Tổng thống thích ở nhà: Vì sao Trump vẫn chưa công du?
Ba tháng sau khi nhậm chức, Barack Obama đã tới thăm 9 quốc gia, George W. Bush công du 2 nước, song ông Trump thì vẫn chưa có chuyến công tác nước ngoài nào.
Đứng trên boong tàu sân bay USS Ronald Reagan tại căn cứ hải quân Yokosuka ở Nhật Bản hôm 19/4, Phó tổng thống Mike Pence gửi đi thông điệp mạnh mẽ tới Triều Tiên, quốc gia mà ông gọi là “mối đe dọa nguy hiểm và cấp bách nhất đối với hòa bình và an ninh của châu Á – Thái Bình Dương”.
“Thời của kiên nhẫn chiến lược đã kết thúc”, Pence nói. “Khiên đã sẵn sàng còn gươm đã tuốt khỏi vỏ”.
Nhiều năm qua, những phát ngôn kiểu như vậy thường được các tổng thống Mỹ đưa ra ở nước ngoài. Tuy nhiên, lần này người nói lại là phó tướng Pence chứ không phải Tổng thống Donald Trump.
“Giá mà tôi có thể ở đó (Nhật Bản) như ông”, Mike Pence nhắc lại lời của Trump nói với ông trên điện thoại trước đó và khẳng định: “Tôi biết là ông ấy (Trump) nói thật, từ tận đáy lòng”.
Thời điểm tròn 100 ngày nhận nhiệm sở của Trump sẽ diễn ra vào tuần tới. Tuy nhiên đến nay, tân tổng thống vẫn chưa một lần tới thăm những quốc gia mà phó tướng Pence hay Ngoại trưởng Rex Tillerson đã công du.
Kỷ nguyên của &’nước Mỹ trên hết’, ít hiện diện
Thay vì thực hiện vai trò người đứng đầu quốc gia, đại diện nước Mỹ trong các chuyến công tác nước ngoài, Trump lại đến các bang đã giúp ông thắng cử. Tổng thống cũng dành nhiều ngày cuối tuần nghỉ ngơi tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, Florida. Trump thông báo chuyến công du đầu tiên của ông sẽ diễn ra vào tháng 5 tại Brussels, Bỉ, nơi diễn ra cuộc họp của NATO.
Việc ông Trump quyết định không công du ngước ngoài phản ánh hai khía cạnh về vị tổng thống mới của nước Mỹ: Người luôn nêu cao mạnh mẽ tư tưởng “nước Mỹ trên hết” và một tỷ phú 70 tuổi thích ở nhà, dành nhiều thời gian để chơi golf tại câu lạc bộ của chính mình.
Điều này cũng phản ánh một kỷ nguyên mới trong quan hệ của Mỹ với cả đồng minh cũng như đối thủ, báo hiệu một thế giới mà ở đó sự hiện diện của Washington sẽ ít hơn. Hoặc ít nhất, nếu ai đó muốn gặp tổng thống Mỹ, người đó chỉ có cách là tới tận nơi để gặp ông ấy.
Cũng vào thời điểm này trong nhiệm kỳ đầu, Barack Obama đã đi thăm 9 nước trong đó có Anh, Pháp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Mexico. Geore W. Bush công du Mexico và Canada, đến 23 bang ở Mỹ (Trump chỉ đi 7 bang).
Video đang HOT
Cựu Tổng thống Barack Obama và phu nhân Michelle Obama tới thăm Nữ hoàng Elizabeth II trong chuyến công du tới Anh đầu tháng 4/2009. Ảnh: Getty.
Nhiều cựu quan chức trong chính quyền cho biết Obama dành ưu tiên cho việc công du ở nước ngoài, mặc dù tổ chức những chuyến đi như vậy gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang suy thoái.
“Ông ấy cho rằng điều đó quan trọng bởi chiến tranh Iraq đã làm suy giảm vị thế của Mỹ trên thế giới. Ông ấy nghĩ mình phải làm công việc ngoại giao thực sự không chỉ với các lãnh đạo mà với cả người dân ở các nước khác”, Tommy Vietor, người chịu trách nhiệm về các vấn đề đối ngoại trong hai nhiệm kỳ của Obama cho biết.
“Ông ấy nhìn thấy giá trị của điều đó khi nước Mỹ cần sự ủng hộ từ các đồng minh hay những nước không phải đồng minh như Trung Quốc hay Nga”, Vietor nói.
Vị khách không được yêu mến
“Một phần nữa là do ông ấy rất không được yêu thích ở nước ngoài, điều này hoàn toàn trái ngược với Obama”, một nguồn tin thân cận với chính quyền nói về Tổng thống Trump.
“Liệu có thực sự phù hợp để ông ấy ra nước ngoài để rồi phải đối mặt với các cuộc biểu tình lớn? Việc ông ấy chủ trương &’nước Mỹ trên hết’ có thể là thách thức đối với phần còn lại của thế giới”, nguồn tin cho biết.
Người biểu tình rầm rộ phản đối lệnh cấm nhập cư của ông Trump trên phố Downing, London, Anh, ngày 4/2. Ảnh: AP.
