Tổng thống Trump nói gì về thượng đỉnh Mỹ-Triều ngay sau khi về nước?
Tổng thống Donald Trump ngay sau khi về Mỹ đã trả lời phỏng vấn Fox News, giải thích lý do vì sao ông “rời đi” trong cuộc đàm phán với Chủ tịch Kim Jong-un.
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un trong cuộc gặp ngày 27.2 tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Trả lời Fox News, Tổng thống Donald Trump cho biết, cuộc đối thoại với Chủ tịch Kim Jong-un “không hoàn toàn đạt kết quả” và hai nhà lãnh đạo “không ký bất cứ điều gì”.
Tổng thống Donald Trump giải thích, trong khi ông tìm cách phi hạt nhân hóa hoàn toàn, Triều Tiên chỉ muốn “phi hạt nhân một số khu vực nhất định”, và bản thân ông cũng chưa thực sự muốn gỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Sau khi phóng viên Sean Hannity của Fox News nhắc đến cuốn sách “Nghệ thuật đàm phán” của ông Donald Trump, nhà lãnh đạo Mỹ nói, “bạn phải luôn chuẩn bị khả năng rời đi”.
Video đang HOT
Tuy nhiên, ông Donald Trump khẳng định mối quan hệ tốt với ông Kim Jong-un và bày tỏ lạc quan về tương lai.
“Ông ấy là một người khác biệt, và như tôi nói, hãy nhìn xem, điều này sẽ không mang lại kết quả đâu. Nhưng tôi vẫn có cảm giác về một điều đang xảy ra. Và khi xảy ra, nó sẽ tốt đẹp” – ông Donald Trump nói.
Tổng thống Donald Trump cũng nói về hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của mình với ông Kim Jong-un ở Singapore vào tháng 6.2018, về những tiến bộ đạt được kể từ đó.
“Thực tế là ông ấy sẽ không thử nữa, và gần đây ông ấy cũng nói lại với tôi việc này. Ông ấy không muốn thử (tên lửa, hạt nhân) và sẽ không làm điều đó. Không tên lửa, không gì hết. Đó là điều lớn lao” – ông Donald Trump nói, và cho biết ông tin lời Chủ tịch Kim, nhưng vẫn sẽ chờ xem mọi chuyện thế nào.
“Tôi nghĩ chúng tôi đã có 2 ngày tốt đẹp, nhưng tôi chỉ không nghĩ rằng có lẽ cả 2 chúng tôi đều chưa sẵn sàng” – Tổng thống Donald Trump nói.
SONG MINH
Theo Laodong
Trở về với thực tế
Chiều 28-2, sau khi tổ chức họp báo tại Khách sạn Marriott, Tổng thống Mỹ đã ra máy bay về Washington. Hội nghị thượng định Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 tại Hà Nội đã kết thúc và không ra được tuyên bố chung như nhiều người mong đợi. Có người sẽ chỉ trích cuộc gặp thất bại nhưng có lẽ cả 2 bên đã trở về với thực tế đúng hơn.
Bước vào cuộc gặp cấp cao lần 2 tại Hà Nội lần này, Mỹ và Triều Tiên dường như có nhiều thuận lợi hơn so với cuộc gặp thứ nhất. Nếu ở cuộc gặp đầu, 2 nhà lãnh đạo không biết về nhau mà chỉ đọc báo cáo về đối tượng nói chuyện, lần này họ đã biết nhau - điểm rất quan trọng. Cả 2 bên đều có nhu cầu đạt được một thỏa thuận "nào đó" như lời của Tổng thống Donald Trump. Một thỏa thuận với những điều kiện cụ thể sẽ phải bàn nhưng nó là một thỏa thuận. Tổng thống Mỹ muốn chứng minh mình là nhà thương thuyết tài giỏi nhất mọi thời đại, giải quyết được vấn đề mà tất cả các tổng thống tiền nhiệm trong vòng hơn 60 năm qua không giải quyết được. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng rất hy vọng có thể đạt được kết quả dỡ bỏ một phần của cấm vận qua cuộc gặp này để có thể vượt qua khó khăn kinh tế mà đất nước ông gặp phải. Đáng chú ý là trước cuộc gặp, Mỹ đã tỏ ra thực tế hơn, hạ thấp yêu cầu đối với Triều Tiên.
