Tổng thống Putin khiến Obama bị lu mờ
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khiến người đồng cấp Mỹ bị lu mờ, hay Tổng thống Putin đã giành quyền lãnh đạo thế giới từ tay ông Obama hoặc Tổng thống Putin tỏa sáng, ghi điểm trước Nhà lãnh đạo Mỹ…. Đây là những lời nhận xét, nhận định được đưa ra trong một loạt bài báo được đăng tải trên các tờ báo của thế giới trong những ngày qua.
Tổng thống Putin
Việc ông Putin được đánh giá cao hơn người đồng cấp Obama là điều dễ hiểu, khi mà giữa thời điểm các cường quốc đang “rối tung” lên vì cuộc khủng hoảng ở Syria thì chính quyền Nga đã bất ngờ đưa ra được một đề xuất giúp tháo gỡ được “mớ bòng bong” đó, ít nhất là trong thời điểm nóng bỏng nhất hiện nay.
Theo đề xuất được đưa ra hôm 9/9, Nga đề nghị đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát của quốc tế. Đề xuất này nhanh chóng được giới quan chức quốc tế và nhiều nước nhiệt liệt hoanh nghênh bởi họ cho rằng, đó là một hướng đi tích cực và có tính khả thi. Bản thân nhiều quan chức và người dân Mỹ cũng ủng hộ nhiệt tình cho đề xuất của phía Nga. Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy, cộng đồng quốc tế có thể tìm được một giải pháp ngoại giao cho “cuộc đối đầu” mang tầm quốc tế liên quan đến cuộc nội chiến ở Syria kể từ sau khi xảy ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở ngoại ô thủ đô Damascus hôm 21/8 khiến hơn 1.400 người chết.
Suốt những ngày qua, báo chí thế giới không ngừng đăng tải những bài viết nhận xét về cách xử lý cuộc khủng hoảng Syria của lãnh đạo hai siêu cường hàng đầu thế giới Mỹ và Nga. Các bài viết này đều có chung nhận định, Tổng thống Putin đã cao tay hơn người đồng cấp Obama và điều đó giúp ông này tỏa sáng trên chính trường quốc tế.
Nếu nhìn vào tình hình hiện nay, rõ ràng Nhà lãnh đạo Nga đang làm lu mờ Tổng thống Mỹ, giành vị trí lãnh đạo thế giới trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự về tình hình Syra. Đề xuất của Nga trở thành một sự lựa chọn được nhiều người ủng hộ để thay thế cho biện pháp bị chỉ trích là hiếu chiến của phía Mỹ.
Trong “cuộc đua” ở Syria, Tổng thống Putin đã vượt qua người đồng cấp Obama khi đưa ra được một biện pháp ngoại giao giúp ông chủ điện Kremlin không chỉ đạt được một loạt mục tiêu của Nga mà con nâng cao hình ảnh lãnh đạo của ông này.
Bằng đề xuất của mình, Nga đã bảo vệ được nước đồng minh Syria đồng thời giữ vững, nâng cao uy tín, ảnh hưởng cũng như lợi ích của Nga ở khu vực Trung Đông.
Video đang HOT
Trong khi cộng đồng quốc tế và ngay cả người dân Mỹ đang căng thẳng, hồi hộp chờ đợi một cuộc tấn công quân sự vào Syria với những hậu quả khó có thể lường trước thì đề xuất của Nga được “tung” ra kịp thời, như một trận mưa rào tưới xuống khu vực đang ngùn ngụt lửa cháy. Các nước thở phào nhẹ nhõm trước diễn biến này. Tránh được chiến tranh nghĩa là tránh được nguy cơ bùng nổ khu vực Trung Đông và tránh được một cuộc khủng hoảng kinh tế mới trên toàn cầu.
Dù tình hình chưa xoay chuyển hoàn toàn nhưng đề xuất của phía Nga đã đẩy chính quyền Obama vào thế bí và buộc phải chấp nhận đi theo hướng giải quyết của Moscow . Tổng thống Putin đã ghi điểm ngoạn mục trước “đối thủ” Obama. Ông Putin đã đưa ra được một giải pháp ngoại giao được ví là cái pháo cứu sinh cho người đồng minh Assad. Ông chủ điện Kremlin cũng đã ngăn không để cho ông chủ Nhà Trắng thao túng Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, tiếp tục đơn phương hành động theo ưu tiên của nước Mỹ.
