Tổng thống Trump: Chưa đến lúc đối thoại với Trung Quốc
Tổng thống Donald Trump cho rằng hiện tại chưa phải là thời điểm thích hợp để đối thoại với Trung Quốc về cuộc chiến thương mại căng thẳng giữa hai nước.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Nikkei)
“Họ muốn đối thoại. Nhưng giờ chưa phải là thời điểm thích hợp để đối thoại với Trung Quốc”, Tổng thống Trump nói hôm 27/8.
“(Quan hệ thương mại Mỹ – Trung) mất cân bằng quá nhiều trong suốt nhiều năm và nhiều thập niên, vì thế bây giờ chưa phải thời điểm để đối thoại. Tuy nhiên rốt cuộc, tôi chắc chắn rằng chúng tôi sẽ có thể xem xét một thỏa thuận với Trung Quốc”, ông Trump cho biết thêm.
Tuần trước, một phái đoàn Trung Quốc do Thứ trưởng Thương mại Wang Shouwen dẫn đầu đã tới Washington để tiến hành các cuộc đàm phán cấp thấp với Thứ trưởng Tài chính Mỹ phụ trách các vấn đề quốc tế David Malpass. Tuy nhiên, những hy vọng về kết quả tích cực của đối thoại song phương đã bị đổ vỡ khi Tổng thống Trump tuyên bố ông không “trông đợi nhiều” từ cuộc họp của phái đoàn Trung Quốc với Mỹ. Ông chủ Nhà Trắng cũng cho biết ông chưa có lộ trình về việc sẽ chấm dứt chiến tranh thương mại với Trung Quốc.
Từ trước tuyên bố của Tổng thống Trump, giới quan sát và chính trị gia đã bày tỏ hoài nghi về việc các cuộc đối thoại Mỹ – Trung có thể phá vỡ thế bế tắc song phương ở thời điểm hiện tại.
Video đang HOT
Hồi tháng 5 và tháng 6, các cuộc đàm phán với sự tham gia của các quan chức cấp cao hai nước cũng không mang lại giải pháp cụ thể cho sự bế tắc hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc. Kể từ đó, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn trừng phạt lẫn nhau. Thậm chí ngay trong lúc quan chức hai nước đang đàm phán vào tuần trước, Mỹ đã áp thuế lên 16 tỷ USD hàng Trung Quốc như đã cảnh báo.
Nhiều chuyên gia cho rằng các cuộc đàm phán thương mại “thất bại” mới nhất giữa Washington và Bắc Kinh là tín hiệu cho thấy hai bên sẽ chưa thể “ngừng bắn” mà vẫn tiếp tục căng thẳng. Trong thời gian tới, Mỹ có thể sẽ tiếp tục áp thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và Bắc Kinh tuyên bố sẽ có động thái đáp trả.
“Chúng ta sẽ chứng kiến cuộc chiến thương mại leo thang trong vài tháng tới”, David Dollar, người từng phụ trách vấn đề Trung Quốc tại Bộ Tài chính Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama và hiện là chuyên gia tại Viện nghiên cứu Brookings, nhận định.
Không chỉ dừng lại ở việc áp thuế, Tổng thống Trump cũng kêu gọi đưa ra các rào cản mới đối với các khoản đầu tư từ Trung Quốc.
“Chúng ta vẫn chưa chú trọng đầy đủ đối với vấn đề Trung Quốc. Và chuyện đó đã xảy ra quá lâu rồi”, Tổng thống Trump phát biểu tại Nhà Trắng hôm 23/8 khi ký thông qua dự luật cho phép tăng cường quyền lực cho Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ.
Các quan chức Mỹ ngày 24/8 đã gặp mặt các đối tác từ châu Âu và Nhật Bản tại Washington để thảo luận về cách thức nhằm buộc Trung Quốc phải có sự thay đổi về đường lối chính sách.
Mục tiêu của chính quyền Trump đối với Bắc Kinh hiện tại được cho là khắt khe hơn so với trước đây. Theo đó, Mỹ yêu cầu Trung Quốc phải có sự thay đổi về cơ cấu dài hạn trong chính sách như chấm dứt trợ cấp nông nghiệp hay đánh cắp tài sản trí tuệ. Điều này đồng nghĩa với việc căng thẳng thương mại Mỹ – Trung sẽ ngày càng diễn biến phức tạp hơn.
