Top 1 phòng vé nhưng Cám càng xem càng khó hiểu, đến đoạn kết là khán giả buông xuôi!
Cám đứng đầu phòng vé Việt nhưng không vì thế mà có thể khẳng định đây là một bộ phim hoàn hảo.
Bộ phim kinh dị Cám đang “càn quét” phòng vé Việt khi trong tuần đầu ra mắt, phim thu về 50 tỷ đồng và chiếm giữ vị trí số 1, bỏ xa các đối thủ khác. Dự án mới nhất của bộ đôi đạo diễn Trần Hữu Tấn – NSX Hoàng Quân mang đến góc nhìn mới về truyện cổ tích Tấm Cám, khi mối quan hệ của Tấm ( Rima Thanh Vy) và Cám (Lâm Thanh Mỹ) tồn tại nhiều góc khuất đáng sợ.
Thú vị là thế, Cám lại không phải một bộ phim hoàn hảo về tính logic. Mạch truyện phim vẫn còn nhiều điểm chưa thỏa đáng, khiến người xem không khỏi thắc mắc và hoang mang.
Năng lực của sợi dây chuyền đầu gà
Từ đầu phim Cám, sợi dây chuyền đầu gà đã được giới thiệu là “bùa hộ thân” bảo vệ bất kỳ ai đeo nó khỏi Bạch Lão. Bạch Lão không thể chạm vào ai đeo sợi dây chuyền, nhưng vẫn có thể thao túng tâm trí người đó. Như vậy, Bạch Lão thực chất vẫn có nhiều cách để đối phó với năng lực của sợi dây chuyền, ví dụ như sai khiến chủ nhân cởi nó ra, hay thậm chí điều khiển một người khác làm thay điều này.
Như vậy, với năng lực của một tên quỷ đáng sợ, Bạch Lão có thể dễ dàng “thao túng” Hai Hoàng đem giao nộp Tấm cho hắn, thay vì phải dày công bày mưu tính kế như trong phim. Đã có nhiều khoảnh khắc Bạch Lão có thể có Tấm trong tay (nhất là trước khi Tấm đeo dây chuyền), nhưng rồi có lẽ vì “đạo diễn bảo thế” nên Bạch Lão không làm được.
Bạch Lão không rõ giới tính
Một trong những nhân vật gây tò mò nhất trong Cám chính là Bạch Lão, lấy cảm hứng từ ông bụt với câu thoại “Vì sao con khóc?” quen thuộc. Đáng sợ là thế, nhân vật này lại gây hoang mang với người xem ở phương diện giới tính, khi có tạo hình, cách khắc họa mang hơi hướng tính nữ (một phần do sự thể hiện của NSƯT Hạnh Thúy), nhưng lại được một số nhân vật đề cập đến với đại từ “ông”.
Điều này khiến cho lai lịch của nhân vật Bạch Lão trở thành nỗi thắc mắc lớn cho người xem. Trong một cảnh cùng Tấm trong rừng tối, Bạch Lão hiện thân thành một bà lão khá giống với cách mà mụ phù thủy trong Bạch Tuyết hóa thành để dụ dỗ nữ chính. Đó là lý do mà càng về sau, giới tính của Bạch Lão càng thêm nhập nhằng, khó xác định.
Năng lực của Bạch Lão
Bạch Lão vốn dĩ là một thế lực tà ác đáng sợ trong Cám. Hắn chỉ có duy nhất một điểm yếu, một “kryptonite” của mình chính là sợi dây chuyền đầu gà của gia tộc nhà Hai Hoàng. Ngoài nó ra, Bạch Lão chẳng sợ gì, và chẳng có ai làm hại được hắn. Trong phim, khán giả cũng hiểu được Bạch Lão nhắm đến việc chiếm đoạt Tấm, điều sẽ khiến hắn được trường sinh bất tử.
Vậy thì tại sao ngay từ khi Tấm ra đời hoặc khi Tấm còn nhỏ, Bạch Lão không nhanh lẹ thực hiện mưu đồ này? Trong lúc vẫn thực hiện cuộc hiến tế mỗi 10 năm kia, hắn thừa năng lực để dụ được bé Tấm đến với mình, thành công thực hiện mưu đồ này. Khi sợi dây chuyền đầu gà vẫn chưa được giao cho Tấm, Bạch Lão hoàn toàn có thể có được cô dễ dàng hơn là đợi cô lớn lên. Có lẽ suy cho cùng, Bạch Lão là một con quỷ “có đỏ mà không có khôn”.
Video đang HOT
Đi tắm, leo cây vào ban đêm
Phiên bản Cám 2024 có nhiều chi tiết kinh điển trong truyện gốc, tất cả đều được đạo diễn Trần Hữu Tấn lồng ghép vào cho đầy đủ. Tuy nhiên có một số tình tiết vẫn chưa khớp với bức tranh tổng thể, được thêm vào như để cho “đủ KPI” và khiến phim thêm dài dòng. Ví dụ, chi tiết Tấm leo cây cau rất được mong đợi nhưng được thể hiện khá nhạt nhòa. Tấm được Cám nhờ leo cây vào lúc trời còn sáng nhưng đến tối Tấm mới leo. Sau đó cũng chẳng có gì đặc sắc xảy ra ngoài một màn tri ân vắn tắt, thiếu điểm nhấn.
