Tổng thống Trump đang có đà thuận lợi cho cuộc đua vào Nhà Trắng
Khi phe Dân chủ và Cộng hòa tranh cãi về phiên tòa luận tội, ông Trump lại hướng sự tập trung của cử tri vào các vấn đề quan trọng khác của đất nước.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang bắt đầu kỳ nghỉ Giáng sinh với tâm lý khá thảnh thơi sau khi giành một loạt chiến thắng lập pháp, giúp ông có được trong những tuần tốt nhất kể từ khi trở thành Tổng thống Mỹ. Ngoài việc trở thành Tổng thống thứ ba của Mỹ bị luận tội, những chiến thắng lập pháp này đang tạo đà thuận lợi cho ông Trump trong chiến dịch tái đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2020.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một hội nghị ở Nhà Trắng ngày 4/10. Ảnh: Reuters.
Với một đất nước đang bị tê liệt bởi sự đấu đá của đảng Dân chủ và Cộng hòa cùng một Tổng thống đang bị sa lầy trong vụ bê bối luận tội vẫn có những đột phá đối với các vấn đề quan trọng của nước Mỹ. Trong khi đảng Dân chủ và Cộng hòa tranh cãi về phiên tòa luận tội tại Thượng viện sẽ diễn ra như thế nào, Tổng thống Trump lại hướng sự tập trung của cử tri vào các vấn đề quan trọng khác của đất nước.
Tổng thống Trump hôm qua (21/12) ký gói ngân sách trị giá 1,4 tỷ USD cho tài khóa 2020, giúp chính phủ tránh được nguy cơ phải đóng cửa. Trong tuần qua, Hạ viện Mỹ cuối cùng đã phê duyệt một thỏa thuận thương mại tự do mới giữa Mỹ-Mexico-Canada. Thỏa thuận này sẽ được đưa đến Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát và tới bàn để Tổng thống Trump ký thành luật.
Ngay trước khi khởi hành tới Florida cho kỳ nghỉ, Tổng thống Trump cũng đã ký Đạo luật chi tiêu quốc phòng 2020 (NDAA), trong đó bao gồm việc thành lập quân chủng mới – Lực lượng Vũ trụ Mỹ. Đây là lần đầu tiên Mỹ có lực lượng quân sự mới trong khoảng 70 năm.
Phát biểu tại lễ ký, Tổng thống Trump khẳng định vai trò của lĩnh vực vũ trụ với nước Mỹ: “Sẽ có rất nhiều điều xảy ra trong không gian. Không gian làm một mặt trận mới nhất của thế giới. Giữa các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, sự dẫn đầu của Mỹ trong không gian là vô cùng quan trọng. Mỹ đang dẫn đầu nhưng dường như chưa đủ. Lực lượng không gian sẽ giúp chúng ta răn đe các lực lượng hiếu chiến và kiểm soát các vùng đất cao hơn”.
Thêm một điểm cộng cho mùa lễ hội của Tổng thống Trump là Chủ tịch Hạ viện Nacy Pelosi- người dẫn đầu lực lượng Dân chủ chống lại ông đã đưa ra lời mời chính thức Tổng thống đọc thông điệp Liên bang tại quốc hội vào đầu tháng 2/2020. Đây được cho là một điều “không tồi” đối với một Tổng thống mà trước đó 48 giờ vẫn bị các nghị sĩ Dân chủ chỉ trích vì vi phạm lời thề nhậm chức và luận tội với 2 cáo buộc.
Và trên hết, với tỉ lệ thất nghiệp chạm đáy, thị trường chứng khoán cao kỷ lục tại Mỹ, đây là cách tốt nhất để một Tổng thống đương nhiệm tái đắc cử trong cuộc đua vào chiếc ghế Nhà Trắng sắp tới.
Bất chấp các lợi thế này, Tổng thống Trump cũng vẫn phải đối mặt với vấn đề đau đầu hiện nay đó là trở thành Tổng thống thứ 3 của nước Mỹ bị luận tội và gần một nửa số người dân Mỹ được hỏi ủng hộ việc luận tội Tổng thống. Nhưng có lẽ ông Trump đang nỗ lực để có thể đảm bảo chiến thắng bất chấp việc bị luận tội. Phát biểu trước những người ủng hộ tại bang Michigan trong tuần, Tổng thống Trump cho rằng, kinh tế sẽ là lá chắn chống lại bất kỳ cuộc tấn công nào từ Đảng Dân chủ trong năm 2020.
