Tổng thống Trump dọa cắt viện trợ các nước phản đối quyết định Jerusalem
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/12 cảnh báo sẽ cắt viện trợ tài chính cho các nước bỏ phiếu ủng hộ dự thảo nghị quyết của Liên Hợp Quốc nhằm kêu gọi Mỹ rút lại quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters)
“Họ đã nhận hàng triệu thậm chí hàng tỷ USD viện trợ, sau đó họ bỏ phiếu chống lại chúng tôi. Được thôi, chúng tôi sẽ theo dõi những lá phiếu này. Cứ để họ bỏ phiếu chống lại chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiết kiệm được kha khá. Chúng tôi không quan tâm”, Reuters dẫn lời Tổng thống Trump nói với báo giới tại Nhà Trắng hôm qua.
Cảnh báo trên đưa ra ngay trước cuộc họp bất thường của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc với 193 thành viên vào hôm nay 21/12 theo đề nghị của các nước Ả rập và Hồi giáo. Các thành viên Đại hội đồng sẽ bỏ phiếu dự thảo nghị quyết kêu gọi Mỹ rút lại quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Trước đó, Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc cũng bỏ phiếu một dự thảo nghị quyết tương tự. Mỹ là thành viên duy nhất trong số 15 thành viên bỏ phiếu phủ quyết.
Mỹ là một trong 5 thành viên có quyền phủ quyết trong Hội đồng bảo an nhưng lại không có quyền như vậy trong Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, nghị quyết của Đại hội đồng không mang tính ràng buộc như của Hội đồng bảo an, do vậy kết quả bỏ phiếu sẽ chỉ mang tính biểu tượng.
Video đang HOT
Trước thềm cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley cũng cảnh báo sẽ “điểm danh” những nước tại Liên Hợp Quốc không ủng hộ việc Washington công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và sẽ báo cáo lên Tổng thống Trump.
“Tại Liên Hợp Quốc, chúng tôi luôn bị đòi hỏi phải làm hơn nữa, cho đi nhiều hơn nữa. Vì vậy khi chúng tôi đưa ra một quyết định theo nguyện vọng của người dân Mỹ về việc sắp đặt đại sứ quán, chúng tôi không nghĩ rằng những quốc gia mà chúng tôi đã giúp đỡ lại chống lại chúng tôi. Vào ngày thứ Năm (21/12) sẽ có một cuộc bỏ phiếu để chỉ trích lựa chọn của chúng tôi. Chúng tôi sẽ điểm danh lại”, bà Haley viết trên Twitter.
Một số nhà ngoại giao cấp cao nói rằng, những cảnh báo này khó làm thay đổi các lá phiếu tại Đại hội đồng.
Chủ tịch Đại hội đồng Miroslav Lajcak từ chối bình luận về cảnh báo của Tổng thống Trump, song nhấn mạnh: “Các quốc gia thành viên có quyền và trách nhiệm bày tỏ quan điểm của họ”. Phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres trong khi đó chưa đưa ra bất cứ bình luận nào.
Theo số liệu từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), trong năm 2016, Mỹ đã dành khoảng 13 tỷ USD để viện trợ kinh tế và quân sự cho các quốc gia châu Phi vùng tiểu Saharan và 1,6 tỷ USD cho các quốc gia Đông Á, châu Đại Dương. Mỹ viện trợ khoảng 13 tỷ USD cho các nước Trung Đông, Bắc Phi, gần 7 tỷ USD cho các nước Nam Á và Trung Á, 1,5 tỷ USD cho châu Âu và Á-Âu, 2,2 tỷ USD cho các quốc gia ở Tây bán cầu.
Trong một động thái gây tranh cãi và chưa có tiền lệ, hôm 6/12, Tổng thống Trump chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chỉ thị chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem.
Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng, quyết định này nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Trung Đông và rằng Mỹ vẫn theo đuổi các cuộc đàm phán Palestine-Israel. Trong khi đó, giới chức Ả rập chỉ trích động thái của Washington có thể là “mồi lửa” làm thổi bùng lên căng thẳng ở khu vực.
Minh Phương
Theo Dantri
Đại hội đồng LHQ họp bất thường sau khi Mỹ phủ quyết nghị quyết về Jerusalem
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ triệu tập một phiên họp đặc biệt vào ngày 21/12 theo đề nghị của các quốc gia Ả rập và Hồi giáo sau khi Mỹ phủ quyết nghị quyết về Jerusalem tại Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc hồi đầu tuần.
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ triệu tập phiên họp bất thường sau khi Mỹ phủ quyết nghị quyết về Jerusalem. (Ảnh: Reuters)
Hãng tin RT dẫn lời đại sứ Palestine tại Liên Hợp Quốc Riyad Mansour cho biết, Đại hội đồng sẽ bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết kêu gọi Mỹ rút lại quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Một dự thảo như vậy từng bị Mỹ phủ quyết tại Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc hôm 18/12 trong khi tất cả thành viên còn lại đều bỏ phiếu ủng hộ.
Mỹ là 1 trong 5 thành viên thường trực Hội đồng bảo an, do vậy không thể thông qua nghị quyết nếu Mỹ dùng đến quyền phủ quyết của mình.
RT dẫn nguồn thạo tin cho biết, các đại diện tại Liên Hợp Quốc đang tìm cách để kích hoạt nghị quyết 377 hay còn gọi là "Nghị quyết hợp tác vì hòa bình" - cách duy nhất để đảo ngược quyết định phủ quyết tại Hội đồng bảo an. Theo đó, Đại hội đồng có thể triệu tập một phiên họp đặc biệt để xem xét vấn đề để đưa ra những kiến nghị thích hợp nhằm đi đến những giải pháp chung nếu Hội đồng bảo an "lực bất tòng tâm".
Từ trước đến nay có khoảng 10 phiên họp như vậy, phiên gần đây nhất là vào năm 2009 khi Đại hội đồng triệu tập một cuộc họp về Đông Jerusalem và lãnh thổ Palestine. Phiên họp vào ngày mai của Đại hội đồng cũng sẽ là một phiên họp như vậy.
Mặc dù nghị quyết của Đại hội đồng không mang tính ràng buộc như của Hội đồng bảo an, nhưng cũng mang sức nặng chính trị nhất định.
Trong một động thái gây tranh cãi và chưa có tiền lệ, hôm 6/12, Tổng thống Trump chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chỉ thị chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem.
Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng, quyết định này nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Trung Đông và rằng Mỹ vẫn theo đuổi các cuộc đàm phán Palestine-Israel. Trong khi đó, giới chức Ả rập chỉ trích động thái của Washington có thể là "mồi lửa" làm thổi bùng lên căng thẳng ở khu vực.
Minh Phương
Theo Dantri
Mỹ và đồng minh đối đầu vì Jerusalem Sau quyết định gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump, nhiều đối tác và đồng minh của Mỹ tại Trung Đông đã có những tuyên bố và động thái quyết liệt ủng hộ Palestine trong vấn đề Jerusalem. Việc Mỹ tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và công khai ý định dời đại sứ quán từ Tel Aviv...