Tổng thống Putin tiếp tục đặt Mỹ và IMF vào ‘thế bí’
Tổng thống Nga V.Putin mới đây đã đưa ra “đơn thuốc” để giúp Ukraine trả khoản nợ 3 tỷ USD đối với Nga. Tuy nhiên, “đơn thuốc” này là khá khó “nhằn” với cả Mỹ và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Tổng thống Nga Vladimir Putin
“Đơn thuốc” giúp Ukraine trả nợ cho Nga
Trong tuần trước, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách về các vấn đề châu Âu và Á-Âu, bà Victoria Nuland, đã lên tiếng đề nghị Nga giải quyết vấn đề nợ cho Ukraine bằng cách xóa một phần khoản nợ cho Kiev theo các điều kiện mà Ukraine đề xuất đến các chủ nợ thương mại của mình. “Nga nói rằng muốn giúp Ukraine khôi phục kinh tế. Việc xóa một phần nợ có thể là biện pháp thực hiện lời nói này”- Bà Victoria Nuland nói.
Về phía Nga, đích thân Tổng thống V.Putin ngày 13/10 đã lên tiếng “đáp lời” đề xuất của bà Nuland: “Vậy tại sao IMF lại không muốn cấp thêm cho Ukraine khoản 3 tỷ USD đó để Ukraine có thể trả nợ, còn hơn IMF phải thay đổi điều lệ của mình đối với một quốc gia cụ thể đã phá vỡ nguyên tắc hoạt động của IMF”. (Theo nguyên tắc, IMF sẽ không được cấp tiền cho các quốc gia trì hoãn nợ đối với các đối tác là chủ thể riêng, phi thương mại. Điều đó có nghĩa là nếu như Ukraine không trả nợ cho Nga, IMF sẽ phải ngừng cung cấp tài chính cho Ukraine).
Trước đó, trong cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Ukraine Natalia Yaresko bên lề Hội nghị G-20 về tài chính ở Peru, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov đã tái khẳng định: Khoản nợ 3 tỷ USD của Ukraine với Nga là khoản nợ chính thức và nó không thể coi là khoản nợ thương mại. Ông Siluanov sau đó tiết lộ rằng các đối tác trong IMF khi trao đổi với ông đã nói rằng IMF có thể sẽ thay đổi nguyên tắc trên. Theo ông Siluanov, nếu như những thay đổi này được thực hiện thì đó sẽ là hành động được thực hiện để “đóng băng các khoản nợ đối với Nga”.Theo ông Putin, nếu như Ukraine được cấp thêm 3 tỷ USD để trả nợ thì điều đó sẽ khiến tất cả các bên hài lòng vì tốt cho cả IMF, Ukraine và Nga. “Nếu các nguyên tắc của IFM được thay đổi chỉ để phục vụ một quốc gia thì một loạt quốc gia khác cũng sẽ đòi được hưởng lợi từ sự thay đổi này. Nó sẽ dẫn đến hệ lụy nào?”- Ông Putin chất vấn.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama
Video đang HOT
Bài toán “hóc búa” với Mỹ và IMF
Trước sự cứng rắn của Nga trong việc đòi nợ Ukraine, bà Victoria Nuland đã phải lên tiếng rằng nếu như Nga không chấp nhận coi Nga như là đối tác tín dụng thương mại trong quan hệ với Ukraine thì Mỹ “sẽ phải cùng với Ukraine đưa ra các phương án khác”. Trước đó, thượng nghị sỹ Mỹ Chris Murphy còn lên tiếng kêu gọi chính phủ Mỹ tìm biện pháp để Ukraine không phải trả Nga khoản 3 tỷ USD tiền nợ.
Theo bình luận của tờ “Quan điểm” Nga, Mỹ dường như đã tìm ra câu trả lời cho lời kêu gọi của Chris Murphy nếu như “viết lại các nguyên tắc chung khi thực hiện các chương trình cung cấp tín dụng của IMF”.
Thế khó đối với IMF và Ukraine là ở chỗ nếu như Ukraine không trả nợ cho Nga thì điều đó đồng nghĩa với việc Ukraine đang rơi vào vỡ nợ và Nga sẽ đưa vấn đề này ra Tòa án Quốc tế để phân xử. Khi đó, IMF phải dừng chương trình cấp tín dụng cho Ukraine như đã từng làm đối với các quốc gia lâm vào cảnh vỡ nợ, hoặc sẽ tạo ra ngoại lệ cho Ukraine. Tuy nhiên, khi đó nguyên tắc nền tảng của IMF sẽ bị phá vỡ.
Chính vì vậy, theo “Quan điểm”, hiện Mỹ đang đau đầu trong việc lựa chọn cách thức giải quyết vấn đề. IMF hiện vẫn đang trì hoãn giải ngân gói cứu trợ thứ 3 cho Ukraine khi thời hạn giải ngân đã qua (tháng 9/2015). Nếu như Mỹ không có hành động “cứu” Ukraine bằng cách chuyển tiền từ IMF cho Ukraine trong tháng 12/2015 thì nhiều khả năng Mỹ sẽ mất đi “tay sai” của mình ở Ukraine.