“Những điều tốt đẹp nhất vẫn chưa đến. Chúng ta đang nghe được những thông tin tốt lành nhưng chúng ta sẽ có nhiều hơn nữa. Tôi có thể khẳng định điều này là chúng ta đang làm tốt hơn nhiều những gì chúng ta đã cam kết. Tôi nghĩ không có chính trị gia Mỹ nào có thể làm được điều này”, ông Trump nói.
Video đang HOT
Có rất ít dấu hiệu rằng ông Trump sẽ bị kết tội ở Thượng viện, nơi đảng Cộng hòa đang chiếm đa số. Tổng thống Mỹ đang thuyết phục các cử tri ủng hộ bằng yếu tố quan trọng hơn. Đảng Dân chủ đang cảnh báo các cử tri Mỹ không nên ảo tưởng rằng, sự bùng nổ kinh tế và các số liệu thống kê kinh tế vĩ mô “màu hồng” của Tổng thống Trump mà bỏ qua thực tế khó khăn khác của đất nước. Tuy nhiên không phủ nhận đây là những yếu tố quyết định lá phiếu của cử tri, giúp con đường tái đắc cử của Tổng thống Trump tại Nhà Trắng vào năm 2020 thênh thang hơn.
Theo Phạm Hà/VOV1
Tổng hợp
"Chiêu bài" trì hoãn của bà Pelosi khi ông Trump bị Hạ viện luận tội
Sau phiên bỏ phiếu tối 18/12, Chủ tịch hạ viện Nancy pelosi cho biết bà sẽ chưa chuyển ngay các điều khoản luận tội Tổng thống Trump lên Thượng viện.
Tổng thống Donald Trump chính thức trở thành vị Tổng thống thứ 3 của nước Mỹ bị luận tội, nhưng giờ đây, Hạ viện và Thượng viện lại vướng vào tranh cãi không được mong đợi về điều gì sẽ diễn ra tiếp theo.
Đó là vì Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cuối ngày 18/12 đã bất ngờ tuyên bố rằng bà vẫn chưa thực hiện các bước tiếp theo của mình: chọn "người điều hành luận tội"để chính thức chuyển các điều khoản luận tội lên Thượng viện.
Bà Pelosi công bố kết quả cuộc bỏ phiếu thông qua các điều khoản luận tội tổng thống Trump tại Hạ viện tối 18/12. Ảnh: CNN
Ở thời điểm này, điều đó không có nhiều ý nghĩa, bởi Quốc hội chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ và Thượng viện cũng sẽ chưa thể bắt đầu phiên xét xử cho tới tháng 1/2020. Tuy nhiên điều này khiến cho bước tiếp theo của vở kịch chương hồi luận tội - phiên xét xử luận tội Tổng thống Trump tại Thượng viện, dự kiến bắt đầu (và kết thúc) trong tháng 1 - rơi vào mơ hồ.
Thông qua và giữ lại
Bà Pelosi nói rằng bà vẫn do dự không dám chắcLãnh đạo phe đa số (Cộng hòa) tại Thượng viện Mitch McConnell có tổ chức một phiên xét xử công bằng hay không, dựa trên những bình luận mà ông McConnell đã đưa ra tuần trước về việc sẽ phối hợp chặt chẽ với Nhà Trắng.
Vì thế, sáng 19/12, bà Pelosi nhắc lại rằng, bà quyết định sẽ chưa hành động cho đến khi thấy được một cách rõ ràng tiến trình tiếp theo sẽ diễn ra như thế nào ở Thượng Viện.
Trong khi đó, ông McConnell trong một tuyên bố cùng ngày đã ám chỉ rằng điều gì diễn ra tiếp theo sẽ phụ thuộc vào bà Pelosi. Ông thậm chí còn nói rằng việc bà chưa sẵn lòng chuyển các điều khoản luận tội là một sự thừa nhận bà đang yếu thế.
Còn Tổng thống Trump, người đang "háo hức" để Thượng viện tha tội cho mình, cũng không hài lòng về điều này. "Bà Pelosi cảm thấy cuộc luận tội giả mạo của mình là thảm bại tới mức bà sợ phải đưa nó lên Thượng viện để có thể ấn định ngày và khiến toàn bộ âm mưu này phá sản nếu họ từ chối xuất hiện. Cái việc Chẳng Làm Gì đó là quá tệ cho đất nước của chúng ta", ông Trump viết trên Twitter sáng 19/12.
