Tổng Thư ký QH: “Lần đầu tiên phiên thảo luận có số ĐB đăng ký lớn vậy”
“Qua kinh nghiệm tham gia mấy khóa Quốc hội, lần đầu tiên tôi thấy có số lượng đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đăng ký phát biểu lớn như vậy tại một phiên thảo luận” – Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Chiều 21.6, Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức họp báo thông báo về kết quả kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV vừa bế mạc sáng 21.6.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.
Trả lời câu hỏi của báo chí về đổi mới hoạt động của Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc – Tổng Thư ký Quốc hội – cho biết: Hoạt động của Quốc hội đang chuyển dần từ tham luận sang tranh luận. Tại nhiều phiên thảo luận, các ĐBQH rất tích cực giơ biển tranh luận.
“Việc tranh luận không chỉ diễn ra giữa ĐBQH với Bộ trưởng và các thành viên Chính phủ mà tranh luận giữa các ĐBQH với nhau. Việc tranh luận như vậy là rất tốt, bởi nó làm rõ vấn đề để cho các ĐB khác cũng như đồng bào cử tri cả nước biết” – Tổng Thư ký Quốc hội nói.
Vẫn theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, tại kỳ họp này, sự điều hành của chủ tọa rất linh hoạt. Trên cơ sở thời lượng, nội dung phiên thảo luận, chủ tọa sẽ kéo dài thêm thời gian.
Video đang HOT
“Hôm thảo luận về kinh tế – xã hội ngày 9.6, Quốc hội đã thảo luận đến 18h30. Chỉ thêm có 1 tiếng 30 phút so với thông lệ nhưng đã có thêm được 15-16 vị ĐBQH được phát biểu. Có đến 93 ĐBQH đăng ký phát biểu. Kinh nghiệm tham gia mấy khóa Quốc hội, lần đầu tiên tôi thấy có số lượng ĐBQH đăng ký phát biểu lớn như vậy tại một phiên thảo luận” – Tổng Thư ký Quốc hội cho biết.
Tại phiên thảo luận này, tổng cộng có 56 ĐBQH phát biểu ý kiến, có 5 đại biểu phát biểu tranh luận.
Vẫn theo Tổng Thư ký Quốc hội, tại phiên chất vấn cũng được tăng thêm thời gian. “Tăng từ 2,5 ngày lên 3 ngày là để dành thời gian cho người hỏi và người trả lời chứ không tăng thêm đối tượng trả lời. Có 196 ĐBQH đặt câu hỏi chất vấn và 58 ĐBQH tham gia tranh luận. Ngoài 4 bộ trưởng đăng đàn chính thức, còn một số bộ trưởng, trưởng ngành, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã tham gia trả lời chất vấn” – ông Phúc nói.
Tại buổi họp báo, ông Lê Bộ Lĩnh – Phó Tổng Thư ký Quốc hội – cho biết: Sau một tháng làm việc, Quốc hội đã thông qua được 12 luật và 12 nghị quyết, cho ý kiến vào 6 dự án luật. Đáng chú ý trong số các luật được thông qua tại kỳ họp này có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo ông Lê Bộ Lĩnh, dự án luật này đã cơ bản khắc phục được những sai sót về kỹ thuật, những quy định bất hợp lý của Bộ luật Hình sự năm 2015. Đồng thời, bổ sung một số điều luật mới như tội Kinh doanh trái phép theo phương thức đa cấp; mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội Tài trợ khủng bố và tội Rửa tiền để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới và xử lý một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn sau khi Bộ luật Hình sự năm 2015 được thông qua.
Để nâng cao chất lượng hoàn thiện dự án luật trước khi trình Quốc hội thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức hội nghị để các vị ĐBQH tiếp tục thảo luận, góp ý kiến.
Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng nghe báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho ông Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) thôi nhiệm vụ ĐBQH.
“Riêng đối với dự án Luật Quy hoạch, Quốc hội đã thống nhất chưa thông qua tại kỳ họp thứ 3 do dự án Luật vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, cần thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến các bộ, ngành chịu sự tác động trực tiếp để hoàn thiện, nâng cao chất lượng và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10.2017)” – ông Lê Bộ Lĩnh cho biết.
Theo Danviet
Tổng thư ký Quốc hội nêu lý do ông Đinh La Thăng về đoàn Thanh Hóa
Chiều 19.5, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chủ trì họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.
Tại đây, báo chí đã đặt câu hỏi: Căn cứ pháp lý nào để Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý cho ông Đinh La Thăng chuyển về sinh hoạt tại Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng thư ký Quốc hội cho biết: Tại Hội nghị T.Ư Đảng lần thứ 5 khóa XII vừa qua, trên cơ sở kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Ban chấp hành T.Ư đã có Nghị quyết thi hành kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng là cảnh cáo.
"Ông Đinh La Thăng có đơn thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị và đã được Ban chấp hành T.Ư Đảng đồng ý. Thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị tức là thôi chức Bí thư Thành phố, thôi Trưởng Đoàn Đại biểu TP.HCM. Bộ Chính trị đã điều động ông Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về giữ chức Bí thư Thành ủy TP.HCM. Đảng Đoàn Quốc hội cũng giới thiệu ông Nguyễn Thiện Nhân làm Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM. Đoàn TP.HCM tới đây sẽ họp và bầu Trưởng Đoàn mới" - Tổng thư ký Quốc hội thông tin.
Vẫn theo Tổng thư ký Quốc hội, ông Đinh La Thăng có nguyện vọng chuyển sinh hoạt về Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa, đồng thời Đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa cũng có văn bản đề nghị cho ông Đinh La Thăng về sinh hoạt tại Đoàn Thanh Hóa. Hai nơi cùng đề nghị như thế nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét đơn xin chuyển sinh hoạt Đoàn đại biểu Quốc hội của ông Đinh La Thăng - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đại biểu Quốc hội khóa XIV. UBTVQH đã biểu quyết, nhất trí về việc chuyển sinh hoạt Đoàn đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng từ Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa.
Vào ngày 10.5, Bộ Chính trị đã phân công điều động ông Nguyễn Thiện Nhân giữ chức Bí thư Thành ủy TP.HCM; điều động ông Đinh La Thăng về giữ chức Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Vào ngày 7.5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XII với tỷ lệ phiếu biểu quyết trên 90% vì những vi phạm thời còn công tác tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN. Ông Đinh La Thăng từng giữ chức Bộ trưởng Bộ GTVT.
Theo Danviet
10 dấu ấn trong hoạt động Quốc hội năm 2016 Rất nhiều những việc "lần đầu tiên" đã diễn ra trong năm 2016. Những dấu ấn này, theo đánh giá của Tổng Thư ký Quốc hội, đã thể hiện sự quyết tâm và trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, đặc biệt là sự tham gia đóng góp của các cơ quan thông tấn, báo chí....