Tổng thống Putin ra lệnh “dọn sạch” doping
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh điều tra về những cáo buộc cho rằng vấn nạn doping lan rộng ở môn thể thao nữ hoàng của nước này.
Trong cuộc họp khẩn với lãnh đạo các liên đoàn thể thao Nga trong đêm 11/11, Tổng thống Putin đã yêu cầu mở cuộc điều tra sau khi bản báo cáo của cơ quan chống doping thế giới (WADA) đưa ra hồi đầu tuần cho rằng điền kinh Nga đang trải qua đại dịch doping có hệ thống.
Những cáo buộc này đưa đến viễn cảnh các VĐV điền kinh Nga có thể bị cấm tham dự các giải đấu quốc tế cũng như Olympic Rio de Janeiro vào năm tới.
Vì thế, Tổng thống Putin lệnh cho Bộ trưởng thể thao Vitaly Mutko và tất cả các đồng nghiệp liên quan tới thể thao phải đặc biệt để tâm tới scandal doping đồng thời tiến hành một cuộc điều tra nội bộ về vụ việc này. Cuộc điều tra này cũng đảm bảo hợp tác đầy đủ với các cơ quan phòng chống doping quốc tế.
“Những rắc rối với việc sử dụng doping trong thể thao, thật không may, vẫn là một vấn đề gây bức xúc và đòi hỏi sự chú ý không ngừng nghỉ”, ông Putin nói.
Bên cạnh đó, Tổng thống Putin không đồng tình với việc Liên đoàn Điền kinh thế giới (IAAF) đưa ra hạn chót vào thứ 6 để quyết định liệu có ra quyết định đình chỉ đối với Nga, bước đi đầu tiên tiến tới việc loại các VĐV điền kinh nước này khỏi kỳ Olympic năm sau, sau khi bản báo cáo của WADA được công bố.
Trước cuộc gặp với Tổng thống Putin, Bộ trưởng Thể thao Nga Mutko cho biết nước này đã sẵn sàng cho phép một quan chức nước ngoài tiếp quản quyền lãnh đạo phòng xét nghiệm chống doping của mình.
Trong phát biểu trên hãng tin Nga R-Sport, ông Mutko cho biết Nga đã sẵn sàng “đưa một chuyên gia nước ngoài phụ trách phòng xét nghiệm nếu điều đó là cần thiết”.
Video đang HOT
Hôm thứ 3 vừa qua, ông Grigory Rodchenkov đã từ chức khỏi cương vị giám đốc phòng xét nghiệm chống doping của Nga, một ngày sau khi ông bị cáo buộc che giấu các mẫu thử doping dương tính, tống tiền các VĐV có mẫu xét nghiệm dương tính và tiêu hủy 1.417 mẫu xét nghiệm.
Phòng thí nghiệm từng chịu trách nhiệm thử doping cho Olympic mùa đông hồi năm ngoái này đã ngưng làm việc sau khi WADA tước giấy phép
hoạt động.
Trong một động thái khác, Liên đoàn Bơi lội thế giới (FINA) cho biết họ đang tiến hành chuyển các mẫu thử doping của mình, lấy tại giải bơi vô địch thế giới tại Nga vừa qua, đến phòng xét nghiệm được WADA cấp phép tại Barcelona.
Trong thông báo của mình, FINA cho biết họ “bày tỏ sự quan ngại sâu sắc” trước những thông tin công bố trong bản báo cáo của WADA cũng như tác động của bản báo cáo này tới toàn bộ nền thể thao thế giới nói chung.
Theotienphong.vn
Người Nga nhún vai thờ ơ trong tâm bão cáo buộc doping
Khác với phương Tây, công chúng Nga dường như khá dửng dưng trước việc chính phủ bị cáo buộc dung túng cho các vận động viên sử dụng doping.
Tổng thống Nga Putin trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng trước. Ảnh: Reuters
Thể thao Nga đang trong tâm bão khi Cơ quan phòng chống doping quốc tế (WADA) cáo buộc chính phủ Nga biết việc các vận động viên sử dụng doping nhưng không hề ngăn cấm. Thậm chí, WADA cho rằng Tổng thống Vladimir Putin đã sử dụng thể thao làm công cụ để nâng cao vị thế của Nga trên trường quốc tế. Các vận động viên điền kinh Nga đang phải đối mặt trước nguy cơ không được dự Thế vận hội ở Brazil mùa hè tới.
Tuy nhiên, công chúng Nga và thậm chí cả một số quan chức đối mặt với những cáo buộc này chỉ bằng một cái nhún vai.
Theo New York Times, hầu như không có sự phẫn nộ từ công chúng, người Nga cũng không đặt câu hỏi về năng lực của giới chức trong việc vận hành chính quyền quản lý một cách trong sạch.
Dmitry Peskov, người phát ngôn của điện Kremlin, phát biểu về báo cáo của WADA rằng, "khi không có bằng chứng thì khó có thể xem xét các cáo buộc, chúng dường như không có căn cứ".
