Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và quyết định “sinh tử” trong đời cầm quân
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp đã phải đứng trước một quyết định cực kỳ khó khăn là đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”. Đây là một quyết định mà nửa thế kỷ sau, khi tiếp xúc với báo chí phương Tây, ông đã thổ lộ là “khó khăn nhất trong cuộc đời binh nghiệp của mình”.
Bước sang giai đoạn tổng phản công 1953-1954, tình hình chiến sự trên bán đảo Đông Dương bước sang những thời khắc quan trọng cuối cùng. Vào thời điểm này quân ta đã chiếm gần như toàn bộ khu vực Trung Lào và Nam Lào. Chỉ huy quân Pháp nghĩ rằng, nếu ngăn chặn được đường tiếp tế của phe Việt Minh tại Điện Biên Phủ, thì họ sẽ triệt hạ dễ dàng lực lượng Việt Minh tại Lào. Với nhận định như thế, bộ chỉ huy quân đội Pháp tại Đông Dương quyết định biến Điện Biên Phủ thành cụm tập đoàn cứ điểm, nhằm thu hút lực lượng chủ lực của Việt Minh và tiêu diệt.
Lòng chảo Điện Biên Phủ nằm gần biên giới Lào với nhiều đồi núi thấp, do đó dễ quan sát một vùng rộng lớn chung quanh. Pháp cho xây dựng tại đây cụm 49 cứ điểm liên hoàn với hỏa lực cực mạnh. Hơn nữa, quân Pháp lại có lợi thế là vừa làm chủ trên không vừa làm chủ những đường tiếp tế trên bộ. Kế hoạch này đã được các chiến lược gia và tướng lãnh Pháp nghiên cứu tỉ mỉ và đặc biệt tin tưởng kế hoạch phòng thủ chiến lược ở Điện Biên Phủ, sẽ biến Tập đoàn cứ điểm này thành “Cối xay thịt”, tiêu diệt chủ lực của Việt Minh.
Nhận thấy, đây là một cơ hội tuyệt vời để tiêu diệt lớn sinh lực địch, xoay chiến cục diện của cuộc kháng chiến, Đảng và Bác Hồ nhận định, phải đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, ra cú đòn quyết định, đánh gục thực dân Pháp, buộc Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, trước trận đánh lịch sử này, dưới sự cố vấn của các cố vấn quân sự Trung Quốc, phía ta đã lên phương án tác chiến: Dồn tổng lực đánh tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm này trong 3 ngày đêm.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn đưa ra những quyết định vô cùng sáng suốt
Trước khi trận đánh diễn ra, các chiến lược gia Pháp nghĩ rằng, Điện Biên Phủ địa hình hiểm trở, đường sá xa xôi, Việt Minh muốn công hạ căn cứ này thì chắc chắc phải sử dụng chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh”, vì không có lực lượng tiếp tế, trong khi Pháp với lực lượng thiện chiến, hỏa lực mạnh, công sự kiên cố, lại có ưu thế về tiếp viện đường không sẽ ung dung cố thủ, nghiền nát các binh đoàn chủ lực của đối phương.
Họ không thể ngờ rằng, Việt Minh đã có khả năng huy động một lực lượng dân công hùng hậu với hàng trăm ngàn lượt người, thay phiên nhau từ các vùng đồng bằng lân cận lên vùng Điện Biên cách đó hàng trăm cây số, sử dụng các phương tiện thô sơ như xe đạp thồ, sức người để cõng lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn dược lên trận địa, kéo pháo bằng sức người lên những ngọn đèo cao vút, dài hàng chục km.
Tất cả công tác đã hoàn tất, chỉ chờ lệnh tổng tiến công. Tuy nhiên, cũng trong thời khắc lịch sử này, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp đã phải đứng trước một quyết định cực kỳ khó khăn. Sau khi lên đến chiến trường, nắm hình thái bố trí và dự trù phương án đối phó của địch, Đại tướng băn khoăn đánh như vậy liệu có thắng được không, khi Điện Biên Phủ là Tập đoàn cứ điểm liên hoàn, có khả năng hỗ trợ phòng thủ lẫn nhau rất tốt, trong khi ta chưa có kinh nghiệm đánh công kiên lớn, hỏa lực lại yếu hơn đối phương?
