Tổng thống Trump cảm ơn, đánh giá cao năng lực chống COVID-19 của Việt Nam
Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Donald Trump cảm ơn, đồng thời đánh giá cao năng lực ứng phó với dịch bệnh của Việt Nam.
Ngày 6/5, tại Văn phòng Chính phủ, theo đề nghị của phía Mỹ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump.
Tại cuộc điện đàm, Tổng thống Trump đánh giá cao năng lực ứng phó với dịch bệnh của Việt Nam và cảm ơn Việt Nam đã tạo điều kiện cung cấp và vận chuyển trang thiết bị y tế cũng như trao tặng khẩu trang cho phía Mỹ.
Tổng thống Trump nhờ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chuyển lời chào tới nhân dân Việt Nam. Tổng thống Trump thông báo sẵn sàng tặng Việt Nam một số máy thở để hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19, đồng thời đề nghị hai nước tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong phòng chống dịch bệnh. Tổng thốngTrump lấy làm tiếc Hội nghị Cấp cao đặc biệt Mỹ – ASEAN đã bị hoãn do dịch COVID-19 và bày tỏ mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ Mỹ – ASEAN trong thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: VGP)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cập nhật về tình hình kiểm soát dịch COVID-19 ở Việt Nam, đồng thời chia sẻ những mất mát, khó khăn mà người dân Mỹ đang phải gánh chịu, tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, Mỹ sẽ sớm kiểm soát thành công dịch bệnh và tái khởi động nền kinh tế.
Thủ tướng đánh giá cao sự hợp tác giữa hai nước trong đối phó với dịch COVID-19, cảm ơn thiện chí của Tổng thống Trump tặng máy thở cho Việt Nam; đồng thời cảm ơn Mỹ đã hỗ trợ tài chính cho ASEAN, trong đó gần 10 triệu USD dành riêng cho Việt Nam để nâng cao năng lực y tế và phục hồi kinh tế sau dịch bệnh.
Video đang HOT
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Trump bày tỏ sự hài lòng về tiến triển thực chất trong quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực thời gian qua, từ chính trị – ngoại giao, kinh tế – thương mại, an ninh – quốc phòng cho đến khoa học – giáo dục, giải quyết hậu quả chiến tranh, giao lưu nhân dân.
Hai bên vui mừng nhận thấy kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều tiếp tục tăng trong quý I/2020, trong đó xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Trump nhất trí sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế – thương mại, tiếp tục mở cửa thị trường cho hàng hóa của nhau trong thời gian tới. Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi về các biện pháp để đưa quan hệ toàn diện đi vào chiều sâu, nhất là trong dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, qua đó đóng góp thiết thực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực.
Tổng thống Trump khẳng định Mỹ coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam, đánh giá quan hệ Việt Nam-Mỹ đã phát triển mạnh mẽ trong 25 năm qua và tin tưởng quan hệ sẽ tiếp tục phát triển ngày càng bền chặt hơn thời gian tới; đồng thời bày tỏ mong muốn sẽ sớm được gặp lại Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Trước đó, vào các ngày 26/3 và ngày 28/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Trump đã có thư thăm hỏi về tình hình dịch COVID-19.
Cùng ngày 6/5, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cũng đã điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Hai bên nhất trí đánh giá quan hệ Việt Nam-Mỹ tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế – thương mại; thống nhất phối hợp chặt chẽ để tổ chức, triển khai các hoạt động hợp tác nhân dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2020, qua đó làm sâu sắc hơn hơn quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Mỹ.
Ngoại trưởng Mike Pompeo đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong ứng phó với các thách thức chung, nhất trí tăng cường phối hợp để thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN và Mỹ, trong quá trình Việt Nam đảm nhận vị trí Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Hai bên cũng trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Thủ tướng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến của Phong trào Không liên kết
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị cấp cao trực tuyến Phong trào Không liên kết với chủ đề "Đoàn kết ứng phó đại dịch COVID-19".
Tối 4/5, nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Azebaijan Ilham Aliyev, Chủ tịch đương nhiệm Phong trào Không liên kết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến của Phong trào Không liên kết với chủ đề "Đoàn kết ứng phó đại dịch COVID-19".