Ngoài leo cây, Cám còn hẹn Tấm đi tắm. Cũng là hẹn vào lúc mặt trời còn ló dạng, nhưng đến tối thì hai chị em mới kéo nhau ra hồ. Dễ hiểu là ekip muốn sắp xếp những hoạt cảnh một cách ma mị, ghê rợn nhưng xét về tính logic, lựa chọn của Tấm vẫn chưa hợp lý lắm. Chưa kể, Cám và Tấm đều tắm cùng một dòng sông, nhưng vì sao Tấm luôn xuất hiện sạch sẽ, tươm tất nhưng Cám lại dính bùn đất dơ bẩn, lấm lem?
Cá bống làm vai phụ mờ nhạt
Dễ thấy là trong phim Cám, có không ít nhân vật xuất hiện cho đủ đội hình chứ vai trò không nhiều. Bên cạnh thái tử thì cá bống cũng là một nhân vật như vậy, khi khác hẳn với truyện gốc, cá bống của phim Cám không xuất hiện, không có phép thần thông, không giúp Tấm được gì và thậm chí bị Cám “xử đẹp”.
Xác Cám ở đâu mà làm mắm?
Trận đối đầu cuối cùng giữa Tấm và Cám trong phim dẫn đến một kết cục đắng cay: cả hai chị em đều chịu thua trước quỷ dữ. Tấm bị Bạch Lão trong thân xác Cám dụ dỗ, cởi sợi dây chuyền đầu gà bảo hộ ra và bị hắn khuất phục. Tấm bị Bạch Lão lột da, sau đó hóa thành để nhập cung giả dạng làm vợ thái tử. Đến đây, một loạt những điểm chưa hợp lý hình thành.
Vậy Bạch Lão biến thành Tấm như thế nào? Có 2 trường hợp có thể xảy ra. Một, Bạch Lão đã tự mình hóa thành Tấm. Cả Cám và Tấm đều đã chết, và bằng cách nào đó hắn có thể biến thành một phiên bản Tấm mới bằng xương bằng thịt để nhập cung. Điều này sẽ không hợp lý khi thái tử về sau tiêu diệt được Tấm giả. Nếu Tấm giả này 100% do Bạch Lão biến thành, thì không thể nào cái xác này sinh ra cây thị sau đó.
Hai, Bạch Lão chỉ khoác lớp da Tấm bên ngoài, bên trong vẫn là hắn trong thân xác Cám. Nghĩa là, thân xác của Cám vẫn được hắn trưng dụng, chỉ có lớp da bên ngoài là Tấm mà thôi. Vậy thì cái xác bị đem đi làm mắm là ai, đó là “lỗ hổng” lớn nhất ở giả thuyết thứ 2 này.
Ba, Bạch Lão nhập hẳn vào thân xác của Tấm. Nếu vậy thì vì sao hắn phải lột da Tấm làm gì cho cực, lại còn làm tổn hại đến thân thể của nạn nhân? Đã lột da rồi, sau đó hắn lại còn đắp da lên lại cơ thể của Tấm, một nước đi quá cồng kềnh đến từ vị trí phản diện. Hy vọng trong phần 2 sắp tới, tình tiết này sẽ được phía ekip lý giải cặn kẽ, logic hơn.
Tấm ác ghét mùi quả thị
Việc chi tiết Tấm – Cám – Bạch Lão ở cuối phim trở nên khó hiểu khiến cho chi tiết Tấm ác ghét mùi quả thị không thuyết phục. Nàng Tấm đến giai đoạn này xem như đã chết, và trong thân xác Tấm giả kia chính là Bạch Lão. Tuy nhiên ở đầu phim, khán giả chỉ biết Cám ghét mùi quả thị, còn tên quỷ kia thì chưa chắc. Việc để cho Bạch Lão cũng ghét mùi quả thị được lồng ghép vào có phần khiên cưỡng, chỉ có tác dụng để thái tử nhận ra điểm chưa đúng và triệt hạ Tấm giả về sau, chứ chưa thật sự khớp vào mạch phim chung.
Cảnh kết chóng vánh
Với việc Tấm ác là hiện thân của quỷ dữ, người xem không khỏi mong chờ một màn đụng độ hoành tráng giữa hắn và thái tử. Thế nhưng cảnh cuối cùng của phim Cám khép lại chỉ bằng việc thái tử đến tận nơi Tấm đang múa, rút kiếm ra và… hết. Đoạn còn lại được diễn giải bằng hoạt hình và lời dẫn chứ không có cuộc chiến đáng mong đợi nào nổ ra.
Điều này gây nên nỗi thất vọng cho người xem, nhất là việc thái tử đã giết Tấm giả bằng cách nào. Đành rằng anh có trong tay sợi dây chuyền đầu gà, nhưng nó dù sao cũng chỉ có tác dụng bảo vệ chứ không phải đánh đuổi kẻ tà ác. Thế nhưng, cái kết chóng vánh, “phi cao trào” này thực chất để ekip dồn sức cho phần 2 trong thời gian tới, khi Dị Bản Tấm Cám 2: Hoàng Cung Dị Truyện rất có thể sẽ mang đến cuộc chiến giữa thái tử và thái tử phi mà ai ai cũng trông ngóng.