Cáo buộc doping là sự cố mới nhất trong một loạt cú sốc đối với người Nga. Với giá dầu thấp và lệnh trừng phạt phương Tây áp đặt vì khủng hoảng Ukraine, nền kinh tế Nga đang giảm sút. Đồng rúp đã mất hơn một nửa giá trị, với lạm phát ở mức 11,2%. Cuối tháng trước, máy bay thương mại Nga rơi tại Sinai, Ai Cập, khiến tất cả 224 người trên khoang thiệt mạng. Anh và Mỹ nghi ngờ đây là một cuộc tấn công khủng bố để trả đũa về sự can thiệp của Nga ở Syria. Chi nhánh IS tại Ai Cập cũng tuyên bố chúng đứng sau vụ việc này.
Tuy nhiên, với cáo buộc doping, phản ứng cơ bản của người Nga là nhún vai thờ ơ và một số cho rằng phương Tây đứng sau việc này. "Phương Tây ghen tị vì các vận động viên của chúng tôi đạt được kết quả tốt, do đó, họ cố tình thúc đẩy cáo buộc doping này", Boris Ivanov, một kỹ sư xây dựng đã nghỉ hưu nói. "Ai mà chả dùng doping! Mỹ và các quốc gia khác, tất cả họ đều dùng!".
Nga bị chọn làm đối tượng để bóc mẽ, vì người Mỹ vận hành hầu hết các tổ chức quản lý việc đó và "họ muốn tấn công Nga", ông nói.
Giống như trong thời Liên Xô, thể thao vẫn được coi là vấn đề tầm chính phủ và là một khía cạnh khác của uy tín toàn cầu, vì vậy, bất kỳ đòn giáng mạnh nào vào hình ảnh các vận động viên cũng là một đòn giáng mạnh vào điện Kremlin. Ông Putin tuyên bố rằng ông sẽ gặp các quan chức thể thao cấp cao vào hôm nay.
Giới chức Nga ban đầu thể hiện sự phẫn nộ trước cáo buộc, nhưng sau đó, phản ứng chính thức của Nga đã phần nào thận trọng hơn. Các quan chức hứa hẹn sẽ điều tra và thực hiện các bước để sửa chữa tình hình.
Tiến sĩ Grigory Rodchenkov, giám đốc phòng thí nghiệm Moscow bị cáo buộc là có hành động phi pháp, đã từ chức. Các quan chức Nga cũng hạ thấp tầm quan trọng của điều các chuyên gia gọi là "một trong những báo cáo công khai chỉ trích nhất trong lịch sử thể thao".
"Tin tôi đi, có rất nhiều vụ bê bối doping tương tự trên toàn thế giới", Vitaly Mutko, Bộ trưởng Thể thao Nga, nói trong phản ứng đầu tiên trước công chúng của mình. Ông cho rằng doping cần phải được xem là một vấn đề quốc tế, vì các vận động viên ưu tú của Nga đã dành khoảng 10 tháng để đi thi đấu ở nước ngoài. "Doping không phải là vấn đề của mỗi mình Nga", ông nói.
Một số yếu tố đã khiến người Nga chấp nhận lời giải thích như vậy, nguyên nhân chính có thể là bản năng sinh tồn. Hầu hết 140 triệu người Nga đang cố gắng xoay xở cho cuộc sống, và không quá quam tâm đến các vấn đề lớn hơn.
Ở Nga, cách "phòng thủ đầu tiên" trước bất kỳ vấn đề nào thường là chấp nhận nghịch cảnh. "Chúng tôi có nhiều thời gian khó khăn hơn trước đây", Viktoria Troschanskaya, một luật sư Nga nói.
"Nga là một quốc gia sẵn sàng chịu đựng nỗi đau vì lợi ích lớn của dân tộc", Natalya V. Zubarevich, một giáo sư chuyên về nhân khẩu học Nga nói. "Lời giải thích tưởng như hợp lý là "nền kinh đang giảm sút và người dân chắc hẳn phải phẫn nộ" không đúng trong trường hợp của Nga.
Thứ hai, cáo buộc này được người Nga nhìn nhận là một phần của chiến dịch làm mất uy tín. Họ cho rằng ông Putin đang tìm cách khôi phục lại nước Nga như một cường quốc, nhưng phương Tây muốn ngăn chặn điều này.
Điều mà phương Tây coi là một vụ bê bối doping thì ở Nga có thể sẽ được hiểu là nhằm phục vụ cho lợi ích riêng, Andrey Babitsky, một cựu biên tập viên của Esquire Nga, nói.
Theo ông Babitsky, người Nga có suy nghĩ rằng "chúng ta đang ở trong một cuộc cạnh tranh, thậm chí có thể gọi là một 'cuộc chiến' với phương Tây". "Mọi người đều biết rằng ai mà chả gian lận, và nếu chúng ta bị bắt quả tang, thì chỉ có nghĩa là họ ăn gian giỏi hơn chúng ta", ông lý giải thêm về suy nghĩ của công chúng.
Phương Vũ
Theo VNE
Nguyên nhân khiến Nga ngừng bay đến Ai Cập Theo báo The Telegraph, Nga đột ngột ra lệnh ngừng các chuyến bay đến Ai Cập sau khi cố vấn An ninh quốc gia Anh gọi điện thoại cho người đồng cấp Nga. Chưa thể biết chắc chắn lý do khiến Nga thay đổi thái độ, song ngay trước quyết định ngừng các chuyến bay đến Ai Cập tối 6-11, phía an ninh...