Tổng thư ký Quốc hội: Dự án nạo vét sông “đội vốn” 36 lần là có cơ sở
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng dự án nạo vét sông Sào Khê ( Ninh Bình) đội vốn lên 36 lần gây xôn xao dư luận thời gian qua là có cơ sở và do Thủ tướng khi đó quyết định.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.
Tại cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá 14 chiều 15/6, trước đề nghị nêu quan điểm về việc dự án nạo vét sông Sào Khê ( xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình) đội vốn lên 36 lần gây bức xúc dư luận suốt thời gian qua, ông Nguyễn Hạnh Phúc – Tổng thư ký kiêm người phát ngôn Văn phòng Quốc hội cho rằng việc vốn “nở” ra như vậy là “có cơ sở”.
“Liên quan đến dự án nạo vét sông Sào Khê, cái này liên quan đến khu Tràng An – công trình chúng ta chào đón 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Lúc đầu, UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt dự án là 72 tỷ đồng, nhưng sau đó qua 4 lần điều chỉnh về vốn, bao gồm cả vốn trung ương và vốn địa phương thì vốn tăng lên thành 2.600 tỷ đồng”- ông Phúc nói.
Theo ông Phúc, từ năm 2003 – 2004 đến nay có một số cơ quan như Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ đã xem xét kiểm tra, đặc biệt là khâu kiểm toán. “Chúng ta mới nghe từ 72 tỷ đồng mà nhảy lên 2.600 tỷ đồng thì sợ lắm nhưng xem báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì tôi thấy có ý nói đến rất nhiều những lần điều chỉnh mục tiêu của dự án, vì thế mà nhu cầu cũng tăng lên. Cái này cũng không có gì khác biệt cả. Tỉnh Ninh Bình đã có giải trình, khi hỏi thì Bí thư tỉnh ủy Ninh Bình cũng có giải thích là vốn đó “nở” ra. Nghe thì thấy sợ, nhưng mà xem xét lại thì nó có những cơ sở của nó”- Tổng thư ký Quốc hội cho hay.
Video đang HOT
Lý giải thêm chuyện này, ông Phúc cho rằng dự án “nở” vốn lên 36 lần sau 4 lần điều chỉnh mục tiêu đều được Thủ tướng Chính phủ khi đó thông qua và có quyết định.
“Việc phân bổ vốn thì Thủ tướng cũng đã có quyết định về nguồn vốn qua 4 lần điều chỉnh mục tiêu. Đặc biệt là phục vụ cho mục tiêu liên quan đến việc trình UNESCO công nhận khu di sản Tràng An là di sản của thế giới”- Tổng thư ký Quốc hội nói thêm.
Dự án nạo vét sông Sào Khê đội vốn 36 lần nhưng thi công 17 năm chưa xong (Ảnh: Thái Bá).
Trước đó, trả lời báo chí liên quan đến dự án này, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh cho biết dự án ban đầu quy mô nhỏ nhưng khi làm vướng khu cố đô nên yêu cầu phải mở rộng, phải giải phóng mặt bằng, lo tái định cư nên dẫn đến đội vốn. Nguyên nhân chính là do khảo sát không kỹ.
“Lỗi ở đây chính là câu chuyện cơ chế. Đầu tiên dự án vào danh mục thì địa phương vốn ít nên làm dự án nhỏ, nhưng khi được phê duyệt, triển khai thì yêu cầu điều chỉnh nên nó cứ “nở” dần”- bà Thanh nói.
Nhiều đại biểu Quốc hội đã tỏ ra bức xúc trước thông tin về dự án này. Trong đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng dự án nạo vét đội vốn tới 36 lần thì “có nghĩa là không hiệu quả, ảnh hưởng tiêu cực, làm gánh nặng cho nền kinh tế”.
“Trên thế giới, một dự án phát triển tăng vốn lên 36 lần như vậy thì không thể giải thích gì thêm được. Đầu tư quan trọng nhất là chất lượng và hiệu quả. Khi đã kéo dài là không hiệu quả, tác động ngược lại nền kinh tế, là gánh nặng nền kinh tế khi đội vốn, kéo dài”- ông Nghĩa nói trước Quốc hội và đề nghị thanh tra lại dự án, xem đâu là khách quan, đâu là chủ quan.
Thế Kha
Theo Dantri
Luật về đặc khu có được lấy ý kiến rộng rãi như Luật đất đai?
Chiều nay (15.6), tại buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, báo chí đã đặt câu hỏi: Dự án luật về đặc khu hiện đã được lùi thời gian thông qua, trong thời gian này Ban soạn thảo có ý kiến Nhân dân một cách rộng rãi như trường hợp lấy ý kiến về Hiến pháp, Luật đất đai...
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết: Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sau khi Quốc hội thảo luận trên hội trường, các đại biểu còn nhiều ý kiến khác nhau, bên cạnh đó các chuyên gia, các nhà khoa học, người dân cũng có ý kiến. Trước đó, Ủy banThường vụ Quốc hội cũng tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị để lấy ý kiến các nhà khoa học chuyên gia cho dự luật này.
"Chúng tôi cũng đi tìm hiểu các đặc khu ở nước ngoài để học tập. Một dự án Luật khi trao đổi còn nhiều vấn đề khác nhau nên Quốc hội cho lùi thời hạn lại để tiếp tục nghiên cứu và lắng nghe ý kiến đóng góp. Trên cơ sở đó sẽ tiến hành chỉnh lý cho hợp lý, ví dụ một số vấn đề về đất đai, trước đây dự luật đưa ra quy định cho thuê đất ưu đãi 99 năm nay thực hiện theo quy định của Luật đất đai 2013 (thời hạn thuê đất cao nhất 70 năm -PV), hay vấn đề liên quan chính sách thuế tới đây sẽ rà soát lại để phù hợp", ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc nói thêm: "Phóng viên có hỏi việc dự thảo Luật này có được lấy kiến Nhân dân rộng rãi như với làm Hiến pháp, Luật đất đai trước đây hay không. Theo tôi chưa đến mức phải lấy ý kiến như vậy, trước mắt chúng ta tiếp thu hết các ý kiến như cách làm này là tốt rồi".
Trước đó vào sáng nay Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kỳ họp thứ 5. Nghị quyết của Quốc hội đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo việc tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và Nhân dân để hoàn thiện dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, hoàn chỉnh các dự thảo nghị quyết, đề án về thành lập từng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sau; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong cử tri và Nhân dân.
Tại buổi họp báo, phóng viên báo nước ngoài đã đề cập có công khai danh tính của các đại biểu bấm nút tán thành và không tán thành khi thông qua Luật An ninh mạng, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh phúc cho biết: Quốc hội Việt Nam thực hiện biểu quyết công khai kết quả, không công bố danh tính.Trên thế giới có khoảng Quốc hội các nước công bố danh tính, còn 3/4 không công bố danh tính. Hình thức nào cũng có mặt tích cực và không tích cực.
Theo Danviet
Tại sao Quốc hội thông qua Luật an ninh mạng, lùi luật về đặc khu? Chiều nay (15.6), tại buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, báo chí đã đặt câu hỏi: Hai dự luật là An ninh mạng và Luật về đặc khu đều có nhiều ý kiến phản ứng, nhưng tại sao một luật được Quốc hội thông qua, còn một luật lại lùi thời gian thông qua...