Thành Đạt
Theo Dantri/SCMP
Trung Quốc chi mạnh tay để mở rộng ảnh hưởng tại Mỹ
Báo cáo của cơ quan thuộc Quốc hội Mỹ gần đây nhận định Trung Quốc đã chi bộn tiền cho các kế hoạch mở rộng tầm ảnh hưởng tại Mỹ thông qua các tổ chức nước ngoài.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khai trương Viện Khổng Tử tại London, Anh năm 2015 (Ảnh: Reuters)
Được thực hiện theo yêu cầu của Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung thuộc Quốc hội Mỹ, bản báo cáo dài 39 trang đã tập trung vào Mặt trận Thống nhất - cơ quan có nhiệm vụ gia tăng sức mạnh mềm của Trung Quốc. Tác giả của báo cáo tin rằng Mặt trận Thống nhất đã đóng vai trò trong việc mở rộng đáng kể tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở nước ngoài dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình.
"Mặt trận Thống nhất đóng vai trò thúc đẩy hình ảnh toàn cầu của Trung Quốc, gây sức ép để những cá nhân sống trong các xã hội tự do và mở cửa tự kiểm duyệt và tránh thảo luận những vấn đề gây bất lợi cho đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời làm suy yếu các nhóm chỉ trích các chính sách của Bắc Kinh", bản báo cáo với sự hậu thuẫn của Quốc hội Mỹ cho biết.
Theo báo cáo trên, các tổ chức lớn tại Mỹ như Đại học John Hopkins và các trung tâm nghiên cứu như Hội đồng Đại Tây Dương, Viện nghiên cứu Brookings và Trung tâm Carter đều từng nhận quỹ tài trợ trực tiếp từ các cơ quan khác nhau của chính phủ Trung Quốc hoặc hợp tác trong các dự án do Mặt trận Thống nhất viện trợ tài chính. Báo cáo của Mỹ cho rằng Trung Quốc đang tìm cách tác động để các tổ chức nước ngoài giúp Bắc Kinh truyền tải thông điệp. Một phần của động thái này là vì Trung Quốc tin rằng những người nước ngoài dễ dàng chấp nhận thông điệp tuyên truyền hơn nếu thông điệp đó được phát đi từ các nguồn "ngoài Trung Quốc".
Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc cũng đang phát triển mạng lưới các tổ chức "cơ sở", bao gồm 142 Hội Học giả và Sinh viên Trung Quốc tại Mỹ (CSSSA) cùng hơn 100 Viện Khổng tử. Thông thường các tổ chức này ra đời với mục đích thúc đẩy giao lưu văn hóa và giới thiệu tiếng Trung Quốc. Tuy nhiên, báo cáo của Mỹ nghi ngờ các tổ chức này là những "bình phong" cho các hoạt động tình báo và tuyển dụng tình báo của Trung Quốc và là công cụ để thúc đẩy các chương trình nghị sự của Trung Quốc, bao gồm các vấn đề liên quan tới các đối thủ địa chính trị của Bắc Kinh.
"Hầu hết người Mỹ và nhiều nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ không biết về quy mô của các hoạt động do mạng lưới của Trung Quốc vận hành", Larry Wortzel, một thành viên của Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung, nói với Washington Free Beacon.
Ông Wortzel cho biết Quốc hội Mỹ đã được thông báo về kết quả của báo cáo liên quan tới Trung Quốc. Ông cũng kêu gọi Quốc hội Mỹ nên coi các tổ chức được Trung Quốc hậu thuẫn là các đơn vị tình báo của Bắc Kinh ở nước ngoài.
Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump coi Trung Quốc như một đối thủ chính trị và kinh tế, mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đang ngày càng căng thẳng sau các biện pháp áp thuế lên hàng tỷ USD hàng hóa của nhau. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton gần đây cảnh báo Trung Quốc có thể sẽ tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới tại Mỹ.
Ngày 18/8, Tổng thống Trump cũng đăng một bình luận trên Twitter, cho rằng các nhà điều tra nên mở rộng phạm vi cuộc điều tra về khả năng các nước bên ngoài can thiệp bầu cử Mỹ, không nên chỉ tập trung vào riêng Nga.
"Tất cả những gã khờ vốn chỉ tập trung vào Nga nên bắt đầu nhìn sang một hướng khác, đó là Trung Quốc", ông Trump viết.
Thành Đạt
Theo Dantri/ RT
Mỹ ráo riết kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương Báo cáo của Lầu Năm Góc gần đây đã đưa ra cảnh báo về tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở những khu vực quan trọng như Ấn Độ - Thái Bình Dương, buộc Washington phải tính toán các biện pháp để đảm bảo lợi ích của mình. Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận...