Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thăm Nga: Tương lai nào cho Idlib (Syria)?
Hôm 5/3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan sẽ tới Nga để gặp Tổng thống Putin, bàn về tình hình chiến sự tại Idlib, Syria.
Dự báo, tương lai của Idlib sẽ phụ thuộc phần lớn vào kết quả của cuộc gặp này. Hôm qua (4/3), Văn phòng Tổng thống Nga một lần nữa xác nhận về thời gian của chuyến thăm của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan; và cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo sẽ diễn ra ngay tại Điện Kremlin.
Quân đội trung thành với Tổng thống Assad đang đánh mạnh vào hai chiến trường Idlib và Aleppo. Ảnh: AP.
Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, nội dung bao trùm cuộc gặp này sẽ là cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Idlib. Tổng thống Nga Putin đã sẵn sàng thảo luận về mọi khía cạnh của vấn đề như lý do để xảy ra khủng hoảng, những hậu quả tiềm ẩn cũng các giải pháp mà 2 bên có thể đạt được để chấm dứt chiến sự.
Tuy nhiên, ông Peskov cũng khẳng định, Nga đã thực hiện đúng thỏa thuận đã ký với Thổ Nhxi Kỳ tại Sochi trước đây; luôn ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria, đồng tình quan điểm duy trì việc thực hiện các chiến dịch quân sự chống lại các nhóm khủng bố tại Idlib. Trong khi đó, về phía Thổ Nhĩ Kỳ, trước khi lên đường thăm Nga, Tổng thống Erdogan đã bày tỏ hi vọng đạt được lệnh ngừng bắn tại Idlib, qua đó chính phủ Syria phải ngừng các chiến dịch quân sự và rút về ranh giới mà Thổ Nhĩ Kỳ đã định ra.
“Tôi hi vọng chúng tôi sẽ đạt được một lệnh ngừng bắn lâu dài cho khu vực. Đây là chủ đề chính mà tôi sẽ thảo luận với Tổng thống Putin”, Tổng thống Erdogan nói.
Giới chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ hiện cũng đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc gặp này – và rằng vấn đề Idlib sẽ được giải quyết sau đó. Chuyên gia Oytun Orhan tại Trung tâm nghiên cứu Trung Đông cho biết: “Tôi vẫn nghĩ rằng mối quan hệ Nga Thổ vẫn có thể sống sót sau những căng thẳng này, bởi vì quá trình ngoại giao vẫn còn đó, hai nhà lãnh đạo sắp gặp nhau, họ vẫn có thể có cơ hội phục hồi các mối quan hệ. Tôi không nghĩ rằng sự leo thang ở Idlib sẽ dẫn đến một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ”.
Theo Nhật báo Buổi sáng Sabah của Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều khả năng Nga và Thổ cũng có thể sẽ có 1 thỏa thuận mới, được soạn ra dựa trên 1 số thay đổi của thỏa thuận ở Sochi về Idlib trước đây, để phù hợp hơn trong bối cảnh hiện nay.
Dẫu vậy, dù chuẩn bị đàm phán, hi vọng đối thoại thành công, song cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều có những bước đi tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực những ngày qua, nhằm để phòng cho trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, sau cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo Nga – Thổ.
Video đang HOT
Thổ Nhĩ Kỳ đã điều thêm hàng nghìn quân và xe quân sự tới chiến trường Idlib; trong khi từ ngày 28/2 đến nay, Nga cũng điều 6 tàu chiến có thể chở theo nhiều thiết bị quân sự tới Syria.
Ngay từ khi cuộc khủng hoảng Syria bắt đầu nổ ra vào 9 năm trước, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã có những quan điểm “đối lập”, khi Nga ủng hộ chính phủ Syria; trong khi Thổ Nhĩ Kỳ và 1 số quốc gia Arập lại ủng hộ các phiến quân đối lập, muốn lật đổ chính phủ của Tổng thống Syria Al Assad.
