Tổng thống Trump: Quân đội Mỹ sẵn sàng đáp trả hành động liều lĩnh của Triều Tiên
Sau khi bất ngờ tuyên bố hủy họp thượng đỉnh với Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, quân đội Mỹ sẵn sàng ứng phó nếu cần thiết để đáp trả các hành động liều lĩnh của Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: AFP)
Reuters cho biết, chỉ vài tiếng sau khi công bố quyết định hủy cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Triều, Tổng thống Donald Trump đã có cuộc họp báo để nói về quyết định này. “Tôi cho rằng đây là một bước lùi đối với Triều Tiên và thế giới. Tôi đã nói chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, Hội đồng tham mưu trưởng quân đội Mỹ, lực lượng mạnh nhất thế giới hiện nay, rằng họ phải sẵn sàng nếu cần thiết”, Tổng thống Trump nói.
Người đứng đầu Nhà Trắng cũng cho biết thêm, ông đã tham vấn các đồng minh gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và cả hai đồng minh đều sẵn sàng chia sẻ gánh nặng tài chính trong trường hợp cần đối phó với “các hành động liều lĩnh” của Triều Tiên.
Khi được hỏi liệu quyết định hủy họp thượng đỉnh có làm tăng nguy cơ xung đột quân sự hay không, ông Trump cho hay: “Chúng ta cứ chờ xem”. Ông cho biết, mặc dù Mỹ vẫn để ngỏ đối thoại với Triều Tiên, song sẽ tiếp tục chiến lược “gây sức ép tối đa” để buộc Bình Nhưỡng từ bỏ hạt nhân.
“Tôi sẽ đợi cho tới khi ông Kim Jong-un muốn đối thoại mang tính xây dựng. Hiện tại, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và chiến dịch gây sức ép tối đa sẽ vẫn được tiếp tục. Bất kể điều gì xảy ra hay chúng tôi làm gì, chúng tôi cũng sẽ không làm tổn hại tới sự an toàn và an ninh của nước Mỹ. Nhiều việc có thể xảy ra, kể cả việc hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều có thể diễn ra sau này. Chúng ta đừng quá nôn nóng”, ông Trump cho biết.
Thư của Tổng thống Trump gửi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thông báo hủy họp. (Ảnh: Guardian)
Video đang HOT
Những bình luận trên của ông Trump được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Nhà Trắng công bố bức thư thông báo hủy hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào tháng sau tại Singapore.
Trong thư, ông Trump viện dẫn lý do thái độ thù địch và sự giận dữ gần đây của Triều Tiên khi chỉ trích Mỹ.
Tuần trước, Triều Tiên bất ngờ dọa hủy hội nghị thượng đỉnh với Mỹ để phản đối cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn cũng như việc Mỹ bị cho là buộc Triều Tiên “đơn phương” giải trừ hạt nhân.
Minh Phương
Theo Dantri
Cuộc gặp thượng đỉnh đánh dấu những "lần đầu tiên" trong lịch sử Hàn - Triều
Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày mai được xem là sự kiện lịch sử, đánh dấu những "lần đầu tiên" trong quan hệ giữa hai nước.
Tổng thống Moon Jae-in (trái) và nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Ảnh: AP)
Theo giới quan sát, cuộc gặp giữa Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ thiết lập nhiều kỷ lục mới trong lịch sử quan hệ song phương. Hội nghị thượng đỉnh này sẽ được tổ chức vào ngày mai 27/4 tại Nhà Hòa Bình ở làng đình chiến Panmunjom, thuộc phía lãnh thổ Hàn Quốc. Như vậy, đây là lần đầu tiên một hội nghị thượng đỉnh liên Triều được tổ chức trên đất Hàn Quốc. Hai hội nghị trước đây đều được tổ chức tại thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên vào các năm 2000 và 2007.
Cuộc gặp giữa ông Moon và ông Kim lần này cũng đánh dấu lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Triều Tiên đặt chân tới lãnh thổ Hàn Quốc, ít nhất kể từ sau cuộc chiến tranh liên Triều (1950-1953). Em gái ông Kim Jong-un, bà Kim Yo-jong, từng tới Hàn Quốc hồi tháng 2 nhân dịp Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang. Trước bà Kim Yo-jong, chưa có thành viên nào trong gia đình lãnh đạo Kim từng đi tới quốc gia láng giềng.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ duyệt đội danh dự của quân đội Hàn Quốc trước khi bắt đầu hội đàm song phương. Theo đó, ông Kim Jong-un sẽ là nhà lãnh đạo Triều Tiên thực hiện nghi thức này tại Hàn Quốc.
Trong bối cảnh cả thế giới dường như dõi theo từng diễn biến mới nhất trong quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, các phóng viên nước ngoài sẽ được mời tham gia đoàn báo chí để đưa tin về hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo tại Khu Phi Quân sự liên Triều - một trong những khu vực được vũ trang dày đặc nhất thế giới.
