Tổng thống Putin tuyên bố không có hạn chót chấm dứt chiến tranh ở Ukraine
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine sẽ diễn ra theo kế hoạch và không cần đáp ứng bất kỳ hạn chót nào để chấm dứt cuộc xung đột này, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định ngày 29/6 khi khép lại chuyến thăm Turkmenistan.
Theo Tổng thống Putin, mục tiêu của chiến dịch quân sự là giải phóng Donbass, bảo vệ người dân sống ở đây và “tạo điều kiện để đảm bảo an ninh của chính nước Nga”.
“Nỗ lực này đang diễn ra một cách nhịp nhàng. Quân đội đang tiến công và tiến tới những mục tiêu được coi là nhiệm vụ của giai đoạn chiến đấu này. Mọi thứ đang diễn ra theo kế hoạch”, Tổng thống Putin nhấn mạnh.
Tổng thống Putin tuyên bố không có hạn chót chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Ảnh: Điện Kremlin
Video đang HOT
Khi được hỏi về hạn chót chấm dứt chiến dịch quân sự, Tổng thống Nga cho biết: “Không cần nói về bất kỳ hạn chót nào. Tôi không bao giờ nói về nó bởi đây là cuộc sống và có những điều thực tế. Sẽ thật không hợp lý khi cố đặt ra bất kỳ hạn chót nào”.
“Điều này có liên quan đến mức độ của chiến dịch tấn công và liên quan trực tiếp đến số lượng thương vong nên trên hết chúng tôi phải nghĩ cách bảo vệ tính mạng cho các binh lính của mình”, nhà lãnh đạo Nga bình luận./.
Nga tăng cường quan hệ với các nước Trung Á
Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa có chuyên công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi Moskva triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24/2.
Tổng thống Nga Vladimir Putin dự một hội nghị trực tuyến ở Moskva, ngày 24/6/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Điểm dừng chân lần này của nhà lãnh đạo Nga là khu vực Trung Á với các chuyến thăm hai quốc gia láng giềng thân thuộc với Nga là Tajikistan và Turkmenistan - quốc gia chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh các quốc gia ven biển Caspi lần thứ 6.
Theo phóng viên TTXVN tại LB Nga, chuyến công du ngắn ngày của ông Putin với mục tiêu là củng cố các mối quan hệ với các nước láng giềng Trung Á được bắt đầu bằng chuyến thăm Tajikistan, quốc gia mà Nga đặt căn cứ quân sự duy nhất ở khu vực, đồng thời có đường biên giới chung phức tạp với Afghanistan.
Tại cuộc gặp với nhà lãnh đạo Tajikistan Emomali Rahmon, hai bên đã thảo luận về hiện trạng và triển vọng của mối quan hệ song phương, mà theo mô tả của phía Tajikistan, đây là mối quan hệ đối tác chiến lược phức hợp, còn Tổng thống Nga gọi quan hệ hai nước có tính chất đồng minh. Hai nhà lãnh đạo ghi nhận xu hướng phát triển tích cực của quan hệ hai nước trong hơn 30 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đối thoại chính trị thường xuyên và đáng tin cậy, cũng như các cuộc tiếp xúc cấp cao. Hai bên bày tỏ hài lòng về tốc độ phát triển cao của hợp tác kinh tế và thương mại, nhấn mạnh rằng trong 5 tháng đầu năm nay kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng 46,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hai bên đã thảo luận về các vấn đề mở rộng hợp tác trong lĩnh vực an ninh, bao gồm cả lĩnh vực quân sự, kỹ thuật quân sự và hợp tác quốc phòng, đặc biệt là trong lĩnh vực nâng cao năng lực của Lực lượng vũ trang Tajikistan và củng cố bảo vệ biên giới giữa Tajikistan và Afghanistan. Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận tình hình tại Afghanistan.
Sau khi kết thúc chương trình chuyến thăm Tajikistan, Tổng thống Putin tiếp tục chuyến công du đến thủ đô Dushanbe của Turkmenistan và tham dự Hội nghị thượng đỉnh các quốc gia ven biển Caspi lần thứ 6. Sự kiện này có sự tham dự của Nga, Azerbaijan, Kazakhstan, Turkmenistan và Iran.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh, ông Putin nhấn mạnh Nga ủng hộ việc làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác giữa các quốc gia trong khu vực Biển Caspi, bao gồm cả trong các lĩnh vực chính trị và an ninh. Ngoài ra, việc xây dựng mối quan hệ thương mại và đầu tư, cùng với hợp tác công nghiệp ngày càng sâu rộng, là một trong những nhiệm vụ chính của các quốc gia trong khu vực. Nhà lãnh đạo Nga tin rằng chìa khóa cho sự thịnh vượng của khu vực là tuân theo các nguyên tắc được quy định trong Công ước về Quy chế pháp lý của Biển Caspi.
Ông Putin nhấn mạnh: "Các thỏa thuận đã được thực hiện về việc khai thác chung các mỏ dầu và khí đốt ở Biển Caspi giúp cho việc sử dụng hợp lý và hiệu quả lợi ích của các bên, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Biển Caspi, cả về truyền thống và các lĩnh vực năng lượng thay thế".
Đề cập đến việc xây dựng hành lang vận tải quốc tế Bắc - Nam, ông Putin cho rằng đây là dự án huyết mạch giao thông thực sự quy mô lớn với chiều dài hơn 7.000 km, được thiết kế để biến vùng Biển Caspi thành một trung tâm hậu cần quốc tế lớn. Nhà lãnh đạo Nga ủng hộ ý tưởng của người đồng cấp Azerbaijan và Kazakhstan nhằm tăng cường khả năng ứng phó kịp thời với các sự kiện và hiện tượng tự nhiên và nhân tạo ở Biển Caspi có ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân. Ngoài ra, ông Putin cũng đề nghị các nước trong khu vực tăng cường hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, phát triển du lịch vùng, khởi động các chuyến du ngoạn theo chủ đề trên Biển Caspi nhằm tăng cường sự kết nối giữa người dân ở khu vực.
Nhà lãnh đạo ASEAN đầu tiên đến Ukraine, Nga tìm giải pháp hòa bình Tổng thống Indonesia Joko Widodo chuẩn bị lên đường thăm Ukraine và Nga, mục đích chuyến thăm nhằm tìm kiếm giải pháp tái lập hòa bình ở Ukraine. Phát biểu ngày 26/6, nhà lãnh đạo Indonesia cho biết ông sẽ kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mở lại kênh đối thoại trong thời gian chuyến thăm,...