Tổng Thư ký LHQ kêu gọi các bên ở Iraq ‘kiềm chế’
Theo người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ), ngày 29/8, Tổng Thư ký Antonio Guterres kêu gọi các bên ở Iraq “kiềm chế và thực hiện các bước ngay lập tức để giảm leo thang tình hình”.
Cảnh sát Iraq gác tại trụ sở Chính phủ ở Vùng Xanh, thủ đô Baghdad ngày 29/8/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Người phát ngôn Stephane Dujarric nêu rõ Tổng Thư ký LHQ “quan ngại về các cuộc biểu tình đang diễn ra ở Iraq, trong đó nhiều người biểu tình xông vào các tòa nhà chính phủ”. Tổng Thư ký Guterres “kêu gọi tất cả các bên vượt lên trên bất đồng và tham gia một cuộc đối thoại hòa bình ngay lập tức theo một cách thức mang tính xây dựng”.
TTK LHQ đưa ra kêu gọi trên trong bối cảnh thủ đô Baghdad của Iraq rơi vào hỗn loạn sau khi giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite quyền lực ở nước này, ông Moqtada al-Sadr tuyên bố sẽ rời chính trường do tình trạng bế tắc chính trị khó giải quyết hiện nay.
Video đang HOT
Những người ủng hộ Giáo sĩ Moqtada al-Sadr đã tiến hành biểu tình, nhiều người xông vào một tòa nhà chính phủ ở “Vùng Xanh” tại trung tâm thủ đô Baghdad, nơi có các tòa nhà chính phủ và các cơ quan ngoại giao. Ông al-Sadr kêu gọi những người ủng hộ tiếp tục biểu tình cho đến khi yêu cầu giải tán Quốc hội và tiến hành cuộc bầu cử sớm được đáp ứng.
Các nguồn tin cho biết ít nhất 7 quả đạn pháo đã rơi xuống “Vùng Xanh” trong ngày 29/8. Hiện chưa rõ bên nào đứng sau các vụ pháo kích trên. Theo các nhân viên y tế và cảnh sát, 2 người đã thiệt mạng và 19 người bị thương.
Kênh truyền hình Al Arabiya đưa tin đụng độ xảy ra giữa lữ đoàn Saraya al-Salam thân cận với Giáo sĩ al-Sadr và lực lượng Hashd al-Shaabi tập hợp tất cả các nhóm dân quân dòng Shiite ở Iraq. Các bên sử dụng súng cối và súng máy hạng nặng. Các đơn vị của quân đội Iraq đã được điều đến Baghdad để tăng cường lực lượng an ninh. Chiều 29/8, quân đội Iraq đã mở rộng lệnh giới nghiêm ra toàn quốc bắt đầu từ 19h theo giờ địa phương (tức 23h cùng ngày theo giờ Việt Nam).
Iraq chìm trong khủng hoảng chính trị và kinh tế- xã hội sau cuộc bầu cử hồi tháng 10/2021, trong đó đảng của ông al-Sadr giành được nhiều ghế nhất, với 73/329 ghế tại Quốc hội Iraq. Căng thẳng tiếp diễn giữa các chính đảng Shiite trong thời gian qua đã khiến Iraq không thành lập được chính phủ mới, do không hội đủ 2/3 số phiếu cần thiết tại quốc hội để bầu được tổng thống mới theo quy định trong Hiến pháp. Toàn bộ các nghị sĩ thuộc đảng của ông al-Sadr đã rút khỏi Quốc hội Iraq. Nếu được bầu, tổng thống mới sẽ chỉ định thủ tướng do liên minh lớn nhất trong quốc hội đề cử đứng ra thành lập một chính phủ mới nhiệm kỳ 4 năm.
Bế tắc chính trị tại Iraq kéo dài
Theo Chủ tịch Quốc hội Iraq Mohammed al-Halbussi, các nghị sĩ thuộc khối của giáo sĩ Moqtada Sadr theo dòng Shi'ite đã từ chức vào ngày 12/6 vừa qua.