"Lần đầu tiên trong lịch sử của các hội nghị thượng đỉnh liên Triều, các phóng viên nước ngoài sẽ được tham dự với tư cách cá nhân", thông cáo báo chí của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết.
Tại hai hội nghị thượng đỉnh liên Triều trước đây, chỉ một số ít phóng viên địa phương được phép đưa tin và địa điểm tác nghiệp của họ chỉ giới hạn ở thủ đô Bình Nhưỡng. Tính đến nay đã có hơn 800 phóng viên nước ngoài đăng ký đưa tin về cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Hàn - Triều vào ngày mai. Họ có thể chọn vị trí tác nghiệp tại nơi tổ chức hội nghị hoặc tại trung tâm báo chí ở Goyang, cách biên giới Hàn - Triều khoảng 30 km về phía nam.
Theo thống kê của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, tổng cộng có 2.850 phóng viên, bao gồm phóng viên của các cơ quan báo chí địa phương, đăng ký đưa tin về sự kiện ngày mai. Đây là hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên được báo chí quan tâm nhiều và có đông phóng viên tác nghiệp như vậy.
Phi hạt nhân hóa
Căn phòng diễn ra hội nghị thượng đỉnh Hàn - Triều vào ngày 27/4 (Ảnh: Yonhap)
Triều Tiên và Hàn Quốc về mặt kỹ thuật vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh do hai nước mới chỉ ký thỏa thuận đình chiến, thay vì hiệp ước hòa bình sau chiến tranh liên Triều. Tổng thống Moon Jae-in cho biết cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ mở ra một chương mới trong lịch sử thế giới và "bước chuyển giao quan trọng" tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
Khác với những lần trước đây, hội nghị thượng đỉnh lần này được cho là sẽ chỉ tập trung vào chủ đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Để cuộc gặp diễn ra hiệu quả và tập trung vào chủ đề chính, phía Hàn Quốc đã gạt vấn đề hợp tác kinh tế ra khỏi chương trình hội nghị.
"Hợp tác kinh tế chỉ có thể khả thi sau khi tiến trình phi hạt nhân hóa được thực hiện, cùng với đó là việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế", một quan chức Hàn Quốc nói với Korea Times.
Tại hội nghị thượng đỉnh năm 2000, cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il đã thông qua Tuyên bố chung 15/6. Tuyên bố này chủ yếu đặt ra những nguyên tắc chung về việc thống nhất bán đảo Triều Tiên và vấn đề nhân quyền. Sau hội nghị này, Triều Tiên và Hàn Quốc bắt đầu thúc đẩy hoạt động của Khu phức hợp Công nghiệp Gaeseong - khu công nghiệp chung của hai nước.
Tuyên bố chung 4/10 được hai nhà lãnh đạo Roh Moo-hyn và Kim Jong-il ký tại hội nghị thượng đỉnh năm 2007 cũng đi theo đường lối chung của tuyên bố ký năm 2000, trong đó hai bên nhất trí mở rộng trao đổi hợp tác về kinh tế và văn hóa. Tuy nhiên, vấn đề hạt nhân vẫn chưa được đưa ra thảo luận tại các cuộc đàm phán liên Triều. Trong khi đó, đây lại là vấn đề then chốt trong cuộc gặp giữa ông Moon Jae-in và ông Kim Jong-un vào ngày mai.
Nếu hội nghị thượng đỉnh năm 2007 được tổ chức vào năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Roh Moo-hyun, hội nghị thượng đỉnh năm nay diễn ra khi cả Tổng thống Moon Jae-in và Tổng thống Donald Trump đều đang ở giai đoạn đầu của nhiệm kỳ lãnh đạo. Do vậy, giới quan sát đặt nhiều kỳ vọng vào những bước đột phá có thể đạt được trong thỏa thuận song phương Hàn - Triều.
Để đảm bảo duy trì kết quả của thỏa thuận song phương sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Tổng thống Moon Jae-in cho biết ông sẽ đề nghị Quốc hội Hàn Quốc phê chuẩn văn kiện này. Ngoài ra, Hàn Quốc được cho là đang lên kế hoạch thiết lập văn phòng liên lạc lâu dài tại biên giới để giới chức hai nước có thể thường xuyên liên lạc với nhau. Hai nhà lãnh đạo Hàn - Triều cũng có thể trao đổi trực tiếp thông qua đường dây nóng được đặt tại văn phòng của họ từ ngày 20/4.
Thành Đạt
Theo Dantri
Cờ thống nhất tung bay trên bán đảo Triều Tiên trước hội nghị thượng đỉnh liên Triều Chính quyền địa phương và các tổ chức dân sự ở Hàn Quốc đã khởi động chiến dịch treo cờ thống nhất ở nhiều nơi trên đất nước, đặc biệt là ở khu vực biên giới với Triều Tiên, để thể hiện mong ước hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào ngày mai 27/4 sẽ thành công tốt đẹp. Lá cờ bán đảo...