Cám đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Phim Việt hot nhất hiện tại được khen đẹp đến từng khung hình, netizen nức nở "y hệt cổ tích luôn"
Khán giả đánh giá cao sự chỉn chu, tỉ mỉ của ekip trong việc phục dựng, tái hiện hình ảnh Việt Nam xưa.
Sau quá trình quảng bá gây tò mò cho khán giả, cuối cùng phim điện ảnh Cám cũng chính thức phát hành và nhận được sự quan tâm cực kỳ lớn. Trong cuối tuần công chiếu đầu tiên, phim ghi nhận doanh thu cao và trở thành chủ đề nóng trên các nền tảng MXH. Đây là tác phẩm lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Tấm Cám tuy nhiên từ tính cách, số phận các nhân vật đến tình tiết trong phim đều được làm mới hoàn toàn so với nguyên tác, mang tới cho khán giả một dị bản đẫm máu.
Hiện tại, trên MXH xuất hiện nhiều review tranh cãi về chất lượng của Cám. Trong khi kịch bản nhận về nhiều ý kiến trái chiều thì diễn xuất của bộ ba nữ chính và phần nhìn của phim lại ghi điểm tuyệt đối. Khán giả tương đối hài lòng với tạo hình các nhân vật và nhất là bối cảnh của phim. Tuy nhà sản xuất và đạo diễn quyết định không chỉ rõ phim lấy bối cảnh ở vùng miền nào nhưng xem Cám, khán giả ở vùng miền nào cũng có thể thấy được hình ảnh Việt Nam xưa rất gần gũi với ao sen, cầu tre, giếng nước, sân đình,...
Được biết Cám có 4 bối cảnh chính, thuộc hai tỉnh thành là Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Nổi bật và đáng nhớ nhất trong phim có lẽ là bối cảnh đình làng và đầm sen, cả hai bối cảnh này đều thuộc tỉnh Quảng Trị. Những cảnh tụ họp dân làng, tổ chức lễ hội,... được ghi hình tại đình làng Hà Trung. Đây đều là những đại cảnh với số lượng diễn viên quần chúng lớn, tái hiệu lại nhiều trò chơi dân gian quen thuộc của Việt Nam như đánh đu, đấu vật,... Tương tự, cảnh chợ quê xưa cũng quy tụ số lượng diễn viên lớn, tất cả đều được chăm chút tỉ mỉ, từ phục trang, hóa trang của diễn viên đến các đạo cụ tái hiện bối cảnh một khu chợ.
Những phân cảnh diễn ra ở đầm sen cũng được khán giả đánh giá cao về độ đẹp mắt. Từ cảnh Bờm - Cám trải lòng cùng nhau trên cầu ao đến cảnh chị em Tấm - Cám tắm và đẹp nhất phải kể đến cảnh Tấm có điệu múa bên ao sen.
Với bối cảnh khu nhà của Tấm - Cám, ekip làm phim ghi hình tại làng cổ Phước Tích nằm ở Huế. Ngôi làng này đã có lịch sử hơn 500 năm và có nhiều căn nhà cổ đậm chất kiến trúc của nhà rường rất độc đáo. Ekip đã lựa chọn một căn nhà ở đó để làm bối cảnh chính cho tác phẩm. Có lẽ bởi vốn dĩ đây là nhà cổ có kiến trúc độc đáo, ekip không cần phục dựng, chỉnh sửa nhiều nên khi lên phim, cảm giác vô cùng chân thật.
Một số hình ảnh khoe bối cảnh trong phim Cám
Tựu chung lại, Cám đã làm rất tốt trong việc tái hiện bối cảnh làng quê xưa. Sự tỉ mỉ, chỉn chu trong từng món đạo cụ, từng góc máy đã mang đến những khung hình đầy cổ kính, hoài niệm và đẹp mắt. Không ít bình luận khen ngợi sự đầu tư của ekip, nhiều người còn cho rằng phần bối cảnh phim tạo cảm giác như thể truyện cổ tích thật sự mà họ từng tưởng tượng.
Bình luận của khán giả
Cám là dự án điện ảnh được thực hiện bởi ê-kíp Tết Ở Làng Địa Ngục và Kẻ Ăn Hồn, từ đạo diễn Trần Hữu Tấn và NSX Hoàng Quân. Bộ phim hiện đang công chiếu tại tất cả các cụm rạp trên toàn quốc.
Cám: Cú "lật ngược" cổ tích đầy mạo hiểm! Cám không chỉ giữ được tinh thần của truyện cổ tích mà còn mang đến một trải nghiệm điện ảnh đầy bất ngờ và thú vị cho người xem. Tối ngày 17/9 vừa qua, bộ phim điện ảnh Cám đã chính thức ra mắt khán giả, đánh dấu một bước đột phá táo bạo trong việc chuyển thể truyện cổ tích Việt Nam...