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Chiến dịch Điện Biên Phủ
Trên thực tế, Điện Biên Phủ không phải là tập đoàn cứ điểm lớn đầu tiên mà quân đội ta tiến công. Trước đó, vào cuối chiến dịch Tây Bắc 1952, để tái cân bằng thế bố trí với lực lượng Việt Minh đang thắng như chẻ tre ở đây, Pháp cho quân tức tốc xây dựng cụm tập đoàn cứ điểm rất mạnh ở Nà Sản. Đây là hình thái bố trí quân sự liên hoàn, các cụm cứ điểm liên kết chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau tối đa trong cả tấn công và phòng thủ. Đây chính là mô hình thu nhỏ của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Về hỏa lực, Pháp vượt trội hơn so với quân ta nhờ có sự chi viện đắc lực của hỏa lực cơ động từ xe tăng và máy bay, hơn nữa, lúc nào chúng cũng có thể đổ thêm quân bằng máy bay để tăng viện, nhanh hơn rất nhiều so với cơ động đường bộ của ta. Khi tấn công vào cụm cứ điểm này, quân ta đã chịu nhiều thương vong. Chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải ra lệnh ngừng tấn công Nà Sản để bảo toàn khí thế chiến thắng và tránh thương vong cho bộ đội.
Những kinh nghiệm xương máu ở Nà Sản còn đang nóng hổi, trong khi đó, tập đoàn cứ điểm ở Điện Biên Phủ được Pháp xây dựng và phát triển trong một thời gian lâu dài hơn, với nguồn vật tư và nhân lực to lớn hơn. Không phải không có cơ sở để Pháp tuyên bố “Điện Biên Phủ là pháo đài bất khả xâm phạm”. Nghiên cứu tình hình thấu đáo như vậy, phương châm tốc thắng “san bằng Điện Biên Phủ trong 3 ngày” đã gây rất nhiều băn khoăn cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Video đang HOT
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “tướng quân tại ngoại”
Thức trắng nhiều đêm trong căn hầm sở chỉ huy, Đại tướng đau đáu vạch phương án tác chiến tối ưu nhất, để hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, cũng như bảo toàn tối đa sinh lực của bộ đội ta. Cuối cùng, Ông đã đưa ra quyết định: Chuyển phương châm tiến công từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”, còn được gọi là đánh “bóc vỏ”.
Đây là một quyết định, mà nửa thế kỷ sau, khi tiếp xúc với báo chí phương Tây, Ông đã thổ lộ là “khó khăn nhất trong cuộc đời binh nghiệp của mình”. Nhiều người còn cho rằng đó là một quyết định “sinh tử”, nếu sai, chưa biết lịch sử sẽ rẽ sang hướng nào!
Chúng ta thường ca ngợi quyết định cực kỳ sáng suốt của Đại tướng nhưng ít người biết rằng, đó chính là thời khắc khó khăn nhất trong cuộc đời Đại tướng. Nó không chỉ thể hiện bản lĩnh của một nhà cầm quân thiên tài mà còn thể hiện tài thu phục nhân tâm và thuyết phục người khác của ông. Bởi khi đó, các cố vấn Trung Quốc rất tâm đắc với phương án “Đánh nhanh thắng nhanh”, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn thành, các đơn vị đã nắm nhuần nhuyễn phương án tác chiến cũ, sự thay đổi này sẽ gây ra những chấn động rất lớn.
Thay đổi phương án tác chiến vào lúc “đạn đã lên nòng” tức là thay đổi lại tư duy chiến dịch cho bộ đội và tướng lĩnh, mọi công tác chuẩn bị chiến trường và bảo đảm hậu cần sẽ phải làm lại từ đầu, kế hoạch tác chiến của từng đơn vị và hiệp đồng trên toàn mặt trận sẽ phải xây dựng lại. Đây là vấn đề không hề đơn giản. Nếu không làm tốt công tác tư tưởng và có những luận cứ thuyết phục để mọi người nhìn thấy bản chất của vấn đề mà chỉ chăm chăm ra lệnh, tinh thần chiến đấu của bộ đội chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện với bà con các dân tộc tại khu di tích lịch sử tại xã Mường Phăng, trong lần trở lại chỉ huy sở của chiến dịch Điện Biên
Đại tướng hồi tưởng, trước khi nhận nhiệm vụ ở Điện Biên Phủ, Bác Hồ đã gặp Ông hỏi đi xa như vậy có gặp khó khăn gì không? Đại tướng cho hay công việc ở chiến trường đã có các anh em đi trước giúp đỡ phần nào. Chỉ lo một điều Điện Biên Phủ cách Việt Bắc hơn 500 km nếu có gì khó khăn sợ không kịp xin chỉ thị của Bác. Bác Hồ nói ngay “tướng quân tại ngoại”, nghĩa là “mọi việc trao cho chú toàn quyền quyết định”.