Đây rõ ràng là một nỗ lực của bà Pelosi khi muốn lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell và các Thượng nghị sỹ Cộng hòa phải nhượng bộ trước đảng Dân chủ về việc phiên xét xử sẽ diễn ra như thế nào, đặc biệt là liên quan đến việc triệu tập nhân chứng và lấy lời khai.
Ý nghĩ đằng sau điều này là việc hoãn tiến trình có thể sẽ tạo đòn bẩy cho đảng Dân chủ - vì ông Trump, người bị luận tội, đang rất mong muốn sẽ vô sự ở Thượng viện. (Phản ứng giận dữ của ông trên Twitter sáng 19/12 dường như chứng minh điều đó).
Đó là một ý tưởng, nhưng mọi việc diễn ra như thế nào còn phụ thuộc vào một vài yếu tố. Liệu ông McConnell, người ra quyết định thực sự, có động thái gì không? Nếu không, liệu bà Pelosi có tiếp tục kéo dài thời gian? Và liệu phe Cộng hòa tại Thượng viện có thử phản ứng trước chiêu bài "gây mất tập trung" kiểu như thế này hay không?
Vậy điều gì đang thực sự diễn ra?
Một khi Hạ viện luận tội Tổng thống, hai điều được cho là sẽ diễn ra tiếp sau đó.
Một là, chỉ định những người điều hành luận tội: Chủ tịch Hạ viện sẽ chọn các thành viên nhất định trong Quốc hội làm "những người điều hành luận tội - giống như bên nguyên, người sẽ biện luận nhằm vào Tổng thống trước Thượng viện. Năm 1998, có 13 thành viên Cộng hòa trong Ủy ban Tư Pháp Hạ viện được chọn làm người điều hành ngay sau khi Hạ viện bỏ phiếu luận tội Tổng thống khi đó là Bill Clinton.
Hai là, việc chuyển các điều khoản luận tội lên Thượng viện: Điều này về cơ bản là một bước đi mang tính kỹ thuật khi chuyển các điều khoản luận tội mà Hạ viện đã thông qua lên Thượng viện.
Cả 2 đều là những bước đi mang tính hình thức trước khi bắt đầu phiên xét xử của Thượng viện.
Ngoại trừ việc ngay trong đêm 18/12, bà Pelosi bất ngờ nói rằng mọi việc không đơn giản đến thế. Và ngày 19/12, Hạ viện tuyên bố sẽ không tổ chức phiên bỏ phiếu nào về nghị quyết liên quan đến việc chỉ định những người điều hành luận tội cho đến sau kỳ nghỉ - sớm nhất là ngày 7/1/2020 khi các nghị sỹ trở lại làm việc.
Vì sao bà Pelosi làm vậy?
Lý lẽ mà bà Pelosi ban đầu đưa ra là bà muốn chờ để có thể nắm bắt rõ hơn về các kế hoạch của Thượng viện và liệu họ có công bằng hay không. Lo ngại của bà Pelosi là vì những tuyên bố mà ông McConnell đã đưa ra với Fox News hồi tuần trước.
"Mọi thứ tôi làm trong quá trình này [phiên xét xử luận tội-ND], tôi sẽ phối hợp với cố vấn Nhà Trắng", ông McConnell nói ngày 12/12. "Sẽ không có sự khác biệt giữa lập trường của Tổng thống với lập trường của chúng tôi liên quan tới việc xử lý vấn đề này như thế nào".
Phe Dân chủ nhận thấy những bình luận này là kinh khủng và khẳng định có sự dàn xếp. Bà Pelosi cũng trích dẫn lại những tuyên bố này trong đêm 18/12, nói rằng Mc Connell đã cho thấy rõ là sẽ không có một phiên xét xử công bằng.
Vậy điều gì có thể giải quyết mối lo ngại này? "Điều đó phụ thuộc vào việc các thượng nghị sỹ sẽ đưa ra quyết định của riêng mình. Có những nhân chứng, những văn bản mà Tổng thống đã ngăn cản chúng tôi tiếp cận và tôi hy vọng các thông tin sẽ có sẵn để đi đến một phiên xét xử", bà Pelosi nói.
