Tổng thống Ukraine tung bằng chứng xe tăng Nga áp sát biên giới
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết ông có trong tay bằng chứng cho thấy các xe tăng quân sự của Nga đang được tập kết gần biên giới của Ukraine giữa lúc căng thẳng.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (Ảnh: Sky)
Tổng thống Petro Poroshenko đã tiết lộ với hãng tin Sky News những bức ảnh mà ông cho là các xe tăng quân sự của Nga đang dàn hàng dọc biên giới Ukraine. Ông Poroshenko cho biết khu vực này nằm gần các kho lưu trữ đạn dược của Nga.
“Đây căn cứ xe tăng, nơi cách biên giới của chúng tôi chỉ 18km. Chuyện này từng diễn ra hồi tháng 9, tháng 10 và bây giờ lại tiếp tục”, ông Poroshenko cho biết trong cuộc phỏng vấn với Sky News.
“Nơi này chỉ cách biên giới của chúng tôi 18km. Tại đây có nhà kho, nơi họ lưu trữ đạn dược và cũng là nơi họ lưu trữ các hệ thống phóng rocket đa nòng. Chúng tôi cần sẵn sàng bảo vệ đất nước của mình. Nếu cả thế giới không có lý do để tin tưởng Putin, Ukraine chắc chắn cũng không có lý do để nghe theo ông ấy”, nhà lãnh đạo Ukraine nói, đề cập tới Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Ukraine ngày 28/11 cho biết Nga đã triển khai khoảng 500 máy bay tấn công, 340 trực thăng chiến đấu và 25 đơn vị chiến thuật tới các căn cứ gần biên giới Nga – Ukraine. Người phát ngôn của Cơ quan Tình báo Ukraine Vadym Skibitsky cho biết các lực lượng này đều đang ở trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu và đều có kinh nghiệm tác chiến ở Syria.
Ông Poroshenko cũng “tận dụng” cuộc phỏng vấn với Sky News để kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà lãnh đạo phương Tây giữa lúc căng thẳng với Nga.
“Không có lằn ranh đỏ đối với Putin và đây chính là lý do chúng ta, toàn bộ thế giới văn minh, nên hợp sức với nhau, Không chỉ các nhà lãnh đạo, những người mà chúng tôi đang có mối quan hệ đối tác tin cậy, mà người dân ở cả Anh, châu Âu, Mỹ, Canada, Australia, Nhật Bản, toàn bộ thế giới văn minh nên sát cánh cùng nhau và đây là điều rất quan trọng đối với an ninh toàn cầu”, Tổng thống Poroshenko nói.
Ông Poroshenko công bố những bức ảnh cho thấy xe tăng Nga áp sát biên giới Ukraine. (Ảnh: Sky)
Trong cuộc phỏng vấn với báo Bild hôm 29/11, khi được hỏi liệu Đức có nên triển khai các tàu chiến tới biển Azov hay không, Tổng thống Poroshenko nói: “Đức là một trong những đồng minh thân cận nhất của chúng tôi, và chúng tôi hy vọng rằng các nước trong khối NATO có thể sẵn sàng triển khai các tàu hải quân tới biển Azov để hỗ trợ Ukraine cũng như bảo đảm sự an toàn của Ukraine”.
“Chúng tôi không thể chấp nhận chính sách gây hấn của Nga. Đầu tiên là Crimea, sau đó là đông Ukraine và bây giờ ông ấy (Tổng thống Putin) muốn biển Azov. Đức cũng nên tự hỏi rằng: Liệu Putin sẽ làm gì tiếp theo nếu chúng ta không ngăn ông ấy?”, Tổng thống Ukraine nói.
Video đang HOT
Bình luận của ông Poroshenko được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine liên tục leo thang trong những ngày gần đây. Trước đó, ngày 25/11, Nga đã nổ súng và bắt giữ 3 tàu hải quân cùng 24 thủy thủ của Ukraine tại eo biển Kerch sau khi cáo buộc các tàu này xâm phạm lãnh hải Nga. Nga đưa các tàu về cảng về từ chối thả các thủy thủ Ukraine.
Tổng thống Poroshenko gọi các thủy thủ bị bắt giữ là “tù nhân chiến tranh”, yêu cầu Tổng thống Putin thả người. Ông Poroshenko cũng kêu gọi sức ép từ cộng đồng quốc tế để buộc Nga phải hành động theo đề nghị của Ukraine.
Ukraine cho đến nay vẫn bác bỏ cáo buộc của Nga cho rằng các tàu Ukraine đã xâm phạm lãnh hải Nga. Ukraine cũng cho biết hai cảng của nước này tại biển Azov đang bị Nga phong tỏa. Tổng thống Poroshenko nói Nga đang “bóp nghẹt” Ukraine khi tạo ra các rào cản.
