Tổng thống Ukraine tuyên bố sẵn sàng đàm phán cấp cao với Nga, gợi ý cuộc gặp ở Jerusalem
Ngày 12/3, truyền thông nhà nước Nga đưa tin Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông sẵn sàng đàm phán và thỏa hiệp với Moskva, đồng thời đề nghị Thủ tướng Israel Naftali Bennett đăng cai cuộc gặp đó ở Jerusalem.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: RT
Hãng tin RT và đài Sputnik cho biết, phát biểu trong một cuộc họp báo với truyền thông nước ngoài, Tổng thống Ukraine đã bày tỏ hy vọng đàm phán hòa bình sẽ đạt kết quả thực tế. Ông Zelensky cho biết các chuyên gia đàm phán của hai bên đã bắt đầu thảo luận những vấn đề cụ thể, thay vì thay nhau đưa ra các tối hậu thư.
Theo nhà lãnh đạo Ukraine, mọi cuộc đàm phán cấp cao với Nga nên được tổ chức tại một vùng lãnh thổ trung lập, đồng thời gợi ý Israel là một địa điểm đăng cai tiềm tàng.
Tổng thống Zelensky nói: “Một nhóm các đại diện của Ukraine và Nga đang thảo luận những vấn đề cụ thể. Họ đã bắt đầu thương lượng về một điều gì đó, chứ không chỉ trao cho nhau các tối hậu thư… Chúng tôi đã trao đổi với Thủ tướng Israel Naftali Bennett, và tôi nói rằng việc tổ chức các cuộc gặp ở Nga, ở Belarus là không phù hợp. Tôi không nói đến các cuộc gặp cấp chuyên viên, mà là về cuộc gặp cấp lãnh đạo. Tôi nghĩ Israel có thể là một địa điểm và đó là Jerusalem? Tôi đã nói với ông Bennett điều ấy”.
Trong phát biểu mới nhất trước truyền thông quốc tế này, Tổng thống Zelensky nhấn mạnh Ukraine không muốn chiến tranh và điều này nên được ghi rõ bằng văn bản với các nước láng giềng. Ông tuyên bố Ukraine cần được đảm bảo an ninh, không chỉ từ phía Nga mà còn từ phía các nhà lãnh đạo phương Tây.
Video đang HOT
Trước đó, hãng thông tấn TASS đưa tin Tổng thống Zelensky hôm 10/3 cũng tuyên bố cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine chỉ có thể được giải quyết thông qua cuộc đối thoại trực tiếp giữa ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trả lời phỏng vấn của báo Bild (Đức), ông Zelensky nói rằng “vấn đề không phải là tôi có thể cam kết điều gì. Mục tiêu của tôi trong mọi cuộc đàm phán là chấm dứt chiến tranh với Nga”.
Khi được hỏi liệu ông có sẵn sàng công nhận nền độc lập của các nước cộng hòa tự xưng ở vùng Donbass và việc Crimea thuộc về Nga hay không, Tổng thống Zelensky nói: “Tôi sẵn sàng thực hiện một số bước đi nhất định vì điều đó (chấm dứt chiến tranh). Tôi sẵn sàng đàm phán, sẵn sàng thỏa hiệp miễn là (những đàm phán và sự thỏa hiệp ấy) không phản bội người dân, đồng thời phía bên kia cũng nên sẵn sàng có những thỏa hiệp”.
Kể từ khi xung đột Nga và Ukraine bùng phát ngày 24/2 tới nay, hai bên đã tiến hành ba vòng đàm phán cấp chuyên viên ở biên giới Belarus và một vòng đàm phán cấp ngoại trưởng tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc đàm phán ngày 10/3 với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và đồng cấp người Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết không có bước tiến trong thiết lập lệnh ngừng bắn. Ông Kubela cũng khẳng định Ukraine đã, đang và sẽ không đầu hàng.
Ngoại trưởng Kuleba thừa nhận cuộc đàm phán với người đồng cấp Nga là “khó khăn”, và Kiev đã nổ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột hiện nay. Ông nhấn mạnh chính phủ Ukraine sẵn sàng đảm bảo cho các hành lang nhân đạo mà hai bên đã nhất trí thiết lập.
Tại buổi họp báo được tổ chức riêng rẽ, Ngoại trưởng Nga Lavrov bảo lưu quan điểm Moskva không có kế hoạch tấn công nước nào, nhưng chính Ukraine là bên tạo ra mối đe dọa đối với Nga. Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga nhấn mạnh việc Ukraine cần là một nước trung lập. Ông Lavrov đồng thời tuyên bố Moskva ủng hộ bất kỳ cuộc tiếp xúc nào để giải quyết các vấn đề liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine và sẽ tiếp tục tìm lối thoát cho vấn đề này.
Trong diễn biến liên quan, theo một quan chức Chính phủ Đức, tại cuộc điện đàm ngày 10/3 với Tổng thống Nga Vladimir Putin, các nhà lãnh đạo Đức và Pháp đã bày tỏ quan điểm chung rằng cần giải quyết cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine thông qua đàm phán.