Nói tóm lại, ít nhất vào thời điểm này, Nga đã tạo cho một vị trí là nước không thể thiếu trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm kiếm chế cuộc khủng hoảng ở Syria .
Sự cay đắng của Obama
Trong khi Tổng thống Putin đang đón nhận những lời khen ngợi thì ông Obama không tránh khỏi cảm thấy có sự bẽ bàng, cay đắng bởi người đồng cấp của ông đã vượt mặt ông quá ngoạn mục.
“Ông Putin hôm qua đã có ngày tuyệt vời nhất trên cương vị Tổng thống nhiều năm nay”, ông Ian Bremmer – Chủ tịch Nhóm Eurasia, đã nhận xét như vậy ngay sau khi đề xuất của Nga được đưa ra.
Sở dĩ nói ông Obama sẽ phần nào cảm thấy cay đắng bởi người đồng cấp Nga của ông đã ghi điểm trong lòng công chúng Mỹ, các đồng minh Châu Âu của ông và cộng đồng quốc tế. Thượng nghị sĩ Mỹ Rand Paul bình luận, nếu cuộc tranh cãi về vấn đề Syria là một trận đấu tennis thì Tổng thống Putin đã ghi điểm trước người đồng cấp Obama. “Lợi thế đang nghiêng về phía ông Putin”, ông Paul đã nói như vậy khi các nhà ngoại giao Nga, Mỹ đang trên đường tới Geneva để thảo luận về đề xuất của Nga.
Một chuyên gia khác và là giám đốc của Trung tâm Mỹ và Châu Âu ở Viện Brookings có tên là Fiona Hill cho biết: “Đó là một chiến thắng ngoại giao tuyệt đối của ông Putin vào thời điểm này. Nếu chúng ta nghĩ đó là một cuộc đấu võ judo (môn thể thao yêu thích của ông Putin) thì vừa rồi, Tổng thống Nga đã có đòn đánh hạ gục ông Obama và buộc Nhà lãnh đạo Mỹ phải chơi theo cách của mình”.
Trong những ngày qua, nhiều người đã gọi Tổng thống Putin là anh hùng và nói rằng, nếu đề xuất của Nga được thực thi thành công, giúp tránh được một cuộc chiến bùng nổ ở Trung Đông thì ông Putin xứng đáng được trao giải Nobel Hòa bình.
Ông Putin còn ghi điểm thêm ở chỗ ông này được tin là đã cứu Tổng thống Obama khỏi một bàn thua trông thấy. Trong lúc ông Obama đang hết sức lo lắng về một thất bại nhãn tiền tại cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Mỹ về kế hoạch tiến đánh Syria của ông thì Tổng thống Nga đã ném cho ông này một cái “phao cứu sinh”, giúp ông chủ Nhà Trắng rút lui trong danh dự.
Theo một nhà phân tích, đề xuất của Nga đã đem đến cơ hội cho ông Obama trong việc không phải khởi động một cuộc chiến tranh khác, không phải hứng chịu thất bại mất mặt ở Quốc hội và cũng không phải trở thành một Bush thứ hai. Tổng thống Mỹ đã “mắc nợ” người đồng cấp Nga về sự cứu nguy này.
Theo_VnMedia
Quân bài vũ khí hóa học của phe đối lập Syria
Tình hình chiến sự dai dẳng tại Syria đột ngột tăng nhiệt sau khi phe nổi dậy lại cáo buộc Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học giết hại hàng trăm người. Cáo buộc được đưa ra đúng vào thời điểm hết sức nhạy cảm, khi đoàn thanh sát vũ khí hóa học của LHQ đang tiến hành các điều tra tại Syria.
Tranh cãi
Theo Hãng BBC, phe chống đối cho biết quân đội Chính phủ Syria đã sử dụng rocket chứa nguyên liệu hóa học bắn vào khu vực Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus vào rạng sáng 21-8. Một đoạn video được lực lượng nổi dậy đăng tải lên YouTube cho thấy rất nhiều người đang được cấp cứu trong các bệnh viện dã chiến, trong đó có những trường hợp khó thở. Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ Liên minh dân tộc Syria (SNC) đối lập cho biết 650 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công lần này.