“Họ muốn tấn công Ukraine vì thông qua biển Azov cũng như các cảng biển của chúng tôi, chúng tôi xuất khẩu khoảng 40% sản phẩm công nghiệp của chúng tôi”, ông Poroshenko nói.
Thành Đạt
Tổng hợp
Theo Dantri
Thế áp đảo của Nga trong tương quan lực lượng với Ukraine
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine trong những ngày vừa qua khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ xảy ra xung đột giữa hai nước, tuy nhiên tương quan lực lượng quân sự cho thấy Moscow dường như đang có lợi thế hơn so với Kiev.
Các binh sĩ và xe tăng thuộc quân khu phía nam Nga tham gia tập trận năm 2016. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 27/11 đã cảnh báo về kịch bản "chiến tranh toàn diện" với Nga sau khi lực lượng vũ trang Nga bắt giữ 3 tàu hải quân và 24 thủy thủ Ukraine với cáo buộc xâm phạm lãnh hải. Trước đó một ngày, nhà lãnh đạo Ukraine cho biết ông có "cơ sở nghiêm túc để tin rằng Nga sẵn sàng tiến hành một cuộc tấn công trên bộ". Ukraine cũng đặt toàn bộ lực lượng quân sự vào tình trạng báo động cao.
Cũng trong ngày 27/11, Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã bắt đầu "kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu" của các đơn vị quân sự thuộc quân khu phía Nam - khu vực kiểm soát bán đảo Crimea và các vùng biên giới giáp Ukraine. Các xe tải quân sự được nhìn thấy vận chuyển hệ thống phòng thủ tên lửa ven biển 3K60 Bal về phía Crimea.
Ngày 28/11, Nga thông báo sẽ chuyển hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 hiện đại tới Crimea. Giới phân tích phương Tây nhận định một cuộc chiến tranh toàn diện giữa Nga và Ukraine khó có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, trong trường hợp nổ ra xung đột, Ukraine được dự đoán sẽ "lép vế" trước Nga.
Sau khi Liên Xô tan rã vào đầu thập niên 1990, Ukraine sở hữu khoảng 5.000 vũ khí hạt nhân, đưa Ukraine trở thành nước có kho vũ khí hạt nhân lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Nga và Mỹ. Tuy vậy, một đất nước Ukraine non trẻ không có đủ công nghệ cũng như tài chính để duy trì và vận hành số vũ khí này. Để có thể duy trì mối quan hệ hòa bình với Nga, Ukraine đã bàn giao lại hầu hết các vũ khí hủy diệt hàng loạt, đồng thời phá hủy số vũ khí còn lại để đổi lấy kinh phí.
Binh sĩ
Một binh sĩ Ukraine khai hỏa trong cuộc đối đầu với phe ly khai tại vùng Donetsk năm 2017. (Ảnh: AFP)
Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Ukraine, lực lượng vũ trang Ukraine gồm khoảng 250.000 người, trong đó có khoảng 204.000 binh sĩ. Con số này hoàn toàn "lép vế" so với Nga.
Năm 2018, lực lượng vũ trang Nga có khoảng 1,9 triệu người, trong đó có khoảng 1.013.628 binh sĩ. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, chi tiêu quân sự của Nga năm 2017 vào khoảng 66,3 tỷ USD, trong khi con số này của Ukraine là 3,6 tỷ USD.
Xe tăng
Nga là một trong những nước sở hữu lực lượng xe tăng đông đảo nhất thế giới, với khoảng 20.000 chiếc. Chính quyền Ukraine năm 2017 từng thống kê số lượng xe tăng Nga hoạt động ngầm tại Ukraine để ủng hộ các nhóm ly khai là 680 chiếc. Con số này còn nhiều hơn số lượng xe tăng của Anh và Đức cộng lại. Tuy nhiên, Moscow vẫn phủ nhận việc hỗ trợ quân sự cho phe nổi dậy tại Donbass.
Hải quân
Hải quân Ukraine mất phần lớn tàu chiến khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014. Trong vụ đụng độ gần eo biển Kerch mới đây, Ukraine tiếp tục để mất 3 tàu chiến nữa vào tay Nga và hiện chưa rõ khi nào Moscow sẽ trả lại các tàu này cho Kiev.
Mặc dù Nga chỉ có một tàu sân bay duy nhất đang được nâng cấp và tàu này cũng bị hư hại sau sự cố chìm ụ nổi hồi tháng 10 tại xưởng đóng tàu ở Murmansk, song hạm đội biển Đen của Nga vẫn còn hàng chục tàu chiến. Ngoài ra, hải quân Nga dự kiến sẽ tiếp nhận thêm 26 tàu nữa vào cuối năm nay.
Nhà bình luận Michael Bociurkiw từng nhận định trên CNN rằng, Ukraine "chưa chuẩn bị sẵn sàng" để đương đầu với Nga trong một cuộc chiến trên biển. Ông Bociurkiw cho rằng Nga sẽ vấp phải rất ít sự phản kháng từ Ukraine nếu Moscow phát động một cuộc tấn công đổ bộ vào khu vực ven biển Azov.