Trên mạng xã hội Twitter, Chủ tịch al-Halbussi cho biết ông đã nhận được đơn từ chức của 73 nghị sĩ trong khối của giáo sĩ Sadr.
Quang cảnh một phiên họp Quốc hội Iraq tại thủ đô Baghdad. Ảnh: AFP/TTXVN
Trước đó, ngày 9/6, giáo sĩ Sadr khẳng định các nghị sĩ trong nhóm của ông, cũng là khối lớn nhất trong Quốc hội Iraq, sẵn sàng nộp đơn từ chức trong nỗ lực nhằm phá vỡ thế bế tắc và tạo cơ hội cho việc thành lập chính phủ mới. Trong tuyên bố, ông Sadr nhấn mạnh nếu sự tồn tại của khối này là rào cản đối với việc thành lập chính phủ mới, tất cả đại diện của nhóm đều sẵn sàng từ chức.
Các nghị sĩ Iraq hiện đã hết thời gian để thành lập chính phủ mới theo Hiến pháp, khiến cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này kéo dài. Mặc dù Chủ tịch Quốc hội đã chấp thuận đơn từ chức, song Quốc hội vẫn cần bỏ phiếu để thông qua vấn đề này. Kỳ nghỉ của Quốc hội đã bắt đầu từ ngày 9/6 và các nghị sĩ dự kiến quay lại làm việc vào tháng 8 tới.
Quốc hội Iraq đã rơi vào khủng hoảng kể từ sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 10/2021, khi các cuộc đàm phán giữa các đảng phái chính trị thất bại trong việc đạt được đa số ủng hộ nhằm chọn ra Thủ tướng mới kế nhiệm ông Mustafa al-Kadhemi. Các nghị sĩ Iraq đã 3 lần thất bại trong việc bầu ra một Tổng thống mới, bước quan trọng đầu tiên trước khi chọn ra một Thủ tướng và sau đó là thành lập chính phủ mới. Hai nhóm theo dòng Shi'ite trong Quốc hội gồm liên minh do giáo sĩ Sadr đứng đầu và nhóm Coordination Framework đều tuyên bố chiếm đa số trong Quốc hội và có quyền bổ nhiệm Thủ tướng. Dù liên minh của giáo sĩ Sadr còn bao gồm các nghị sĩ theo dòng Sunni trong đảng của Chủ tịch Quốc hội al-Halbussi và đảng Dân chủ người Kurd (KDP), song con số 155 nghị sĩ vẫn thấp hơn mức đa số cần thiết trong Quốc hội gồm 329 thành viên. Việc các nghị sĩ trong khối Sadr từ chức khiến trách nhiệm thành lập chính phủ thuộc về 83 nghị sĩ trong nhóm Coordination Framework. Nhóm này hiện đang nhận được sự ủng hộ từ đảng của cựu Thủ tướng Nuri al-Maliki, Liên minh Fatah, nhánh chính trị của nhóm bán quân sự Hashed al-Shaabi.
Nếu Quốc hội không giải quyết được bế tắc hiện nay, Iraq có khả năng sẽ tiến hành các cuộc bầu cử mới, song điều này đòi hỏi các nghị sĩ phải nhất trí giải tán cơ quan lập pháp.
Iraq ban bố lệnh giới nghiêm trên toàn quốc Sau khi ban bố lệnh giới nghiêm ở thủ đô Baghdad, chiều 29/8, quân đội Iraq đã mở rộng lệnh trên ra toàn quốc bắt đầu từ 19h, giờ địa phương (tức 23h, giờ Việt Nam). Động thái này diễn ra sau khi những người ủng hộ Giáo sĩ Moqtada al-Sadr xông vào một tòa nhà chính phủ ở vùng Xanh tại trung...