Tổng thống Putin phẫn nộ: Obama có thái độ thù địch, ‘tống tiền’ nước Nga
Có thể nói lần đầu tiên Tổng thống Nga Vladimir Putin có những lời lẽ rất mang tính chiến đấu về mối quan hệ Nga-Mỹ, khi ông nói đồng nhiệm Mỹ Barack Obama toan “tống tiền” nước Nga, và Mỹ có thái độ thù địch, can thiệp vào chuyện nội bộ của Nga.
Ông Putin trút hết sự phẫn nộ Mỹ liên tục cấm vận Nga với lý do Nga liên quan cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông, khi ông trả lời phỏng vấn của nhật báo Politika (Serbia) trước chuyến thăm Serbia 6 giờ của ông vào tối nay 15.10, và trước khi ông dự hội nghị thượng đỉnh ASEM ở Milan (Ý) ngày 17.10.
Lời nhắc nhở về chuyện vũ khí hạt nhân
Cuộc trả lời phỏng vấn được Điện Kremlin công bố khuya 14.10, trong đó ông Putin nhấn mạnh: những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra, khi một nước có vũ khí hạt nhân đe dọa một nước khác bằng cách leo thang những động thái chính trị-kinh tế.
Ông đề cập việc Tổng thống Obama nói trong bài diễn văn ngày 24.9 ở Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, rằng những đe dọa và thách thức mà nhân loại đang đối mặt là virus Ebola ở tây châu Phi, Nga hung hăng ở đông Ukraine và chỉ sau đó là IS”.
Ông Putin nói: “Cùng với những hạn chế chống toàn bộ nền kinh tế của chúng tôi, khó mà nói cách tiếp cận là gì ngoại trừ sự thù địch.
Video đang HOT
Chúng tôi hy vọng đối tác của chúng tôi sẽ hiểu sự liều lĩnh trong những toan tính tống tiền nước Nga, và nhớ ra những bất đồng giữa hai cường quốc hạt nhân lớn có thể tác động thế nào về sự ổn định chiến lược”.
Tổng thống Putin bày tỏ sự phẫn nộ
Ông Putin còn nói Mỹ xen vào chuyện nội bộ Nga, bằng cách gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine rồi trút đổ trách nhiệm cho Nga.
“Những gì xảy ra từ đầu năm nay thậm chí còn đen tối hơn. Washington nỗ lực ủng hộ phong trào phản đối Maidan rồi đổ tội Nga gây ra cuộc khủng hoảng, khi người mà họ bao che cho ở Kiev mượn chủ nghĩa dân tộc điên dại khiến một khu vực Ukraine xoay qua chống lại và đẩy nước này vào nội chiến”.
Ông Putin có thể sẽ gặp Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko vào thứ Sáu, kêu gọi Kiev nên sớm đối thoại quốc gia giữa tất cả đại diện các vùng miền và các tổ chức chính trị, giải quyết vấn đề sửa đổi hiến pháp để kết thúc cuộc xung đột quân sự, cuộc nội chiến ở Ukraine.
Đối thoại trên tinh thần bình đẳng
Ngày 12.10, ông Putin đã lệnh rút 17.600 quân Nga khỏi vùng biên giới giáp Ukraine. Theo các nhà phân tích, đó là động thái nhằm thuyết phục phương Tây nới lỏng những mức trừng phạt Nga.
Ông Putin nói Nga sẵn sàng cởi bỏ các rào chắn bất đồng với Mỹ, nhưng với điều kiện Mỹ phải tính đến những quyền lợi của Nga:
“Chúng tôi sẵn sàng phát triển các cuộc đối thoại mang tính xây dựng dựa trên nguyên tắc bình đẳng, xem xét quyền lợi của mỗi bên.
Các đối tác của chúng tôi nên nhận thức rõ ràng, rằng các nỗ lực gây sức ép lên Nga, thông qua các bước đơn phương hạn chế phi pháp sẽ không đem lại giải pháp nào cho khủng hoảng Ukraine, mà chỉ làm phức tạp thêm cuộc đối thoại”.
Nga hiện bất đồng với phương Tây sau khi sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga hồi tháng 3. Phương Tây cáo buộc Nga đưa quân và vũ khí vào miền đông Ukraine giúp phe đòi ly khai, nhưng Nga liên tục bác bỏ cáo buộc này.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, khi làm Tổng thống sau ông Putin từng là người tiên phong “tái khởi động” quan hệ Nga-Mỹ, nhưng mối quan hệ này nhanh chóng lạnh nhạt lại khi ông Putin có nhiệm kỳ tổng thống thứ ba từ năm 2012.
Ông Putin tuyên bố lệnh cấm vận của phương Tây sẽ thất bại, và vì chính sách này, các công ty Mỹ và EU phải chịu những tổn thất.
“Cùng lúc, các nước khác sẽ suy nghĩ kỹ, rằng liệu có hợp lý không khi giao vốn liếng của họ cho hệ thống ngân hàng Mỹ, tăng lệ thuộc vào cuộc hợp tác ,kinh tế với Mỹ”, ông Putin nói.
Ông cũng kêu gọi EU ủng hộ dự án ống dẫn khí South Stream gây tranh cãi: “Mọi người đều thắng trong việc này, cả người tiêu dùng Nga lẫn châu Âu, gồm cả Serbia”.
Bulgaria là thành viên EU, đã ngưng xây đoạn ống dẫn dầu của dự án hàng tỷ euro này qua nước họ, do bị Mỹ và các nước EU ép.
Tuyên bố của ông Putin vào thời điểm kinh tế Nga đang tăng trưởng chậm lại, giá trị đồng rúp mất giá vì giá dầu thế giới giảm. Vụ giảm giá này bị nghi là đã có một “thỏa thuận bí mật” giữa Mỹ và Saudi Arabia, quốc gia dẫn đầu Tổ chức xuất khẩu dầu quốc tế (OPEC).
Trong những ngày giao dịch, giá dầu giảm còn 80 USD/thùng đã tác động xấu không chỉ vào Nga, mà cả với những nước như Anh, Na Uy, thậm chí vùng Bakken ở bang Bắc Dakota (Mỹ) đồng thời làm các nền kinh tế tiếp tục tiến gần hơn đến bờ vực suy thoái.
Theo Tri Thức