Tổng Thư ký LHQ chọn Ngoại trưởng Indonesia là đặc phái viên về nước
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã trở thành Đặc phái viên về Nước của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres.
Theo đó, bà vinh dự là người đầu tiên đảm nhiệm cương vị Đặc phái viên về nước của Tổng thư ký LHQ sau khi chức danh này được lập ra.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Bà Marsudi sẽ đảm nhận nhiệm vụ mới từ ngày 1/11 tới, sau khi hoàn thành nhiệm kỳ Ngoại trưởng trong chính quyền của Tổng thống Joko Widodo.
Trong một tuyên bố ngày 13/9, Tổng thư ký Antonio Guterres nêu rõ Đặc phái viên về Nước có nhiệm vụ tăng cường quan hệ đối tác và nỗ lực chung để thúc đẩy chương trình nghị sự về nước; trước mắt dựa trên những kết quả trong Hội nghị về Nước của LHQ năm 2023 để chuẩn bị cho nhiều hoạt động về nước trên toàn cầu, đặc biệt là Hội nghị về Nước của LHQ năm 2026; ủng hộ các nỗ lực đảm bảo tương lai an ninh nguồn nước bằng cách ủng hộ hợp tác chính trị, kinh tế và xã hội – văn hóa mạnh mẽ hơn ở mọi cấp độ.
Video đang HOT
Trên cương vị đặc phái viên, bà Marsudi sẽ nỗ lực tăng cường hợp tác quốc tế và sự phối hợp giữa các quy trình về nước quốc tế để hỗ trợ việc đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu liên quan đến nước, chẳng hạn như Mục tiêu Phát triển bền vững số 6 của Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.
Bà cũng có nhiệm vụ vận động để đưa các vấn đề về nước trở thành chương trình nghị sự chính trị chính – cả trong và ngoài LHQ – cũng như đốc thúc hành động và huy động tài trợ để giải quyết cuộc khủng hoảng nước toàn cầu và khuyến khích hoàn thành các mục tiêu liên quan đến nước.
Ngoại trưởng Marsudi nhấn mạnh rằng vai trò sắp tới của bà rất quan trọng vì hiện nay, 2,1 tỷ người trên thế giới không được tiếp cận nguồn nước uống an toàn và 4,5 tỷ người không được tiếp cận các dịch vụ vệ sinh an toàn.
Tổng thư ký Antonio Guterres đã nhấn mạnh kinh nghiệm nổi bật của bà Marsudi trong lĩnh vực ngoại giao trong gần 40 năm qua, đặc biệt là nhiệm kỳ Ngoại trưởng Indonesia từ năm 2014 đến tháng 10/2024.
Sự cống hiến của bà đã được phản ánh trong vai trò lãnh đạo của Indonesia, bao gồm cả vai trò là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ (2019-2020), Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm 2022, Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2023 và nhiều thực thể và tổ chức quốc tế khác.
Diễn đàn Indonesia-châu Phi đề cập 4 nội dung quan trọng
Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, ngày 2/9, ngày làm việc đầu tiên của Diễn đàn Indonesia - châu Phi (IAF) lần thứ 2 và Diễn đàn cấp cao về quan hệ đối tác nhiều bên (HLF MSP), các đại biểu đã thảo luận về triển vọng hợp tác khu vực và chuyển đổi kinh tế nhằm đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ, đặc biệt là thúc đẩy công nghiệp hóa và trao quyền cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Indonesia và châu Phi, thúc đẩy hợp tác Nam-Nam, Bắc-Nam.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo và các quan chức cấp cao dự khai mạc Diễn đàn. Ảnh: TTXVN phát
Tại cuộc họp báo sau phiên họp toàn thể trong khuôn khổ hai Diễn đàn, Ngoại trưởng Indonesia, Retno Marsudi đã khẳng định tầm quan trọng của sự kiện này. Bà nhấn mạnh 4 điểm trong nội dung diễn đàn, trong đó, việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) là trọng tâm đầu tiên. Thứ hai, tại diễn đàn Indonesia cam kết trở thành một phần của giải pháp toàn cầu, bảo vệ lợi ích của khu vực phía Nam bán cầu cũng như là "người xây dựng cầu nối" trong đấu tranh vì bình đẳng, công lý và đoàn kết nhằm đẩy nhanh đạt được SDGs.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: TTXVN phát
Điều này phù hợp với các ưu tiên phát triển quốc gia và khu vực của Indonesia, bao gồm cả chương trình nghị sự châu Phi năm 2063 và được hỗ trợ bởi quan hệ đối tác nhiều bên.
Thứ ba, Indonesia khẳng định sẵn sàng hợp tác với các nước, đặc biệt các nước trong khu vực châu Phi là chìa khóa của chương trình nghị sự phát triển toàn cầu. Theo đó, đến nay quan hệ đối tác Indonesia - châu Phi đã đạt được những kết quả thực tế, mang lại sự gia tăng lớn về khối lượng thương mại, cũng như nhiều hiệp định thương mại đã được ký kết.
Thủ tướng Liberia Joseph N.Boakai tại diễn đàn. Ảnh: TTXVN phát
Tại Diễn đàn, một số quốc gia trong khu vực châu Phi đã bày tỏ mong muốn tham gia CPOPC (Ủy ban các nước sản xuất dầu cọ) và thúc đẩy hơn nữa hợp tác với Indonesia trong lĩnh vực này.
Thứ tư, các Diễn đàn đã nhấn mạnh việc thúc đẩy hợp tác Nam-Nam và hợp tác Bắc-Nam trong sự hợp tác toàn cầu. Các hợp tác này có thể bổ sung cho nhau và chung tay vượt qua các thách thức toàn cầu. Diễn đàn không chỉ nhằm tăng cường quan hệ ngoại giao mà còn mở ra những cơ hội mới để trao đổi kiến thức và đầu tư cùng có lợi.
Thủ tướng Rwanda Paul Kagame. Ảnh: TTXVN phát
Bà Amalia Adininggar Widyasanti, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Phát triển quốc gia Indonesia (Bappenas) cho biết, các Diễn đàn không chỉ đề cập đến những vấn đề kinh tế mà còn bàn thảo các vấn đề về xã hội, công nghệ. Diễn đàn đã trao cơ hội cho không chỉ các doanh nghiệp nhà nước của Indonesia mà còn là dịp để các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các lĩnh vực dược phẩm, thực phẩm, hóa mỹ phẩm...gặp gỡ, trao đổi, tìm cơ hội hợp tác. Bà nhấn mạnh hợp tác kinh tế và thúc đẩy kinh doanh cũng có nghĩa lớn trong việc mang lại lợi ích cho người dân.
Xung đột Hamas - Israel: Quân đội Israel công bố lệnh tạm ngừng bắn tại Rafah Theo người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Avihai Edri, ngày 20/11, IDF đã ban bố lệnh tạm ngừng bắn tiếp theo ở thành phố Rafah, phía Nam Dải Gaza. Những tòa nhà bị phá hủy sau vụ oanh tạc của Israel xuống thành phố Rafah, miền Nam Dải Gaza ngày 15/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN Trên mạng xã hội X, ông Edri...