Đối với nhiều người thì đây là điểm mà họ rất thích ở tựa game này, và cũng chính vì vậy mà họ trở thành fan gạo cội của dòng game này luôn. Tuy nhiên, khi bạn đổ hơn 50 triệu đô vào trong một dự án thì bạn sẽ cần nhiều hơn là một lượng fan hardcore để nó có thể "sống qua ngày". Và tiếc là ngoài lượng fan đó ra thì không còn ai hứng thú với tựa game này. Sau này thì cũng chỉ có series Yakuza là "nối gót" Shenmue mà thôi.
Spore
Ý tưởng cốt lõi của Spore phải nói là thiên tài. Bạn sẽ sống xuyên suốt cả cuộc đời của một loài vật, ngay từ lúc nó còn là một tế bào cho đến khi nó đủ khả năng để du hành không gian.
Như những game khác trong danh sách này, Spore không thất bại vì nó tệ mà là vì nhà phát triển đã "hứa thật nhiều, rồi thất hứa cũng thật nhiều". Trước khi ra mắt thì nhà phát triển đã khiến game thủ rất hào hứng với quy mô và tầm nhìn vĩ đại của tựa game này.
Và chính bởi vì hứa hẹn như thế nên đã khiến game thủ đẩy mọi thứ đi quá xa với thực tế, và kết quả là Spore không đạt được kì vọng của người chơi, y như No Man's Sky sau này.
Fallout 76
Fallout 76 ban đầu nhìn rất là hứa hẹn: khám phá thế giới Fallout mà không có đồng đội bên cạnh, và cũng không phải hi sinh bất kì thứ gì mà bạn yêu thích từ những tựa game nhập vai khác của Bethesda.
Đây đáng lẽ ra là một tựa game multiplayer có lối kể chuyện cuốn hút, có những pha đối đầu gay cấn với game thủ khác, và có thế giới rộng mở cho phép người chơi tự do khám phá, một điều mà trước đây chỉ thường thấy trong những tựa game RPG singleplayer. Nhưng cuối cùng thì nó lại không hoàn thành được mục tiêu đó.
Fable 2
Vấn đề của Fable có thể được gói gọn vào một câu hứa hẹn rằng xuyên suốt game, bạn sẽ được chứng kiến một quả sồi đâm chồi nảy lộc, vươn mình trở thành một cây sồi tuyệt đẹp, chứng tỏ game này rất có tiềm năng và thế giới trong game cũng rất đa dạng, phong phú.
Tất nhiên, những lời hứa đó đều không được hiện thực hóa, tương tự cho những tính năng hấp dẫn khác cũng không thấy đâu. Fable 2 không phải là một tựa game tệ, nhưng nó không giống với những gì đã được hứa hẹn trước khi ra mắt: một tựa game mang tính đột phá.
Defiance
Mặc dù ý tưởng của game rất là mới lạ và độc đáo nhưng Defiance lại không được nhiều người biết đến. Đây là một tựa game MMO góc nhìn thứ ba được phát hành bởi Trion Worlds và kênh truyền hình Syfy, với ý tưởng là một series game được phát hành song song với một series truyền hình. Những gì xảy ra trong phim sẽ được lặp lại trong game và ngược lại.
Tuy nhiên thì việc xuất bản song song dẫn đến nhiều vấn đề xảy ra giữa Trion Worlds và Syfy, khi cả hai đều đặt lợi ích của bản thân lên hàng đầu, cố gắng phát hành sản phẩm của mình nhanh nhất có thể, dẫn đến chất lượng không được đảm bảo.
Kết quả là cả series truyền hình lẫn tựa game đều thất bại thảm hại dù có kinh phí đến 70 triệu đô. Đây chắc chắn là một cú ngã đau đớn cho một ý tưởng không tồi nhưng lại được thực hiện một cách ẩu tả.
Theo Gearvn
Warcraft III: Reforged chính thức đến tay game thủ, card đồ hoạ 9 năm trước vẫn chiến tốt Mới đây, Blizzard vừa công bố cấu hình đề nghị của bản remaster của Warcraft III: Reforged. Tin vui cho anh em là game yêu cầu cấu hình không quá cao dù được nâng cấp về mặt đồ họa khá nhiều. Cấu hình tối thiểu: CPU Intel Core i3-530 hoặc AMD Athlon Phenom II X4 910 4GB RAM GPU NVIDIA GeForce GTS 450...