Tổng thống Donald Trump tuyên bố chỉ cần Triều Tiên cam kết không tiếp tục thử tên lửa và vũ khí hạt nhân là Mỹ hài lòng. Đây là mục tiêu thấp hơn nhiều so với việc phi hạt nhân hóa "hoàn toàn, có kiểm chứng và không thể đảo ngược" mà Mỹ đặt ra trước đó tại hội nghị thượng đỉnh lần đầu tại Singapore.
Khó khăn cho cuộc gặp lớn nhất vẫn là khó khăn cũ: làm sao lãnh đạo Triều Tiên yên tâm là phi hạt nhân hóa không ảnh hưởng đến an ninh và ổn định của Triều Tiên. Đây là khó khăn mà bao đời tổng thống Mỹ đến nay vẫn chưa thể làm yên lòng CHDCND Triều Tiên. Ai cũng hiểu là Tổng thống Donald Trump cũng không thể giải quyết bài toán này một cách đơn giản và càng không thể ngay lập tức, chóng vánh. Một khó khăn khác là trong lúc đàm phán về vấn đề quan trọng hàng đầu này, Tổng thống Donald Trump không thể không bị phân tâm khi tại quê nhà, cộng sự cũ, luật sư riêng của ông trong nhiều năm, đang chuẩn bị điều trần công khai trước Quốc hội Mỹ và có thể tiết lộ những thông tin bất lợi cho ông.
Mặc dù có khó khăn như vậy, nhưng với những thuận lợi trước cuộc gặp so với cuộc gặp lần 1 tại Singapore, giới quan sát có quyền hy vọng một kết quả nào đấy của cuộc gặp. Khi người phát ngôn của Nhà Trắng tuyên bố cuộc gặp sẽ kết thúc và có thể không có tuyên bố chung, trung tâm báo chí nhốn nháo.
Quang cảnh họp báo của Tổng thống Donald Trump Ảnh: TTXVN
Buổi họp báo của ông Donald Trump đã giải đáp được phần nào câu hỏi của các nhà báo tại sao không có thỏa thuận. Mỹ muốn nhiều hơn cái mà Chủ tịch Kim Jong-un có thể cam kết và do đó, 2 bên chưa thể thỏa thuận vào dịp này. Trong buổi họp báo, nhiều lần ông Donald Trump khẳng định ông đánh giá cao lãnh đạo Triều Tiên và cho rằng đàm phán vừa qua rất hiệu quả. Đây là cách khác hẳn với việc ông bỏ về sớm ở Hội nghị G22 tại Canada tháng 6 năm ngoái và phát biểu phê phán nặng lời Thủ tướng Canada. Rõ ràng, ông Donald Trump muốn giữ cầu đàm phán tiếp với Triều Tiên. Dù sao thì ông cũng luôn cho rằng, ông mới là người có thể giải quyết được vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Bỏ cuộc tức thừa nhận thất bại trong vấn đề quan trọng nhất của chương trình nghị sự đối ngoại của mình.
Việc không đạt được thỏa thuận lần này tại Hà Nội cho thấy đàm phán về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên là vấn đề không đơn giản. Đó cũng là lý do nhiều đời Tổng thống Mỹ giải quyết chưa xong. Còn nhớ cựu Tổng thống Bill Clinton đã tiến tới khá gần thành công với thỏa thuận 1994 nhưng rồi thỏa thuận cũng tan vỡ. Ít nhất, việc không đạt được thỏa thuận lần này giúp Tổng thống Donald Trump thực tế hơn khi đàm phán với Triều Tiên, đặc biệt khi giải quyết vấn đề vô cùng nan giải này. Ông Donald Trump có khi lại được điểm khi không đạt được thỏa thuận lần này vì ông tỏ ra không nóng vội như người ta lo ngại. Một tờ báo Mỹ ngay sau khi có tin đã chạy tít: "Không có thỏa thuận còn hơn có thỏa thuận tồi"
NGUYỄN HỒNG THẠCH - Tổng Biên tập Tạp chí Đối ngoại, Ban Đối ngoại Trung ương
Theo SGGP
Ngoại trưởng Triều Tiên phản bác tuyên bố của TT Trump sau khi gặp Chủ tịch Kim Vào lúc hơn 0h00 ngày 1/3, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho đã có những tuyên bố phủ nhận lời nói của Tổng thống Donald Trump liên quan tới Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai tại Hà Nội. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai tại Hà Nội diễn ra trong hai ngày 27...