Máy bay
Sĩ quan tình báo Nga áp giải một thủy thủ Ukraine bị Nga bắt giữ tới tòa án ở Crimea hôm 27/11 (Ảnh: AP)
Khi Nga tiến hành sáp nhập Crimea cách đây 4 năm, Ukraine đã mất hàng chục máy bay. Trong số máy bay còn lại của quân đội Ukraine, nhiều chiếc không có khả năng cất cánh.
Theo một thống kê mới nhất hồi tháng trước, không quân Ukraine hiện còn khoảng 17 máy bay Su-27, 21 máy bay MiG-29 Fulcrum - mẫu máy bay chiến thuật tầm ngắn hạng nhẹ có khả năng sánh ngang với F-16. Ngoài ra, Ukraine cũng có thể huy động thêm 13 máy bay tấn công mặt đất Su-25 Frogfoot, 12 máy bay ném bom Su-24, 46 máy bay huấn luyện L-39 với vai trò tấn công. Ukraine cũng có các máy bay vận tải hạng nặng, máy bay trinh sát và trực thăng.
Theo báo cáo Sức mạnh quân sự Nga 2017 của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Nga, lực lượng không quân Nga sở hữu số lượng khí tài hùng hậu, với 141 máy bay ném bom, 420 máy bay chiến đấu, 345 máy bay tấn công mặt đất, 215 máy bay tấn công, 32 máy bay trinh sát điện tử, 22 máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm, 6 máy bay kiểm soát và chỉ huy, 15 máy bay tiếp dầu, 122 máy bay vận tải hạng nặng và 198 máy bay huấn luyện. Ngoài ra, Nga cũng bắt đầu đưa nhiều máy bay hiện đại hơn vào hoạt động trong năm nay.
Tăng cường sức mạnh
Trong bài viết cho Viện nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, nhà phân tích Denys Kiryukhin hồi tháng 8 cho biết lực lượng của Ukraine đã giảm đáng kể, từ "780.000 binh sĩ, 6.500 xe tăng, 1.100 máy bay chiến đấu và hơn 500 tàu chiến" thời hậu Xô Viết xuống còn "184.000 binh sĩ, gần 700 xe tăng, 170 máy bay chiến đấu và 22 tàu chiến" vào đầu năm 2013.
Tuy nhiên nhà phân tích Kiryukhin lưu ý rằng, "quá trình hiện đại hóa toàn diện lực lượng quân sự của Ukraine, dự kiến hoàn tất vào năm 2020, vẫn đang được diễn ra". Đây được cho là "chương trình cải cách thành công nhất kể từ khi Ukraine trở thành quốc gia độc lập".
Trong bài viết đăng trên tạp chí National Interest hồi tháng 2, chuyên gia Mykola Bielieskov khẳng định "quân đội Ukraine đang mạnh trở lại" sau một thời gian dài im ắng từ năm 2014. Ông Bielieskov trích dẫn số liệu tăng trưởng trong chi tiêu quốc phòng của Ukraine, cùng hoạt động phát triển tên lửa, đồng thời cho biết Ukraine có khoảng "21 máy bay chiến đấu thế hệ 4 có khả năng hoạt động đầy đủ".
Cũng theo chuyên gia Bielieskov, quân đội Ukraine đã tiếp nhận tổng cộng 4.142 xe tăng và xe bọc thép trong năm 2014, 3.227 xe trong năm 2015 và 530 xe trong năm 2016. Ông Bielieskov khẳng định "Ukraine đã thỏa mãn nhu cầu về xe tăng và xe bọc thép".
Do Ukraine chưa phải là thành viên của NATO nên liên minh quân sự này không có nghĩa vụ phải can thiệp nếu xảy ra xung đột giữa Ukraine và Nga. Điều đó đồng nghĩa với việc Ukraine phải tự mình đương đầu với sức mạnh quân sự của Nga.
Tuy nhiên, ngay cả khi NATO can thiệp, các chuyên gia cho rằng những thiếu sót về mặt tổ chức và chiến lược của NATO cũng khiến liên minh này chịu thiệt hại nặng nề khi đối đầu với Nga.
Thành Đạt
Theo Dantri/ Newsweek
Ba thủy thủ Ukraine trên tàu chiến bị bắt giam với cáo buộc thâm nhập trái phép vào Nga Theo hãng tin AFP của Pháp, Tòa án thành phố Sympheropol trên Bán đảo Crimea đã chính thức ra quyết định bắt giam 3 thủy thủ trên 3 tàu chiến của Ukraine bị tạm giữ trên biển Azov hôm 25/11, với cáo buộc thâm nhập trái phép vào Nga. Thời hạn giam giữ sẽ kéo dài 2 tháng. Dự kiến, các thủy thủ...