Tài thao lược của Đại tướng là dù được trao toàn quyền quyết định nhưng khi thấy thực tế ở chiến trường không đúng với dự tính, Ông đã kiên trì thuyết phục mọi người chuyển sang hướng chiến lược khác, chứ không áp đặt quyền của một vị Tổng tư lệnh đối với tướng lãnh và quân sĩ trước chiến dịch lớn một mất một còn. Hơn nữa, thuyết phục được các chuyên gia Trung Quốc đồng ý với kế hoạch mới, để họ không tự ái mà vẫn vui vẻ giúp đỡ ta là một vấn đề cực kỳ tế nhị.
Đại tướng đã triệu tập hội nghị Quân ủy tại mặt trận, trình bày và phân tích những những vấn đề mà Ông đang trăn trở. Đại tướng cho rằng, phải xây dựng phương án tác chiến đánh để giành chiến thắng chứ không thể đánh liều. Nếu không chuyển phương án tác chiến thì chúng ta chắc chắn là đánh không thắng mà có thể gặp tổn thất lớn. Hội nghị này đã phát huy hết tinh thần dân chủ trong Đảng ủy mặt trận, mọi người cuối cùng đã nhất trí 100% với quyết định đổi phương án đánh của Đại tướng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thể hiện niềm tin chiến thắng. Ảnh do phóng viên ảnh Bettman chụp tại Hà Nội ngày 29/5/1969
Gặp cố vấn Trung Quốc Vi Quốc Thanh, Đại tướng đưa ra những lý do rất thuyết phục. Thứ nhất, bộ đội Việt Nam mới có khả năng đánh một tiểu đoàn hay một tiểu đoàn tăng cường trú ở công sự vững chắc trong một đêm, nhưng chưa có khả năng tiêu diệt một lúc 49 cứ điểm trong tập đoàn cứ điểm lớn mạnh trong ba ngày hai đêm. Thứ hai, đây là lần đầu tiên bộ đội Việt Nam có lựu pháo, pháo cao xạ… và cũng là lần đầu ta hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, nhưng chưa qua diễn tập, nên dễ xảy ra lúng túng, hiệp đồng không ăn khớp, khi áp dụng chiến thuật đánh nhanh thắng nhanh.
Như vậy, chỉ vài giờ trước khi nổ súng theo kế hoạch “Đánh nhanh, thắng nhanh” của cố vấn Trung Quốc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thuyết phục được các tướng lĩnh của ta và ban cố vấn Trung Quốc vui vẻ chấp thuận đổi sang kế hoạch “Đánh chắc, thắng chắc” và hoãn cuộc tấn công lại để chuẩn bị phương án tấn công mới.
Đại tướng Lê Trọng Tấn sau này đã nhận xét: Nếu Đại tướng Tổng tư lệnh không quyết đoán thì toàn bộ lực lượng của ta đã bị “phơi áo” trong lòng chảo Điện Biên. Ông còn nhấn mạnh: “Nếu không có thay đổi trên, cuộc kháng chiến có thể phải chậm mất 10 năm”.
Thực tiễn chứng minh rằng chỉ riêng cứ điểm đồi A1 thôi, ta phải mất 38 ngày đêm mới dứt điểm được. Vậy thì 49 cứ điểm mà ta định đánh trong ba ngày hai đêm là quá mạo hiểm. Ở chiến dịch Điện Biên Phủ, thời gian đầu bộ đội ta giành phần lớn thắng lợi, nhưng lại gặp khó khăn khi đánh đồi A1 và C1 – hai cứ điểm quan trọng của địch. Trận đánh đồi A1, mặc dù đã huy động tới ba trung đoàn nhưng ta đã bị tổn thất rất nặng nề.
Như vậy, có thể thấy, ở những thời khắc lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cực kỳ cẩn trọng đưa ra những quyết định vô cùng sáng suốt, lấy sự tồn vong của dân tộc lên hàng đầu trong mọi tính toán, cân nhắc. Điều đó, đã mang tới những chiến công lừng lẫy của một đội quân nhân dân với những người lính dũng cảm chiến đấu không tiếc xương máu, dưới sự chỉ đạo, dìu dắt của người Tổng tư lệnh mưu trí tuyệt vời, quý trọng tính mạng của cán bộ, chiến sĩ trong từng quân lệnh.