Theo phe chống đối, vụ tấn công này là một phần trong chiến dịch oanh tạc của Chính phủ Syria vào khu vực xung quanh thủ đô Damascus nhằm đẩy lùi các tay súng nổi dậy. Nếu như thông tin của SNC là đúng sự thật, đây sẽ là vụ giết hại bằng vũ khí hóa học lớn nhất trong hơn 2 thập niên qua.
Ngày càng có nhiều người dân Syria rời quê hương đi lánh nạn.
Ngay lập tức, Hãng thông tấn nhà nước Syria Sana tuyên bố những báo cáo của phe nổi dậy là hoàn toàn bịa đặt, nhằm làm chệch hướng điều tra của phái đoàn thanh sát vũ khí hóa học LHQ. Nhóm chuyên viên của LHQ sẽ thực hiện công tác điều tra tại 3 khu vực của Syria, trong đó có thị trấn Khan al-Assal, nơi 26 người bị giết hại vào tháng 3 vừa qua.
Trước đó, sau những cáo buộc của phe đối lập, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã cực lực phản đối việc sử dụng vũ khí hóa học trong các cuộc giao tranh tại Syria. Mỹ đã từng đe dọa sẽ can thiệp vào Syria nếu có bằng chứng về việc chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad sử dụng loại vũ khí giết người hàng loạt trên nhằm vào phe đối lập.
Nghi ngờ
Trong bối cảnh chuyên viên của LHQ được triển khai tại Syria, không ít người bắt đầu đặt câu hỏi rằng liệu có phải đây là "cái cớ" để hợp lý hóa các hành động can thiệp quân sự vào Syria, tương tự những gì đã diễn ra khi Mỹ tấn công Iraq hồi năm 2003 với lý do phát hiện vũ khí hủy diệt hàng loạt tại nước này. Một trong những lý do để hồ nghi là việc bổ nhiệm chuyên gia người Thụy Điển Ake Sellstrom - từng là cựu thanh sát viên vũ khí của LHQ tại Iraq - làm trưởng nhóm điều tra tại Syria.
Chuyên gia về chính trị Syria Hmaidi al-Abdullah nói: "Các nước phương Tây và nhất là Mỹ, đang có ý định tái diễn kịch bản Iraq tại Syria. Tuy nhiên, kế hoạch này sẽ không thành công do môi trường chính trị cùng thế cân bằng quyền lực trên thế giới hiện tại đã khác so với trước đây".
Theo ông Abdullah, vào thời điểm diễn ra chiến dịch can thiệp quân sự do Mỹ dẫn đầu nhằm vào Iraq, cộng đồng quốc tế bị chi phối bởi quyền lực của phương Tây, nhất là Mỹ, song tình hình hiện đã khác. Lập trường gần đây của Nga đã chấm dứt thế độc tôn của phương Tây. Cùng với đó, điều khác biệt cơ bản giữa hồ sơ Iraq và Syria là thỏa thuận giữa các cường quốc trong HĐBA LHQ đã khiến các cuộc điều tra mang tính công bằng hơn.
Đồng quan điểm với chuyên gia Hmaidi, Maher Morhej, Chủ tịch đảng Thanh niên Syria, nhận định mặc dù các nước phương Tây có ý định tái diễn kịch bản Iraq, song kế hoạch này đã bị cản trở bởi bối cảnh thực tế hiện nay.
Theo ông Morhej, nhiệm vụ duy nhất của cuộc điều tra là xác định xem liệu có phải các loại vũ khí hóa học đã được sử dụng tại Syria hay không chứ không phải là xác định các đối tượng phải chịu trách nhiệm về hoạt động này. Đó là một trong những điểm đã được các bên nhất trí theo thỏa thuận.
Ông Morhej cũng cho rằng các cường quốc phương Tây đã lấy vấn đề vũ khí hóa học để lôi kéo sự chú ý của dư luận đối với các loại vũ khí hóa học mà Syria sở hữu cũng như nhấn mạnh hơn quan ngại về việc các kho vũ khí này có thể rơi vào tay các phần tử xấu nếu chính quyền sụp đổ.
Theo SGGP
Trung Quốc bất ngờ dịu giọng về Biển Đông Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Liu Zhenmin hôm qua (19/7) đã phát biểu, Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy hòa bình, sự hợp tác, ổn định và phát triển ở khu vực Biển Đông. Những phát biểu mềm mỏng này được đưa ra một cách bất ngờ đúng một ngày sau khi báo chí chính thức của Trung Quốc "tung"...