Tổng thống Séc: Châu Âu và Ukraine cần chuẩn bị cho nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump
Nhà lãnh đạo Séc cho biết nên thừa nhận một cách thực tế rằng ông Trump có nhiều điều khác biệt.
Tổng thống Séc Petr Pavel. Ảnh: hungarianconservative.com
Châu Âu và Ukraine phải xem xét khả năng thực tế rằng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới và nhanh chóng ký kết thỏa thuận với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Séc Petr Pavel được hãng truyền thông Ba Lan TVN24 dẫn lời cho biết ngày 30/1.
Ông Pavel nói thêm: “Đây không phải là phá hoại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, [hoặc] đặt câu hỏi về Mỹ với tư cách là đồng minh, nhưng chúng ta nên thừa nhận một cách thực tế rằng ông Trump có nhiều điều khác biệt”.
Tổng thống Pavel, cựu Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, lưu ý rằng Ukraine, không giống như Nga, có rất ít lựa chọn hành động trên chiến trường. Do đó, các đồng minh của Ukraine phải khuyến nghị hạn chế các hành động tấn công và tăng cường phòng thủ.
Các quan chức Ukraine đã liên tục đề nghị tăng cường các hệ thống phòng không, bao gồm máy bay không người lái, máy bay chiến đấu và trực thăng từ các đồng minh phương Tây trong bối cảnh động lực chiến trường đang gia tăng với Nga. Những vũ khí này có thể cải thiện khả năng của Ukraine trong việc hỗ trợ lực lượng trên bộ và đánh chặn máy bay ném bom của Nga trước khi chúng có thể tấn công các mục tiêu ở Ukraine.
Theo ông Pavel, cách duy nhất để đạt được điều này là cung cấp cho Kiev không chỉ những vũ khí phòng thủ đơn thuần mà còn cả “những vũ khí có thể làm gián đoạn các tuyến đường tiếp tế của quân đội Nga, như pháo binh hay tên lửa hành trình tầm xa, cũng như máy bay F-16″.
Video đang HOT
Ông Pavel nói: “Chỉ có sự cân bằng lực lượng trên chiến trường mới có thể buộc cả hai bên hiểu rằng họ sẽ không đạt được những thành công hơn nữa và đã đến lúc phải đàm phán”.
Nhà lãnh đạo Séc lưu ý, Moskva có thể sẽ tăng áp lực quân sự lên Kiev trước cuộc bầu cử tổng thống Nga vào tháng 3 tới và tình hình hiện tại trên chiến trường không cho thấy Ukraine có thể đạt được ưu thế quân sự trước Nga.
Ông Trump, người giữ chức tổng thống Mỹ từ năm 2017 đến năm 2021 và hiện đang tranh cử trong cuộc bầu cử năm 2024, trước đó đã ngụ ý rằng ông sẽ cắt giảm hỗ trợ cho Ukraine nếu đắc cử và cho biết trọng tâm chính của ông sẽ là đảm bảo lệnh ngừng bắn ngay lập tức với Nga trong vòng 24 giờ mà không nêu rõ thỏa thuận hòa bình được đề xuất sẽ có những điều khoản gì.
Cựu Tổng thống Mỹ trên hiện đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò để trở thành ứng cử viên của Đảng Cộng hòa cho cuộc bầu cử. Nếu được đề cử làm ứng cử viên Đảng Cộng hòa, ông Trump có khả năng một lần nữa đối đầu với Tổng thống đương nhiệm Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay.
Ukraine cần gì từ các đối tác châu Âu trong năm 2024?
Trong năm 2024, ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Ukraine là chấm dứt xung đột với Nga trong khi giành lại quyền kiểm soát càng nhiều lãnh thổ càng tốt.
Ukraine sẽ gặp thách thức lớn với mục tiêu giành lại biên giới như trước năm 2014. Ảnh: UNIAN
Theo bình luận của Luigi Lonardo, Giảng viên luật EU tại Đại học Cork (Ireland) trên Tạp chí Quốc phòng Anh (ukdefencejournal.org.uk), Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố Ukraine sẽ chỉ ngừng chiến đấu khi giành lại được đường biên giới trước năm 2014, trong đó có Crimea.
Mục tiêu này rất khó xảy ra vào năm 2024, nhưng nếu muốn có hy vọng đạt được điều đó, Ukraine sẽ cần sự giúp đỡ từ các đối tác châu Âu - những đối tác chính là EU, vốn thường thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Kiev (với một số ngoại lệ đáng chú ý) và Anh. Sự giúp đỡ có thể sẽ được thực hiện dưới ba hình thức.
Thứ nhất, hỗ trợ quân sự. Mặc dù Nga có quân số đông hơn nhưng Ukraine cho đến nay vẫn có thể ngăn chặn lực lượng Nga tiến sâu hơn ở phía Nam và vùng Donbas ở phía Đông. Điều này chủ yếu là do các thiết bị quân sự phức tạp được các đối tác bán hoặc viện trợ cùng thông tin tình báo được NATO và Mỹ cung cấp.
Để tránh bị áp đảo, Ukraine sẽ cần sự hỗ trợ liên tục của các đồng minh vào năm 2024 vì Kiev gần như cạn kiệt trang thiết bị. Nước này gần như hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của phương Tây về pháo binh, hệ thống tên lửa và đạn dược, theo báo cáo của một nghiên cứu từ Quốc hội Hoa Kỳ.
EU đã phân bổ tài chính cho các quốc gia thành viên để cung cấp thiết bị quân sự cho Kiev và giờ đây, lần đầu tiên trong lịch sử, EU sẽ tài trợ cho các quốc gia thành viên để hỗ trợ sản xuất thiết bị quân sự. EU tài trợ cho các quốc gia thành viên thông qua một quỹ chung đặc biệt gọi là Quỹ Hòa bình Châu Âu (để chuyển giao vũ khí hiện có) hoặc thông qua ngân sách của mình (để hỗ trợ chi phí sản xuất).
Thứ hai, hỗ trợ kinh tế. Vì xung đột, Ukraine đang mắc nợ tài chính khổng lồ. Nhưng không giống như các quốc gia khác có cùng điều kiện, tình hình kinh tế tồi tệ của nước này khó quản lý hơn nhiều do những nỗ lực chiến tranh. Quốc hội Mỹ quyết định chặn viện trợ tài chính cho Kiev, và hiện EU cũng làm điều tương tự.
Tuy nhiên, lý do EU quyết định không cam kết thêm tiền không phải là Mỹ chưa làm như vậy. Thay vào đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán là người đã phủ quyết việc chuyển 50 tỷ euro viện trợ của EU cho Ukraine.
Thứ ba, hỗ trợ chính trị. Đây là nền tảng tư tưởng của hai hình thức hỗ trợ còn lại. Việc tác động đến dư luận cũng cần thiết. Đối với Kiev, điều quan trọng là dư luận ở châu Âu vẫn ủng hộ họ mạnh mẽ, để các nhà lãnh đạo có động lực đứng về phía Ukraine. Hỗ trợ chính trị có thể đến dưới hình thức tuyên bố công khai (ví dụ "sát cánh cùng Ukraine"), cũng như bằng cách đến thăm Kiev hoặc tiếp đón Tổng thống Zelensky.
Đây là những hành động cho thấy rằng, sau hai năm xung đột, cam kết của các đối tác châu Âu đối với Ukraine vẫn mạnh mẽ - bất chấp tổn thất kinh tế, vấn đề bầu cử, chuyển sự chú ý của quốc tế sang cuộc chiến giữa Israel và Hamas, cũng như sự mất đoàn kết giữa các nhà lãnh đạo châu Âu.
Một quyết định mang tính biểu tượng quan trọng khác là việc EU quyết định chính thức mở các cuộc đàm phán về tư cách thành viên với Kiev. Nhưng ở giai đoạn này, nó phần lớn chỉ mang tính biểu tượng vì quá trình gia nhập thường mất gần một thập kỷ.
Anh mới đây tuyên bố sẽ cung cấp khoản viện trợ mới cho Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN
Viện trợ sẽ tiếp tục?
Trong năm 2024, sẽ có ba cuộc bầu cử có khả năng dẫn đến những thay đổi: cuộc bầu cử tổng thống ở Nga vào tháng 3, cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5 và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11. Cho đến nay, Mỹ và EU là những nước ủng hộ Ukraine có ảnh hưởng nhất, nhưng những thay đổi trong bầu cử có thể đồng nghĩa với một chính sách khác. Anh cũng có khả năng sẽ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử, nhưng cả hai đảng chính dường như đều cam kết tiếp tục viện trợ.
Viện trợ quân sự có vẻ sẽ không bị ảnh hưởng ít nhất cho đến cuộc bầu cử châu Âu. Đa số các quốc gia châu Âu đều muốn ngăn chặn Nga tiến sâu hơn vào Ukraine. Cho đến nay, điều này đã lấn át các tranh cãi chính trị, mặc dù một số nhân vật phản đối cho rằng việc cung cấp vũ khí cho Ukraine chỉ kéo dài xung đột và làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn. Ngoại trừ Chính phủ Ba Lan trước đây, chính phủ mới của Slovakia và Hungary, không có chính phủ thành viên EU nào khác tuyên bố sẽ dừng - hoặc đang xem xét dừng - việc bán hoặc viện trợ vũ khí cho Ukraine.
Điều này có thể sẽ tiếp tục ngay cả khi cự Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại nắm quyền và tuyên bố chấm dứt hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine.
Hỗ trợ tài chính liên tục từ EU cũng có vẻ khả thi. Tình hình ở Mỹ bất ổn hơn, nơi mà sự ủng hộ của lưỡng đảng dành cho Ukraine tồn tại từ đầu cuộc chiến dường như đã bị lung lay.
Tóm lại, Ukraine phải đối mặt với thách thức ghê gớm trong việc lấy lại đường biên giới như trước năm 2014. Để đạt được điều này, việc tiếp tục hỗ trợ quân sự, viện trợ kinh tế và sự ủng hộ chính trị vững chắc từ các đối tác châu Âu, đặc biệt là EU và Anh, là rất quan trọng.
Mặc dù khó có thể xảy ra sự thay đổi chính sách ở EU, nhưng khả năng về việc ông Trump trở thành tổng thống Mỹ vào năm 2024 mang lại nhiều điều không chắc chắn đối với Ukraine - và đó là một trong những lo lắng lớn nhất của Tổng thống Ukraine Zelensky.
Trên 30 ứng cử viên muốn tranh cử tổng thống Nga Chủ tịch Ủy ban bầu cử Trung ương Nga (CEC) Ella Pamfilova cho biết ít nhất 30 người đang mong muốn được trao tư cách ứng viên tranh cử chức vụ tổng thống Nga. Chủ tịch Ủy ban bầu cử trung ương Nga Ella Pamfilova. Ảnh: TASS "Tất nhiên, chiến dịch tranh cử sẽ có tính cạnh tranh, vì rõ ràng sẽ có...