Nguyễn Ngọc
Tổng hợp
Theo ANTD
"Sự lạ" về con người làm nên chiến thắng hai cường quốc
Từ vị tướng bại trận tại thung lũng Mường Phăng Đờ Catsxtơri tới những tướng lĩnh, sử gia của Pháp, Mỹ, Anh đều tâm phục, tôn vinh Đại tướng, Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam Võ Nguyên Giáp là một thống soái lớn của mọi thời đại, một tài năng quân sự chưa từng thấy.
Câu chuyện của tướng Đờ Catsxtơri được thiếu tướng Cao Pha (Phó Cục trưởng Cục Quân báo, Bộ Tổng Tham mưu được phân công đặc trách công tác tình báo, quân báo, trinh sát, nắm địch trong chiến dịch Điện Biên Phủ) kể lại. Ngày 10/5/1945, ông Pha nhận được chỉ thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về việc khai thác số tù binh sĩ quan cấp cao trước khi trao trả cho đối phương. Trong quá trình hỏi cung, tướng Đờ Catsxtơri đề nghị cho ông ta được phát biểu vài cảm nhận về Tổng Tư lệnh Quân đội Việt Nam.
Vị tướng bại trận nhận xét: "Tướng Giáp là một người thông minh, dũng cảm, một người giỏi chỉ huy du kích. Ông cũng giỏi về chính trị, về chủ nghĩa cộng sản. Chúng tôi đã thấy rõ điều đó. Nay qua trận Điện Biên Phủ, tôi thấy Tướng Giáp không những giỏi về chỉ huy đánh du kích mà còn giỏi cả về chỉ huy trận địa chiến, chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng, và cả về nghi binh đánh lừa tình báo đối phương. Điều đó làm tôi hết sức ngạc nhiên và không biết Tướng Võ Nguyên Giáp đã tốt nghiệp từ những trường, học viện võ bị cao cấp nào".
Tướng Đờ Cát đặt hàng loạt câu hỏi, Tướng Giáp đã bí mật đi nghiên cứu ở Nga Xô chăng? Hay Tướng Giáp là một trong số ít người trước đây đã được đào tạo ở trường võ bị Xanh Xia (Saint Cyr) của Pháp và nay ông đi làm Việt Minh? Hay là Tướng Giáp đã tốt nghiệp học viện quân sự ở Mỹ?
Đờ Cátxtơri và các tướng lĩnh bị bắt sống, áp giải đi khi thua trận ở Điện Biên Phủ.
"Quân đội viễn chinh Pháp và các tướng tá Pháp chúng tôi là một đội quân nhà nghề, thiện chiến và trang bị hiện đại. Sự kiện Tướng Giáp thắng chúng tôi ở Điện Biên Phủ làm chúng tôi ngạc nhiên về tài năng của ông. Là chỉ huy trưởng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tôi đã làm tất cả những gì có thể để bảo vệ nó suốt 56 ngày đêm trước áp lực ghê gớm của quân đội Tướng Giáp. Có thể nói tôi đã làm hết sức mình trên chiến trường, còn thua cuộc ở đó là do nhiều nguyên nhân. Nhưng tôi thừa nhận Tướng Giáp rất sành sỏi binh nghiệp và khôn ngoan hơn, tài giỏi hơn tôi đã đành, mà còn hơn cả Tướng Cônhi và Đại tướng Nava. Tôi hân hạnh được làm đối thủ của Tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như Tướng Giáp. Tôi ngưỡng mộ và kính phục ông" - người bại trận tâm phục thừa nhận.
Khái quát về thất bại tại Điện Biên Phủ, tướng Đờ Cát chua xót: "Điện Biên Phủ phiên âm ra Pháp ngữ là Devien fou có nghĩa là tôi trở thành thằng điên".
"Tháng 12/1954, Giáp ở vào tuổi 42 nhưng có vẻ trẻ tuổi hơn rất nhiều. Ông có những nét rất thanh tú, mắt to, tóc đen nhánh, trông có vẻ như một phụ nữ. Nhưng ông chẳng phụ nữ tý nào, ở ông là một con người có nghị lực thần kỳ, một trí tuệ sắc bén. Ông bình tĩnh phân tích tình hình và quyết định không do dự những phương pháp chiến đấu với lòng quả cảm tuyệt đối. Ông sẵn sàng bước vào nghiền nát đối phương" - tướng Anh Peter Macdonal.
Thêm một vị Tướng khác của Pháp, ông Macsxen Bigia - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp bình luận về Tướng Giáp: "Ông Giáp là chỉ huy quân đội chiến đấu thắng lợi trong một thời gian đặc biệt dài. Đạt được như thế trong 30 năm là một kỳ tích từ trước giờ chưa từng thấy".