Tham dự và trao đổi tại hội nghị trực tuyến có các nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ của 40 quốc gia thành viên Phong trào Không liên kết, đại diện cho các khu vực trên thế giới. Chủ tịch đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ), Tổng thư ký LHQ, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng tham dự và phát biểu tại hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: TTXVN)
Phát biểu khai mạc, Tổng thống Azebaijan Ilham Aliyev nhấn mạnh tình hình hiện nay đòi hỏi tinh thần đoàn kết của phong trào hơn bao giờ hết, kêu gọi các nước tăng cường hợp tác, ủng hộ xây dựng cơ sở dữ liệu chung của phong trào.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi hạn chế các tác động về kinh tế - xã hội của đại dịch và có các biện pháp hỗ trợ để không ai bị bỏ lại phía sau, kiên trì thực hiện các thỏa thuận đa phương, các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Tijjani Muhammad-Bande đề nghị các nước có hình thức hỗ trợ, đặc biệt dành cho các nhóm dễ bị tổn thương nhất như trẻ em, người nghèo, người di cư.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom cảm ơn những hỗ trợ của Phong trào Không liên kết dành cho WHO và cam kết ủng hộ tuyệt đối các nỗ lực phòng chống đại dịch của phong trào. Ông Tedros nhấn mạnh sự cần thiết của hợp tác đa phương, cần có sự thay đổi trong cách tiếp cận từ ứng phó bị động sang chủ động với sự tham gia của cả xã hội.
Lãnh đạo các nước thành viên Không liên kết tham dự đã chia sẻ quan ngại chung về các thách thức chưa từng có tiền lệ mà đại dịch COVID-19 gây ra, nhấn mạnh sự ủng hộ đối với chủ nghĩa đa phương, Liên Hợp Quốc, WHO và kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế để cùng ứng phó với đại dịch.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ quan ngại chung và nhấn mạnh tình hình hiện nay đòi hỏi Phong trào Không liên kết cần củng cố; khẳng định tinh thần đoàn kết đã được hun đúc qua lịch sử 6 thập kỉ hoạt động, coi đây là kim chỉ nam giúp chuyển "nguy" thành "cơ", vượt qua thách thức và chiến thắng đại dịch.
Thủ tướng kêu gọi các nước Không liên kết tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trên tất cả các cấp độ và lĩnh vực; có chiến lược hiệu quả để thực hiện mục tiêu kép là kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; ủng hộ tăng cường chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế và kiên trì thực hiện các cam kết đa phương then chốt.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phong trào Không liên kết cần tiếp tục đóng vai trò đi đầu trong thúc đẩy thượng tôn pháp luật và dân chủ hóa quan hệ quốc tế, phản đối các hành vi chính trị cường quyền và thúc đẩy dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, cấm vận đơn phương, hưởng ứng lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu của Tổng thư ký LHQ để duy trì một môi trường quốc tế hòa bình, ổn định.
Lần đầu tiên Hội nghị cấp cao của Phong trào Không liên kết được tổ chức bằng hình thức trực tuyến. (Ảnh: TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chia sẻ những kết quả tích cực của Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch có được nhờ sự đồng lòng nhập cuộc của cả hệ thống chính trị và xã hội theo phương châm "chống dịch như chống giặc"; khẳng định chính phủ Việt Nam nỗ lực tối đa vừa chống dịch vừa ổn định phát triển, đảm bảo an sinh xã hội để không một người dân nào bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng cũng đề cập những nỗ lực của Việt Nam trên cương vị chủ tịch ASEAN 2020 và ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế để kiểm soát hiệu quả đại dịch, cũng như các đóng góp của Việt Nam về tài chính, vật tư, trang thiết bị y tế thiết yếu sản xuất tại Việt Nam đối với một số nước chịu ảnh hưởng của đại dịch.
Kết thúc hội nghị, các nước thành viên Không liên kết dự đã thông qua Tuyên bố chung với nội dung chính bày tỏ sự ủng hộ của phong trào đối với chủ nghĩa đa phương, vai trò của các tổ chức quốc tế nói chung và Liên Hợp Quốc, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nói riêng.
Các nước thành viên kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế, lên án và kêu gọi xóa bỏ các hành động cấm vận đơn phương vi phạm Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế nhằm vào một số thành viên của phong trào, đồng thời nhất trí thành lập nhóm Đặc trách Không liên kết để xây dựng cơ sở dữ liệu chung của các nước thành viên phong trào trong phòng chống đại dịch.
Căng thẳng Mỹ-Trung gây cản trở việc giải quyết các vấn đề quốc tế Căng thẳng giữa hai nước được nhận định là đang cản trở những nỗ giải quyết các vấn đề quốc tế, đặc biệt là cuộc chiến chống dịch Covid-19. Ngày 30/4, bất chấp việc Văn phòng Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ ra tuyên bố cho rằng, virus SARS-CoV-2 không do con người tạo ra hoặc do biến đổi gien, Tổng thống...