Mặc dù vậy, một quan chức trong chính quyền cho biết quan điểm nước Mỹ trên hết không phải là lý do khiến ông Trump không thực hiện các chuyến công du. Người này lưu ý rằng việc so sánh Trump với các đời lãnh đạo trước là không chính xác, bởi mục đích của tân tổng thống vốn là thay đổi những cách tiếp cận truyền thống.
Các cuộc gặp gỡ và điện đàm của Trump với các lãnh đạo trên thế giới diễn ra rất tích cực, vị quan chức trên cho biết. Theo đó, tổng thống tin tưởng để những cấp dưới như Pence, Tillerson, Bộ trưởng An ninh Nội địa John Kelly và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis gặp gỡ các lãnh đạo nước ngoài.
“Obama thích kiểm soát mọi thứ, ông ta nghĩ mình là người thông minh nhất. Còn tổng thống (Trump) thì đặt nhiều niềm tin vào đội ngũ của ông”, người này nói.
Tổng thống thích nghỉ dưỡng
“Trump vẫn chưa ra nước ngoài và chưa tới rất nhiều bang (ở Mỹ) trong 100 ngày đầu tiên vì thời gian này trùng đúng vào mùa nghỉ dưỡng ở Palm Beach”, chiến lược gia của đảng Cộng hòa đồng thời là nhà phê bình của CNN Ana Navarro ám chỉ việc ông Trump thường xuyên dành thời gian cuối tuần ở câu lạc bộ tư nhân Mar-a-Lago, Palm Beach, Florida.
“Ông ta còn bận giải trí, chơi golf… đâu còn nhiều thời gian để tới thăm Montana hay Argentina”, Navarro chỉ trích tân tổng thống.
Ông Trump tại sân golf trong khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago hôm 9/4. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, một quan chức Nhà Trắng đánh giá việc trước hết để Ngoại trưởng Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng Mattis tới các khu vực thiết lập nền tảng quan hệ cho chính quyền là rất phù hợp. Theo sau đó là chuyến đi của phó tướng Pence nhằm chuyển tải thông điệp từ tổng thống. Cuối cùng, Trump cũng sẽ trở nên gần gũi hơn với bên ngoài khi ông thực hiện các chuyến công du vào tháng 5 ở châu Âu và tháng 11 ở Đông Nam Á.
Theo Zing News
Trump chỉ trích dàn diễn viên 'thô lỗ' với phó tướng Pence
Tổng thống đắc cử Donald Trump chỉ trích và yêu cầu dàn diễn viên Mỹ la ó phó tướng Pence phải xin lỗi.
Donald Trump và phó tướng Mike Pence trong chiến dịch tranh cử. Ảnh: AP.
Donald Trump và dàn diễn viên vở nhạc kịch Hamilton ở Broadway, New York đối đầu nhau trong vụ việc liên quan tới phó tổng thống đắc cử Mike Pence, theo BBC.
Ông Trump nói các diễn viên đã "rất thô lỗ" và quấy rầy phó tướng Pence khi ông này tới xem nhạc kịch tối 18/11.
Sau buổi biểu diễn, ông Brandon Dixon, một diễn viên, đọc một lá thư gửi tới Pence.
Lá thư được cho là do các nhà viết kịch của show diễn viết ra khi họ hay tin ông Pence sẽ có mặt tại sự kiện này.
"Thưa ông, chúng tôi là những người Mỹ đa dạng, những người đã được cảnh báo và lo lắng rằng chính quyền mới của ông sẽ không bảo vệ chúng tôi", ông Dixon nói tiếp trong tiếng vỗ tay của khán giả.
Phản ứng lại sự kiện này, ông Trump hôm 19/11 dùng tài khoản trên mạng xã hội Twitter, tuyên bố: "Nhà hát phải luôn là nơi an toàn và đặc biệt. Các diễn viên vở nhạc kịch Hamilton tối qua đã rất thô lỗ với một người đàn ông tốt, Mike Pence. Hãy xin lỗi!".
Tuy nhiên, Dixon và các diễn viên phản đối nhận xét của Trump. Dixon nói ông đánh giá cao Pence vì đã ở lại lắng nghe và cho rằng đây chỉ là cuộc đối thoại, không có sự quấy rầy.
Ông Pence, với tư cách là thống đốc bang Indiana, hồi đầu năm đã gây phẫn nộ khi ký một đạo luật bị chỉ trích là phân biệt đối xử khi cho phép các doanh nghiệp từ chối phục vụ với các lý do liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Ông sau đó đã phải chỉnh sửa đạo luật.
Tổng thống Obama năm ngoái cũng xem vở kịch này và ở lại trò chuyện cùng dàn diễn viên hậu trường sau buổi diễn.
Hillary Clinton, người để thua Donald Trump trong cuộc tranh cử vừa qua cũng từng xem vở Hamilton. Tác giả vở nhạc kịch này là Lin-Manuel Miranda, người ủng hộ Clinton.
Văn Việt
Theo VNE