Hãng Reuters đưa tin Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng kêu gọi ngừng bắn khẩn cấp tại Ukraine. Theo nguồn tin trên, lãnh đạo Nga, Đức và Pháp nhất trí giữ liên lạc chặt chẽ trong những ngày tới. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cùng ngày xác nhận Tổng thống Nga Putin đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Scholz.
EU thừa nhận sai lầm khi hứa hẹn kết nạp Ukraine vào NATO
Ngày 11/3, quan chức hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách về chính sách đối ngoại và an ninh tuyên bố phương Tây đã phạm nhiều sai lầm trong quan hệ với Nga, trong đó có việc hứa hẹn kết nạp Ukraine vào NATO.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell. Ảnh: AFP
Theo Reuters, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell ngày 11/3 thừa nhận rằng các nước phương Tây đã phạm nhiều sai lầm trong quan hệ với Nga, trong đó có việc hứa hẹn kết nạp Ukraine vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tổ hợp truyền thông TF1 dẫn lời ông Josep Borrell nêu rõ: "Tôi sẵn sàng thừa nhận chúng tôi đã phạm một số sai lầm và chúng tôi đã để vuột mất cơ hội thiết lập quan hệ hữu nghị giữa Nga và phương Tây.... Có những thời điểm chúng tôi có thể làm tốt hơn, có những điều chúng tôi đã đề xuất và sau đó không thể thực hiện được, chẳng hạn như lời hứa Ukraine và Gruzia sẽ trở thành một phần của NATO... Tôi nghĩ thật sai lầm khi đưa ra những lời cam kết mà bạn không thể thực hiện".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mới đây cũng cho biết nước này không còn thúc đẩy yêu cầu gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong cuộc phỏng vấn với đài ABC News (Mỹ) được phát sóng tối 7/3, khi được hỏi liệu ông có sẵn sàng từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO vào một thời điểm nào đó hay không, Tổng thống Zelensky trả lời rằng: "Tôi đã kém mặn mà với vấn đề này sau khi nhận ra rằng NATO không sẵn sàng chấp nhận Ukraine".
Nga luôn coi xu hướng mở rộng về phía Đông của NATO là mối đe dọa an ninh và xem việc nước láng giềng Ukraine gia nhập liên minh là lằn ranh đỏ. Ukraine đã nhiều lần bày tỏ mong muốn gia nhập NATO, thậm chí đưa mục tiêu trở thành thành viên khối này vào trong Hiến pháp sửa đổi năm 2019.
Trước đó, một thành viên đoàn đàm phán của Ukraine hôm 6/3 cho biết Kiev để ngỏ khả năng đàm phán về "các mô hình phi NATO" cho tương lai của đất nước. Phát biểu trên kênh truyền hình Fox News (Mỹ), ông David Arakhamia khẳng định dù Kiev không nhượng bộ trong vấn đề bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ nhưng có thể thảo luận về các mô hình phi NATO (không tham gia tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương). Ông Arakhamia cho biết các cuộc thảo luận về vấn đề này phải được diễn ra tại một diễn đàn rộng hơn, với nhiều đối tác hơn thay vì chỉ là thảo luận song phương với Nga.
Ukraine đã đặt mục tiêu gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và NATO. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin lo ngại việc Ukraine trở thành thành viên NATO có thể đe dọa trực tiếp đến an ninh của Moskva và vi phạm cam kết trước đó của khối quân sự này.
Hãng tin Sputniknews dẫn lời Vụ trưởng Vụ châu Âu thứ 3 của Bộ Ngoại giao Nga Oleg Tyapkin nhận định các sự kiện ở Ukraine sẽ thay đổi tính chất các mối quan hệ của Moskva với Mỹ, châu Âu và NATO. Cụ thể, ông Tyapkin cho rằng kết quả của những sự kiện đang diễn ra, Nga sẽ có các mối quan hệ kiểu mới với những quốc gia châu Âu và toàn thể EU cũng như với Mỹ và NATO.
Trong khi đó, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên NATO tổ chức bất thường tại Brussels hồi đầu tháng 3, các bộ trưởng NATO nhất trí cho rằng quan hệ giữa hai bên sẽ bị ảnh hưởng lâu dài, song NATO kiên quyết giữ các kênh ngoại giao để tránh leo thang, hiểu lầm hoặc tính toán sai lầm.
Phát biểu với báo giới sau cuộc họp, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh liên minh quân sự sẽ tiếp tục làm những gì cần thiết để đảm bảo cuộc xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine không diễn biến trầm trọng hơn và không lan rộng ra ngoài lãnh thổ Ukraine.
'Ván cờ' ngoại giao dầu mỏ của Tổng thống Biden Các chuyển gia đánh giá Tổng thống Joe Biden đã khởi động chương trình "ngoại giao dầu mỏ" với Venezuela, Saudi Arabia và Iran, trong bối cảnh giá "vàng đen" và khí đốt tăng mạnh trên toàn cầu do xung đột Nga-Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AFP Theo hãng thông tấn AP (Mỹ), hiện không rõ điều này có thể giúp...