Với sự ủng hộ của Nga, chính phủ Syria đến nay đã giành lại được khoảng 70% diện tích đất đai, giành lợi thế tuyệt đối trên mọi chiến trường. Điều này buộc một số nước Arab quyết định rút lại sự ủng hộ với phe đối lập Syria và bắt đầu “làm lành” với chính quyền Damascus. Còn với Thổ Nhĩ Kỳ, dù lúc đầu lực lượng Syria được nước này hậu thuẫn nhằm chống chính phủ, song về sau, lực lượng này lại tập trung vào cuộc chiến chống người Cuốc, Syria – một lực lượng mà Ankara coi là khủng bố. Đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đạt được kết quả “tạm thời như ý” trong vấn đề người Kurd. Tuy nhiên, khi các phe phái, lực lượng khác bị gạt ra 1 bên, cuộc chiến cuối cùng giờ đây chỉ còn nằm trong tay 2 phe đối địch chính: là chính phủ Syria và lực lượng đối lập được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ – 2 quốc gia bảo trợ cho 2 bên Syria, đã có nhiều cuộc đàm phán để giải quyết cuộc chiến bằng tiến trình chính trị. Tuy nhiên, hai bên đến nay vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề. Các gặp ngày ngày hôm nay (5/3) giữa Nhà lãnh đạo Nga – Thổ sẽ là cuộc gặp riêng thứ 3 của 2 người trong năm nay. Theo Điện Kremlin, năm 2019, Tổng thống Nga – Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tiến hành tới 12 cuộc điện đàm – đây là số lần điện đàm nhiều nhất của Tổng thống Putin với 1 nhà lãnh đạo nước ngoài. Tuy nhiên, chỉ từ đầu năm nay, 2 nhà lãnh đạo đã có tới 5 cuộc điện đàm với nhau, trong bối cảnh chiến sự Idlib leo thang nhanh chóng.
Theo Đình Nam/VOV1
Tổng hợp
Erdogan gặp khó giữa cuộc chơi với các siêu cường
Khi phải giải bài toán khó ở Idlib, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ không còn ai để dựa vào, sau khi quay lưng với các siêu cường vì lợi ích riêng.
Thổ Nhĩ Kỳ hôm 1/3 thông báo triển khai chiến dịch quân sự Lá chắn Mùa xuân nhằm vào quân đội chính phủ Syria tại Idlib, nhằm đáp trả vụ máy bay Syria không kích khiến 34 binh sĩ nước này thiệt mạng. Hành động này khiến căng thẳng giữa Ankara và Damascus gia tăng trong bối cảnh Syria mở chiến dịch giành lại tỉnh Idlib khỏi tay các nhóm phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
Xung đột ở Idlib là một bài toán khó giải với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, bởi nếu không can thiệp, các nhóm nổi dậy được Ankara dày công huấn luyện, trang bị sẽ bị quân đội chính phủ Syria nghiền nát. Nhưng khi đưa quân vào Idlib, Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với lực lượng dày dạn kinh nghiệm thực chiến của Syria, cũng như hỏa lực yểm trợ của không quân Nga và vụ không kích khiến 34 binh sĩ chết là một ví dụ.
Erdogan đã thất bại khi không thể kích hoạt Điều 5 Hiến chương NATO, trong đó yêu cầu các nước trong khối bảo vệ lẫn nhau khi một thành viên bị tấn công. Mỹ cũng thẳng thừng từ chối yểm trợ hỏa lực không quân cho binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết nước này chỉ hỗ trợ về khí tài và nhân đạo.
Sau khi không thuyết phục được các đồng minh phương Tây, ông chuẩn bị lên đường tới Moskva gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm thảo luận về tình hình Idlib.
Tổng thống Erdogan phát biểu trong cuộc họp đảng cầm quyền hôm 26/2. Ảnh: AFP.
Giới phân tích cho rằng các động thái của Erdogan có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ "mất cả chì lẫn chài" khi không thể lôi kéo sự ủng hộ từ bất kỳ siêu cường nào, thậm chí gây nguy cơ bị quay lưng do Ankara từng nhiều lần lợi dụng, đẩy hai bên vào thế đối đầu nhằm phục vụ toan tính riêng.
Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng họ đã thiết lập được biên giới mới ở Syria với thỏa thuận lập vùng giảm căng thẳng ở Idlib hồi cuối năm 2018. "Erdogan muốn kiểm soát phần lớn tỉnh Idlib và vùng đệm rộng 50 km tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, nhằm cắt đôi lãnh thổ do người Kurd kiểm soát tại Syria", nhà phân tích chính trị Tom Luongo tại Mỹ nhận xét.
"Ông ấy tuần này có thể ôm hôn, cảm ơn Putin, nhưng sang tuần sau đã có thể yêu cầu Tổng thống Mỹ Donald Trump chuyển giao tên lửa phòng không Patriot", Luongo nói, cho rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng ông "điều khiển" được cả Washington và Moskva nhằm thu về những lợi ích chiến lược.
Thổ Nhĩ Kỳ khiến Mỹ tức giận khi quyết đặt mua và biên chế tổ hợp phòng không S-400 do Nga chế tạo, buộc Washington đáp trả bằng cách loại Ankara khỏi dự án siêu tiêm kích F-35 và từ chối bán 105 chiếc F-35A được nước này đặt mua.
Quan hệ Moskva - Ankara cũng bất ngờ xấu đi khi hành động quân sự leo thang của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib dường như đã khiến Nga tức giận. Lực lượng quân sự Nga tại Syria cảnh báo họ sẽ không bảo đảm an toàn cho chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động ở Idlib. Tuyên bố này đồng nghĩa với việc Nga sẽ không can thiệp nếu phòng không Syria phóng tên lửa vào tiêm kích Thổ Nhĩ Kỳ trên không phận tây bắc nước này.
"Tôi cho rằng Erdogan đã đánh giá quá cao khả năng của mình và ông ấy đang trong trạng thái tuyệt vọng", Luongo nói.
Đoàn xe thiết giáp Thổ Nhĩ Kỳ gần biên giới với Syria hôm 2/3. Ảnh: AFP.
Không chỉ rơi vào thế khó trong vấn đề đối ngoại, Erdogan cũng phải đối mặt với sự bất mãn ngày càng gia tăng trong nước. Người dân Thổ Nhĩ Kỳ rất ủng hộ Erdogan sau cuộc đảo chính bất thành hồi năm 2016. Tuy nhiên, ông đã thất bại trong hai cuộc bầu cử tại thủ đô Ankara và thành phố Istanbul trong vòng 12 tháng qua, trong khi tỷ lệ ủng hộ với Erdogan hiện chỉ còn hơn 40%.
Tình trạng thất nghiệp đang tăng lên, trong khi Erdogan kêu gọi ngân hàng trung ương hạ mức lãi suất để đối phó lạm phát. "Erdogan đã chọc tức tất cả những bên từng giúp ông ấy vượt qua khủng hoảng ngân sách năm 2018", Luongo đánh giá.
Giới chuyên gia nhận định Erdogan sẽ theo đuổi một thỏa thuận mới về vấn đề Syria trong chuyến thăm Moskva nhằm giữ thể diện và duy trì quyền lực. Dù vậy, nhiều khả năng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải ra về tay trắng.
"Putin cần Thổ Nhĩ Kỳ chứ không phải Erdogan. Tôi nghĩ tất cả các bên đều đã mệt mỏi với việc bị đẩy vào thế đối đầu vì cuộc chơi của Ankara và Erdogan đang rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan giữa các siêu cường. Sẽ không còn ai cứu giúp Erdogan khi ông ấy mất quyền lực", Luongo cảnh báo.
Vũ Anh (Theo Sputnik)
Theo vnexpress.net
Căng thẳng ở Syria: Nga đưa quân cảnh đến vùng chiến lược Idlib Bộ Quốc phòng Nga điều quân cảnh tới thị trấn chiến lược ở Idlib, khi giao tranh giữa quân chính phủ Syria và lực lượng đối lập, không có dấu hiệu hạ nhiệt. Trung tâm Hòa giải Nga ở Syria thông báo hôm 2/3, các đơn vị quân cảnh Nga vừa được triển khai tới thị trấn Saraqib ở tỉnh Idlib, nhằm củng...