Điều này được cho là nhắc tới một đề nghị của lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer về việc lấy lời khai từ 4 quan chức và cựu quan chức gồm: quyền Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney, cựu Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, cố vấn Nhà Trắng Robert Blair và nhân viên Văn phòng Quản lý và Ngân sách Michael Duffey. Cả 4 người đều biết về việc ông Trump giữ lại khoản viện trợ Ukraine.
Tất nhiên, vấn đề về nhân chứng sẽ khó có thể đạt được thỏa thuận. Quan điểm riêng tư của ông McConnell là ông không muốn nhân chứng nào. Nhưng về mặt công khai, ông cho rằng, bất cứ quyết định nào về nhân chứng cũng nên để lại cho đến sau khi phiên tòa bắt đầu - đây cũng là cách mà Thượng viện xử lý vấn đề năm 1999. Nhưng cả ông Schumer và bà Pelosi vẫn đang yêu cầu một cam kết về vấn đề nhân chứng ở thời điểm này.
Quả thực, chiến lược thông qua và giữ lại các điều khoản luận tội dường như đã "lọt vào mắt" của phe Dân chủ sau khi một chuyên gia luật của Havard, Laurence Tribe, đề xuất ý tưởng này trong một bài viết trên Washington Post trước đó vài ngày. Tribe cho rằng, việc trì hoãn có thể củng cố thêm sức mạnh của đảng Dân chủ trong việc mặc cả về các quy tắc xét xử với McConnell, bởi mong muốn cấp bách của McConnell và Trump là nhanh chóng kết thúc toàn bộ quá trình này.
Theo Laurence Tribe, bản thân việc luận tội là đủ và rằng phiên xét xử của McConnell có thể quá thỏa hiệp và nó sẽ thất bại trong việc đưa ra một phán quyết có ý nghĩa.
Kết cục khó thay đổi
Tuy nhiên, sự trì hoãn một cách mập mờ của bà Pelosi cũng không nhất thiết sẽ là cái kết của câu chuyện. Đảng Dân chủ có thể sẽ bị giáng đòn đau vì chơi bài chính trị với việc luận tội, cho dù họ sẽ cố gắng nói rằng đó là vì ông McConnell đã chính trị hóa quá trình một cách không phù hợp.
Chiến thuật này cũng có thể sẽ gặp phải sự phản đối của các Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa vốn thường chỉ trích Trump hay là những người đang dao động quan điểm, những người mà đảng Dân chủ sẽ cần đến lá phiếu của họ cho bất cứ giải pháp luận tội nào.
Ông McConnell có thể sẽ vẫn duy trì quan điểm hiện tại và nói rằng ông ổn khi không phải tổ chức phiên xét xử (thực tế kịch bản này lại được một số Thượng nghị sỹ Cộng hòa mong đợi do họ phải đối mặt với cuộc đấu tái tranh cử khá gay gắt, như Susan Collins của bang Maine và Cory Gardner của bang Colorado). Hoặc ông McConnell có thể sẽ bị "lái" vào quan điểm của Tổng thống Trump và cố đặt ra thời hạn chót cho việc đi đến phiên xét xử hơn là nhượng bộ trước các yêu cầu của bà Pelosi.
Tất nhiên, không kịch bản nào có khả năng thay đổi kết quả thực sự của phiên xét xử. Phải có ít nhất 67 phiếu mới có thể bãi nhiệm Tổng thống. Đảng Dân chủ chỉ có 47 Thượng nghị sỹ. Họ cần tới 20 lá phiếu ủng hộ của đảng Cộng hòa. Phiên bỏ phiếu tại Hạ viện cho thấy, không nghị sỹ nào "phản bội" đảng của mình. Nhưng điều đó sẽ tạo ra sự tò mò vào phút chót của vở kịch về việc phiên xét xử sẽ diễn ra như thế nào và liệu đảng Cộng hòa có nghị sỹ nào bỏ phiếu theo Dân chủ hay không./.
Theo Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch)
Vox
Nhà Trắng lại đối đầu gay gắt với đảng Dân chủ Nhà Trắng hôm 6/12 cho biết sẽ từ chối tham gia phiên điều trần tại Hạ viện trong tuần tới, vốn để xem xét các điều khoản luận tội chống lại Tổng thống Trump. Trong lá thư gửi Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Jerrold Nadler, cố vấn pháp lý Nhà Trắng Pat Cipollone gọi cuộc điều tra luận tội của đảng Dân...