Theo các phân tích của “Quan điểm”, việc thay đổi các nguyên tắc hoạt động của IMF sẽ dẫn đến những hệ lụy không nhỏ về chính trị. Khi đó, IMF sẽ khiến tất cả các đối tác cung cấp tín dụng e dè trong việc cấp tiền cho các nước khác và IMF sẽ trở thành “cơ hội cuối cùng” cứu nước nào đó khỏi vỡ nợ. IMF hiện vẫn là tổ chức tiền tệ có uy tín và nếu như IMF tiếp tục ủng hộ tài chính cho Ukraine thì khi đó Ukraine có thể sẽ nhận được các khoản vay từ EU, Ngân hàng phát triển Á-Âu, Ngân hàng thế giới…
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko
Nhưng nếu như IMF tiếp tục cấp tiền cho Ukraine sau khi nước này vỡ nợ thì IMF sẽ làm tổn hại đến chính uy tín của mình trong con mắt cộng đồng tài chính quốc tế. Khi đó, IMF sẽ gián tiếp khẳng định mục đích chính trong hoạt động của IMF không phải là kinh tế mà là chính trị- ủng hộ các chế độ chính trị thân Mỹ bằng bất cứ giá nào.
Giới phân tích Nga cho rằng, “đơn thuốc” của ông Putin đưa ra là có lợi cả cho Mỹ và IMF. Chỉ khi IMF (thực chất là Mỹ) cấp tiền cho Ukraine trả nợ Nga mới có thể giúp Ukraine tránh được vỡ nợ, đồng thời vẫn duy trì được chế độ chính trị thân Mỹ ở Ukraine. Hơn nữa, đối với một tổ chức tài chính như IMF, khoản nợ 3 tỷ USD, theo phía Nga, là không đáng kể.
“So với Hy Lạp, một trong những quốc gia nhận nhiều tiền nhất từ IMF (25 tỷ Euro) thì khoản nợ của Ukraine chỉ là “vụn vặt”- Giám đốc Trung tâm Kinh tế khẩn cấp Nga Nhikita Isaev tuyên bố trên tờ “Quan điểm”.
Tuy nhiên, “đơn thuốc” trên lại khá khó “nhằn”. Theo giới phân tích Nga, bài toán đặt ra ở đây không phải chỉ là 3 tỷ USD. Nếu IMF (Mỹ) đồng ý cấp 3 tỷ USD cho Ukraine trả nợ Nga, Mỹ sẽ bị mang tiếng thất thế trước Nga, ảnh hưởng đến uy tín của “một cường quốc”. Nếu không cấp tiền cho Ukraine trả nợ mà vẫn thực hiện các chương trình trợ giúp tài chính cho Ukraine, IMF sẽ phá vỡ các nguyên tắc hoạt động của mình. Nếu dừng chương trình cung cấp tài chính cho Ukraine khi nước này không trả nợ Nga, Washington nhiều khả năng sẽ không giữ được chế độ thân Mỹ ở Ukraine như hiện nay.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ báo Quan điểm, một trong những tờ báo điện tử uy tín tại Nga.
Đức Dũng (lược dịch)
Theo Infonet
Buộc phải thức thời
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) thông báo Trung Quốc sẽ áp dụng những tiêu chuẩn về số liệu thống kê kinh tế được gọi chung là Special Data Dissemination Standard (SDDS) của tổ chức này.
Áp dụng số liệu thống kê kinh tế SDDS có nghĩa là chấp nhận những điều kiện ngặt nghèo về tính minh bạch trong công tác thống kê để đổi lấy sự công nhận về độ chuẩn xác, từ đó có được sự tin cậy về số liệu - Ảnh minh họa: AFP
Trung Quốc là nền kinh tế thứ 65 trên thế giới vận dụng những tiêu chuẩn cao nhất của IMF về phương diện thống kê kinh tế.
Áp dụng SDDS có nghĩa là chấp nhận những điều kiện ngặt nghèo về tính minh bạch trong công tác thống kê để đổi lấy sự công nhận về độ chuẩn xác, từ đó có được sự tin cậy về số liệu.
SDDS được sử dụng làm cơ sở để so sánh số liệu thống kê giữa các quốc gia, giúp đánh giá chính xác về thực trạng phát triển, những vấn đề đang đặt ra và cơ hội kinh doanh, hợp tác.
Cho tới nay, số liệu chính thức của Trung Quốc không được IMF và nhiều đối tác quan trọng khác tin cậy. Vì thế, quyết định nói trên không hề dễ dàng mà phải là chuyện không thể không làm đối với Trung Quốc.
Nước này nhận thức được rằng đã đến lúc không chỉ thực hiện cải cách kinh tế thật sự mà còn phải tiến hành theo tiêu chí, chuẩn mực chung trên thế giới. Kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng ở mức độ khá cao nhưng giảm nhiều và liên tục so với trước.
Những vấn đề về cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng cùng hàng loạt vấn đề xã hội khác ngày càng trầm trọng và nan giải. Chúng buộc Trung Quốc phải thức thời hơn để trấn an tâm lý nhà đầu tư và đối tác nước ngoài, khôi phục lòng tin và sự sẵn sàng hợp tác của họ. Nếu đúng như vậy thì việc áp dụng SDDS mới là bước chuyển cần thiết đầu tiên chứ chưa thể là tất cả.
La Phù
Theo Thanhnien
Nga kiên quyết đòi Ukraine trả nợ 3 tỉ USD Bộ trưởng Tài chính Nga và Ukraine không đạt được bất kì thoả thuận nào về việc cơ cấu lại khoản tiền trị giá 3 tỉ USD mà Kiev nợ Moscow, tuy nhiên, đều khẳng định sẽ tiếp tục đối thoại thêm. Bộ trưởng Tài chính Nga, ông Anton Siluanov và người đồng cấp Ukraine, Natalia Yaresko đã gặp nhau ở Lima, Peru...