Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức tại Gaza
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 23/3 đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức tại Dải Gaza theo tinh thần của tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu trước báo giới tại cửa khẩu biên giới Rafah của Ai Cập cùng ngày, ông Guterres cho biết trong chuyến thăm cửa khẩu biên giới Rafah giữa Ai Cập và Dải Gaza, ông đã quyết định nhịn ăn để thể hiện tình đoàn kết với những người dân đang bị bao vây ở dải đất ven Địa Trung Hải này.
Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh: “Hơn bao giờ hết, đã đến lúc phải ngừng bắn ngay lập tức và đã đến lúc phải ngừng tiếng súng”.
Video đang HOT
Ông Guterres nêu rõ tháng Ramadan là thời gian để truyền bá các giá trị của lòng nhân ái và hòa bình, song người dân ở Dải Gaza lại đang rơi vào hoàn cảnh đau khổ. Ông nói thêm người dân Palestine ở Dải Gaza đang phải hứng chịu các vụ ném bom liên tục và gặp nhiều trở ngại trong việc nhận viện trợ nhân đạo.
Người đứng đầu LHQ kêu gọi Israel đưa ra “cam kết chắc chắn”, tạo điều kiện cho người dân Palestine tiếp cận viện trợ nhân đạo và trả tự do cho tất cả những người còn bị giam giữ. Ông Guterres cũng kêu gọi sự ủng hộ của tất cả các thành viên LHQ, đồng thời khẳng định LHQ mong muốn hợp tác với Ai Cập để tiếp tục đưa hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza. Ông đánh giá cao sự hợp tác của Ai Cập vì người dân Palestine.
Tổng thư ký LHQ đã đến Ai Cập vào sáng 23/3.
LHQ kêu gọi tăng cường hợp tác về tài nguyên nước để ngăn chặn xung đột
Ngày 22/3, nhân Ngày Nước thế giới, Liên hợp quốc (LHQ) khẳng định hợp tác xuyên biên giới về các nguồn nước chung có thể giúp ngăn chặn xung đột và xây dựng hòa bình, đồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia tham gia Công ước của LHQ về Nước.
Người mẹ cho con nhỏ uống nước tại thị trấn Nyanzale, Bắc Kivu, CHDC Congo. Ảnh: AFP/TTXVN
LHQ nhấn mạnh rằng trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tình trạng khan hiếm nước ngày càng gia tăng trên toàn thế giới, hợp tác về nguồn nước giữa các quốc gia đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với sự ổn định và ngăn ngừa xung đột trong khu vực.
Phát biểu với báo giới, Thư ký Công ước của LHQ về Nước, bà Sonja Koeppel khẳng định: "Nước và hòa bình có mối liên hệ rất chặt chẽ". Bà chỉ ra rằng hơn 60% nguồn nước ngọt là tài nguyên chung giữa 2 hoặc nhiều quốc gia, bao gồm các con sông lớn như sông Rhine và sông Danube ở châu Âu, sông Mekong ở châu Á, sông Nile ở châu Phi và Amazon ở Mỹ Latinh. Vì vậy, theo bà, hợp tác về các nguồn nước chung đóng vai trò rất quan trọng cho hòa bình, sự phát triển của hành động khí hậu.
Bà Koeppel nhấn mạnh nước là nguồn tài nguyên quan trọng đến mức có khả năng đưa các quốc gia đang xung đột ngồi vào đàm phán, và mở cánh cửa hợp tác trong các lĩnh vực khác. Các ví dụ điển hình bao gồm thỏa thuận hợp tác về sử dụng sông Indus (sông Ấn) giữa Ấn Độ và Pakistan; hay thỏa thuận mà Senegal, Mauritania, Guinea và Gambia đạt được vào những năm 1970 về lưu vực sông Senegal đã cho phép các bên cùng tài trợ và xây dựng cơ sở hạ tầng để phân phối nước cho cả 4 quốc gia. Bà Koeppel cho biết thêm ngay cả trong bối cảnh căng thẳng chính trị giữa các nước này, "quan hệ hợp tác về nước vẫn tiếp tục tồn tại".
Phát biểu nhân Ngày Nước thế giới (22/3), Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết hiện tổng cộng 153 quốc gia trên thế giới chia sẻ tài nguyên nước chung, nhưng chỉ có 24 quốc gia đã ký các thỏa thuận hợp tác về các nguồn nước chung này. Ông nhấn mạnh cần tăng cường nỗ lực hợp tác xuyên biên giới, đồng thời kêu gọi các nước tham gia và thực hiện Công ước của LHQ về Nước. Tổng thư ký khẳng định: "Hành động vì nước là hành động vì hòa bình".
Công ước của LHQ về Nước được thiết lập vào năm 1992 nhằm thúc đẩy việc cùng quản lý tài nguyên nước chung một cách có trách nhiệm ở khu vực châu Âu, sau đó đã được mở rộng sang các nước trên thế giới vào năm 2016. Hiện tại, công ước này có 52 thành viên cấp nhà nước tham gia, chủ yếu ở châu Âu, châu Á và châu Phi.
Bà Koeppel khẳng định công ước này là một công cụ quan trọng để thúc đẩy hợp tác về nước xuyên biên giới, đồng thời giúp các nước giải quyết các tình huống phức tạp và giải quyết tranh chấp, giúp các quốc gia sử dụng các nguồn tài nguyên chung một cách hòa bình và bền vững để bảo vệ môi trường và cùng nhau ứng phó với biến đổi khí hậu.
Năm ngoái, 9 nước châu Phi đã tham gia công ước, trong khi chỉ có Panama là thành viên mới ở châu Mỹ, Iraq là đại diện duy nhất của khu vực Trung Đông quyết định tham gia. Bà Koeppel bày tỏ hy vọng công nước này sẽ thu hút thêm nhiều nước, khu vực tham gia.
Chia sẻ hòa bình nguồn 'huyết mạch' của nhân loại Như khẳng định của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres, "nước là huyết mạch của thế giới", đây là nguồn tài nguyên đặc biệt quan trọng, quyết định sự tồn vong và an sinh của nhân loại bởi con người không thể sống thiếu nước quá 3 ngày. Tiếp cận nguồn nước cũng là quyền cơ bản của con người,...