Tướng Oetsmolen - tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Mỹ từ năm 1964-1968 phân tích sâu hơn: "Mọi đức tính để tạo thành một thống soái quân sự lớn là sự quả đoán, sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung suy nghĩ và hành động bằng trí thông minh thì ông Giáp đều có cả những đức tính ấy. Đây là một con người rất kiên quyết, một tướng soái lớn".
Nhà sử học quân sự Mỹ Xexin Cari thì đánh giá, Võ Nguyên Giáp là vị tướng duy nhất trong lịch sử hiện đại tiến hành chiến đấu chống kẻ thù từ thế vô cùng yếu, thiếu trang bị, thiếu nguồn tài chính, từ buổi đầu mà trong tay chưa có quân vậy mà vẫn liên tiếp đánh bại tàn quân của đế chế Nhật Bản, quân đội Pháp (một đế chế thực dân số 2) và Mỹ (một trong hai siêu cường thế giới) dù Mỹ đã ném vào trong đó những nguồn nhân vật lực và kỹ thuật to lớn trong thời gian dài.
Sau đó, ông tiếp tục theo dõi trận chiến nhằm vào dân Nam Việt Nam từ Campuchia và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới.
"Trong hơn 30 năm từ con số không ông đã xây dựng một bộ máy chiến tranh nông dân bách thắng và ông đã làm điều đó ở một nước nghèo. Ông là động lực đằng sau mọi thắng lợi. Thành tích của ông là vô song và kết quả ông thu được là phi thường. Đó chính là thiên tài quân sự" - ông Xexin Cari nhấn mạnh.
Nhà sử học Pháp Daniel Roussel trong một bức ảnh chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Phân tích cụ thể từ diễn biến trên chiến trường Trường Sơn, nhà sử học quân sự của Mỹ nêu ví dụ, trong những năm đầu tiên vận chuyển vũ khí, lương thực tiếp tế chiến trường miền Nam, cứ mỗi cặp đạn cối 81mm mà các chiến sĩ của Tướng Giáp sử dụng trên chiến trường là kết quả của một chiến sĩ mang vác lên xuống 3 tháng trên đường mòn Hồ Chí Minh. Theo ông, đó là một chiến tích ngoài sức tưởng tượng. Không ai có thể vui mừng hơn ông khi đường mòn đó được cải thiện vào giữa thập kỷ 60 tới độ đã có thể dùng xe tải để chở phần lớn số hàng tiếp tế vào Nam.
Tướng người Anh Peter Macdonal trong cuốn sách "Giáp - một sự đánh giá" (Giap - an assessment) gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là "một trong những thống soái lớn của mọi thời đại - một vị tướng tài năng, bách chiến bách thắng".
Đối với toàn thế giới, chính Võ Nguyên Giáp là vị tướng đã chỉ huy một quân đội trang bị thô sơ mà chiến thắng 2 cường quốc phương Tây. Năm 1954, Giáp chiến thắng lẫy lừng ở Điện Biên Phủ, buộc Pháp phải rút khỏi Đông Dương và thúc đẩy nhanh chóng sự sụp đổ của những đế quốc Châu Âu có trước chiến tranh...
"Một quân đội của một nước nghèo, công nghiệp lạc hậu có thể chiến thắng 2 cường quốc thế giới đã là một điều lạ, thì ở chính bản thân con người đã góp phần lớn vào chiến thắng đó, điều lạ cũng không kém" - tướng Macdonal bình luận.
Sau cùng, vị tướng người Anh khái quát, từ chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ buộc Pháp phải rút khỏi Đông Dương và thúc đẩy sự sụp đổ nhanh chóng của những đế quốc Châu Âu có trước chiến tranh đến mùa Xuân năm 1975, ông Giáp đã buộc một quốc gia chấp nhận thất bại cả về tinh thần lẫn quân sự... Trong nước, ông được kính trọng như một nhà lãnh đạo quốc gia kỳ cựu và một lão chiến binh. Ở ngoài nước, ông được trọng vọng như một nhà chính trị - quân sự có uy tín rất cao".
P.Thảo (tổng hợp)
Theo Dantri
Người dân TPHCM làm lễ tưởng niệm Đại tướng Hôm nay 11/10 người dân TPHCM đã tổ chức những buổi tưởng niệm để cùng nhớ về những công lao của vị Tướng vĩ đại Võ Nguyên Giáp Từ sáng sớm cụ Vũ Quang Lân (Nguyễn Trãi, Quận 1, Tp.HCM), một cựu chiến binh đã bận rộn bày biện bàn thờ để kịp giờ làm lễ tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp....