Tổng thống Putin trong thế gọng kìm ở Syria
Giữa lúc đang có nguy cơ sa lầy trong cuộc chiến tại Syria, Tổng thống Nga Vladimir Putin rõ ràng gặp bất lợi rất lớn từ chuyến bay làm chết 219 người Nga ở Ai Cập.
Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa được bầu chọn là người đàn ông quyền lực nhất thế giới – Ảnh: AFP
Vị trí nhân vật quyền lực nhất thế giới năm 2015 theo bình chọn của tạp chí Forbes lại tiếp tục vinh danh Tổng thống Nga Vladimir Putin, theo công bố ngày 4.11. Tuy nhiên, đi kèm với uy tín và quyền lực là áp lực, Tổng thống Putin đang đứng giữa những tính toán không được phép có sai số.
Liên quân của Mỹ chứng tỏ quyết tâm
Quyết định can thiệp vào cuộc chiến tại Syria của Nga vào cuối tháng 9.2015 đã “ghi điểm” cho Tổng thống Putin. Thế nhưng khác với “nước cờ thần tốc” ban đầu, Nga đang đứng trước nguy cơ sa lầy vào cuộc chiến này và chưa tìm thấy giải pháp nhanh gọn nhất để đạt được lợi ích.
Ngày 5.11, Tham mưu trưởng lực lượng không quân Nga, ông Viktor Bondarev cho biết Nga đưa hệ thống tên lửa phòng không đến Syria để bảo vệ căn cứ và đối phó khả năng bị tấn công từ trên không.
“Chúng tôi đã tính đến tất cả các mối đe dọa tiềm năng. Chúng tôi đưa tới đó không chỉ máy bay chiến đấu, máy bay tấn công, máy bay ném bom, trực thăng, mà cả các hệ thống tên lửa phòng không… vì có thể xảy ra những trường hợp bất khả kháng. Không loại trừ chuyện có người trộm máy bay quân sự ở Syria để tấn công chúng ta. Vì vậy chúng ta phải sẵn sàng cho điều này”, Sputnik dẫn lời ông Viktor Bondarev trả lời báo Komsomolskaya Pravda.
Cùng ngày 5.11, cục diện tại Syria cũng chứng kiến một thay đổi mới: Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố sẽ triển khai tàu sân bay Charles de Gaulle, được mệnh danh là “niềm tự hào của nước Pháp”, đến vùng biển gần Syria để hỗ trợ các hoạt động chống phiến quân IS tại Syria và Iraq, theo AFP.
Video đang HOT
Pháp sẽ triển khai tàu sân bay Charles de Gaulle để hỗ trợ liên quân diệt IS ở Syria và Iraq – Ảnh: AFP
Ông Hollande khẳng định sẽ dùng tàu sân bay Charles de Gaulle để “củng cố hỏa lực của Paris” trong khu vực, nhằm đẩy mạnh tiến trình đàm phán tìm giải pháp chính trị tại Syria.
Pháp là nước đầu tiên tham gia liên quân do Mỹ dẫn đầu ở Iraq và cũng cung cấp hậu cần cho lực lượng nổi dậy Syria nhằm lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad, nhưng đến nay vẫn gặp chỉ trích vì thiếu linh hoạt trong việc phối hợp với liên quân. Tuy nhiên, bên cạnh cuộc không kích đầu tiên nhằm vào IS ở Syria cuối tháng 9 qua, động thái lần này ghi nhận sự thay đổi lớn trong mức độ tiếp cận của họ.
Như vậy, đổi lại việc Mỹ từng rút tàu sân bay USS Theodore Roosevelt khỏi Vịnh Ba Tư ngày 9.10 là tuyên bố triển khai tàu sân bay hạt nhân Charles de Gaulle của Pháp.
Mỹ đã nói nhiều về một sự “thay đổi chiến lược” trong việc đánh IS tại Syria. Trước khi Pháp lên tiếng, Mỹ cũng đã gửi lính đặc nhiệm đến Syria để huấn luyện quân nổi dậy và tiếp tục tuyên bố không trực tiếp nhúng tay vào cuộc chiến.
Điều này cho thấy, vấn đề người Nga đang đối mặt ở Syria không chỉ là Mỹ, mà là một liên quân đích thực với cả Pháp, Úc, Ả Rập Xê Út… với trách nhiệm được san sẻ. Hôm 25.10 vừa qua, Ả Rập Xê Út cũng nhất trí tăng viện trợ quân sự cho quân nổi dậy Syria.
Thảm họa làm thay đổi cuộc chơi?
Nhiều người cho rằng việc Nga tham gia vào cuộc chiến Syria có gì đó na ná như kế hoạch họ từng triển khai tại bán đảo Crimea và Ukraine. Đó là một nước cờ hay của Tổng thống Putin. Tuy nhiên khác với lần trước, Nga đã trải qua một biến cố: Chiếc máy bay hành khách của Nga bị rơi làm chết 224 người tại bán đảo Sinai của Ai Cập, trong đó hầu hết là người Nga (219 người).
Mỹ và Anh liên tục đặt nghi vấn IS đã đánh bom máy bay, trong khi Nga lại bác bỏ mọi lập luận kiểu này trước khi có kết quả điều tra cuối cùng.
Tờ The Guardian (Anh) hôm 6.11 đã nhận định rằng, thảm họa rơi máy bay của hãng Kogalymavia vừa qua chính là “cái giá phải trả cho chủ nghĩa phiêu lưu của ông Putin tại Syria”. The Guardian cho rằng việc IS tấn công một máy bay Nga (nếu đúng là IS thực hiện) mà không phải một hãng bay nước khác, là dấu hiệu của sự “trả thù” cho những gì Nga làm ở Syria.
Theo cách nói của Forbes, những người góp mặt trong danh sách bình chọn hằng năm của họ là nhóm chiếm tỉ lệ 0,00000001% trên toàn cầu, những nhân vật thuộc hàng tinh hoa, có khả năng tác động đến nhiều lĩnh vực và cuộc sống của rất nhiều người. Trong đó với một nguyên thủ quốc gia, an ninh của người dân đi kèm với sự tín nhiệm của họ khi nhìn thấy vị thế của nước mình được nâng cao trên trường quốc tế.
Tổng thống Putin (phải) sẽ đối mặt thử thách lớn hơn sau khi 219 người Nga thiệt mạng trong một vụ thảm họa máy bay bị phía Anh và Mỹ đổ lỗi cho IS – Ảnh: Reuters
Bằng cách tham gia vào xung đột ở Syria, ông Putin đã thành công trong việc khiến tiếng nói của Nga có trọng lượng hơn với thế giới. Và hồi tháng 10, tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Putin tại Nga đã đạt kỷ lục 89,9% theo Trung tâm Nghiên cứu ý kiến cộng đồng Nga (VTsIOM).
Sẽ không có gì bất ngờ nếu tỉ lệ này sụt giảm vào thống kê tháng sau. Vì bên cạnh các lợi ích quốc tế, yếu tố con người, tính mệnh của người dân là điều không thể xem nhẹ.
Giờ đây, Tổng thống Putin như đang bị đặt vào thế phải cân nhắc các nguồn lực và khả năng có thể xảy ra trong việc vừa bảo đảm an ninh trong nước và cuộc chiến tại Syria. Sẽ tốt hơn nếu thảm họa máy bay Kogalymavia vừa qua không phải là một vụ khủng bố.
Nhật Đăng
Theo Thanhnien
IS ở Ai Cập dọa tung bằng chứng bắn rơi máy bay Nga
Phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng một lần nữa khẳng định mình đứng sau vụ bắn hạ máy bay Nga và nói sẽ đưa ra bằng chứng.
Chiếc máy bay bị cho là vỡ tung trước khi rơi xuống. Ảnh: AFP
"Hãy tới hiện trường, nơi có mảnh vỡ máy bay, đem các hộp đen về và phân tích, hãy cho bọn ta thấy bản tóm tắt nghiên cứu của các người và chứng minh rằng bọn ta không bắn rơi hoặc máy bay đã rơi thế nào",Reuters dẫn lại lời một đại diện của IS hôm nay nói trên Twitter bằng tiếng Arab.
Kẻ này cho biết đoạn thông điệp bằng âm thanh, đăng bởi tài khoản của IS, nhằm gửi tới những người còn nghi ngờ và phủ nhận rằng IS bắn rơi chiếc máy bay của Nga hôm 31/10. Phiến quân cho rằng chúng làm việc này "nhờ có sự ban ơn của thánh Allah".
"Bọn ta sẽ công bố máy bay đã bị bắn rơi như thế nào vào thời điểm và theo cách bọn ta muốn", tên này nói.
Chiếc Airbus A321M của Nga cuối tuần qua gặp nạn ngay sau khi cất cánh từ Ai Cập để về St Petersburg, khiến 224 người thiệt mạng. Nhóm phiến quân trung thành với IS cho biết chúng bắn hạ máy bay nhằm trả đũa các cuộc không kích của Nga trên lãnh thổ Syria.
Các quan chức Nga và Ai Cập đều bác bỏ thông tin. Các chuyên gia an ninh và các điều tra viên cũng cho rằng máy bay không bị tấn công từ bên ngoài và các phiến quân ở bán đảo Sinai không có đủ công nghệ để bắn rơi máy bay.
Những kẻ ủng hộ IS ở Iraq hôm qua tung đoạn video hoan nghênh đồng bọn ở Ai Cập và cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có thêm các vụ tấn công.
Khánh Lynh
Theo VNE
IS tung video tuyên bố bắn hạ máy bay Nga để trả thù Nhà nước Hồi giáo đăng video ca ngợi "những người anh em Sinai" bắn rơi một phi cơ chở khách Nga và dọa sẽ tiếp tục tấn công. 5 phiến quân xuất hiện trong video Nhà nước Hồi giáo mới đăng tải. Ảnh: RT. Video mới đăng tải có hình ảnh 5 phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) đang ngồi ngoài trời....