Tổng thống Ukraine ký luật trao quy chế đặc biệt cho miền Đông
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 18/3 đã ký ban hành đạo luật sửa đổi về quy chế đặc biệt tự quản của một số khu vực thuộc tỉnh Donesk và Lugansk.
Tổng thống Petro Poroshenko. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Đạo luật này trước đó đã được Quốc hội Ukraine thông qua và bị Nga và lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine phản đối mạnh mẽ.
Theo đạo luật mới này, một số khu vực thuộc vùng Donbass sẽ được hưởng quy chế tự quản đặc biệt, tuy nhiên việc áp dụng quy chế này sẽ chỉ tiến hành sau khi các khu vực này tiến hành bầu cử theo luật pháp Ukraine. Ngoài ra, hai cộng hòa tự xưng Lugansk và Donesk được coi là “các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm”.
Nga và lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine ngay lập tức lên tiếng phản đối đạo luật này.
Video đang HOT
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong cuộc điện đàm ngày 18/3 với người đồng cấp Đức Frank-Walter Steinmeier đã bày tỏ quan ngại việc chính quyền Ukraine coi hai cộng hòa tự xưng Lugansk và Donesk là vùng lãnh thổ bị tạm chiếm.
Ông nhấn mạnh điều này đi ngược lại thỏa thuận Minsk và có thể phá vỡ tiến trình hòa bình, dẫn tới một vòng xoáy bất ổn mới tại khu vực Đông Nam Ukraine. Cũng trong cuộc điện đàm này, hai ngoại trưởng nhất trí cần đẩy mạnh nỗ lực thực hiện thỏa thuận Minsk.
Cùng ngày, người phát ngôn Tổng thống Nga, Dmitry Peskov tuyên bố Mỹ và phương Tây cần lưu ý tới mưu toan nguy hiểm cản trở thực hiện hiệp định Minsk của chính quyền Kiev hơn là gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga.
Người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donesk tự xưng Alexander Zakharchenko và người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng Igor Plotnisky cùng ra tuyên bố nhấn mạnh với việc từ chối quy chế đặc biệt cho toàn vùng Donbass, chính quyền Kiev đã không tuân thủ thỏa thuận hòa bình Minsk và đưa tình hình vào ngõ cụt.
Hai ông này tuyên bố sẽ không có bất kỳ thỏa hiệp nào với Kiev cho tới khi đạo luật mới này bị hủy bỏ.
Bất chấp những phản ứng của Nga và lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc điện đàm ngày 18/3 đều khẳng định sẽ tiếp tục các biện pháp trừng phạt Nga.
Hai nhà lãnh đạo này cùng tuyên bố việc thực hiện thỏa thuận Minsk, bao gồm việc rút vũ khí hạng nặng khỏi các khu vực giao tranh và mở cuộc đối thoại chính trị quốc gia, là cần thiết nhằm đem lại một giải pháp hòa bình và lâu dài cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Liên quan đến tình hình miền Đông Ukraine, phái bộ giám sát đặc biệt (SMM) thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại Ukraine ngày 18/3 cho biết chưa thể xác nhận việc kết thúc tiến trình rút vũ khí tại miền Đông Ukraine.
SMM kêu gọi các bên xung đột cho phép các quan sát viên tới những nơi cần thiết để kiểm tra quá trình này.
SMM cũng tuyên bố lệnh ngừng bắn tại miền Đông Ukraine nhìn chung vẫn được tuân thủ, ngoài một số giao tranh lẻ tẻ tại khu vực sân bay Donesk và gần thành phố cảng Mariupol./.
Theo (TTXVN/Vietnam )
Trung Quốc thừa nhận sự câu kết giữa Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai
Đây là lần đầu tiên cơ quan chức năng của Trung Quốc chính thức công khai thừa nhận việc Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai "thực hiện các hoạt động chính trị phi tổ chức," cách nói của Bắc Kinh về hiện tượng câu kết bè phái trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ông Chu Vĩnh Khang trong phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội ở thủ đô Bắc Kinh ngày 5/3/2012. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tân Hoa xã ngày 18/3 dẫn "Báo cáo công tác năm 2014 của Toà án Nhân dân Tối cao Trung Quốc," hay còn được gọi là Sách Trắng, nhấn mạnh việc làm sáng tỏ nhận thức cho các cán bộ toà án về sự nguy hại của việc "Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai chà đạp lên chế độ pháp trị, phá hoại sự đoàn kết trong Đảng, thực hiện các hoạt động chính trị phi tổ chức," khẳng định đã "loại bỏ những ảnh hưởng xấu đối với công tác tòa án mà hành vi vi phạm kỷ luật và pháp luật của Chu Vĩnh Khang gây ra," đồng thời yêu cầu các cán bộ toà án phải giữ vững lập trường trong xử lý các vấn đề lớn.
Chu Vĩnh Khang - nguyên Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương, quyền lực bao trùm cả hệ thống an ninh, cảnh sát, toà án và viện kiểm sát Trung Quốc - hồi tháng 12/2014 đã bị bắt giữ và khai trừ khỏi Đảng vì những hành vi vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật.
Bạc Hy Lai - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bí thư Thành ủy Trùng Khánh - hồi năm 2013 đã phải chịu án tù chung thân vì tội nhận hối lộ, tham nhũng và lạm dụng quyền lực.
Đây là lần đầu tiên cơ quan chức năng của Trung Quốc chính thức công khai thừa nhận việc Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai "thực hiện các hoạt động chính trị phi tổ chức," cách nói của Bắc Kinh về hiện tượng câu kết bè phái trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc./.
Theo (Vietnam )
Ukraine thông qua luật trao quy chế đặc biệt cho miền Đông Ngày 17/3, Quốc hội Ukraine đã thông qua bản dự thảo luật trao quy chế đặc biệt và quyền tự trị hạn chế cho các khu vực do lực lượng ly khai kiểm soát ở miền Đông nước này với điều kiện các cuộc bầu cử khu vực phải được tổ chức theo thẩm quyền của Ukraine. Binh sĩ Ukraine ở thành phố...